Một cường quốc Toán học – Mục tiêu phát triển toán học Việt Nam

Sau khi tổ chức thành công kỳ thi Quốc tế IMO-2007, hội thảo Hợp tác với các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài đã được tổ chức. Tại Hội thảo đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra bài toán làm thế nào để trong một hai chục năm tới, Toán học Việt Nam đứng vào hàng thứ 20 trong thế giới.

Tại sao cần phát triển Toán học? 

Trước hết vì vai trò to lớn và đặc biệt của nó không chỉ đối với các ngành khoa học khác, mà còn đối với hầu hết mọi vấn đề của kinh tế – xã hội và an ninh – quốc phòng. Không phải tình cờ mà cường quốc toán học số một, nước Mỹ, vẫn quyết tâm giữ thế độc tôn này. Trong phần nói đầu của “Bản báo cáo cuối cùng của Ban cố vấn Phát triển Toán học quốc gia”1, họ đã không giấu giếm mục tiêu đó:

“Trong suốt thế kỉ 20, Mỹ có một năng lực khác thường, không ai so sánh được, về toán học. Nó được đo không chỉ bằng độ sâu và số lượng của các chuyên gia làm việc ở đây, mà còn bởi quy mô và chất lượng của sự tiên phong của Mỹ về công nghệ, khoa học và tài chính, và thậm chí bởi sự quảng bá của Toán học trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên nếu thiếu những thay đổi thực chất và có thể chấp nhận được trong hệ thống giáo dục, thì chúng ta sẽ  đánh mất vai trò tiên phong trong thế kỉ 21. Bản báo cáo này nhằm đưa ra những giải pháp để tăng cường sức mạnh của Mỹ trong lĩnh vực trung tâm này của đào tạo”. 

“Lĩnh vực trung tâm” nói ở trên chính là giáo dục toán học. Bản báo cáo này được chuẩn bị dựa trên Sắc lệnh số 13398 kí ngày 18/4/2006 của Tổng thống Mỹ, G. Bush, trong đó ở Điều 1 đã chỉ rõ sách lược:
“Để đảm bảo khả năng cạnh tranh của Mỹ, để ủng hộ các tài năng và sự sáng tạo của Mỹ, để khuyến khích đổi mới kinh tế Mỹ, giúp đỡ chính quyền các bang và các địa phương trong việc nâng cao giáo dục của trẻ em và thanh niên, chúng ta cần có chính sách để nâng cao kiến thức và thành tích trong toán học”2.

Tất nhiên không phải ai cũng đồng thuận quan điểm này. Người ta có thể đưa ra những lý lẽ dễ dàng nhưng thoạt nghe đầy thuyết phục, đại loại: Nhưng đó là nước Mỹ, nước giàu có, nếu không thừa thì cũng đủ tiền để vẽ vời! Việt Nam còn nghèo, đâu cần cái toán học cao siêu. Dùng của thế giới cũng đủ rồi!

Đưa ra những cơ sở khoa học để bác lại ý kiến đó không khó, nhưng nó chiếm nhiều giấy bút – và suy cho cùng cũng khó mà thuyết phục được những người có quan điểm như vậy, bởi vì cái lợi ích của toán học không lộ thiên và thường không xuất hiện một cách độc lập. Thế nhưng nếu chịu khó suy nghĩ một chút, chịu khó tin người khác một chút, ta sẽ thấy lợi ích của toán học ở ngay cạnh chúng ta đấy thôi. 

Hiện nay Hàn Quốc có 5 trung tâm toán học nòng cốt được gọi là Brain Korea (tạm dịch: chất xám Hàn Quốc) rải trên khắp đất nước với kinh phí 15 triệu USD mỗi năm. Bên cạnh đó Hàn Quốc có hai viện nghiên cứu quốc gia là Viện nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc (KIAS) có kinh phí hằng năm là 12 triệu USD cho toán và lý và Viện nghiên cứu toán học quốc gia (NIMS) với kinh phí 4 triệu USD mỗi năm. Kinh phí nêu trên không bao gồm phần xây dựng cơ bản. Như vậy có thể thấy kinh phí nghiên cứu toán của Nhà nước Hàn Quốc đã hơn toàn bộ kinh phí Nhà nước Việt Nam dành cho khoa học và công nghệ (khoảng 40 triệu USD).

