Khoa học Đài Loan phát triển ấn tượng

Sau hai thập kỷ chuyển mình, các cộng đồng khoa học của Đài Loan đã và đang đi từ chỗ hoạt động chậm chạp tới chỗ trở thành các trung tâm nghiên cứu hoạt động sôi động, có tính kết nối, có nhiều tài trợ, thậm chí có nhiều lĩnh vực ở tầm thế giới. Sự thay đổi đó có được là nhờ nền kinh tế mạnh, sự hỗ trợ của chính phủ cho giáo dục và nghiên cứu, và công sức của GS Yuan Tseh Lee - Nobel Hóa học năm 1986.

Xây dựng Viện Academia Sinica

Năm 1986, GS Lee trở thành người Đài Loan đầu tiên đoạt giải Nobel, ông chia sẻ giải Nobel Hóa học với GS Dudley Herschbach và GS John Polanyi “vì những đóng góp trong việc quan tâm tới động lực của các quá trình hóa học cơ bản”. Tám năm sau, khi GS Lee đang là giáo sư tại Đại học California-Berkeley, Tổng thống Đài Loan khi đó, Teng-Hui Lee, đã mời ông trở về quê hương sau hơn 30 năm sống ở Mỹ. GS Lee đã nhận lời mời, và trong vòng 12 năm, ông đảm nhiệm vai trò chủ tịch viện nghiên cứu Academia Sinica của Đài Loan – tổ chức khoa học nhà nước với 30 viện thành viên hoạt động trong các lĩnh vực nhân văn, khoa học xã hội, và khoa học tự nhiên. Ông bảo hộ nghiên cứu khoa học và giáo dục ở mọi cấp độ trên cả nước. “Và để thúc đẩy khoa học ở Đài Loan”, GS Lee nói, “tôi cần làm hai việc. Một là có được tài trợ cho khoa học gia tăng một cách bền vững và hai là mang về các nhà khoa học hàng đầu ở tất cả các lĩnh vực”.

Chủ tịch viện Academia Sinica được phép liên lạc trực tiếp tới Tổng thống và Thủ tướng. “Điều đó khiến cho việc thuyết phục họ về tầm quan trọng của khoa học trở nên dễ dàng hơn”.

Ông đã góp phần quan trọng trong việc thuyết phục chính phủ tăng ngân sách cho viện Academia Sinica thêm 10%/năm trong vòng 10 năm. Trong năm 2013, ngân sách nội bộ của viện Academia Sinica bao gồm lương cán bộ, duy trì cơ sở hạ tầng, và các hoạt động nghiên cứu vào khoảng 450 triệu USD (xấp xỉ 14 tỷ Đài tệ), trong đó khoảng 120 triệu USD dành cho các lĩnh vực khoa học liên quan tới vật lý. “Mọi người kính nể tôi vô điều kiện bởi vì giải Nobel”, ông nói. Chủ tịch viện Academia Sinica được phép liên lạc trực tiếp tới Tổng thống và Thủ tướng. “Điều đó khiến cho việc thuyết phục họ về tầm quan trọng của khoa học trở nên dễ dàng hơn. Tất nhiên, nền kinh tế của Đài Loan khi đó thuận lợi”. Năm 1994, ngân sách cho khoa học của Đài Loan vào khoảng 1,6% GDP. Ngày nay, ngân sách cho khoa học của Đài Loan đạt mức 3% GDP; và từ 1994 đến 2013, GDP của Đài Loan tăng từ 250 tỷ USD đến 470 tỷ USD. Nói một cách ngắn gọn, GS Lee đã dẫn nối một phần sự tăng trưởng đáng ghi nhận của nền kinh tế Đài Loan – thường gọi là sự thần kỳ Đài Loan – vào trong nền khoa học của nó một cách hiệu quả.

