Không cao nhưng phải hợp lý

LTS. Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, người ta nói nhiều về vấn đề lương của giới khoa học. Có ý kiến cho rằng, khó mà làm khoa học trong điều kiện lương bổng như hiện nay, đồng thời lại có ý kiến cho rằng nhà khoa học phải biết dấn thân và hy sinh để làm nghiên cứu.  GS Hoàng Tụy đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng chung quanh chủ đề này.




Không nhà khoa học nào đòi hỏi đời sống vật chất cao mới làm việc – những người như thế ít khi muốn làm khoa học thật sự. Nhưng nhà khoa học mà phải chạy ăn hằng ngày hoặc phải làm thêm mới đủ sống thì cũng không thể làm chuyên môn tốt được. Lương của nhà khoa học vì thế cần bảo đảm cho họ một mức sống hợp lý, trên mức trung bình của xã hội, để họ được giải phóng khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Đồng lương thấp dễ gây ra chảy máu chất xám. Các nhà khoa học có tài sẽ ra nước ngoài sống hoặc không về nước sau khi được gửi đi đào tạo. Tuy nhiên tôi không nghĩ những người đó là không yêu nước. Với đồng lương thấp, họ không thể yên tâm làm việc, khó duy trì các mối liên hệ quốc tế và khi đã bị cô lập thì rất khó phát triển tài năng; trong khi đó ở nước ngoài lương cao, điều kiện làm việc tốt, năng lực của họ có nhiều cơ hội phát triển nhanh – việc họ không quay về cũng là điều dễ hiểu. Thay vì phê phán họ,  ta nên có chính sách thiết thực hơn để tránh thiệt hại do mất dần đội ngũ cán bộ khoa học có tài.

Nhà khoa học đã thành danh thường có thể làm thêm nhiều việc khác mà vẫn có thể bảo đảm tốt công việc chuyên môn. Nhưng đối với các nhà khoa học trẻ, muốn thành công thường phải tập trung hết thời gian cho công việc chuyên môn. Ít nhất trong 10 năm đầu, họ phải dành toàn tâm, toàn ý và toàn thời gian cho nghiên cứu. Nếu không được như vậy, năng lực của họ sẽ bị phân tán và dễ mai một.  Tôi biết nhiều tài năng trẻ đã mau chóng tàn lụi chỉ vì mải lo cơm áo gạo tiền. Trách họ ư ? Vâng, nhưng cuộc sống là vậy, ai không biết điều đó mới thật là người đáng trách và không nên làm quản lý.

 

Hai phần tách bạch

Phải thấy rằng, ngoài nhu cầu vật chất như bất kỳ người bình thường nào, nhà khoa học còn có những nhu cầu đặc thù khác.

Trước hết, đó là nhu cầu trao đổi với bạn bè đồng nghiệp, nhu cầu được làm việc trong những nhóm khoa học để cùng nhau hình thành ý tưởng, phát triển sáng tạo. Điều kiện vật chất khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến lâu nay trong nước chưa hình thành được các nhóm khoa học mạnh. Chưa kể vì những khó khăn đó không ít nhà khoa học có tài đã chọn sống và làm việc ở nước ngoài. Chỉ nói một việc thông thường là hợp tác quốc tế. Ở các nước phát triển, các nhà khoa học đều có kinh phí riêng để tham dự các hội thảo hay sinh hoạt học thuật quốc tế cần thiết. Những nhóm khoa học tâm đắc với nhau dù ở cách xa nhau hàng trăm km vẫn có thể hẹn hò gặp nhau nơi nào đó hằng tháng trời để hợp tác cùng nhau thực hiện những chương trình nghiên cứu hay biên khảo chung.

Từ đó có khi nảy ra những công trình đặc sắc, ra đời những trường phái nổi tiếng như trường hợp nhóm toán học Bourbaki ở Pháp trước đây. Trong khi đó ở nước ta, nếu không được nhà nước tài trợ, nhà khoa học lấy đâu ra kinh phí đi dự hội nghị học thuật ở nước ngoài. Ngay cả chỉ đi dự hội nghị trong nước cũng còn phải đắn đo, nói gì gặp nhau cả tuần, cả tháng chỉ để làm khoa học tâm đắc.

