Liên kết doanh nghiệp với viện/trường: Yếu tố thành công và rào cản

Nhiều năm qua, số kết quả nghiên cứu của các viện/trường đại học đến được với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hết sức khiêm tốn, phản ánh thực tế là vẫn còn nhiều trở ngại cho mối liên kết hợp tác viện/trường đại học và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ KH&CN và tạp chí Tia Sáng đã tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp: Bài học từ sự liên kết giữa viện/trường đại học và Rạng Đông” nhằm tiếp tục tìm lời giải cho câu hỏi, làm thế nào để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật của chúng ta vào doanh nghiệp, giảm bớt tình trạng doanh nghiệp phải nhập khẩu công nghệ/thiết bị từ nước ngoài. Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Nguyễn Quân, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp, trường đại học và các nhà khoa học kỳ cựu.

Kinh nghiệm thành công của Rạng Đông

Quan hệ hợp tác giữa Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông và ĐH Bách khoa Hà Nội được bắt đầu từ năm 2007, khi trường đại học lớn này chuyển giao cho công ty công nghệ sản xuất một số nguyên vật liệu làm đèn chiếu sáng vốn trước đây vẫn phải nhập khẩu. Từ những dự án nhỏ ban đầu, quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị ngày càng được mở rộng và trở thành yếu tố quyết định sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông những năm gần đây.

Theo PGS.TS Đỗ Xuân Thành, người đến với Rạng Đông từ những ngày đầu tiên và hiện là Giám đốc khoa học của Trung tâm R&D Rạng Đông, mấu chốt thành công của mối liên kết này là cách thức xây dựng lòng tin cả từ hai phía: doanh nghiệp tin tưởng vào năng lực của nhà khoa học và nhà khoa học không phụ lòng tin đó. Ngoài ra không thể thiếu các yếu tố như tri thức hóa đội ngũ công nhân, thực tiễn hóa đội ngũ nhà nghiên cứu; xây dựng mô hình liên kết hợp lý, linh hoạt, mềm dẻo, lấy hiệu quả của kinh tế thị trường làm tiêu chí; hài hòa lợi ích của các bên, hướng tới lợi ích lâu dài từ kết quả của đổi mới sáng tạo, v.v. Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Xuân Thành khẳng định, yếu tố quan trọng hàng đầu để có sự liên kết thành công giữa doanh nghiệp và viện/trường đại học chính là nhận thức sâu sắc về vai trò của KH&CN ở người đứng đầu doanh nghiệp.

Tổng giám đốc Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Thăng, là một thí dụ điển hình về lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn như vậy. Ông là người xây dựng mối liên kết giữa Rạng Đông với ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu từ suy nghĩ không phát triển KH&CN thì công ty không thể tồn tại được.

Giờ đây Rạng Đông đã có nguồn nhân lực thực hiện các thí nghiệm, có xưởng thực nghiệm để xây dựng quy trình, khi có kết quả nghiên cứu tốt có thể đưa ngay xuống dây chuyền sản xuất rồi thử nghiệm trên mạng lưới các hộ tiêu dùng đã cam kết với công ty để nhận phản hồi và hoàn thiện sản phẩm trước khi chính thức ra thị trường. “Mối liên kết giữa Rạng Đông và ĐH Bách khoa Hà Nội giờ đây phát triển lên mức cả hai bên đều coi đó là lẽ sống còn của mình. Từ những hợp tác mang tính dịch vụ, nay chúng tôi có những dự án chung, bao gồm cả dự án xây dựng hai phòng thí nghiệm chung, một đặt tại công ty, một tại trường… Tôi cho rằng mấu chốt thành công của mối liên kết này là cả hai bên đều phải chủ động và đặt vấn đề hợp tác lâu dài,” ông Thăng nói.

Về phía các nhà khoa học hợp tác với Rạng Đông, điều quan trọng mà họ nhận được không chỉ là thù lao, nguồn kinh phí để hiện thực hóa hoạt động nghiên cứu, mà còn là sự trân trọng thành quả công việc từ phía doanh nghiệp, và đặc biệt là cơ hội được ứng dụng các kết quả nghiên cứu để đóng góp phục vụ cho nhu cầu thực tiễn đời sống. Đồng thời, bên cạnh nhiệm vụ cứng là nghiên cứu ra những sản phẩm mà thị trường yêu cầu, họ được phép có một mảng sáng tạo tự do, không phải trình bày kế hoạch.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đánh giá rằng quan hệ hợp tác giữa Rạng Đông và ĐH Bách khoa Hà Nội như một mối lương duyên mà cả hai bên đều may mắn khi gặp được nhau. Rạng Đông may mắn khi mời được những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về quang học như PGS.TS Đỗ Xuân Thành, PGS.TS Phạm Hồng Dương, PGS.TS Phạm Thành Huy, những người có kết quả nghiên cứu “đã gần dùng được” nhưng nếu không gặp doanh nghiệp thì “không bao giờ được dùng”. “Đem nghiên cứu của mình đến Rạng Đông, họ đã tìm được mảnh đất tốt để gieo hạt giống”, ông nói.

Những rào cản cho hai phía

Tuy nhiên, những mô hình thành công trong hợp tác viện/trường đại học với doanh nghiệp như tại Rạng Đông vẫn chưa phải là phổ biến tại Việt Nam. Với tư cách một người từng ngồi không ít hội đồng khoa học, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu chỉ ra rằng trong thực tế ứng dụng nghiên cứu ở Việt Nam, những nghiên cứu “gần dùng được” như của TS Thành, TS Dương thật sự là “của hiếm”, bởi phần lớn các nghiên cứu hiện nay đều thuộc diện “không dùng được hoặc chưa biết dùng vào đâu”, và ông cho đây chính là rào cản đầu tiên cho mối liên kết doanh nghiệp với nhà khoa học. Theo ông, cơ chế duyệt đề tài và cấp kinh phí rắc rối và phi lý, do những người không bao giờ làm khoa học vẽ ra, góp phần đáng kể làm cho nhiều người trong giới khoa học thỏa hiệp và nhụt chí.

