Khoán chi: Thông thoáng nhưng không dễ

Thông tư liên tịch 27/2015/BKHCN-BTC về khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/2/2016.  Đây là một chủ trương đúng đắn, vốn đã được các nhà khoa học chờ đợi từ lâu. Hãy xem các nhà khoa học nhận xét gì khi Thông tư ban hành và liệu cơ chế mới này có giải quyết hết những bất cập khi nghiệm thu đề tài?

Khoán chi chính là điểm nổi bật nhất của Thông tư 27/2015/BKHCN-BTC, được hai vị Bộ trưởng Nguyễn Quân (Bộ KH&CN) và Đinh Tiến Dũng (Bộ Tài chính) ký vào sát ngày cuối cùng của năm 2015. Với quy định mới này, ngoài việc lập dự toán (theo Thông tư 55), các nhà khoa học tùy vào tính chất công việc có thể lựa chọn khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần. Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu kết quả. Các đề tài được yêu cầu phải có sản phẩm cụ thể, có chỉ tiêu rõ ràng về chất lượng và số lượng tạo ra, có địa chỉ ứng dụng và đề tài được nghiệm thu chỉ khi các tiêu chí đặt ra ban đầu được thỏa mãn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đánh giá Thông tư 27 là một trong những văn bản tạo bước chuyển rất mạnh trong việc tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cũng như đơn giản hóa các thủ tục tài chính cho các nhà khoa học – nhà khoa học chỉ cần nộp kết quả cuối cùng, đáp ứng đủ các tiêu chí của đề tài là sẽ được nghiệm thu – và giúp họ yên tâm thực hiện nghiên cứu khoa học với khoản kinh phí được giao trong quá trình thực hiện.

Không còn phải “nói dối” hay “biến tấu”

TS. Nguyễn Hồng Phương (Viện Vật lý địa cầu) – người từng nhận nhiều đề tài cấp nhà nước và cấp bộ, cho biết ông “háo hức” chào đón Thông tư 27 như một “cuộc cách mạng” mang lại “sự thông thoáng” và “tự do nghiên cứu” cho các chủ nhiệm và các cán bộ tham gia thực hiện đề tài”. Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Nhược Kim (Đại học Y Hà Nội) khẳng định: “Nếu thực hiện khoán chi sẽ gỡ được nhiều vướng mắc về thủ tục tài chính, qua đó giúp các nhà khoa học thuận tiện hơn, chủ động hơn trong quá trình thực hiện các công trình nghiên cứu của mình”.

Tinh thần của Thông tư 27 là cho phép cá nhân chủ trì và tổ chức thực hiện nhiệm vụ không nhất thiết phải chi theo dự toán, miễn là tạo ra được sản phẩm khoa học như đã đăng ký. Vì vậy, theo TS. Đoàn Đình Phương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu), khi áp dụng Thông tư 27, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ sẽ không phải “biến tấu”, không phải “nói dối” khi thay đổi nội dung nghiên cứu so với dự toán ban đầu.

Khó có ai dám chắc chắn được nghiên cứu của mình sẽ thành công, bởi “nếu biết chắc chắn là thành công thì đó không phải là khoa học”.

Một ưu điểm nữa của Thông tư 27 là nâng cao hiệu quả nghiên cứu và tinh thần chịu trách nhiệm của nhà khoa học, bởi nếu kết quả nghiên cứu không đáp ứng được tiêu chí đặt hàng, các nhà khoa học sẽ phải hoàn trả từ 40-100% kinh phí thực hiện đề tài. Cơ chế này rõ ràng cũng làm tăng thêm trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi giao nhiệm vụ và giám sát thực hiện nhiệm vụ.

Theo TS. Nguyễn Hồng Phương, Thông tư 27 với yêu cầu sản phẩm phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, có địa chỉ ứng dụng, sẽ khiến sản phẩm nghiên cứu thực chất hơn, và giúp ngân sách được sử dụng có hiệu quả cao hơn hẳn so với cách làm đăng ký đề tài “ào ào”, bảo vệ xong rồi không mấy khi được đưa vào ứng dụng như trước đây. Ông cũng tin rằng, cơ chế mới sẽ tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch, và khuyến khích những người trẻ có năng lực tham gia, thay vì tạo những lợi thế mập mờ, không thỏa đáng đem lại lợi thế cho những nhà khoa học “sống lâu lên lão làng”.

Không phải sản phẩm nào cũng khoán được

Tuy nhiên, để Thông tư 27 thực sự đi vào thực tiễn, GS. Nguyễn Năng Định (Đại học Công nghệ) cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn thực hiện, trường hợp nào được khoán và khoán đến đâu. Theo ông, có sản phẩm không nên khoán, có sản phẩm không thể khoán được, và cũng có sản phẩm không thể thẩm định chính xác được.

Nghiên cứu khoa học là một công việc đặc thù, mang tính sáng tạo cao, tính rủi ro cũng cao, không phải khi nào cũng có thể theo đúng một lộ trình vạch sẵn ra từ 2-3 năm trước (tức là khi lập dự toán). Theo PGS.TS Vũ Thị Thu Hà (Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Lọc, hóa dầu), chúng ta phải hiểu rõ bản chất của nghiên cứu khoa học: thứ nhất là mức độ rủi ro, thứ hai là độ trễ. Khó có ai dám chắc chắn được nghiên cứu của mình sẽ thành công, bởi “nếu biết chắc chắn là thành công thì đó không phải là khoa học”. Ngay việc triển khai từ nghiên cứu ứng dụng ra sản xuất cũng chỉ có 90% khả năng thành công, còn nghiên cứu cơ bản thì tỷ lệ thành công còn thấp hơn nữa. Nhà nghiên cứu thường phải tìm và thử nhiều phương án rồi mới chọn ra được một cách giải quyết; có nghiên cứu không thành công nhưng từ kết quả đó, nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm hướng nghiên cứu mới.

Nhận xét về những yêu cầu chặt chẽ kèm theo cơ chế khoán chi của Thông tư 27, TS. Đoàn Đình Phương cho rằng thật không dễ dàng cho các nhà khoa học hay người chủ trì nhiệm vụ nếu họ không tạo ra được sản phẩm như đã đăng ký và phải hoàn trả từ 40% đến100% kinh phí nhà nước cấp phát. Điều này buộc nhà khoa học trước đó phải có những nghiên cứu thăm dò, phải tạo ra được sản phẩm ở qui mô nào đấy. “Như vậy, nhà khoa học sẽ lấy kinh phí nghiên cứu thăm dò này ở đâu?” Theo quan điểm của TS. Đoàn Đình Phương, yêu cầu chặt chẽ này đòi hỏi bản thân cơ quan chủ trì phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tạo ra được những quỹ nghiên cứu của riêng mình để ươm tạo những ý tưởng của các nhà khoa học, nuôi dưỡng chúng, trước khi chúng đơm hoa kết trái, trở thành các nhiệm vụ khoa học lớn hơn.

Tóm lại, nếu thực hiện tốt, Thông tư 27 có thể sẽ tác động mạnh đến việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN và phương thức tổ chức, quản lý của các tổ chức KH&CN theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu chủ trương ấy có thực sự “cởi trói” các nhà khoa học hay không? Nhưng dù gì đi nữa, như GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẳng định, cơ chế khoán chi “sẽ mang lại những tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nhiệm vụ khoa học một cách hiệu quả hơn”, và là một tiến bộ tất yếu để KH&CN Việt Nam hội nhập quốc tế.

Tác giả