KTRS – Chìa khóa thành công của KOTEC

Thành công của mô hình thẩm định công nghệ KTRS đã giúp KOTEC giảm được tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ vay vốn không trả được nợ, tạo được sự tin cậy và tăng nguồn thu từ các ngân hàng và tổ chức tài chính.

Trước năm 2005 khi chưa có công cụ thẩm định công nghệ KTRS (viết tắt của Kibo Technology Rating System), KOTEC đơn thuần chỉ là một tổ chức cấp bảo lãnh tín dụng có sự ưu tiên dành cho các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa. Dù khá linh hoạt trong hoạt động quản lý tài chính, với những gói dịch vụ bảo lãnh tài chính được thiết kế tinh xảo nhằm tiết kiệm nguồn chi và đem về nguồn thu cao nhất, nhưng tới cuối năm 2005 bức tranh tài chính của KOTEC vẫn trở nên khá ảm đạm, như nhận định trong một nghiên cứu của chuyên gia Kyung Jin Hyung, Vụ Thẩm định Công nghệ của KOTEC. Tỷ lệ doanh nghiệp được cấp bảo lãnh không trả được nợ trong 3 năm 2003-2005 liên tục trên 10%, cá biệt năm 2004 lên tới 12,9% (theo Báo cáo Thường niên 2011 của KOTEC). Một trong những nguyên nhân chính, theo Hyung, là do KOTEC đã cung cấp quá nhiều thanh khoản cho các công ty công nghệ thông tin.

Có những ý kiến bao biện rằng rủi ro là một phần tất yếu trong hoạt động đầu tư vào các công ty công nghệ, nhưng một luồng ý kiến cho rằng KOTEC hoạt động thiếu hiệu quả là do yếu về năng lực thẩm định. “Không thể chối cãi rằng công tác thẩm định của KOTEC khi đó không có gì khác so với các tổ chức tài chính thương mại và tài chính công khác. Việc đánh giá các doanh nghiệp hoàn toàn căn cứ theo thông tin tài chính trong quá khứ và hồ sơ tín dụng của các doanh nghiệp”, Hyung khẳng định.

Nhưng chính những kết quả hạn chế đạt được và những khó khăn tài chính mà KOTEC lâm vào đã giúp họ nhận ra rằng cái họ đang thiếu không phải là những gói bảo lãnh tài chính được thiết kế tinh xảo, mà là phương pháp thẩm định một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp công nghệ. Vì vậy, KOTEC đã nghiên cứu xây dựng một quy trình và phương thức thẩm định mới. Mô hình thẩm định này được đòi hỏi phải đánh giá được những yếu tố tác nhân của tương lai, như sự phát triển của công nghệ, tiềm năng thương mại hóa, dự đoán mức lợi nhuận, v.v, với mục tiêu cụ thể đầu ra là giảm được tỷ lệ các doanh nghiệp không thanh toán được nợ trong số những doanh nghiệp được KOTEC cấp bảo lãnh.

Cấu trúc KTRS

Với nguồn dữ liệu thu thập liên tục từ năm 1999, các chuyên gia của KOTEC và một nhóm nghiên cứu từ Đại học Yonsei đã cùng xây dựng một hệ thống chấm điểm xếp hạng, là một ma trận 2 chiều: chất lượng công nghệ và mức độ rủi ro.

Chất lượng công nghệ
Chất lượng công nghệ được tính dựa trên các tham số của các tiêu chí đánh giá công nghệ và triển vọng thương mại hóa, được tính toán bằng phân tích trình tự hồi quy AHP (analytic hierachy process).

f(y)=ß1·(X1)+ß12·(X12)+ß13·(X1)+….+ ß34·(X34)

Có tới 34 tiêu chí đánh giá công nghệ và triển vọng thương mại hóa. Mỗi tiêu chí được chấm điểm căn cứ theo các nghiên cứu học thuật, ý kiến của chuyên gia, và kinh nghiệm từ các nhà thẩm định của KOTEC. Chúng thường thay đổi tùy theo đặc thù của từng ngành công nghiệp.

