Một bước tiến lớn trong đổi mới quản lý NCCB

Tại cuộc tọa đàm về dự thảo Quy định về tài trợ Nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong các lĩnh vực khoa học do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia cùng Tạp chí Tia Sáng tổ chức vừa qua, các đại biểu tham dự đều đồng tình với ý kiến của GS Hoàng Tụy, đánh giá bản dự thảo là một thành công, một bước tiến lớn trong đổi mới NCCB của chúng ta hiện nay.

Để thực hiện được mục tiêu tài trợ của Quỹ là: “Xây dựng môi trường nghiên cứu có tính liên tục và kế thừa nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam; Phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu của cá nhân, tập thể nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học, viện nghiên cứu; hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh có năng lực nghiên cứu ở trình độ quốc tế; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng nhanh số lượng kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học”, bản dự thảo Quy định đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo các quy định về tài trợ cho NCCB của các nước có nền khoa học phát triển cùng với thực trạng NCCB hiện nay của nước ta.
Hướng tới các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế
Khác với các quy định về tuyển chọn và nghiệm thu các đề tài NCCB trước đây, Quy định này đặt điều kiện tiên quyết đối với chủ nhiệm đề tài và cá nhân nghiên cứu đăng ký đề tài (đầu vào) là phải có học vị tiến sỹ trở lên và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp, được công bố trên tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín (ISI) trong 5 năm gần nhất là tiêu chí hàng đầu; riêng đối với các nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) đăng ký chủ trì đề tài NCCB mang tính thăm dò khám phá lần đầu phải có học vị thạc sỹ và ít nhất 2 bài báo công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia có uy tín trong 5 năm gần nhất. Quy định này có thể coi là một yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho việc lựa chọn được đúng những nhà khoa học có năng lực. Nhưng nhiều đại biểu cho rằng, việc yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải có học vị tiến sỹ hoặc thạc sỹ trở lên là còn cứng nhắc, nhất là trong bối cảnh bằng cấp của nước ta chưa phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực của cá nhân nhà khoa học. Theo GS Hoàng Tụy, không cần đặt nặng yêu cầu về bằng cấp, mà nên coi trọng lý lịch khoa học của người đăng ký, có những người bằng cấp tuy không cao nhưng nếu có quá trình nghiên cứu khoa học tốt thì cũng nên tin tưởng hỗ trợ cho họ.

Những quy định về tài trợ NCCB sẽ được bổ sung hoàn thiện trong quá trình thực hiện. Điều chúng tôi mong muốn là các nhà khoa học, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu có người đứng đầu là các nhà khoa học có năng lực, uy tín và những người tham gia là những nhà khoa học trẻ có triển vọng chuẩn bị thật chuẩn mực những đề tài nghiên cứu để đăng ký vào đợt tài trợ đầu tiên của Quỹ.

