Mô hình vườn ươm: Những bài học kinh nghiệm

Ngày 06/08 tại Hà Nội, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đã tổ chức hội thảo Ươm tạo Doanh nghiệp KH&CN trong các trường đại học, viện nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.

Hiện nay, trên cả nước đã có khá nhiều vườn ươm của Nhà nước như CRC-TOPIC, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao SHBI, các vườn ươm công nghệ của các trường đại học, cùng những vườn ươm do tư nhân và các tập đoàn như FPT, Tinh Vân, Vatgia, v.v. Trong đó, một số vườn ươm đã đạt được kết quả thành công nhất định, cho ra đời các doanh nghiệp có doanh thu tốt. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ, kể cả trong giai đoạn ươm tạo và sau ươm tạo, nhìn chung còn hạn chế. 

Sự cần thiết của hỗ trợ từ Nhà nước

Với những doanh nghiệp công nghệ trong quá trình ươm tạo, rất khó để huy động các nguồn lực từ thị trường do các nhà đầu tư luôn e ngại tính rủi ro cao của những dự án công nghệ còn trong thời kỳ trứng nước. Vì vậy, sự đầu tư mạnh dạn với ý thức không ngại chia sẻ rủi ro từ phía Nhà nước cho các doanh nghiệp công nghệ được ươm tạo là hết sức cần thiết.

Diễn giả Zafrir Asaf, Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Israel tại Hà Nội cho rằng Việt Nam cần ý thức thật rõ ràng, rằng để có được sự phát triển tiếp theo cho đất nước thì Nhà nước “không có lựa chọn nào khác” ngoài tích cực đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông cho biết ở Israel theo thống kê cứ mỗi USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sẽ đóng góp cho nền kinh tế 6 USD giá trị sản phẩm công nghiệp. Với sự chú trọng cùng những chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp trong nước đổi mới sáng tạo, kể từ đầu thập kỷ 1990 Israel đã phát triển vượt bậc, tới năm 2009 đạt giá trị GDP cao hơn so với dự kiến lũy tiến theo xu hướng tăng trưởng trước đó tới 25 tỷ USD, tương đương 10% GDP.

Theo chuyên gia Bob Waite, giám đốc vườn ươm Darebin của Úc, hoạt động ươm tạo doanh nghiệp còn giúp tăng cường sức mạnh kinh tế cho các địa phương, giúp các địa phương chống lại những biến động tiêu cực trong nền kinh tế toàn cầu. Ông lấy ví dụ một tập đoàn sản xuất ô tô Mỹ có cơ sở sản xuất tại Úc từng đặt ra những yêu sách cho Chính phủ Úc và đe dọa sẽ rời đi nếu không được đáp ứng. Nhưng trong một quốc gia có nhiều doanh nghiệp địa phương năng động và giàu sức sống thì chính quyền sẽ không phải quan ngại trước những đe dọa như vậy, vì không lo bị lệ thuộc (về công ăn việc làm, nguồn thu thuế, và các giá trị kinh tế, xã hội khác) vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ngoài giá trị đóng góp cho nền kinh tế trong lâu dài, những người quản lý nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cần nhìn thấy những giá trị khác, đồng thời cũng là các tiêu chí để Nhà nước thẩm định, xét chọn các dự án tài trợ, ví dụ như khả năng tạo công ăn việc làm mới, kết nối doanh nghiệp với tổ chức nghiên cứu, hay thu hút nhân lực KH&CN cho địa phương, v.v. Ngoài ra, việc đầu tư cho các dự án công nghệ của các doanh nghiệp cũng chính là sự bồi đắp làm giàu cho kho tàng tri thức trong xã hội, và Nhà nước không nên lo rằng mình bị thua thiệt, ông Asaf nhấn mạnh.

Đảm bảo tính độc lập của vườn ươm

Để đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng Nhà nước (hoặc các quỹ đầu tư của Nhà nước) nên giao kinh phí cho một tổ chức quản lý chuyên nghiệp. Công ty MDeC của Malaysia là một ví dụ, có chức năng làm trung gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện ở Malaysia.

Chính phủ Malaysia dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này một dự án hỗ trợ đặc biệt, có tên gọi Siêu Hành lang Đa phương tiện (Multimedia Super Corridor) viết tắt là MSC, do MDeC trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai. Đây thực chất là một đặc khu kinh tế lý tưởng với nhiều chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ như hỗ trợ về tài chính, các dịch vụ tiện ích, hỗ trợ nâng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận thị trường thế giới.

