Kinh nghiệm từ nước Pháp

Đầu tháng 11 vừa qua, tạp chí Tia Sáng đã gặp và tìm hiểu về công tác truyền thông của các cơ quan và cơ sở điện hạt nhân của Pháp, như CEA, IRSN, EDF, và AREVA.

Công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp có thể chia làm ba lĩnh vực. Truyền thông cho các dự án điện hạt nhân, truyền thông quảng bá công nghệ điện hạt nhân, và truyền thông trong trường hợp có tai nạn hoặc sự cố hạt nhân.

Trong thời kỳ sơ khai của điện hạt nhân ở Pháp hồi giữa thế kỷ 20, công tác truyền thông không được chú trọng nhiều, tổ chức mang tính ngẫu nhiên (ad-hoc communication) và một chiều bởi các cơ quan Nhà nước và công ty điện hạt nhân, nhận xét từ bà Jeanne Marcucci – Demeure, phó giám đốc Cơ quan Hạt nhân Quốc tế Pháp (AFNI) thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) của Pháp. Tuy nhiên theo thời gian, công tác này được từng bước cải thiện. Bắt đầu từ truyền thông mang tính một chiều, trong đó người dân đóng vai trò thụ động trong tiếp thu thông tin từ các cơ quan Nhà nước và công ty điện hạt nhân, dần chuyển thành truyền thông song song hai chiều, trong đó người dân chủ động đặt ra các câu hỏi về điện hạt nhân, chủ yếu là vấn đề an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ. Tiếp theo, công tác truyền thông được nâng lên một bước nữa khi có sự quan tâm theo dõi của nhiều đối tượng có lợi ích liên quan, từ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trên cả nước và tại các địa phương, các tổ chức đoàn thể đại diện cho tiếng nói khác nhau, đặc biệt là các nhóm môi trường. Hiện nay, sự tham gia của các đối tượng này không chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi tìm hiểu thông tin, mà chủ động tích cực cùng nhau thỏa thuận để đưa ra các quyết định. 

Pháp được coi là một cường quốc điện hạt nhân của thế giới, với 19 nhà máy điện hạt nhân (58 lò phản ứng PWR) có tổng công suất năm 2010 là 475,6 Twh (tỷ lệ điện nguyên tử so với toàn bộ sản lượng điện ở Pháp là 75,4%). Ngành công nghiệp này của Pháp có 37 triệu khách hàng trên thế giới, doanh thu năm 2010 là 65,2 tỷ Euro, tạo 900.000 việc làm (trong đó 120.000 việc làm trực tiếp tại nhà máy điện) đồng thời hợp tác với nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Việt Nam… trong xây dựng nhà máy, chuyển giao CN, khắc phục sự cố.


Truyền thông cho các dự án điện hạt nhân

Thông qua những cuộc thảo luận công khai và những cuộc trưng cầu ý kiến rộng rãi, Pháp đảm bảo được các tiêu chí quan trọng trong truyền thông điện hạt nhân, đó là dân chủ, công khai và minh bạch.

Không chỉ trong lĩnh vực điện hạt nhân, với mọi loại dự án đầu tư có giá trị từ 300 triệu Euro trở lên, thông tin ngay từ giai đoạn xây dựng dự án đã phải được cung cấp đầy đủ cho Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia (Commission Nationale du Débat Public), cơ quan độc lập chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc thảo luận công khai lấy ý kiến công chúng. Ba vấn đề cơ bản của mỗi dự án được cân nhắc bàn thảo tại các cuộc thảo luận bao gồm lợi ích của quốc gia, ảnh hưởng kinh tế – xã hội, và ảnh hưởng môi trường. Những cuộc thảo luận công khai này giúp cung cấp thông tin đa chiều cho các bên liên quan.


