Khoa học Nga tỉnh giấc (Kỳ I)

Khoa học Nga đã vượt qua giai đoạn sống cầm cự và đang nỗ lực lấy lại hào quang đã mất. Chính phủ đang hỗ trợ cho các trường đại học và nghiên cứu ứng dụng, vậy tương lai nào chờ đợi Viện Hàn lâm Khoa học Nga?

Tháng vừa rồi, Bộ Khoa học và Giáo dục Nga đã công bố kết quả đầu tiên của chương trình tài trợ lớn (megagrants) – nỗ lực tăng cường nghiên cứu khoa học tại các trường đại học của nước này. Bộ đưa ra những tài trợ “khổng lồ” lên tới 5 triệu USD để thu hút các nhà khoa học hàng đầu thế giới tới xây dựng các phòng thí nghiệm tại các trường đại học của Nga. Trong số 40 người nộp hồ sơ thành công đầu tiên có những cái tên rất nổi tiếng như Ferid Murad đoạt giải Nobel Y Sinh học năm 1998, nhà toán học Stanislav Smirnov đoạt giải Fields năm 2010.

Tuy nhiên, chương trình đã thất bại trong việc thu hút hai “con cá lớn”: hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý của năm nay Andre Geim và Konstantin Novoselov. Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Nga nhưng hiện đang làm việc tại đại học Manchester, Anh.

Kết quả giải Nobel công bố tháng trước đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Nga về việc tại sao có nhiều nhà khoa học tài năng của đất nước này – những người rời bỏ đất nước vào giai đoạn khủng hoảng những năm 1990 – vẫn gắn bó với những trường đại học nước ngoài và làm lợi cho nền kinh tế của nước đó. “Tôi không quan tâm tới những khoản tiền tài trợ lớn của Nga. Rất khó để điều hành hai phòng thí nghiệm cùng một lúc”, Geim giải thích.

Khoa học Nga đã khác nhiều so với thời điểm Geim và Novoselov rời Nga những năm 1990, thời điểm mà có những nhà nghiên cứu phải tranh thủ lái xe taxi kiếm sống sau giờ tan sở. Lương dần được tăng lên, và mới gần đây, Chính phủ Nga, nhận ra đất nước không thể tiếp tục phát triển dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đã đưa ra các chương trình thúc đẩy các ngành công nghiệp cần có nghiên cứu đi tiên phong như công nghệ nano. Các nhà nghiên cứu của Nga trong nước cũng như ở nước ngoài hoan nghênh những chương trình như vậy nhưng than phiền chính phủ vẫn chưa tài trợ thích đáng cho nghiên cứu cơ bản và thất bại trong việc tiến hành cải cách các viện nghiên cứu, đặc biệt là Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) – tổ chức nghiên nhận được nhiều ưu đãi nhưng vẫn tiếp tục tài trợ cho số lượng lớn các cơ sở nghiên và các nhà nghiên cứu thành viên làm việc không hiệu quả.

Một số nhà khoa học vận động RAS sử dụng cơ chế tài trợ minh bạch và dựa trên bình duyệt để tạo động lực cho các nhà nghiên cứu giỏi, năng động. Và Chính phủ đáp trả lại những chỉ trích trên bằng cách đưa ra một loạt chương trình khuyến khích nghiên cứu tại các trường đại học ngoài tầm kiểm soát của RAS. Nhưng trong khi các nhà khoa học Nga ủng hộ những nỗ lực này thì họ lại tỏ ra thận trọng khi đánh giá liệu điều này đã đủ để tạo ra chất lượng của khoa học Nga. “Những người ở đỉnh cao cố gắng làm những điều tốt nhất để phục hồi nền khoa học Nga. Nhưng khoa học vẫn trong tình trạng rối ren, và tham nhũng đã trở thành vấn nạn”, Geim nói.

Sự phục hồi chậm rãi

Vào thời kỳ đỉnh cao của chính quyền Xô viết, khoa học rất có uy tín. RAS thực hiện phần lớn các nghiên cứu cơ bản và được tài trợ nhiều, có tới hàng trăm viện nghiên cứu thành viên. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trong các thành phố khoa học đặt ở nhiều vùng hẻo lánh của nước Nga và thường phục vụ cho quân đội. Những ngành công nghiệp mũi nhọn có khoản ngân sách dồi dào cho R&D và tài trợ cho các viện nghiên cứu. “Vào thời kỳ Liên Xô, khoa học thực sự là một sự nghiệp, và tất cả những người ưu tú đều ở đây”, Sergei Guriev, trường Kinh tế mới của Moscow nói. Andrei Furenko – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục nhắc lại câu nói tiếu lâm thời đó: “Khoa học là gì? Đó là phương pháp thoả mãn trí tò mò của bạn bằng nguồn tiền của Nhà nước”. Trước khi liên bang Xô viết sụp đổ, có tới 2 triệu nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên tại hơn 4.600 viện nghiên cứu.