Nhóm tiêu chí

Tiêu chí

Số lượng tiêu chí

Năng lực công nghệ của doanh nghiệp

Kinh nghiệm Công nghệ

4 tiêu chí

Năng lực quản lý

2 tiêu chí

Quản lý và làm việc theo nhóm

3 tiêu chí

Công nghệ

Triển vọng phát triển và triển khai công nghệ

2 tiêu chí

Đầu tư vào công nghệ và R&D

3 tiêu chí

Đổi mới công nghệ

3 tiêu chí

Mức độ hoàn thiện và khả năng mở rộng công nghệ

3 tiêu chí

Thị trường

Tình trạng cạnh tranh

4 tiêu chí

Sức cạnh tranh của sản phẩm

3 tiêu chí

Triển vọng thương mại hóa và lợi nhuận

Khả năng sản xuất thành công và năng lực sản xuất

2 tiêu chí

Triển vọng vận hành thành công

2 tiêu chí

Dự đoán lợi nhuận

3 tiêu chí


Sau khi phân tích hồi quy với 34 tiêu chí, người ta định lượng được chất lượng công nghệ, đồng thời cũng chỉ ra những tác nhân cơ bản nhất quyết định thành công hoặc nguy cơ thất bại của từng công nghệ.

Mức độ rủi ro

Mức độ rủi ro được tính theo mối tương quan giữa các tác nhân và dữ liệu lịch sử về các vụ không trả được nợ (default), sử dụng phân tích hồi quy logistic. Các tác nhân được chia thành 2 nhóm chính: một là các tác nhân từ môi trường kinh tế, với các chỉ số như lãi suất, tỷ giá hối đoái, Chỉ số Sản xuất Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Chỉ số Điều tra Doanh nghiệp, v.v; hai là nhóm tác nhân từ nội bộ đối tượng doanh nghiệp đang được thẩm định, như hiệu quả đầu tư trong quá khứ, doanh nghiệp có được cấp đăng ký doanh nghiệp công nghệ (InnoBiz Firms) hoặc doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm (venture firms) hay không, v.v. 

Ma trận xếp hạng
 


Các hệ thống xếp hạng trước đây mà KOTEC sử dụng chỉ đơn thuần căn cứ trên các tham số tài chính của doanh nghiệp, còn hệ thống KTRS được căn cứ trên kết quả thẩm định những tham số đánh giá triển vọng tương lai, như triển vọng phát triển công nghệ, triển vọng thương mại hóa, kết hợp với những tham số đánh giá mức độ rủi ro.

Cuối cùng, người ta kết hợp đánh giá khả năng thành công của công nghệ với mức độ rủi ro để xếp hạng công nghệ được thẩm định theo cấu trúc ma trận.

Sử dụng cấu trúc ma trận như trên đây, người ta có thể dễ dàng cho điểm xếp hạng công nghệ, được xếp thành 10 hạng, từ cao nhất là AAA tới thấp nhất là D. Ví dụ, một công nghệ có điểm chất lượng công nghệ ở mức V8, và mức rủi ro R7, sẽ có điểm xếp hạng chung cuộc là CCC.
Hạn chế sự chủ quan

Với 34 tiêu chí đánh giá công nghệ và triển vọng thương mại, kết quả chấm điểm của các chuyên gia thẩm định không nghiễm nhiên được công nhận mà phải trải qua rà soát. Ví dụ, nếu cho điểm của một chuyên gia nào đó vượt quá mức điểm tiêu chuẩn tối đa trong một ngành đặc thù nào đó, thì người ta sẽ sử dụng điểm tiêu chuẩn tối đa của ngành thay vì dùng điểm của vị chuyên gia nọ.

Đồng thời, người ta cũng sử dụng một hệ thống giám sát cách cho điểm của từng chuyên gia, căn cứ theo 2 phương diện: một là đánh giá xem việc cho điểm của một chuyên gia thường nghiêm khắc hay dễ dãi; hai là thường nhất quán hay thiếu nhất quán. Bằng cách so sánh 2 chỉ số này ở một chuyên gia với chỉ số trung bình và phương sai trung bình ở các chuyên gia khác, người ta có thể định vị được một cách định lượng về thiên hướng chấm điểm của từng chuyên gia một. 

Kết quả thực tế

Việc áp dụng hệ thống KTRS đã đem lại sự cải thiện rõ rệt, thể hiện ở việc giảm tỷ lệ doanh nghiệp default (không trả được nợ). Theo Báo cáo Thường niên 2011 của KOTEC, tỷ lệ default giảm từ 10,1% năm 2005 xuống còn 6,1% trong năm 2006, và sau đó duy trì ổn định xung quanh mức 5% cho đến nay. Tỷ lệ này có thể coi là thấp so với tỷ lệ default của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới, thường trong khoảng 5,4 – 7,4%1.