Ngay khi lập ra viện mới (bên trong viện Academia Sinica) hay cần một người điều hành mới, ông đã tới Harvard, MIT, Illinois, Stanford thu hút các nhà khoa học xuất sắc quay trở lại Đài Loan. GS Yuh-Lin Wang, một trong những nhà khoa học từ Mỹ về làm việc ở Viện khoa học Nguyên tử và Phân tử của Academia Sinica năm 1991, sau khi hoàn thành các nghiên cứu tại Đại học Chicago và sau tiến sĩ tại Bell Labs, nói rằng GS Lee đã tạo các điều kiện làm việc giống như Viện Max Planck ở Đức hay Viện Hàn lâm Khoa học của Nga trước khi bị suy giảm vào giai đoạn cuối của chiến tranh lạnh, nên đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu, và giúp họ tập trung vào nghiên cứu; nhiều người trong số họ đồng thời đảm nhận các vị trí ở các trường đại học để tăng cường kết nối giáo viên và đại học. Trong thời kỳ GS Lee làm chủ tịch, ngân sách của viện “ở mức dồi dào để có thể hỗ trợ các nghiên cứu chuyên sâu điều hành bởi gần 900 nhà khoa học đầu đàn”.

GS Lee cũng đã chiêu mộ nhiều nhà khoa học nước ngoài cho các vị trí trong các trường đại học; ông lập nên một quỹ riêng để hỗ trợ thêm vào tiền lương chính phủ quy định. Lương trả cho các nhà nghiên cứu ở trường đại học chủ yếu đến từ Hội đồng Khoa học Quốc gia (National Science Council), một cơ quan dự định sẽ bị thay thế trong tháng này bởi một Bộ Khoa học và Công nghệ mới. Trong một thập kỷ vừa qua, đã có các chương trình quốc gia – được tài trợ bởi Hội đồng Khoa học Quốc gia và các cơ quan khác – trong các lĩnh vực như viễn thông, công nghệ nano, thiết bị kỹ thuật số, y học di truyền, và năng lượng, với ngân sách thông qua hằng năm từ 30 triệu USD (viễn thông) tới 200 triệu USD (năng lượng). Trong năm 2013, tách biệt với các chương trình quốc gia kể trên, ngân sách hằng năm của Hội đồng Khoa học Quốc gia dành cho vật lý vào khoảng 24 triệu USD; ngân sách này duy trì ổn định từ năm 2009, thời điểm nó bị cắt giảm do sự suy thoái của kinh tế toàn cầu. Nhà đầu tư công nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với vật lý là công ty chế tạo bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co-TSMC) khi đã chi 1,4 tỷ USD trong năm 2012.

Tăng đầu tư cho đại học

Các trường đại học cũng có được sự chuyển dịch với sự đầu tư cơ sở hạ tầng từ Bộ Giáo dục, tổng cộng gần 1,7 tỷ USD từ năm 2005 đến năm 2010. Trong thời gian này, GS Maw-Kuen Wu, đồng tác giả khám phá ra chất siêu dẫn ô xít Đồng-Bari-Yttri (YBCO), đang đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội đồng Khoa học Quốc gia; ông nói, “chúng tôi [Hội đồng Khoa học Quốc gia] đã mạnh mẽ đề nghị chính phủ tăng thêm đầu tư cho các trường đại học để có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, và Hàn Quốc”. Bảy đại học chủ chốt đã nhận được đầu tư này, theo GS Wu, nhà vật lý trở về Đài Loan năm 1989 từ Đại học Columbia và đang là Chủ tịch Đại học Quốc gia Dong Hwa với 20 năm tuổi nằm ở bờ phía đông của đảo. Do tiền thường được phân bổ đồng đều giữa các nhà khoa học trong các trường đại học Đài Loan, Hội đồng Khoa học Quốc gia đã đặt ra các chính sách mới cùng với ngân sách chặt chẽ hơn, điều đó làm gia tăng các mức cạnh tranh và kéo theo là trình độ khoa học. Tỷ lệ được phê chuẩn của các đề tài dưới 55%, so với 70-80% một thập kỷ trước đó.

Đài Loan cũng tham gia dự án kính thiên văn vô tuyến khổng lồ ALMA ở Chile, kính thiên văn Pan-STARRS ở Hawaii, dự án AMS-02 nghiên cứu về tia vũ trụ và vật chất tối từ ngoài trạm vũ trụ quốc tế ISS, thí nghiệm B-factory của Nhật, thí nghiệm Belle và Belle II, thí nghiệm Daya Bay về neutrino, thí nghiệm đặt dưới lòng đất PandaX về vật chất tối ở Trung Quốc, thí nghiệm ATLAS và CMS tại CERN.

