Một số suy nghĩ về Trung tâm Xuất sắc

Trung tâm Xuất sắc (Centre of Excellence) là một mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được một số nước Anh, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Brazil… sử dụng trong thời gian gần đây. Được biết, ngay từ năm 2005, Việt Nam đã có ý định tiếp cận mô hình này, và có thể sẽ triển khai trong chiến lược KH&CN 2010 - 2020. Tuy nhiên, thế nào là Trung tâm Xuất sắc, và làm sao để có Trung tâm Xuất sắc, lại là vấn đề chưa được thảo luận rõ ràng.

Vì thế, bài viết này sẽ trình bày một số ý kiến cá nhân của tác giả về Trung tâm Xuất sắc, và chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Trung tâm Xuất sắc là gì?

Như được phản ánh trong tên gọi của nó, Trung tâm Xuất sắc được hiểu là một cơ sở thực sự xuất sắc, đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực mà nó hoạt động. Vai trò của nó không chỉ là tạo ra các sản phẩm xuất sắc, mà còn tạo ra những chuẩn mực xuất sắc cho các cơ sở khác noi theo. Điều này có nghĩa, sự xuất sắc phải được đánh giá trong lĩnh vực nó hoạt động, chứ không phải trong phạm vi địa lý mà nó thuộc về. Nói ngắn gọn, Trung tâm Xuất sắc phải đứng ở tuyến đầu trong lĩnh vực mà nó hoạt động, xét ở tầm mức quốc tế.

Trung tâm Xuất sắc có thể xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh khoa học – công nghệ, do bản chất không biên giới của tri thức, nên Trung tâm Xuất sắc là nơi sản xuất ra các công trình khoa học, công nghệ ở tầm dẫn dắt thế giới (world-leading class). Điều này có nghĩa, chất lượng các công trình nghiên cứu của nó phải được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận.

Trong lĩnh khoa học – công nghệ, do bản chất không biên giới của tri thức, nên Trung tâm Xuất sắc là nơi sản xuất ra các công trình khoa học, công nghệ ở tầm dẫn dắt thế giới (world-leading class). Điều này có nghĩa, chất lượng các công trình nghiên cứu của nó phải được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận.

Đây là một điểm rất tế nhị đối với các nước có nền khoa học còn kém phát triển. Với các nước đó, đạt đẳng cấp dẫn dắt ở tầm mức thế giới là điều rất khó, nên họ sẽ có xu hướng “hạ chuẩn”, thay vì dẫn dắt ở mức quốc tế, họ đổi thành dẫn dắt ở mức quốc gia. Sự đánh tráo khái niệm này sẽ vấp phải sự mâu thuẫn lớn với bản chất không biên giới của tri thức, rằng tri thức có tính phổ quát và phi biên giới, nên một tri thức được coi là xuất sắc thì phải được quốc tế thừa nhận. Chẳng hạn, nếu Việt Nam xây dựng một Trung tâm Xuất sắc về Toán, Vật lý, Công nghệ sinh học hay Công nghệ thông tin… thì sản phẩm của nó phải được công bố và thừa nhận bởi cộng đồng các nhà khoa học quốc tế, chứ không phải bởi cơ quan chức năng của các cơ sở nghiên cứu ở trong nước.

Tương tự như trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong lĩnh vực đào tạo cũng có Trung tâm Xuất sắc. Đó là nơi đào tạo tốt nhất, có đội ngũ giáo sư giỏi nhất, sinh viên giỏi nhất, thành tích học thuật nổi bật nhất. Còn trong lĩnh vực dịch vụ, Trung tâm Xuất sắc là nơi cung cấp dịch vụ nhanh nhất, đầy đủ nhất, hình thức mới nhất, sử dụng nền tảng công nghệ mạnh nhất.

Tóm lại, Trung tâm Xuất sắc, dù ở trong bất cứ lĩnh vực nào, thì cũng đều phải đứng ở tuyến đầu của tri thức và đóng vai trò dẫn dắt, định chuẩn trong lĩnh vực mà nó hoạt động. Nếu trung tâm nào đó không làm được điều này thì không có lý do gì để được gọi là Trung tâm Xuất sắc.

Đặc điểm của Trung tâm Xuất sắc?

Ở cấp độ cá nhân: Trung tâm Xuất sắc là nơi hội tụ các cá nhân xuất sắc, là nơi nhân tài tụ về làm việc và cống hiến. Do đó, một trong những đặc điểm tiên quyết của Trung tâm Xuất sắc là con người xuất sắc, đặc biệt quan trọng là lãnh đạo xuất sắc.
Ở cấp độ trung tâm: Do phải cạnh tranh với các trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới, Trung tâm Xuất sắc thường tập trung vào một lĩnh vực mũi nhọn, với trang thiết bị hiện đại và hệ thống hỗ trợ mạnh.