Thứ trưởng Lê Đình Tiến

Trong Quy định, sản phẩm nghiên cứu của đề tài nghiên cứu thực nghiệm phải có ít nhất 2 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín hoặc 2 bằng phát minh sáng chế, được chuyên gia đánh giá xác định chất lượng nội dung khoa học. Quy định này có nhiều điều cần được cân nhắc, xem xét vì hiện nay, các đầu tạp chí khoa học quốc tế đã đạt tới con số 2 vạn. Đi kèm với sự gia tăng về số lượng là sự không đồng đều về chất lượng và mức độ uy tín. Ngay cả với riêng một tạp chí quốc tế, chất lượng và mức độ uy tín cũng phụ thuộc theo từng thời điểm. Trong khi đó, từ 20-30 năm trở lại đây, các bài tham luận đóng góp vào các hội thảo khoa học quốc tế được các nhà chủ biên có tín nhiệm tập hợp, xét duyệt, chọn lọc đăng tải trên các tuyển tập cũng có giá trị tương đương các bài báo quốc tế. Có lẽ vì vậy mà GS Hoàng Tụy cho rằng“không nên tuyệt đối hóa việc áp dụng tiêu chuẩn“phải có hai bài báo quốc tế”, các tiêu chuẩn định lượng chỉ nên áp dụng khi không có thông tin nào khác để đánh giá”. Cũng theo GS Hoàng Tụy, để thực hiện tốt việc đánh giá dựa trên các bài báo công bố quốc tế cần lập ra danh sách các tạp chí uy tín và có quy chế thưởng riêng cho những bài báo được đăng trên các tạp chí đó.
Về thời gian công bố các bài báo quốc tế phụ thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu. Nếu như, các bài báo thuộc chuyên ngành CNTT có thời gian đăng tải nhanh, chỉ mất từ 3-6 tháng, thì ở các ngành khoa học khác thì phải mất hơn 1 năm trở lên (Toán, Vật lý, CNSH…). Không chỉ vậy, với một số lĩnh vực nghiên cứu mang tính thực nghiệm, để có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế đòi hỏi số liệu được phân tích ở các phòng thí nghiệm có uy tín cao, đòi hỏi những đầu tư lớn về trang thiết bị thậm chí ở mức hợp tác quốc tế. Điều đó cho thấy, áp dụng quy định trong 2 năm thực hiện đề tài phải có bài báo công bố quốc tế cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu là còn không khả thi.Vì vậy, cần đưa ra các tiêu chí đánh giá chi tiết, cụ thể với từng ngành khoa học nếu không thì vô hình trung sẽ hạn chế NCCB ở một số lĩnh vực. “Nếu chúng ta không có chính sách thích hợp để động viên mọi ngành cùng tiến lên, chúng ta sẽ không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả cộng đồng và không xây dựng được một nền khoa học mạnh toàn diện” (TS Phạm Đức Chính – Viện Cơ học). Bên cạnh các ý kiến về số lượng và thời gian đăng bài báo, nhiều vị đại biểu cho rằng cần có các biện pháp nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học trong nước, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ “quen dần” với việc viết các bài báo khoa học.
Ngoài ra, PGS Trần Ngọc Vương – (Khoa Văn – Trường ĐHQG HN) cho rằng cần phân biệt rõ ràng những quy định áp dụng cho KHXH và KHTN. Có những quy định áp dụng tốt cho KHTN nhưng không phù hợp đối với ngành KHXH. Ông cho biết, “KHXH có công bố quốc tế là khó khăn, thậm chí những công trình quan trọng nhất lại không thể công bố được”. Hay trong nghiên cứu KHXH, tiêu chí có đầu sách chất lượng xuất bản được coi trọng hơn có bài báo công bố quốc tế .v.v.
Điều kiện để nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu
Để đảm bảo chất lượng của đề tài nghiên cứu theo các mục tiêu mà Quỹ đề ra, PGS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho rằng ngoài các quy định của dự thảo, cần yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải có 4-5 trang bằng tiếng Anh giới thiệu về quá trình hoạt động khoa học (bao gồm: tổng quan về những vấn đề mới nhất trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu và các tiêu chí khác như tham gia đào tạo, hợp tác nghiên cứu .v.v.). Thái độ hợp tác nghiên cứu của nhà khoa học được nhiều đại biểu đề xuất đưa vào thành một tiêu chí ưu tiên, tránh tình trạng manh mún và lãng phí trong hoạt động khoa học. Đã có trường hợp, nhiều nhà khoa học cùng chung một hướng nghiên cứu nhưng lại đứng riêng một đề tài… Nếu những yêu cầu này được đáp ứng, chúng ta có thể hy vọng vào sự phát triển của một nền khoa học có môi trường học thuật mang đẳng cấp quốc tế, trong đó sự bồi đắp kế thừa giữa các thế hệ làm khoa học có thể tạo ra các trường phái NCKH giải quyết được các vấn đề lớn, lâu dài, GS Ngô Bảo Châu khẳng định.
Nếu như việc xét duyệt cá nhân nhận hỗ trợ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được ví như việc “chọn mặt gửi vàng” thì theo GS Phạm Duy Hiển, việc tổ chức Hội đồng Khoa học (HĐKH) và các chuyên gia độc lập đánh giá đề tài có vai trò quyết định đến kết quả của đề tài nghiên cứu. Ông cho rằng HĐKH có vai trò “cầm trịch” trong việc thực hiện các điều khoản trong quy định do vậy việc lựa chọn các thành viên trong hội đồng phải thật công tâm và cẩn thận. Người làm khoa học chân chính không thể nào chịu được những người không có đủ trình độ ngồi phán xét về công trình nghiên cứu của họ.Về vấn đề này, quan điểm của PGS Hoàng Ngọc Long (Viện Vật lý và Điện tử) là với sự phát triển như ngày nay, khoa học kỹ thuật chỉ cần 2-3 năm đã lạc hậu vậy nên quy định thành viên HĐKH phải có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong 5 năm gần nhất là hơi… nhẹ.
Bản dự thảo đã bước đầu xây dựng được một quy chế tài chính minh bạch, nhất là sự đãi ngộ hợp lý, đủ sức cạnh tranh để các nhà khoa học có năng lực, tâm huyết có thể yên tâm tập trung vào nghiên cứu; đồng thời có sức thu hút các nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài. Tuy vậy, cũng còn có những ý kiến băn khoăn.