Dự án MSC được bắt đầu từ năm 1996, tới nay đã phát triển tới giai đoạn thứ 3, là một dự án quy mô lớn, đòi hỏi sự tập trung đầu tư rất lớn của Nhà nước, bên cạnh đó là nguồn lực của khu vực tư nhân. Theo chuyên gia Rajen Dorairaj, Giám đốc khu vực Công ty MDeC từ Malaysia, tỷ lệ đầu tư cho các doanh nghiệp trong dự án MSC là Nhà nước 30%, tư nhân chiếm 70%. Tỷ lệ này đảm bảo rằng đồng tiền của Nhà nước được đưa vào những dự án có tính hiệu quả, đủ để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, dù đã có sự tách biệt với cơ quan cấp phát kinh phí từ Ngân sách Nhà nước thì mô hình MDeC của Malaysia vẫn là một cơ quan Nhà nước và vì vậy, vẫn tồn tại nguy cơ quan liêu và chủ quan trong quản lý. Theo đánh giá trong tham luận tại hội thảo của ông Trần Việt Đức, Phó Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Việt Nam thì các vườn ươm doanh nghiệp ở nước ngoài có xu hướng dựa vào nguồn kinh phí công sẽ không đạt được sự “tương xứng giữa chi phí và hiệu quả hoạt động”.

Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc tham khảo các mô hình vườn hoạt động vì lợi nhuận như của Israel, nơi các vườn ươm hoàn toàn là các doanh nghiệp tư nhân hoặc của nước ngoài. Tại đây, các doanh nghiệp được ươm tạo được vườn ươm tài trợ 15% kinh phí (và được tham gia tới 50% cổ phần tại doanh nghiệp được ươm tạo), 85% còn lại từ Nhà nước – doanh nghiệp được ươm tạo có trách nhiệm hoàn lại kinh phí cho Nhà nước nếu sau này hoạt động thành công. 

Bên cạnh đó, cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của Úc, nơi Nhà nước có chính sách cấp đất cùng một số cơ sở hạ tầng tối thiểu và một nguồn kinh phí hạn chế cho các vườn ươm khi thành lập, sau đó hầu như để cho chúng tự vận hành nuôi sống mình. Nguồn thu của vườn ươm là mức phí trả từ các doanh nghiệp được ươm tạo. Những doanh nghiệp chưa có nguồn thu sẽ chưa phải đóng phí ngay, mà sẽ được truy thu sau này khi bắt đầu có doanh thu.

Điều này tạo động lực cho các vườn ươm phải tìm cách hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách tối ưu, nhằm giúp các doanh nghiệp sớm hoạt động có lãi và có tiền để trả cho vườn ươm. Mô hình này đã chứng minh được tính hiệu quả, thể hiện ở số các doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại sau giai đoạn khó khăn ban đầu. Theo ông Bob Waite, giám đốc vườn ươm Darebin, ở Úc trung bình có 75% doanh nghiệp khởi nghiệp không tồn tại sau 3 năm kể từ khi thành lập, nhưng với những doanh nghiệp được ươm tạo thì tỷ lệ này giảm xuống còn 25%.     

Hạn chế của thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam

Hiện nay đa số các vườn ươm tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối doanh nghiệp với các nguồn lực tài chính trong vài ngoài nước, trong đó nguyên nhân đáng kể là những hạn chế của thị trường đầu tư mạo hiểm. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Duy1, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam, hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam mới chỉ tập trung trong lĩnh vực công nghệ thông tin và internet, trong khi các mảng về công nghệ đời sống như vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học, phương thức vận tải, v.v vẫn chưa phát triển, một phần vì những mảng này đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn hơn.

Ngoài những nguyên nhân như năng lực của bản thân các doanh nghiệp còn hạn chế, Nhà nước còn thiếu các chính sách hỗ trợ kịp thời và chế tài cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Nguyễn Thế Duy, một nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động của thị trường đầu tư mạo hiểm kém sôi động là do hoạt động lưu chuyển vốn nước ngoài còn gặp những thủ tục hành chính rườm rà và vướng mắc pháp lý. Mặc dù quy mô đầu tư mạo hiểm thường nhỏ hơn so với quy mô đầu tư vào các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đã phát triển trưởng thành nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài khi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam phải xin giấy chứng nhận đầu tư như các dự án đầu tư vốn nước ngoài thông thường khác.

Điều này gây nhiều phiền hà, không phù hợp với đặc thù đòi hỏi tính linh hoạt cao trong đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và việc chứng minh thu nhập chính đáng khi chuyển tiền về nước ngoài cũng trải qua nhiều thủ tục phức tạp. “Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ giúp các thủ tục đăng ký, chuyển tiền, và giải ngân cho lĩnh vực đầu tư mạo hiểm được rút ngắn hơn”, ông Duy khuyến nghị.

Rõ ràng chính sách cởi mở hơn trong thu hút vốn nước ngoài đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp là rất cần thiết vì sự đầu tư đó không chỉ đem lại giá trị kinh tế, mà còn kết nối nguồn chất xám trong nước với thị trường toàn cầu, qua đó giúp tăng cường năng lực công nghệ và hoạt động nghiên cứu ở trong nước để tiếp tục đóng góp phục vụ cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
             

1 Giới thiệu về đầu tư mạo hiểm – tham luận của Nguyễn Thế Duy, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam tại hội thảo

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)