Năm

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Giá trị bị default

8.324

17.027

17.449

11.659

6.791

6.050

7.679

7.420

8.184

8.715

Tỷ lệ Default

5,0

10,2

12,9

10,1

6,1

5,4

6,1

4,3

4,7

5,0

Tỷ lệ default và giá trị default (đơn vị: trăm triệu won) qua các năm. Nguồn: Báo cáo Thường niên 2011 của KOTEC

Tính chính xác và khách quan trong xếp hạng công nghệ được phản ánh qua thực tế là những công nghệ được xếp hạng càng cao thì tỷ lệ này càng giảm. Ví dụ, những công nghệ xếp hạng CCC có tỷ lệ default là 21,7%, công nghệ xếp hạng B có tỷ lệ 12,2%, công nghệ xếp hạng BBB có tỷ lệ 6,4%, công nghệ xếp hạng A có tỷ lệ 4%, công nghệ xếp hạng AA có tỷ lệ 1,6% (theo một báo cáo của Hee Chang Park, chuyên gia cao cấp thuộc Nhóm Mô hình hóa Thẩm định Công nghệ của KOTEC).

Việc cải thiện năng lực thẩm định bằng mô hình KTRS đã nhanh chóng giúp KOTEC gây dựng sự tin tưởng từ các ngân hàng và tổ chức tài chính, đem lại nguồn thu ổn định từ những đối tượng này, và giúp giảm gánh nặng đóng góp từ phía Chính phủ Hàn Quốc. Cụ thể là trong 2 năm 2010 và 2011, KOTEC hoàn toàn không cần sự đóng góp của Chính phủ.

Mở rộng sang thẩm định các sản phẩm, dịch vụ văn hóa

Gần đây, KOTEC không chỉ dừng lại ở hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mà mở rộng hỗ trợ tới cả những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tri thức, như game online, phim truyền hình, điện ảnh, âm nhạc, v.v, theo định hướng chính sách của Chính phủ xuất phát từ thực tế là nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã gặt hái được rất nhiều thành công trong những năm qua, đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. 

Từ năm 2009/2010, KOTEC đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) xây dựng và triển khai áp dụng mô hình thẩm định dành riêng cho những đối tượng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp giải trí và sáng tạo. Mục tiêu của mô hình thẩm định này nhằm phát triển những tiêu chí thẩm định tiêu chuẩn và cung cấp một công cụ thẩm định có tính khách quan tối phục vụ công tác đánh giá hiệu quả tiềm năng của các dự án đầu tư trong lĩnh vực giải trí và văn hóa. Công cụ này không chỉ nhằm phục vụ hoạt động cấp bảo lãnh của KOTEC mà còn giúp các liên doanh và tổ chức tài chính tiến hành vốn hóa các tài sản tri thức và văn hóa vì mục đích sản xuất, kinh doanh.

Mỗi loại hình sản phẩm, từ kịch, điện ảnh, trò chơi, truyện tranh, v.v, được phát triển một mô hình thẩm định riêng. Các đặc thù riêng của loại hình sản phẩm được chuyển hóa thành những tiêu chí phù hợp có thể dùng cho việc thẩm định thông qua mô hình phân tích hồi quy (AHP).

Để xây dựng những mô hình thẩm định như vậy cho từng loại hình sản phẩm, đầu tiên người ta phân tích toàn bộ chuỗi giá trị bao gồm tất cả những nhân tố cơ bản đặc thù, như nhà viết kịch bản, diễn viên, chi phí sản xuất, v.v. Những phân tích này được căn cứ trên các cuộc phỏng vấn những chuyên gia và người trong cuộc ở các ngành công nghiệp. Dựa vào đó, người ta phát triển một mô hình ban đầu, và sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên ý kiến phản hồi từ các chuyên gia sau các cuộc thử nghiệm mang tính mô phỏng.