PGS.TS. Trần Đức Viên, Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng một nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học còn hết sức hạn chế là do thiếu biên chế nghiên cứu viên. Ông cho biết, hiện nay 100% các nhà nghiên cứu làm việc trong các viện của ĐH Nông nghiệp Hà Nội đều theo chế độ hợp đồng một năm, bởi trường không có biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp. “Họ đủ sống nhưng chủ yếu là nhờ thù lao đứng lớp,” ông nói. Theo ông, nếu coi nghiên cứu ở trường đại học là một nhiệm vụ quan trọng không kém gì giảng dạy thì nhất thiết phải cấp cho nó biên chế và kinh phí nghiên cứu.

Nhưng GS.TS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, thì nhận định, thực trạng doanh nghiệp chưa mặn mà liên kết với viện/trường đại học, không chỉ do vấn đề cơ chế chính sách của Nhà nước, mà chủ yếu là do “trình độ KH&CN của chúng ta tuy có khá hơn trước nhưng so với quốc tế vẫn thấp”. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là do các hướng nghiên cứu còn tản mát và thụ động. Bản thân ở ĐH Bách khoa Hà Nội những năm gần đây, số hợp đồng chuyển giao công nghệ dường như giảm, trong khi hợp đồng tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ, cung cấp chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật lại tăng lên…

Hoạt động đào tạo nhân lực tại các trường đại học cũng chưa thực sự đáp ứng được những đòi hỏi của doanh nghiệp. PGS.TS Trần Đức Viên nêu một thí dụ, cách đây năm năm, khi lên kế hoạch thiết kế lại nội dung ngành học làm vườn, trường của ông đã cử người tỏa đi điều tra 150 doanh nghiệp và té ngửa vì hóa ra những điều “bấy lâu nay vẫn ê a với sinh viên chẳng ăn nhập gì với thực tiễn sản xuất”. Điều này lý giải tại sao một ngành học vốn được coi là “máy in tiền” cho các trường đại học nông nghiệp ở châu Âu lại bị ế ẩm ở Việt Nam. Ông kết luận, bất luận dạy ngành học gì, một khi liên quan đến ứng dụng, thì việc dành thời gian và tiền bạc để đầu tư xây dựng chương trình đầu vào và chuẩn đầu ra một cách nghiêm chỉnh là điều hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, một rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận hợp tác với các viện/trường đại học là sự hạn chế thông tin, mặc dù nhu cầu kết nối hợp tác là rất lớn. Theo bà Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, một cuộc điều tra nhanh mới đây của BSA với các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, 100% số doanh nghiệp trả lời phiếu điều tra đều bày tỏ nhu cầu được kết nối chặt chẽ hơn với đối tác nghiên cứu khoa học qua một cơ quan hoặc mạng lưới xúc tiến ĐM/ST và được tham khảo thường xuyên thông tin về các kết quả nghiên cứu qua một cổng thông tin điện tử. Có đến 60% các doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết họ nắm bắt thông tin về ĐM/ST công nghệ và quản trị doanh nghiệp từ các hội chợ – một nguồn tin vốn không ổn định và liên tục; chỉ có 27% số doanh nghiệp có thông tin từ các công ty chào hàng công nghệ, một con số theo bà Kim Hạnh là quá nhỏ.

Luật KH&CN sửa đổi tuy tích cực nhưng vẫn chưa đủ

Luật KH&CN sửa đổi được thông qua gần đây với tỷ lệ bỏ phiếu cao (98% số đại biểu Quốc hội có mặt) có một số nội dung đổi mới giúp thúc đẩy mối liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Quân – Bộ KH&CN cho biết, “Luật sửa đổi quy định, các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phải thực hiện theo cơ chế đặt hàng và xuất phát từ đề xuất của doanh nghiệp; cơ quan nào đề xuất đặt hàng thì phải chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả và đưa vào ứng dụng trong sản xuất.” Tuy nhiên, ông nhận định, Luật KH&CN mới cũng chưa thể hiện được hết ý tưởng đổi mới của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN. “Chúng tôi đã kiên trì đề nghị Quốc hội đưa vào luật nội dung giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học công nghệ trọng điểm bởi trường đại học mà không có biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp và không được đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thì mãi chỉ là trường phổ thông cấp 4.” Ông khẳng định sẵn sàng chia sẻ khoản tiền sự nghiệp ít ỏi của ngành để hỗ trợ các trường có cơ sở vật chất tốt hơn và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp hơn, nhưng đáng tiếc ý tưởng đó không được Quốc hội ủng hộ. “Tuy nhiên chúng tôi hứa sẽ không bỏ cuộc giữa chừng, khi xây dựng nghị định triển khai Luật, chúng tôi sẽ cố gắng lồng ghép ý tưởng này vào đó,” ông nói.

Đánh giá về liên kết giữa Rạng Đông và ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng đây là một mô hình hiệu quả cần được học tập nhân rộng. “Nhà khoa học có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình theo hai cách, hoặc liên kết với các doanh nghiệp, hoặc tự thành lập doanh nghiệp, nhưng dù đi theo cách nào thì nghiên cứu trước hết phải gắn với thực tiễn”, Bộ trưởng nhận định.

PV ghi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)