Françoise Bidard

Theo bà Françoise Bidard, chuyên gia phụ trách về quan hệ quốc tế của Công ty Điện lực Pháp (EDF), quá trình thảo luận của công chúng được diễn tra trên phạm vi toàn quốc, kéo dài từ 13 tới 15 tháng, đủ thời gian để các bên nhận được những thông tin đa chiều quan trọng. Phía công chúng được cung cấp thông tin và đặt câu hỏi về dự án, đồng thời các cấp quản lý và chủ đầu tư được tiếp thu ý kiến phản hồi từ các nhà khoa học, các tổ chức môi trường, và đông đảo các tầng lớp công chúng khác.

Sau giai đoạn thảo luận trên phạm vi toàn quốc là giai đoạn lấy ý kiến công chúng địa phương, trong phạm vi bán kính 10 – 15 km xung quanh địa điểm đầu tư. Ít nhất chủ đầu tư phải đưa ra 3 địa điểm để người dân cân nhắc lựa chọn. Thời gian lấy ý kiến từ 1 tới 2 tháng. Mục tiêu của giai đoạn này nhằm cung cấp cho công chúng ở địa phương các thông tin về dự án, và thu thập tất cả các ý kiến phản hồi của người dân gửi tới các cấp quản lý Nhà nước và chủ đầu tư, trước khi dự án được quyết định thông qua hay không thông qua. Nếu dự án không nhận được sự đồng tình của người dân địa phương thì dự án phải hủy bỏ.

Tháng 12-1948, dưới sự lãnh đạo của Frerdérx Joliot-Curie lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của Pháp mang tên Zoé được đưa vào hoạt động, chạy bằng urani thiên nhiên và dùng nước nặng (D20) làm chậm nơtron. Lò này công suất rất nhỏ, chủ yếu dùng để làm thí nghiệm. Lò phản ứng đầu tiên cung cấp điện năng của Pháp là lò G1 xây dựng ở Marcoule bên bờ sông Rhôme miền Đông Nam nước Pháp, bắt đầu hoạt động từ tháng 9-1956. Tiếp theo là lò G2 (9-1958) và lò G3 (1959) đều dùng urani thiên nhiên.
Với việc xây dựng thành công nhà máy làm giàu urani ở Pierrelantte vào năm 1965, từ năm 1970, Pháp chuyển sang xây dựng loại lò phản ứng dùng urani giàu (hàm lượng urani- 235 khoảng 3-4%), dùng nước thường (H20) làm chậm nơ-tron và làm nguội lò. Loại lò này được gọi là “lò nước dưới áp suất” (Pressurized Water Reactor, ký hiệu là PWR), được dùng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Chính nhờ phát triển mạnh mẽ công nghệ điện nguyên tử mà nước Pháp đã thực hiện được “sự độc lập năng lượng” (Indépendance éneergétique), không lệ thuộc vào việc nhập dầu của nước ngoài, vượt qua được các cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 và 1979).
Tất cả các nhà máy ĐHN của Pháp đều cùng sử dụng loại lò phản ứng PWR (thời gian hoạt động 20 năm/tuổi thọ đến 60 năm) nên tạo thuận lợi cho việc nâng cấp, đổi mới công nghệ, sửa chữa thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Pháp là một trong số ít cường quốc điện hạt nhân trên thế giới có một chương trình chủ động tái chế chất thải hạt nhân, được thực hiện tại COGEMA, La Hague. hoạt động làm giàu nguyên liệu hạt nhân được Pháp tiến hành 100% trong nước, tại Trung tâm Năng lượng hạt nhân Tricastin. Pháp cũng tiến hành tái chế nhiên liệu hạt nhân cho các nước khác, như Mỹ và Nhật, là các quốc gia không có được chương trình xử lý chất thải hạt nhân toàn diện như Pháp.


Thông qua cuộc điều tra lấy ý kiến tại địa phương trong giai đoạn phát triển dự án, người dân địa phương không chỉ đặt ra mọi câu hỏi mà còn có thể thỏa thuận với chủ đầu tư dự án về các lợi ích mà địa phương có thể nhận được, ví dụ như đầu tư xây dựng hạ tầng, bệnh viện, trường học, nguồn nhân lực của địa phương tham gia xây dựng nhà máy.