Hơn nữa, nhà khoa học muốn phát triển tài năng cần có học trò giỏi và khi họ đã thành tài có thể giữ được họ trong nhóm của mình, ít ra là giữ được họ cùng đeo đuổi một số hướng nghiên cứu chung. Nhưng ở nước ta, người trẻ giỏi thường cần du học nước ngoài để dễ thành đạt, cho nên thầy trong nước dù giỏi cũng khó có học trò xứng đáng, và dù có may mắn đào tạo được người nào thì chỉ vài năm sau họ được mời ra nước ngoài rồi có khi đi mất hút luôn để gia nhập những nhóm nghiên cứu ở ngoài giúp họ thành đạt nhanh hơn mà còn dành cho họ nhiều điều kiện vật chất thuận lợi hơn trong nước.

Giao du với bạn bè đồng nghiệp quốc tế cũng là một nhu cầu của nhà khoa học. Nếu mức sống giữa họ và các bạn đồng nghiệp nước ngoài quá chênh lệch sẽ dễ nảy sinh những mặc cảm và những vấn đề tế nhị. Ví dụ, tôi được bạn mời nhưng đến khi muốn mời lại bạn thì tôi không có tiền. Trước đây mấy chục năm, các bạn hiểu cho ta thôi và chúng tôi cũng không thấy có vấn đề gì nhưng ngày nay, những chuyện đó không còn được thông cảm dễ dàng như trước.

Đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế là nhu cầu cơ bản, mà cũng là nhiệm vụ của người làm khoa học. Viết các bài khoa học thì đã tốn công sức, không có nhuận bút, mà có một số tạp chí còn đòi tác giả phải trả hàng trăm USD mới chịu đăng bài. Đối với các nhà khoa học nước ngoài thì tiền ấy lấy trong kinh phí nghiên cứu khoa học nên không thành vấn đề, nhưng đối với các nhà khoa học của ta chưa có khoản đó, mà nếu có, lại thường được coi như khoản bù đắp thêm cho chi phí sinh hoạt. Vì vậy có trường hợp đăng bài rồi quỵt luôn, đành chịu tiếng bất lịch sự, hoặc chuyển bài sang tạp chí khác ít thích hợp hơn. Gần đây nhiều người ngạc nhiên khi thấy số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam quá ít so với khả năng thực tế, nhưng ít ai nhớ tới đây cũng là một nguyên nhân.

Một vấn đề khác là để làm việc mỗi nhà khoa học đều có nhiều hồ sơ, giấy tờ, tài liệu phải lưu trữ, thường xuyên sắp xếp và xử lý. Việc đó mất khá nhiều thì giờ. Ở các nước tiên tiến, các nhà khoa học có trình độ, các giáo sư, đều có thư ký giúp việc, ít thì cũng 3-4 nhà khoa học chung một thư ký. Nếu nhà khoa học tự làm lấy mọi việc đó thì thời gian làm khoa học và năng suất nghiên cứu bị ảnh hưởng. Trước đây từng có những nghiên cứu so sánh năng suất làm việc của giáo sư Liên Xô và giáo sư Mỹ cho thấy năng suất của giáo sư Liên Xô kém giáo sư Mỹ một phần quan trọng do ở Mỹ những việc không cần đến trí tuệ của giáo sư thì đều có người khác làm thay, trong khi ở Liên Xô, chỉ những nhà khoa học làm lãnh đạo mới được hưởng điều kiện đó.

Vì nhiều lẽ như thế, chính sách về lương cho nhà khoa học cần tách bạch hai phần: phần để bảo đảm điều kiện sinh hoạt bình thường, phần để bảo đảm điều kiện nghiên cứu. Ở ta, trong khoa học cơ bản mãi gần đây mới bắt đầu chú ý việc đó nhưng cũng chưa có cách giải quyết dứt khoát, mà thực chất vẫn nhằm tạm thời tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho nhà khoa học.