Nhưng vào năm 1994, khi tạp chí Science thực hiện chuyên đề về khoa học Nga nhiều phòng thí nghiệm đã trở nên trống vắng, bám bụi, nhiều nhà nghiên cứu không trang trải nổi tiền mua các thuốc thử cho thí nghiệm hoặc thậm chí là trả tiền điện. UNK, máy gia tốc hạt tại Viện Vật lý năng lượng cao, có thể cạnh tranh với máy gia tốc hạt tại CERN và phòng thí nghiệm Fermi, trong tình trạng chưa hoàn thiện. Tại Gatchina gần St. Petersburg, việc xây dựng lò phản ứng PIK, nguồn sản sinh neutron nhiệt độ cao cho các nghiên cứu về vật liệu, lý, hoá mới chỉ hoàn thành được 75% dự án.

Lương của các nhà nghiên cứu không đủ sống và với việc nới lỏng quy định về đi lại nhiều người đã sang nước ngoài tìm việc, trong đó có cả Geim và Novoselov. Những thống kê chính thức cho thấy khoảng 25.000 nhà khoa học đã rời tổ quốc ra đi trong khoảng thời gian 1989 tới 2004, nhưng theo thống kê độc lập thì có khoảng 80.000 nhà khoa học đã rời đi.

Một số may mắn tìm thấy những nguồn tài trợ khác như liên kết với các phòng thí nghiệm nước ngoài, giành được những hợp đồng nghiên cứu của các tập đoàn quốc tế. Để tạo nên sự cạnh tranh với RAS, Chính phủ đã thành lập Quỹ Nghiên cứu cơ bản (Russian Foundation for Basic Research-RFBR) tài trợ cho những đề tài nghiên cứu được tuyển chọn trên cơ sở bình duyệt nhưng nguồn tài chính thì khá eo hẹp. Suốt thập kỷ đó, mục đích chính của các nhà khoa học là sống sót hơn là tạo ra năng suất trong nghiên cứu.

Sau năm 2000, do kinh tế khởi sắc, đời sống của các nhà khoa học bắt đầu được cải thiện. Chính phủ từng bước tăng lương: các nghiên cứu viên của RAS có thể thu nhập gấp 5-6 lần so với một thập kỷ trước. “Vẫn chưa đủ nhưng so với những năm trước đã chấp nhận được. Lương của nhà nghiên cứu cao hơn so với mức trung bình của xã hội”, Fursenko nói. 

Tỉnh dậy sau giấc ngủ đông, khoa học Nga tái hoà nhập với cộng đồng. Chính phủ cung cấp tiền để hoàn thành lò phản ứng PIK, và lò này gần như sẵn sàng hoạt động. “Tài chính mới đủ cho lò phản ứng nhưng không đủ cho các thiết bị khác. Chúng tôi đang cố gắng tìm nguồn tài chính cho công việc này, Valery Fedorov, Giám đốc nghiên cứu neutron tại Viện Vật lý hạt nhân Petersburg nói. Máy gia tốc UNK vẫn chưa hoàn thành, nhưng các nhà nghiên cứu tại Protvino nói họ vẫn có thể tiến hành các thí nghiệm ở quy mô nhỏ, phối hợp với CERN tại châu Âu cũng như phòng thí nghiệm Brookhaven và Fermi ở Mỹ.

JINR- một trong những phòng thí nghiệm nổi tiếng của Nga và dẫn đầu thế giới về vật lý hạt nhân cũng bắt đầu mở rộng hoạt động. “Giai đoạn 12 năm từ khi Liên Xô tan rã thực sự là khó khăn đối với Viện của chúng tôi. Ngân sách bị giảm sút nghiêm trọng và thậm chí còn không được cung cấp”, Mikhail Itkis, Giám đốc JINR, nói. Trong thời gian này, không thể tiến hành việc nâng cấp trang thiết bị cũng như không mua mới – phòng thí nghiệm chỉ duy trì hiện trang ban đầu. Tài trợ quốc tế giúp duy trì hoạt động. JINR có 18 thành viên từ các quốc gia trong liên bang Xô viết, hiện tại họ vẫn ở trong hội đồng, ngay cả một số đã trở thành thành viên NATO và Liên minh châu Âu.

Năm 2000, khi mới được bầu làm Tổng thống, Vladimir Putin đã công nhận tầm quan trọng của phòng thí nghiệm với việc thông qua luật cho JINR vị thế đặc biệt và được miễn thuế đất. JINR nhanh chóng nhận được nguồn ngân sách đầy đủ và nhưng vẫn chưa đủ nhiều: năm 2005 ngân sách cấp cho JINR là 37 triệu USD cho 5.000 nhân viên. JINR đã yêu cầu các thành viên tăng đóng góp của họ lên 20% và tiếp tục kêu gọi họ cho tới khi ngân sách có thể đạt tới 200 triệu USD vào năm 2016. Các thành viên đã đồng ý. Năm tới ngân sách sẽ tăng lên 100 triệu USD. Viện hiện đã có những trang thiết bị mới và một số được nâng cấp. “Chúng tôi không thể đứng đầu thế giới trong mọi lĩnh vực của khoa học vật lý nhưng trong một vài lĩnh vực thì có thể. Đó là chính sách của chúng tôi”, Itkis nói.

(Còn tiếp)
Ngọc Tú lược dịch (Science, Vol 330, 11/2010)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)