Chủ đầu tư và các bên liên quan tới dự án chịu trách nhiệm cung cấp mọi thông tin cần thiết cho Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia, một cơ quan hoàn toàn độc lập với Chính phủ. Mặt khác, Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin được cung cấp cho công chúng, và đảm bảo rằng mọi câu hỏi của công chúng đều được trả lời đầy đủ, căn cứ theo Luật Minh bạch và an toàn hạt nhân. Những ràng buộc này cùng với sự độc lập của Cơ quan An toàn hạt nhân (Autorité de sûreté nucléaire) và Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia giúp công tác truyền thông điện hạt nhân của Pháp luôn có tính dân chủ và minh bạch cao.

Các văn bản pháp quy liên quan đến an toàn hạt nhân ở Pháp
– Ngày 13/7/2005, Quốc hội thông qua chính sách phát triển năng lượng hạt nhân (sau 250 cuộc thảo luận, lấy ý kiến của công chúng trong vòng 2 năm)
– Ngày 15/6/2006, Quốc hội thông qua Luật minh bạch và an ninh hạt nhân, 
Luật này quy định: công chúng phải được cung cấp thông tin đầy đủ và nhà cầm quyền, các cơ quan an toàn hạt nhân phải trả lời những câu hỏi của công chúng trong thời gian ngắn nhất có thể (quyền của người dân); cơ quan an toàn hạt nhân hoạt động độc lập với Chính phủ; kiểm tra toàn diện nhà máy ĐHN sau 10 năm hoạt động, nếu bảo đảm kỹ thuật mới được cấp phép cho hoạt động tiếp.
– Năm 2006 Quốc hội thông qua Luật quản lý và xử lý chất thải (qua trưng cầu dân ý trong 4 tháng và tạo được sự đồng thuận của công chúng).
Việc truyền thông dự án nhà máy điện Flamanville 3:
– Hơn 9 tháng dành cho Ủy ban chuẩn bị tài liệu và tranh luận;
– 21 cuộc họp công cộng tại Pháp từ giữa tháng 10 năm 2005 đến tháng 2 năm 2006 và 1 cuộc họp mang tầm quốc gia gồm, với 4.200 người tham dự.
– 110.000 tài liệu được công bố
– 30.000 lượt truy cập website liên quan
– 800 câu hỏi liên quan đến:  Môi trường xây dựng, thời gian NNP, sự an toàn; sử dụng, đào tạo việc làm tại địa phương; nghĩa vụ tham gia, đóng góp vào kinh tế – xã hội của địa phương.


Truyền thông ở địa phương và nhà máy

Nếu như Ủy ban Thảo luận Quốc gia có thẩm quyền trên phạm vi cả nước, thì ở từng địa phương Pháp lập ra các Ủy ban Thông tin Địa phương (Local Information Commission). Đây cũng là những cơ quan độc lập, vừa chịu trách nhiệm về tính minh bạch thông tin các dự án, vừa là cầu nối giữa công chúng với chủ đầu tư.

Khoảng 50% số thành viên trong mỗi Ủy ban Thông tin Địa phương, trong đó có Chủ tịch Ủy ban, là do người dân địa phương trực tiếp bầu lên. 50% số thành viên còn lại là do Chủ tịch Ủy ban chỉ định, đại diện cho các lĩnh vực và chuyên môn khác nhau, như y tế, cứu hộ, bảo vệ môi trường, v.v.

Ủy ban Quốc gia về Thảo luận Công (Commission Nationale du Débat Public) là một cơ quan độc lập, được thành lập theo luật Barnier (1995) về bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ nhằm “đảm bảo quyền tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng các dự án liên quan tới lợi ích đáng kể của Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan và tổ chức, và mọi cá nhân.

“Việc tham gia của công chúng ở đây có thể dưới hình thức các cuộc thảo luận công khai, qua đó làm rõ về sự cần thiết, mục tiêu, và những đặc tính cơ bản của dự án, và các cách thức tiếp tục trao đổi thông tin với công chúng kế tiếp sau mỗi cuộc thảo luận.