 

Không thể đòi hỏi ai cũng là Perelman

Cái nhìn thực tế phải như vậy. Khi bàn chính sách lương cho người làm khoa học, không nên chỉ nhằm đến hai đối tượng: một là những người quá chú trọng tiền tài, đặt tiền tài lên trước sự nghiệp; hai là những người tự nguyện dấn than, chấp nhận mọi trở ngại khó khăn để làm khoa học (nhân đây, xin nói rõ dấn thân không có nghĩa là thụ động chấp nhận làm việc trong mọi điều kiện sống và làm việc tồi tệ vô lý). Hai đối tượng này đều thuộc số ít, trong khi đối tượng cần chú ý là số đông của cộng đồng, gồm những người làm khoa học bình thường.

Một chính sách về khoa học mà đặt trên giả thiết hoặc đòi hỏi người làm khoa học phải có tinh thần hy sinh cao thì là chính sách thiếu thực tế, chỉ hô hào suông, đồng thời cũng hết sức vô lý vì tại sao chỉ đòi hỏi sự hy sinh đơn phương từ phía các nhà khoa học, mà không thấy nghĩa vụ của cơ quan lãnh đạo, quản lý.

Mới đây, có chuyện nhà toán học nổi tiếng người Nga Grigori Perelman từ chối giải thưởng trị giá 1 triệu USD của Viện Toán học Clay với tuyên bố: “Tôi không cần gì hết. Tôi đã có tất cả những gì mình muốn”, mặc dù ông đang sống với bà mẹ già trong căn hộ dưới mức tiện nghi thông thường. Trong khoa học những con người đáng nể phục như vậy cũng không phải quá hiếm, tuy nhiên lấy họ làm gương để noi theo thì không mấy ai. Riêng tôi chẳng hạn, thú thật ở địa vị của ông ấy, chắc tôi không làm như vậy và không hề mặc cảm hay xấu hổ nói ra điều này. Không nên và không thể đòi hỏi nhà khoa học nào cũng như Perelman. Nếu ai cũng coi thường vật chất đến cực đoan như thế thì có lẽ là thảm họa cho khoa học.

Cách đây ít lâu, tôi nghe kể trên báo chí một vị lãnh đạo cấp cao khi được hỏi về vấn đề tăng lương cho các nhà khoa học đã nói đại ý, lương của ông cũng chỉ mới 7-8 triệu một tháng thì lương nhà khoa học làm sao có thể 10-12 triệu/tháng được. Có lẽ vị lãnh đạo đó chưa biết, ngay ở một vài nước xã hội chủ nghĩa trước đây, lương của ông Chủ tịch Viện Hàn lâm đã cao ngang lương Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Chẳng thế mà có lần ông Trần Bạch Đằng, một nhà cách mạng lão thành từng viết trong một bài báo rằng lương một nhà khoa học lớn cao ngang lương Chủ tịch nước hay Thủ tướng cũng nên xem là chuyện bình thường. Ở Mỹ lương nhiều giáo sư hàng đầu cao hơn lương Tổng thống. Ở Hàn Quốc trước đây khi thành lập viện KIST một số nhà khoa học cũng được xếp lương cao hơn lương Tổng thống khi ấy. Vả chăng ngay ở Việt Nam lương của các Tổng giám đốc các tập đoàn (có khi làm ăn lỗ nặng) đã gấp đến chục lần lương của vị lãnh đạo cấp cao nói trên.

Nói vậy cho hết lẽ, chứ điều vô lý đã tồn tại dai dẳng trong xã hội ta là ở chỗ lương chỉ là phần nhỏ, thu nhập thực mới là phần chính. Mà thu nhập thì vô chừng và hầu như không có kiếm soát minh bạch, tùy thuộc nhiều vào khả năng “xoay xở” của từng người. Nhà giáo, nhà khoa học thường chỉ có cách xoay xở là làm thêm những việc khác ngoài nhiệm vụ chính của mình, có khi trái với lương tâm nhưng vẫn phải làm mới đủ sống. Tuy cũng không ít người nhờ thế mà giàu, nhưng chẳng ai vì thế mà giúp cho khoa học phát triển được. Đất nước cũng chẳng thể vì thế mà giàu mạnh lên được. 

Thái Thanh (ghi)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)