Khoa học Nhật Bản: Cần chuyển đổi môi trường nghiên cứu

Bất chấp một nguồn nhân lực mạnh, khoa học Nhật Bản đang tiếp tục bị suy giảm trong các chỉ dấu về chất lượng do môi trường nghiên cứu hiện nay của Nhật Bản thật sự thiếu bền vững, cần phải được tái định hình.

Một báo cáo của chính phủ nêu một sự thật là khoa học Nhật Bản không tạo ra nghiên cứu ở đẳng cấp thế giới như Mỹ hay Trung Quốc. Nguồn: Makiko Tanigawa/Getty

Theo một báo cáo của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, KH&CN Nhật Bản (MEXT), mới công bố vào cuối tháng 10/2023, đóng góp của Nhật Bản vào các nghiên cứu mang đẳng cấp quốc tế sẽ ngày một suy giảm, bất chấp việc có một cộng đồng nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới.

Masatsura Igami, Giám đốc của Trung tâm Dự báo và các chỉ số S&T tại Trung tâm chính sách KH&CN quốc gia (NISTEP) ở Tokyo, và là một trong số các tác giả của báo cáo “Các chỉ số KH&CN 2023”, cho biết tổng số các nhà nghiên cứu của Nhật Bản đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này lại không tạo ra nghiên cứu có mức tác động cao tương đương như đã làm được ở hai thập kỷ trước. Số lượng các bài báo ở cấp độ toàn cầu của Nhật Bản thuộc top 10% những bài báo được trích dẫn nhiều nhất thế giới giảm từ 6% xuống 2%, làm gia tăng mối lo ngại ở Nhật Bản về sự suy giảm danh tiếng quốc tế của mình.

“Các nhà khoa học Nhật Bản không phải là kém hiệu suất làm việc hơn trước mà do môi trường nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác đã được cải thiện nhiều so với vài thập kỷ trước. Trong khi đó, môi trường nghiên cứu hiện nay của Nhật Bản còn xa mới đạt mức lý tưởng và thật sự thiếu bền vững, cần phải được tái định hình”, ông Igami nói.

Thời gian và tiền bạc

Một vài điểm trong sự suy giảm này cũng có thể là do kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, Igami phân tích. Báo cáo năm 2023 cho thấy các khoản chi tiêu cho nghiên cứu trong trường đại học đã tăng trưởng khoảng 80% ở Mỹ và Đức, và 40% ở Pháp, tăng gấp bốn ở Hàn Quốc và tăng gấp 10 ở Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ qua. Trái lại, tài trợ của Nhật Bản lại chỉ tăng có 10%.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà nghiên cứu nhận được nhiều khoản tài trợ hơn thì việc tạo ra các nghiên cứu có tác động cao sẽ vẫn là một thách thức, bởi vì các nhà khoa học Nhật Bản có ít thời gian nghiên cứu trên thực tế hơn, Igami chỉ ra. Theo một phân tích vào năm 2020 của MEXT, tỷ lệ thời gian mà các nhà nghiên cứu trong trường đại học dành cho nghiên cứu khoa học giảm từ 47% xuống còn 33% vào thời điểm giữa năm 2002 và năm 2018.

“Các nhà nghiên cứu trong trường đại học ngày một trông chờ vào việc có thể đảm nhận những vai trò đa dạng trong giảng dạy, hợp tác với công nghiệp, gắn kết cộng đồng. Trong y học, các nhà nghiên cứu trẻ ngày một dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc lâm sàng để giành được các khoản thu ở các bệnh viện,” Igami nói. “Trong khi đó, có những lợi ích để các trường đóng góp cho xã hội rộng lớn hơn ở nhiều cách khác nhau, vì vậy nó làm giới hạn thời gian làm nghiên cứu”. 

Triển vọng nghề nghiệp xấu đi?