Quyền tham gia của công chúng xuyên suốt giai đoạn phát triển một dự án, từ nghiên cứu tiền khả thi tới khi kết thúc các cuộc điều tra lấy ý kiến công chúng …

Ủy ban phải đảm bảo rằng thông tin được thông báo tới công chúng trong các giai đoạn xây dựng và triển khai dự án là thông tin chính xác, minh bạch. Ủy ban chịu trách nhiệm tư vấn cho công chúng về các cơ quan và tổ chức có thẩm quyền cung cấp thông tin cho công chúng trong suốt quá trình phát triển của mỗi dự án. Ủy ban cũng chịu trách nhiệm công bố “tất cả mọi ý kiến và đề xuất mang tính cơ bản hoặc chuyên sâu để giúp thúc đẩy và phát triển sự trao đổi thông tin và hợp tác với công chúng”.

Ủy ban không được phép đưa ra quan điểm riêng về các dự án được trình tới họ.”
(Điều L121-1, Luật Barnier 1995)


Ủy ban Thông tin Địa phương xây dựng chương trình hoạt động tùy thuộc vào tình hình thực tế ở địa phương. Điều 25 Luật Minh bạch Thông tin của Pháp (2006) trao quyền pháp lý và nguồn tài chính từ ngân sách để tiến hành các cuộc điều tra thông tin về các dự án trên địa bàn địa phương. Ví dụ, đối với các dự án điện hạt nhân, Ủy ban Thông tin Địa phương có quyền thuê các nhóm chuyên gia kiểm tra về tính an toàn và thân thiện với môi trường. Khi nhà máy đi vào vận hành, Ủy ban Thông tin Địa phương với sự tham gia của đại diện các lĩnh vực chuyên môn và các nhóm cộng đồng trong vùng phối hợp với trung tâm truyền thông của nhà máy điện hạt nhân tiếp tục đóng vai trò giám sát an toàn hạt nhân và vảo vệ cho các lợi ích của địa phương.


Cây câu hỏi và trả lời về ĐHN dành cho trẻ em tại Cruas


Tuy nhiên, lợi ích hàng đầu được người dân quan tâm liên quan tới nhà máy điện hạt nhân luôn là an toàn hạt nhân. Vì vậy, theo ông Emmanuel Lambert, giám đốc truyền thông nhà máy điện hạt nhân Cruas, các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp luôn thường trực có người phụ trách truyền thông, sẵn sàng tiếp đón người dân đến tìm hiểu và giải đáp ngay tất cả mọi câu hỏi mà công chúng đặt ra về an toàn hạt nhân.

Truyền thông hạt nhân của nhà máy điện được thực hiện qua các hình thức: thông qua trang web của nhà máy và trung tâm hỗ trợ thông tin; số điện thoại liên lạc miễn phí; tổ chức cho người dân thăm nhà máy vào các dịp duy tu, sửa chữa thiết bị; phát hành các số báo chuyên đề; hợp tác với Ủy ban Thông tin Địa phương về thông tin và tổ chức các hoạt động ngoại khóa… 

Truyền thông quảng bá công nghệ điện hạt nhân

Kinh nghiệm của Pháp cho thấy công tác truyền thông cho điện hạt nhân là một hoạt động đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ lâu dài. “Đối với công chúng, bức xạ là một mối nguy hiểm bí ẩn, không màu, không mùi, không cảm thấy ngay”, như nhận xét của Jean-Pierre Barbeau, Phó Chủ tịch tư vấn chiến lược của AREVA. Mối lo sợ của người dân luôn tiềm tàng và luôn có thể nảy sinh, lan truyền theo bản năng số đông mà không cần đến những căn cứ xác thực. Vì vậy, việc cung cấp những thông tin kỹ thuật chính xác và kịp thời là những điều kiện cần thiết quan trọng, nhưng không phải khi nào cũng đủ để thuyết phục công chúng.