Bộ KH&CN nên tổ chức các câu lạc bộ các nhà khoa học hướng tới chuẩn mực quốc tế và quan tâm tới đổi mới với các thành viên là những người có công bố quốc tế 5 năm gần đây, nhằm tạo điều kiện hợp tác, nâng cao hiệu quả nghiên cứu của các thành viên và tư vấn cho Quỹ chọn được các hội đồng ngành đủ uy tín chuyên môn.

TS Phạm Đức Chính

Theo GS Hoàng Tụy, “ở nước ngoài kinh phí nghiên cứu chỉ dùng để phục vụ cho việc nghiên cứu còn ở nước ta kinh phí này được dùng để “tăng thêm thu nhập” cho các nhà khoa học, thậm chí là nguồn thu nhập chính, làm thế nào để các nhà khoa học hưởng đủ lương để làm khoa học một cách đàng hoàng vẫn là vấn đề cần phải bàn?” GS Ngô Việt Trung (Viện Toán) dựa trên những so sánh giữa mô hình nghiên cứu khoa học của Mỹ và Châu Âu cho rằng việc sử dụng kinh phí bù lương là chuyện phổ biến và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, điều cần làm là cân nhắc và có những quy định rõ ràng để tránh thiếu sót có thể gặp phải.
Cũng trong cuộc tọa đàm, có nhiều ý kiến cho rằng ngoài kinh phí chung cho cả đề tài cũng cần có thêm những hỗ trợ không thường xuyên, có những khoản chi rất “vụn vặt” nhưng có vai trò không nhỏ trong việc tăng cường hiệu quả của hoạt động nghiên cứu. Theo ý kiến của PGS Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT Hạt nhân) cho rằng, tương tự như các khoản chi phí dành cho các đề tài nghiên cứu thực nghiệm (dùng để mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…) nằm ngoài giới hạn 25.0000USD, cần có ngân sách riêng cho những hoạt động hợp tác quốc tế như: hỗ trợ cán bộ đi báo cáo hội thảo ở nước ngoài, hợp tác NCKH tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế…; hỗ trợ chuyên gia quốc tế sang tham gia hợp tác nghiên cứu (bao gồm cả chi phí đi lại, ăn ở tối thiểu…); hỗ trợ đào tạo tiến sỹ để tránh tình trạng các nghiên cứu sinh của Việt Nam trở thành “đội ngũ lao động chất lượng cao” tại trung tâm nghiên cứu của các nước phát triển… Những chi phí này phải được chủ nhiệm của đề tài có giải trình cụ thể và báo cáo đầy đủ lại với cơ quan quản lý Quỹ. Bên cạnh đó, những quy định mang tính cứng nhắc như: liệt kê chi phí mua hóa chất, loại nào, bao nhiêu… lại bị không ít các nhà khoa học “dị ứng”. PGS Trương Nam Hải (Viện CNSH) cho rằng nếu phải nêu quá chi li những khoản như vậy không sát với thực tế, nhiều lúc sẽ đẩy nhà khoa học đến tình huống phải… nói dối.
Sau buổi tọa đàm, rất nhiều bản góp ý cho dự thảo Quy chế đã được tiếp tục gửi đến tạp chí Tia Sáng và Ban soạn thảo. Điều đó chứng tỏ Quy chế đáp ứng được nguyện vọng của các nhà khoa học.

Tuấn Linh

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)