Khoa học và công nghệ nano Việt Nam: Phát triển thiếu định hướng
Phát triển mạnh mẽ từ khoảng 10 năm trở lại đây, những nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ nano trong nước đã thành lập được những nhóm nghiên cứu mạnh. Nhưng làm thế nào để có thể phát triển theo một định hướng chung tránh sự trùng lặp và phân tán thì vẫn là câu hỏi khó với nhiều người.
Những tiền đề
Theo PTS. Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ-ĐH Bách Khoa Hà Nội (HAST), điều này không có gì là ngạc nhiên vì đa số các nhà vật lý lâu nay vẫn nghiên cứu các vật liệu khối, màng thông thường, giờ chuyển sang làm các loại vật liệu kích thước micro, nano, làm màng mỏng hơn.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước đầu tư trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm về nano cũng giúp các nhà nghiên cứu thuận lợi hơn trong công việc như phòng thí nghiệm trọng điểm về vật liệu điện tử tại Viện Khoa học Vật liệu, phòng thí nghiệm tại các trường ĐH BKHN, ĐH QGHN… Trong khoảng 5 năm trở lại đây, TP. HCM đi đầu trong đầu tư phát triển công nghệ nano cho khu công nghệ cao. Tại ĐH QG TP. HCM, phòng thí nghiệm về nano do GS Đặng Mậu Chiến làm giám đốc được đầu tư 5 triệu USD chủ yếu làm về các linh kiện điện tử, được xem là một trong những phòng thí nghiệm nano có đầy đủ các trang thiết bị.
“Những lĩnh vực điện tử rất khó đi vào do cần phải đầu tư lớn. Mình chủ yếu làm để nắm bắt kỹ thuật. Những lĩnh vực có thể ứng dụng: vật liệu nano, ứng dụng nano trong bảo vệ môi trường, y sinh học. Hiện nay các nhà khoa học VN cũng đang đi theo các hướng này”, GS Phan Hồng Khôi nói. Hai năm trước nhóm nghiên cứu mà GS Phan Hồng Khôi tham gia đã chế tạo thành công ống nano carbon. Mới đây, họ cùng thành lập công ty TNHH Công nghệ Nano Việt Nam liên doanh với một đối tác nước ngoài để sản xuất ra ống nano carbon. |
Nếu chúng ta có chương trình kết hợp với chính sách hợp lý phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, có chính sách đầu tư lâu dài và làm ngay bây giờ thì 10 năm nữa mới có được những thành quả đầu tiên. Tại Việt Nam nếu đặt câu hỏi thời điểm này thành tựu nổi bật của CN nano thì rất khó trả lời. Trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm thì trên cơ sở các kết quả nghiên cứu cơ bản chúng ta có nghiên cứu một số vật liệu nano, linh kiện vi cơ điện tử. PGS. Phạm Thành Huy |
Đào tạo trong lĩnh vực khoa học nano cũng phát triển nhanh. Năm 1992, Viện Đào tạo quốc tế về KH Vật liệu (Viện ITIMS) được thành lập trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các trường đại học Hà Lan và Việt Nam. Đây có thể được xem là trung tâm đào tạo, nghiên cứu về khoa học vật liệu đầu tiên được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất khang trang. GS. Thân Đức Hiền cho biết, “nhờ có dự án lớn này, chúng tôi cũng có cơ hội xây dựng trung tâm nghiên cứu mạnh của ngành khoa học vật liệu gồm 14 phòng thí nghiệm nhỏ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.” Với sự hỗ trợ của Hội đồng tư vấn quốc tế gồm các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực khoa học vật liệu của đại học Hà Lan, chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn quốc tế, có đưa những môn học rất mới ở các trường đại học của Hà Lan sang như mô hình hóa, tin học vật liệu… Sau gần 20 năm thành lập, những học viên đầu tiên của ITIMS đã trở thành những nhà khoa học chủ chốt trong lĩnh vực này.
Hiện nay, tại nhiều trường đại học cũng có khoa về khoa học và công nghệ nano như ĐH QGHN, ĐH BKHN, ĐH QG TP. HCM… và một số trường mới đầu tư cho khoa học nano như ĐH Sư phạm HN, ĐH Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y, ĐH Huế…
Mở rộng hợp tác quốc tế
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nano đều cho rằng xu hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nano diễn ra rất mạnh mẽ. Việt Nam cũng rất tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài để phát triển nghiên cứu và đào tạo. Hằng năm đều có các Hội nghị quốc tế trong lĩnh vực này được tổ chức. Mới đây nhất, vào tháng 10/2010, hội nghị quốc tế về khoa học vật liệu và công nghệ nano (IWAMSN 2010) được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này.