Khi còn nhỏ, tôi đã rất thích thú khi đến thăm nhà máy ĐHN. Đó cũng là lý do khiến tôi trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực ĐHN.
 Jean-Pierre Barbeau, Phó chủ tịch tư vấn chiến lược của AREVA


Theo ông Robert Cotta, thị trưởng của thị trấn Cruas nằm gần nhà máy điện hạt nhân Cruas, trong bối cảnh hiện nay thì điều chi phối quan điểm của người dân địa phương về nhà máy điện hạt nhân chưa hẳn đã là những căn cứ kỹ thuật, mà chủ yếu là “những dư luận của số đông chịu chi phối bởi chính trị”. Nếu muốn tìm hiểu hoặc thảo luận về điện hạt nhân thì hiện nay ít người tìm đến Ủy ban Thông tin Địa phương, nơi chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và tổ chức thảo luận cho dân chúng địa phương. Thay vào đó, họ “trực tiếp tranh luận tại các cuộc vận động tranh cử của các chính trị gia”, nơi “quan điểm ủng hộ hoặc chống điện hạt nhân trở thành các chiêu bài tranh cử đa phần mang tính chính trị”.

Để duy trì ấn tượng tích cực của công chúng trong môi trường phức tạp như vậy, công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp đã thể hiện tính chủ động và linh hoạt cao. Những cơ sở hạt nhân như nhà máy điện hạt nhân Cruas không chỉ thụ động chờ khách đến thăm mà chủ động mời người dân đến tham quan nhà máy. Trên diện rộng, CEA mở ra các trung tâm truyền thông điện hạt nhân được tổ chức theo hình thức bảo tàng mini, như bảo tàng chất thải hạt nhân Visiatome. Những trung tâm này không chỉ là nơi trưng bày và quảng bá cho điện hạt nhân, mà còn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa. Theo Cédric Garnier, giám đốc truyền thông cơ sở hạt nhân Marcoule của CEA, bảo tàng Visiatome do ông điều hành với một diện tích bảo tàng khiêm tốn chỉ khoảng 600 m2 được đầu tư xây dựng với chi phí chỉ khoảng 5 triệu Euro, nhưng hằng năm thu hút đến 20 nghìn lượt khách tham quan, trở thành một điểm nhấn văn hóa sinh động thu hút khách du lịch trong và ngoài nước Pháp. Tháng 2 năm nay bảo tàng đã tổ chức triển lãm các hình ảnh 3D về kim tự tháp Kheops bằng vật liệu là những chất thải trong đời sống, thu hút người tham quan rất đông. Qua đó, ấn tượng về sự bí ẩn và nguy hiểm được giảm nhẹ, thay thế bằng tính thân thiện, văn minh, văn hóa cao, và gắn kết được với cộng đồng địa phương. 


Bảo tàng Visiatome

Một gian triển lãm về năng lượng nguyên tử  trong  bảo tàng Visiatome


Hằng năm Visiatome tổ chức các hoạt động ngoại khóa, biểu diễn các thí nghiệm hạt nhân dành cho trẻ em. Những hoạt động như vậy giúp chuẩn bị cho thế hệ công chúng của tương lai những nhận thức cơ bản về năng lượng hạt nhân.

Chương trình truyền thông của CEA dành cho nhiều lứa tuổi thanh thiếu niên khác nhau, mỗi lứa tuổi được gắn với một chương trình phù hợp riêng. Điều này đòi hỏi có sự hợp tác giữa CEA với giáo viên và các nhà quản lý giáo dục. Giữa CEA và Bộ Giáo dục Pháp có sự hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là trong việc đưa nội dung về điện hạt nhân vào các bài giảng dành cho các lớp tiểu học và cấp hai. Đối với các trường trung học, CEA trực tiếp làm việc với từng trường do tính chủ động của những trường này là cao hơn, và nội dung truyền thông điện hạt nhân cho những đối tượng này bắt đầu trực tiếp đi vào các hoạt động mang tính hướng nghiệp. Đối với các giáo viên, CEA không chỉ tổ chức hướng dẫn bổ túc nghiệp vụ, mà còn cung cấp các tài liệu miễn phí giúp phục vụ sinh động cho các bài giảng, như các đoạn video, phim hoạt hình, trò chơi.