Hàn Quốc gia nhập Hội Toán học thế giới năm 1981 sau Việt Nam và cùng được xếp trong nhóm cuối như Việt Nam (hạng thứ 5 từ trên xuống). Nhưng đến năm 1993 họ đã được xếp hạng thứ nhì cùng nhóm với phần lớn các nước phát triển, trong lúc Việt Nam vẫn ở nhóm cuối. Năm 2007, toán học Hàn Quốc xếp hạng thứ 12 trên toàn thế giới theo số lượng công trình trong danh mục ISI. Mặc dù số lượng các nhà toán học của họ chỉ gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam, nhưng số lượng công bố quốc tế của Hàn Quốc hiện nay gấp khoảng 6 lần so với Việt Nam. Tại Đại hội toán học thế giới năm 2006 (4 năm 1 lần họp) có 3 báo cáo mời của các nhà toán học ở Hàn Quốc, trong lúc Việt Nam không biết đến bao giờ mới có vinh dự như vậy . Hiện nay Chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ Hội Toán học Hàn Quốc đăng cai tổ chức Đại hội Toán học thế giới với mục đích cổ vũ hơn nữa sự phát triển toán học ở Hàn Quốc.

 Trong trang đầu của trang web về Năm Toán học3 của Hội Toán học Đức đã giới thiệu vắn tắt: “Không có lĩnh vực khoa học nào thâm nhập và ảnh hưởng đến các lĩnh vực của cuộc sống và công việc như toán học. Từ chế tạo ô tô đến phân làn đường, từ mua bán trong siêu thị đến kiến trúc, từ dự báo thời tiết đến nghe MP3, từ đi tàu đến Internet – tất cả đều là toán!”

Với cách nhìn đúng đắn như vậy thì ích lợi của toán học không còn là khái niệm trừu tượng nữa. Nó có thể đem lại ngay cho chúng ta một số tiền không nhỏ, nếu nó đủ tốt. Nhiều tỷ phú, mà tiêu biểu là Bill Gates phải biết ơn toán học! Trên thực tế họ không chỉ biết ơn, biết khai thác mà ngày càng đầu tư một số tiền khổng lồ để phát triển toán học!

Việt Nam cũng cần phát triển Toán!

Để có thể bán được sản phẩm, thì rõ ràng chúng ta phải có cái mới. Do đó không chủ động phát triển toán thì không bao giờ ta có được công nghệ riêng của mình. Đừng vội nghĩ là ta sẽ hoàn toàn làm chủ hay thậm chí thống trị công nghệ. Chỉ là tạo ra một vài thị phần nho nhỏ trong một lĩnh vực hẹp nào đó thôi thì cũng phải có cái độc đáo của mình!

Mà trong lĩnh vực trí tuệ này khả năng cạnh tranh rất dồi dào. Người đi sau không sợ thiếu chỗ. Vốn liếng bỏ ra không cần nhiều. Rủi ro cũng chẳng có, vì ít ra chúng ta cũng sẽ đào tạo ra được một số tiến sĩ. Nếu không biết ứng dụng toán học để cài đặt vào sản phẩm này nọ, thì chí ít họ cũng biết đứng lớp. Vậy thì tại sao ta lại tự nguyện tránh xa con đường này?

Toán học Việt Nam mới bắt đầu được hơn 50 năm. Thế nhưng, không biết từ bao giờ bạn bè thế giới khá khâm phục đối với toán học Việt Nam. Người làm toán khâm phục một thì người không làm toán khâm phục mười! Ai đó có điều kiện nói chuyện với bạn bè quốc tế có thể kiểm chứng điều đó dễ dàng. Nghe vậy sướng lắm chứ! Sướng dẫn đến tự tin để mà vươn lên: Dân tộc ta có khả năng làm toán!