Một trong các chính sách của Hội đồng Khoa học Quốc gia là tiền đề tài được sử dụng linh hoạt hơn. Ví dụ, theo GS Hsiu-Hau Lin, nhà vật lý tại Đại học quốc gia Tsing Hua, ngân quỹ cho nguồn nhân lực – sinh viên và trợ lý – và cho chi tiêu thường ngày bây giờ có thể được dùng chung, tiền dự kiến tiêu cho máy móc thiết bị có thể được hoán đổi vào mục đích khác, và tiền cho dự án dài hạn bây giờ không bị nhỏ giọt hằng năm. Hơn nữa, quá trình xét duyệt cho các đề tài giờ đã được minh bạch hơn, theo GS Kao tại Đại học quốc gia Yang-Ming, người trở thành chủ tịch Hội Vật lý Đài Loan trong tháng Một vừa rồi. Tiền cho một đề tài về vật lý lý thuyết trung bình khoảng 30.000 USD một năm, và cho vật lý thực nghiệm trung bình khoảng 60.000 USD, theo GS Lin. Một vài đại học tốt nhất có được tiền tài trợ cao hơn nhiều. GS Mei-Yin Chou, nhà vật lý Đài Loan, người đã sống 30 năm ở Mỹ, hầu hết tại Viện công nghệ Georgia, so sánh sự hỗ trợ nghiên cứu giữa hai nước: “Ở Đài Loan, nếu làm việc tốt, bạn dường như không phải lo lắng về tài trợ. Ở Mỹ, nhiều nhà khoa học giỏi vẫn đang phải cạnh tranh để có được hỗ trợ”. Bà chỉ ra rằng mức tiêu pha cá nhân và các chi phí khác ở Đài Loan thấp hơn, do vậy phần lớn tiền tài trợ được dùng cho nghiên cứu.

Nhiều đại học hỗ trợ tiền thưởng cho các công bố khoa học, một cơ chế được tạo ra do lương giảng viên đại học Đài Loan thấp hơn các nước xung quanh, theo GS Minn-Tsong Lin tại Đại học Quốc gia Đài Loan, người đang đứng đầu mảng vật lý của Hội đồng Khoa học Quốc gia. Các phần thưởng được tạo ra để khuyến khích việc công bố các kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế với mức cao vào khoảng 20.000 USD, phụ thuộc vào hệ số trích dẫn (impact factor) của tạp chí khoa học. Ví dụ, Shih Ping Lai, nhà thiên văn vô tuyến tại Đại học quốc gia Tsing Hua, đã nhận được 1700 USD tiền thưởng cho bài báo của cô vừa xuất bản trên tạp chí vật lý thiên văn (Astrophysical Journal). “Đại học muốn thúc đẩy công bố khoa học”, cô giải thích. “Nhưng nếu họ không thưởng, tôi vẫn muốn làm việc.”

Hơn một nửa các nhà vật lý của Đài Loan làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới vật lý đậm đặc (hay chất rắn). Lĩnh vực nghiên cứu này hưởng lợi từ ngành công nghiệp hàng đầu thế giới về vi mạch, bán dẫn và quang điện tử của Đài Loan. Quang học phi tuyến, khoa học nano, lý sinh và sinh quang lượng tử, vật lý plasma, năng lượng cao, và thiên văn – đặc biệt là thiên văn vô tuyến – là những thế mạnh của Đài Loan.

Phía trước khoa học Đài Loan là gì? Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng văn hóa Đài Loan đã và đang được giải phóng nhờ quá trình dân chủ rộng khắp và sự phổ biến của mạng internet. Khoa học đang dịch chuyển theo chiều hướng sáng tạo hơn và xa dần văn hóa mà GS Mei-Yin Chou gọi là “me-too”. “Trong hệ thống giáo dục cũ, chúng tôi được dạy để học theo sách vở”, bà nói. “Bây giờ cả xã hội trở nên cởi mở, điều đó thúc đẩy sự sáng tạo. Điều đó được phản ánh trong thế giới học thuật”. GS Kao đồng tình: “Xã hội chúng tôi khá năng động. Chúng tôi có thể cung cấp một mô hình chỉ cho mọi người thấy một đất nước diện tích nhỏ hay trung bình vẫn có thể làm được những việc tầm cỡ. Nếu bạn có ý chí làm những việc lớn lao, bạn có thể khẳng định được chỗ đứng của mình trên thế giới”.

Đỗ Quốc Tuấn (NCS Vật lý lý thuyết tại Đại học quốc gia Chiao Tung, Đài Loan) lược dịch bài viết của Toni Feder trên tạp chí Physics Today số 67(3), 45 (2014

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)