Lỏng lẻo mối dây liên kết chuyển giao công nghệ

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhu cầu đổi mới công nghệ nhằm tăng hiệu quả cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, việc này hiện đang gặp thách thức lớn do nguồn cung cấp công nghệ mới trong nước còn hạn chế. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hạn chế này là sợi dây liên kết viện trường và doanh nghiệp còn nhiều yếu kém.

Theo thống kê của Bộ Khoa học & Công nghệ, trong 5 năm (2006 – 2010), cả Việt Nam chỉ có 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng kí tại Cục Sở hữu trí tuệ, và cũng chỉ có 5 bằng sáng chế quốc tế. Thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn – mà cụ thể ở đây là mối quan hệ giữa viện trường và doanh nghiệp – ở nước ta hầu như còn rất yếu.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người nhiều năm làm việc ở các trường đại học các nước như Anh Quốc, Hàn Quốc, Singapore cho biết, ở các nước này mối liên kết giữa viện trường và doanh nghiệp là rất chặt chẽ. Và mối quan hệ cộng sinh này chính là chía khóa để tăng năng suất lao động phát triển kinh tế của quốc gia. Quay lại hiện trạng tại Việt Nam, tiến sĩ Dương cho rằng mối quan hệ này lại gần như không có, và nó ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. dẫn đến năng suất lao động tại nước ta rất thấp. Nếu so với Singapo thì chỉ bằng khoảng 1/17. Phân tích nguyên nhân, Tiến sĩ Dương cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do nền kinh tế Việt Nam còn quá nhỏ nên nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp hầu như không có.

Sự yếu kém trong mối quan hệ này nguyên nhân đều xuất phát từ cả hai phía: viện trường và doanh nghiệp. Có thể dẫn chứng trường hợp của Đại học Cần Thơ và một số doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một vùng nông nghiệp rộng lớn của Việt Nam, và Đại học Cần Thơ là trung tâm nghiên cứu chính của cả vùng. Tuy nhiên, những ứng dụng từ nơi này đến với nông dân và doanh nghiệp còn quá ít. Như Kỹ sư anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Hồ Quang Cua có chia sẻ, Đại học Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng và cũng có nhiều hoạt động nghiên cứu nhưng hầu như không có kế hoạch thông tin ra ngoài, phải vô tình thì ông mới phát hiện ra trường đã có nghiên cứu mà mình cần.

Bên cạnh đó, nhà trường còn chưa thiết tha mấy trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Nhiều trường hợp doanh nghiệp tìm đến nhờ viên trường giúp đỡ nhưng hầu như chỉ nhận được cái lắc đầu hoặc sự im lặng.

Một vấn đề nữa mà trường đang mắc phải đó là những nghiên cứu của trường chưa đi cùng với nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nhà trường có rất nhiều nghiên cứu nhưng số có thể đưa ra ứng dụng lại quá thấp, gây lãng phí rất lớn về nhân lực và chi phí cho nhà trường. Cụ thể như tại Đại học Cần Thơ, hiện nghiên cứu hơn 60 đề tài. Nhưng theo đánh giá, số lượng sản phẩm có thể chuyển giao ra ngoài chỉ khoảng 10-15%.

Do đó, nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mối quan hệ giữa viện trường và doanh nghiệp phải chặt chẽ hơn nữa, những nghiên cứu của nhà trường phải gắn với doanh nghiệp có sự đồng hành của doanh nghiệp. Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM hiện đã bắt đầu làm việc này khi nhà trường chỉ cấp phép cho những dự án nghiên cứu nào đã có ký kết với doanh nghiệp.

Đánh giá về mối liên kết giữa Viện trường và doanh nghiệp, ông Vũ Văn Khiêm, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam  – Bộ Khoa học & Công nghệ thẳng thắn cho rằng: đúng là còn quá yếu. Ngoài ra, ông lưu ý các trường, các doanh nghiệp cần phải đánh giá lại về hiệu quả việc áp dụng nghiên cứu vào thực tế đời sống hiện nay để có thể rút kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong những đề tài nghiên cứu sau.

Có thể nói hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu – chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ giữa các trường đại học và các doanh nghiệp đã, đang và sẽ ngày càng có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cả nhà trường và sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Vì vậy, cuộc gặp gỡ giữa viên trường và doanh nghiệp là cơ hội để cả hai hiểu nhau hơn, tạo lập mối quan hệ gắn kết bền chặt hơn, nhằm đưa ra những công nghệ tiến tiến cho hoạt động đổi mới sáng tạo của của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)