Để dành lấy nhiều thời gian quý báu hơn, Wataru Iwasaki, một nhà sinh học tính toán tại Đại học Tokyo, người tham gia Hội đồng Khoa học Nhật Bản với vai trò đại diện cho các nhà nghiên cứu đầu sự nghiệp, mong muốn có nhân viên hỗ trợ, bao gồm nhân viên hành chính và các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm cũng như các nhân viên có chuyên môn về kinh doanh để đảm trách các mối hợp tác với lĩnh vực tư nhân. Hiện tại, các trường đại học Nhật Bản chỉ có một nhân viên kỹ thuật cho 20 nhà nghiên cứu, một con số thấp hơn so với nhiều quốc gia khác mà báo cáo 2023 nêu ra.

Nhân viên hỗ trợ có thể sẽ làm gia tăng xu hướng xa rời các mô hình phòng thí nghiệm phổ biến ở Nhật Bản, Ono cho biết thêm. Cấu trúc các phòng thí nghiệm thông thường trao cho các thành viên chính quyền kiểm soát hướng nghiên cứu và nguồn lực, còn các thành viên trẻ tuổi hơn thì đóng vai trò hỗ trợ. Ví dụ, ĐH Tohoku nơi đã được lựa chọn là một trong những trường đón nhận tài trợ mới của Nhật Bản dành cho các trường đại học, đã cam kết bổ nhiệm nhiều nghiên cứu viên trẻ vào vị trí nghiên cứu viên chính. Nhưng thiếu các nhân viên hỗ trợ, quyền tự chủ đột ngột có thể sẽ phản tác dụng với các nhà nghiên cứu trẻ. Ono nói khi cô là một nhà nghiên cứu chính, cô không có kinh nghiệm trong việc điều hành một phòng thí nghiệm nhưng lại có các sinh viên phụ thuộc vào hướng nghiên cứu của mình trong khi cần đạt được các mục tiêu nghiên cứu mà không nhận được sự hỗ trợ nào – một trải nghiệm mà cô miêu tả là “không đủ sức chống chịu”. “Sự căng thẳng đến cùng với nó rất có hại cho nỗ lực dài hạn tạo dựng nghiên cứu có tác động lớn”, cô nói.

Igami nói, việc chứng kiến các thành viên trong phòng thí nghiệm vật lộn với những khó khăn đó cũng khiến cho các nhà nghiên cứu trẻ không muốn theo đuổi nghề nghiên cứu nữa. Ông cho biết, số lượng các nghiên cứu sinh đã suy giảm 21% trong hai thập kỷ qua. Việc thu hút nhiều hơn các nghiên cứu sinh đến phòng thí nghiệm, những người có thêm nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và các học viên cao học, sẽ đóng vai trò then chốt cho việc làm ra những nghiên cứu có ảnh hưởng cao cho Nhật Bản, ông nói.

“Môi trường nghiên cứu của Nhật Bản không tiến triển so với quá khứ, và triển vọng nghề nghiêp trong giới khoa chỉ ngày một xấu hơn, vì các trường đại học ngày một tăng các vị trí tạm thời cho các nhà nghiên cứu”, ông nhận xét.

———

Mức tài trợ của Chính phủ Nhật Bản cho các trường đại học, nơi phần lớn các nghiên cứu KH&CN được thực hiện, đã bị cắt giảm 1% mỗi năm, kể từ khi họ vuột khỏi sự kiểm soát của chính phủ và được tư nhân hóa như một phần của cuộc cải cách toàn diện năm 2004. Điều này khiến cho tổng tài trợ của chính phủ giảm từ 1,24 nghìn tỉ yên vào năm 2004 xuống còn 1,08 nghìn tỉ yên vào năm 2022.

Takahiro Ueyama, một thành viên của Hội đồng KH, CN và đổi mới sáng tạo của chính phủ, cho biết các trường ĐH Nhật Bản không thể cạnh tranh với các trường đại học quốc tế dồi dào về nguồn lực. Và công chúng ‘sẽ không chấp nhận” lấy thêm nhiều tiền thuế để đầu tư cho khoa học.

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: nature.com

(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)