Theo PGS Phạm Thành Huy, “trong điều kiện cơ sở nghiên cứu còn nhiều thiếu thốn, nghiên cứu nội lực của Việt Nam có tăng lên nhưng vẫn còn thua một số nước lân cận. Các nghiên cứu của chúng ta vẫn phụ thuộc lớn vào hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong những lĩnh vực mới như khoa học và công nghệ nano. Nghiên cứu về nano và đặc biệt là làm về công nghệ nano đòi hỏi những công nghệ rất đắt tiền, môi trường phòng sạch của chúng ta chưa đủ tiêu chuẩn để làm công nghệ ở mức nano. Tuy nhiên, cũng chính bởi điều này các nhà nghiên cứu của Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong hợp tác quốc tế và nên xem đây là một kênh hỗ trợ cho việc nghiên cứu và đào tạo nhân lực”.
Hiện TS Đỗ Vân Nam, nghiên cứu viên tại Viện HAST, đang tham gia vào mạng lưới nghiên cứu về màng nano của các trường đại học của Pháp và Tây Ban Nha do Liên minh châu Âu tài trợ. Theo TS Nam, “sự hợp tác chỉ có thể thành công khi cả hai bên ngang bằng. Nếu không mình chỉ là người theo học. Các nhóm nghiên cứu nếu được xem là “mạnh” cần phải được hưởng nguồn tài chính nhất định để đầu tư cho trang thiết bị, nhân lực trong nhóm. Nếu không thì rất khó tạo được ấn tượng với các đối tác nước ngoài. Hơn nữa, khi người đứng đầu nhóm không có điều kiện lo cho những sinh viên có năng lực thì sau khi tốt nghiệp họ sẽ đi tìm ông thầy khác”.
Có cần một Chương trình quốc gia về KH&CN nano?
Cho đến thời điểm hiện tại, không có chương trình nano riêng vì theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này khoa học nano là một khoa học liên ngành, đa ngành rất khó tách riêng. Hiện nay, các đề tài nghiên cứu về nano vẫn nằm trong các chương trình chuyên ngành về vật lý, hóa học, khoa học sự sống… Các nhà nghiên cứu về nano có khả năng muốn đăng ký đề tài đều được chấp nhận. Song về mặt tổng quát, tính tập trung không cao.
“Việc không có một chương trình riêng cũng có mặt hạn chế: không đưa ra được định hướng chung, đâu là những lĩnh vực Việt Nam nên tập trung nghiên cứu. Số lượng các nhà nghiên cứu Việt Nam đạt được chuẩn quốc tế không nhiều nếu nhìn vào số lượng đề tài được NAFOSTED tài trợ 2 năm gần đây. Nếu chúng ta nghiên cứu dàn trải thì hiệu quả sẽ không cao”, PGS Phạm Thành Huy nói.
Hiện nay có nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về, hoàn toàn có đủ khả năng để đảm nhận những trọng trách tại các trung tâm nghiên cứu mới thành lập. GS. Thân Đức Hiền |
Sự hợp tác chỉ có thể thành công khi cả hai bên có sự ngang bằng. Nếu không mình chỉ là người theo học. TS Đỗ Vân Nam |
TS Đỗ Vân Nam bổ sung, “chương trình khoa học và công nghệ nano là cần thiết vì nhiều khi hiện nay nhiều đề tài trong lĩnh vực này vẫn “núp danh” dưới những cái tên khác. Việc thiếu tính tập trung sẽ không thể tạo ra được các trào lưu và trường phái trong nghiên cứu.”
Là một trong những người đề nghị thành lập chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ nano, GS Phan Hồng Khôi phân tích, “nếu có chương trình định hướng quốc gia thì sẽ giúp phân bố được các nhóm nghiên cứu, tránh trùng lặp và đầu tư có hiệu quả hơn. Nhiều quốc gia đưa ra định hướng chung cho nghiên cứu, đào tạo và sản xuất của từng chuyên ngành. Phát triển ứng dụng theo hướng nào hay chỉ làm nghiên cứu lý thuyết, tập trung đào tạo… cần phải có định hướng để các nhà khoa học theo. Chúng ta thì chưa có “bộ chỉ huy”, các đề tài nghiên cứu chủ yếu do các nhà khoa học đề xuất. Đây cũng là vấn đề lớn của các ngành khoa học khác của Việt Nam.”
Tại Hội nghị Vật lý năm 2010, một số nhà khoa học đầu ngành vật lý có đề xuất một forum cho các nhà nghiên cứu về nano đăng ký đề tài có thể biết thông tin để tránh trùng lặp Nhưng theo PGS Phạm Thành Huy đây không phải là kênh chính thống.