Nhưng cái sướng dễ đưa tới cái ngộ nhận: toán học của ta đã quá tốt, chí ít là đối với đòi hỏi của nước nhà. Trên thực tế toán học Việt Nam còn quá yếu. Một cách tiếp cận cho thấy nó chỉ đứng ở vị trí 54 trên thế giới. Con số này có thể không chính xác nếu xét từ góc độ khác, nhưng chắc chắn từ góc độ này, toán học của ta chỉ ở khoảng vị trí 45 – 55. Do yếu như vậy mà khả năng ứng dụng của nó còn rất hạn chế so với yêu cầu của xã hội là lẽ đương nhiên. Mà không chỉ ứng dụng. Ngay yêu cầu đủ thầy dạy cho các trường đại học vẫn còn lâu mới đạt (nếu theo thông lệ quốc tế là thầy dạy toán ở đại học thì phải có bằng tiến sĩ).

Như vậy không chỉ nên, mà cần phải đẩy mạnh phát triển toán học ở nước ta! Đầu tư phát triển toán học không phải là một thứ để tiêu khiển, mà thực sự là một đầu tư thông minh, khả thi mà hiệu quả cao. Có thể xem đây là một ý tưởng táo bạo, một nhiệm vụ tối quan trọng.

Chương trình phát triển

Trước đây nhiều người vẫn đùa: làm toán chỉ cần mấy tờ giấy và cái bút chì. Điều ấy có thể đúng một phần ở thời điểm đó. Nhưng ngày nay thì suy nghĩ đó chắc chắn sai. Việc “làm toán” đòi hỏi phải có một số tiền nhất định. Số tiền đó chỉ “ít” khi ta làm phép so sánh với cái khác thôi, còn khi nêu thành con số thì không nhỏ tí nào.

Hơn một năm qua, Ban soạn thảo “Chương trình Quốc gia Phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2020” – được thành lập theo quyết định của chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – đã cố gắng làm việc để tìm ra một số giải pháp phát triển toán học nước ta. Do tính phức tạp và sự liên kết hữu cơ của nó đối với nhiều lĩnh vực phát triển khác của đất nước, Chương trình dự thảo chỉ đặt ra một mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều: Không chú trọng quá nhiều đến tính đồng bộ và tính đầy đủ của các giải pháp. Điều chính là tìm ra những giải pháp khả thi, không cần nhiều kinh phí, nhưng vẫn đạt được mục tiêu là tạo ra những động lực mạnh để toán học nước ta phát triển, đến năm 2020 có thể xếp vào hàng thứ 40 trên thế giới. Trên cơ sở đó nhanh chóng đưa toán học nước ta đứng vào hàng tiên phong của toán học thế giới. 

Chỉ với nhiệm vụ khiêm tốn thế thôi, theo ước tính sơ bộ, trong 11 năm (2010-2020) chúng ta cần khoảng 970 tỷ đồng Việt Nam, tức là gần 60 triệu USD, bình quân khoảng 5 triệu USD một năm. Rõ ràng đây là một con số rất lớn (nhất là với người làm toán). Thế nhưng tính kĩ ra, nó chưa bằng 6 km đường cao tốc! Và nếu thành công, Toán học Việt Nam sẽ đóng vai trò một con đường cao tốc trong hệ thống đường cao tốc phát triển khoa học và công nghệ của nước ta!

Không so với Mỹ, mà chỉ so Hàn Quốc thì con số ấy cũng tỏ ra quá ít ỏi. Riêng Viện KIAS của Hàn Quốc với 20 giáo sư, 60 nghiên cứu viên và 23 nhân viên có tổng ngân sách năm 2009 là 18,8 triệu USD. Do vậy, nhìn vào nhu cầu nội tại của ta về phát triển toán học, về khả năng đáp ứng tài chính của đất nước, cũng như so sánh với đầu tư của các nước bạn, Ban soạn thảo Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020 hết sức tin tưởng  vào sự cần thiết và tính khả thi của Chương trình.
————————
1 Xem vietnamnet.vn/giaoduc/ vande/2007/08/724921/
2 The final report of the National Mathematics Advisory Panel, US Department of Education 2008 (www.ed.gov/MathPanel)
3 Trang 71 sđd
4 www.jahr-der-mathematik.de/
———-
* Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)