Tính ứng dụng của KTRS ở Việt Nam

Trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam rất khó tiếp cận các nguồn tài chính thông thường do thiếu tài sản thế chấp và hồ sơ tín nhiệm tài chính (thông tin về lịch sử vay mượn tại các ngân hàng) thường khá sơ sài, Chính phủ Việt Nam đã bước đầu tìm cách tạo ra kênh tài chính mới cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ví dụ như Quyết định số 1342 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8/2011 thành lập Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (Quỹ).

Tuy nhiên, bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm trên đây của KOTEC là để Quỹ có thể hoạt động được hiệu quả thì cần phải có một mô hình thẩm định công nghệ đáng tin cậy tương tự như mô hình KTRS. Mô hình này không chỉ nhằm thẩm định chất lượng các công nghệ mà còn đánh giá triển vọng trong triển khai sản xuất, thương mại hóa, những tác nhân rủi ro và mức độ rủi ro.  

Nhưng để có được một mô hình thẩm định công nghệ tương tự như KTRS, Quỹ sẽ phải có một đội ngũ chuyên gia đủ mạnh, những người đồng ý cộng tác hoặc trực tiếp làm việc cho Quỹ. Bước đầu, những chuyên gia của Quỹ có thể nghiên cứu về KTRS, cụ thể là hệ thống các tiêu chí đánh giá công nghệ và thị trường, và cách xây dựng, tập hợp, thống kê các dữ liệu, yếu tố không thể thiếu để giúp các phân tích hồi quy đem lại kết quả có độ chính xác và khách quan cao trong việc tính toán các mức độ rủi ro. Đồng thời, cũng nên kiểm soát hạn chế sự chủ quan trong ý kiến thẩm định của các chuyên gia, ví dụ như tham khảo cách thức KOTEC giám sát sự cho điểm của từng chuyên gia bằng những tiêu chí định vị được lượng hóa một cách rõ ràng.

Việc đưa mô hình thẩm định công nghệ của KOTEC vào thay thế những quy trình thẩm định hiện có ở Việt Nam sẽ đòi hỏi sự thay đổi quy cách thẩm định từ thiên về định tính chủ quan chuyển sang định lượng khách quan, và đây là thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà ngay cả với những nơi có nền quản lý khoa học phát triển như châu Âu. Một báo cáo2 của Terence O’Donnell cho Pro Inno Europe® – một đầu mối hợp tác phân tích đổi mới chính sách của Ủy ban châu Âu – đã nhận định rằng, “hệ thống KOTEC được hoàn thiện, chi tiết, và định lượng tới một mức độ mà nhiều nước châu Âu khó đạt được. Việc đánh giá các dự án đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp (cũng như các đề xuất vay vốn để tài trợ những dự án này) ở châu Âu dường như dựa nhiều vào các ý kiến chủ quan của chuyên gia hoặc hội đồng thẩm định”.

Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng một mô hình thẩm định công nghệ đáng tin cậy và có tính khách quan cao như KTRS là một mục tiêu cần hướng đến đối với Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia. Nó sẽ không chỉ giúp khai thác hiệu quả nguồn lực của Quỹ mà còn giúp Quỹ kết nối và phát huy nguồn lực từ các ngân hàng thương mại trong đầu tư đổi mới công nghệ, do kết quả thẩm định (hoặc bảo lãnh) từ Quỹ sẽ là cơ sở thuyết phục để các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay vốn. Sự phối hợp giữa Quỹ và các ngân hàng thương mại sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên: các ngân hàng được cung cấp thông tin/bảo lãnh từ Quỹ; Quỹ tận dụng được chuyên môn của các ngân hàng trong việc rà soát dữ liệu tài chính của các doanh nghiệp và nghiệp vụ quản lý các khoản vay, nhờ đó có thể dành toàn tâm cho thế mạnh chuyên môn của mình là thẩm định công nghệ.

Nguồn tham khảo:

Kyung Jin Hyung, Flying beyond Conventional Practice to Better Serve the Innovation in a Maturing Economy —KOTEC Case
Hee Chang Park, Supporting Innovative SMEs in Korea – Approaching by KOTEC

1 Bank Financing for SMEs around the World: Drivers, Obstacles, Business Models, and Lending Practic-es, Thorsten Beck, Asli Demirgüç-Kunt, María Soledad Martínez Pería, World Bank, Policy Research Work-ing Paper 4785, Tháng 11, 2008. 

2 Terence O’Donnell, South Korea SME Innovation Support Schemes – Final Report on IPF Review visit to South Korea, April 2012

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)