Jeanne Marcucci – Demeure


Những hoạt động truyền thông đa dạng như vậy không chỉ phục vụ riêng cho lợi ích ngành điện hạt nhân, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn, đó là tạo dựng sự quan tâm, hứng thú của lớp trẻ đối với khoa học công nghệ, những người sẽ là nhân lực tương lai của ngành điện hạt nhân và KHCN.


Những hoạt động truyền thông đa dạng như vậy không chỉ phục vụ riêng cho lợi ích ngành điện hạt nhân, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn, đó là tạo dựng sự quan tâm, hứng thú của lớp trẻ đối với khoa học công nghệ, những người sẽ là nhân lực tương lai của ngành điện hạt nhân và khoa học công nghệ.   

Truyền thông trong trường hợp có tai nạn hoặc sự cố hạt nhân

Khi xảy ra các sự cố và tai nạn hạt nhân, nguồn thông tin được người dân tham vấn đầu tiên là từ Viện Bảo vệ Bức xạ Hạt nhân (IRSN). Đây là một cơ quan của Chính phủ trực thuộc năm Bộ (Bộ Sinh thái – Phát triển bền vững – Giao thông – Nhà ở, Bộ Kinh tế – Tài chính – Công nghiệp, Bộ Giáo dục và nghiên cứu, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động và Y tế), có thể coi là cơ quan đầu mối trong việc cung cấp thông tin một cách toàn diện về an toàn bức xạ tới công chúng, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, môi trường, kinh tế, vv.

Mặc dù là một cơ quan trực thuộc tới năm bộ nhưng khả năng tự chủ và nhạy bén trong truyền thông của IRSN là rất cao, thể hiện qua hoạt động của cơ quan này trong quá trình diễn biến sau thảm họa Fukushima.


Marie-Pierre Bigot
… luôn chuẩn bị sẵn sàng cung cấp các thông tin về y tế và sức khỏe, vì đây là mối quan tâm hàng đầu của công chúng khi xảy ra các sự cố hạt nhân.


Theo lời bà Marie-Pierre Bigot, giám đốc bộ phận truyền thông của IRSN, đơn vị của bà đã nhanh chóng hành động ngay trong buổi sáng khi xảy ra sự cố ở Nhật Bản. Sự cố động đất xảy ra ở Nhật Bản vào lúc gần 7 giờ sáng theo giờ Pháp (tức gần 3h chiều ở Nhật Bản) thì tới 11 giờ sáng bộ phận truyền thông của IRSN đã thành lập xong tổ công tác, và tới 5 giờ chiều họ đã phát đi trang tin đầu tiên tới công chúng. Tất cả những hoạt động này được tổ chức tiến hành trong phạm vi quyền hạn của bà Bigot mà không phải chờ tới chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hơn.

Cũng giống như các bộ phận truyền thông của các đơn vị, tổ chức khác ở Pháp, bộ phận truyền thông của IRSN rất tinh gọn, với số lượng cán bộ nhân viên khoảng dưới mười người. Tuy nhiên, qua thực tế công việc, hiệu quả của đội ngũ này là rất cao. Sau khi xảy ra sự cố Fukushima, đối diện với mối quan tâm rất lớn và cấp bách từ công chúng, nhưng đơn vị này chỉ bố trí 3 người trả lời các câu hỏi gửi đến, kèm theo hỗ trợ từ 2 tổ công tác tìm hiểu về tình hình y tế và môi trường. Trong vòng ba tuần sau khi xảy ra sự cố, họ làm việc từ 8 giờ sáng tới 11 giờ đêm, trả lời tất cả các câu hỏi được gửi đến (riêng từ báo chí là 900 câu hỏi), và gửi tới các cơ quan Chính phủ, các tổ chức liên quan, các cơ quan báo chí, tổng cộng 58 thông cáo. Ở các nhà ga, bến cảng, trung tâm thành phố đều có các bản tin cập nhật thường xuyên diễn biến của Fukushima để người dân có thể tìm hiểu. Cơ quan còn tổ chức một cầu truyền hình trực tiếp giữa các nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc để các nhà báo đến lấy thông tin.   


Hoạt động của IRSN


Theo bà Bigot, công tác truyền thông của IRSN đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin và đảm bảo duy trì lòng tin của công chúng do tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản.

1. Luôn đảm bảo sự cởi mở và trung thực, không che dấu các vấn đề hoặc chối bỏ các trách nhiệm.

2. Phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông. Qua 10 năm từ khi thành lập tới nay, IRSN luôn thường xuyên làm việc với các đơn vị báo chí nên khi có sự cố thì việc phối hợp rất thuận lợi. Với sự hợp tác tích cực từ IRSN, báo chí đã hoàn thành vai trò quan trọng trong thời gian sau sự cố Fukushima, kịp thời cập nhật thông tin từng phút tới công chúng Pháp.

3. Biết cách chia sẻ thông tin một cách chính xác nhưng dễ hiểu tới công chúng, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra các cuộc khủng hoảng.

4. Luôn chuẩn bị sẵn sàng cung cấp các thông tin về y tế và sức khỏe, vì đây là mối quan tâm hàng đầu của công chúng khi xảy ra các sự cố hạt nhân.  

Những bài học kinh nghiệm

Qua hoạt động của các cơ quan truyền thông hạt nhân Pháp có thể thấy điều hết sức quan trọng với những quốc gia mới bắt đầu xây dựng chương trình điện hạt nhân như Việt Nam cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc minh bạch thông tin trong truyền thông hạt nhân. Đó là nghĩa vụ bắt buộc của các cơ quan chính phủ. Lòng tin của công chúng đối với nhà nước và các công ty điện hạt nhân được xây dựng dựa trên sự minh bạch thông tin, được xây dựng qua một quá trình lâu dài, nhưng sẽ đổ vỡ rất nhanh nếu công chúng nhận ra có sự thiếu trung thực. Vì vậy, những nỗ lực để duy trì lòng tin của công chúng đòi hỏi một cam kết bền bỉ lâu dài của tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan nhà nước, nhà thầu thi công, công ty điện hạt nhân, vv, trong việc cung cấp thông tin một cách trung thực và chính xác.

Với mảng truyền thông liên quan tới các dự án điện hạt nhân, Việt Nam cần có những cơ quan độc lập chuyên trách việc đảm bảo tính khách quan của thông tin. Nếu được tổ chức hợp lý, những cơ quan này cũng sẽ là cầu nối hữu hiệu giữa công chúng với chính phủ và công ty điện hạt nhân, đại diện cho tiếng nói của người dân, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, các tổ chức môi trường, vv. Quá trình xây dựng các dự án đầu tư điện hạt nhân cần có thêm những cuộc lấy ý kiến công chúng, trên phạm vi toàn quốc cũng như địa phương.

Cần đặc biệt quan tâm tới đối tượng thanh thiếu niên, biến truyền thông điện hạt nhân thành một hoạt động quảng bá cho khoa học và công nghệ. Qua đó một mặt chuẩn bị những nhận thức cơ bản cần thiết về ngành điện công chúng cho các thế hệ công chúng trong tương lai, mặt khác đem lại sự quan tâm hứng thú của trẻ em đối với khoa học công nghệ, yếu tố cần thiết để tạo dựng nguồn nhân lực của Việt Nam cho điện hạt nhân nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.

Báo chí là đối tác quan trọng của truyền thông hạt nhân, một mặt giúp cung cấp thông tin cho công chúng, mặt khác giúp phản ánh quan điểm của người dân và những tâm tư, nguyện vọng của họ đối với chính phủ và ngành điện hạt nhân.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)