Ở cấp độ hệ thống: Các Trung tâm Xuất sắc thường liên kết tạo thành chuỗi các trung tâm để hỗ trợ nhau, nhưng vẫn nhắm đến việc giải quyết những bài toán lớn trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, ví dụ: Công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, Công nghệ thông tin…, thông qua cơ chế chia sẻ tài nguyên, chia sẻ trang thiết bị đắt tiền, và đặc biệt là kết nối với các Trung tâm Xuất sắc quốc tế.

Đặc điểm chung của Trung tâm Xuất sắc phải là nơi hội tụ tài năng trong nước và quốc tế, là nơi được ưu đãi về cơ chế và cơ sở vật chất, là nơi mà tinh thần tự do học thuật được xiển dương, mạo hiểm khám phá được ủng hộ.

Muốn làm được những điều như vậy, Trung tâm Xuất sắc phải có cơ chế làm việc ưu tiên, đặc biệt hơn so với các trung tâm thông thường.

Như vậy có thể thấy, đặc điểm chung của Trung tâm Xuất sắc là mọi yêu cầu và chuẩn mực của nó phải đạt mức xuất sắc. Chi tiết hơn, đó phải là nơi hội tụ tài năng trong nước và quốc tế, là nơi được ưu đãi về cơ chế và cơ sở vật chất, là nơi mà tinh thần tự do học thuật được xiển dương, mạo hiểm khám phá được ủng hộ.
 
Làm thế nào để có Trung tâm Xuất sắc?

Điều kiện tiên quyết là trước hết phải tập hợp được những con người xuất sắc, hội tụ được tài năng trong nước và quốc tế. Tài năng này không chỉ tài năng chuyên môn, mà còn mở rộng ra sang các lĩnh vực khác như tài năng lãnh đạo và quản lý, tài năng trong hệ thống kết nối và hỗ trợ. Tiếp đến là phải xác lập được các chuẩn mực xuất sắc cho các trung tâm này để định hướng và đánh giá hoạt động cho toàn trung tâm, đồng thời làm cơ sở cho các trung tâm đồng nghiệp noi theo; có cơ chế ưu đãi đặc biệt; có cơ sở vật chất tốt, và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có hệ thống hỗ trợ mạnh và phải kết nối tích cực và hiệu quả với các Trung tâm Xuất sắc quốc tế, tạo sự giao lưu trao đổi về nhân lực, và đặc biệt là chuẩn mực trong các hoạt động của mình.

Tóm lại, để có Trung tâm Xuất sắc thì mọi yếu tố liên quan như con người, chuẩn mực, cơ chế vận hành, cơ sở vật chất, hệ thống hỗ trợ, giao lưu quốc tế… đều phải đạt mức xuất sắc.

Trường hợp Việt Nam

So với các nước phát triển, việc thành lập Trung tâm Xuất sắc ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn gấp bội. Có thể liệt kê một số khó khăn đó như sau:

Nhân lực xuất sắc là khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đương đầu. Giả sử Việt Nam sẽ thành lập 60 cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới trong “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2010-2020” tương ứng 60 Trung tâm Xuất sắc, thì với giả thiết mỗi trung tâm cần ít nhất hai nhà khoa học xuất sắc ở trình độ thế giới, thì sẽ cần tối thiểu là 120 người như vậy. Đây là con số rất lớn. Nếu không có cơ chế đặc biệt để thu hút các nhà khoa học nước ngoài thì khó có thể thực hiện được.

Nền tảng khoa học công nghệ chung của Việt Nam còn thấp, truyền thống khoa học mỏng.

Cơ chế vận hành chung của toàn hệ thống quan liêu, nặng nề. Điều này đã trở thành nút cổ chai cho mọi động của xã hội, không chỉ của lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Vấn đề lớn nhất của khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục… Việt Nam hiện giờ là sự trung thực và hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là trở lại sự bình thường từ trạng thái bất thường. Điều này cũng có nghĩa, trước khi xuất sắc, thì ít nhất cần phải đạt mức chuẩn mực bình thường như của thế giới. Trong quan niệm đó, trước hết cần tập trung nguồn lực vào việc cải tạo hệ thống các Trường, Viện hiện có theo chuẩn mực của thế giới.

Hệ thống hỗ trợ nặng tính hành chính, kém hiệu quả. Đó cũng là một thực tế cần phải xem xét.

Chưa có ngành mũi nhọn ghi được dấu ấn trên thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc xác định lĩnh vực ưu tiên của các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Ngân quỹ dành cho khoa học thấp. Chẳng hạn, Hàn Quốc với số dân khoảng 50 triệu người thì dành kinh phí cho khoa học lên đến khoảng 50 tỷ USD/năm, trong khi Việt Nam, với số dân 90 triệu người thì kinh phí dành cho khoa học khoảng 2% ngân sách, ứng với mức khoảng 800 triệu USD/năm. Với mức đầu tư hạn chế như vậy, việc xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ là rất khó khăn.

Các hoạt động khoa học chịu sự chi phối nặng nề của chính trị, nặng tính phong trào, dẫn đến chuẩn mực học thuật thấp.

Khả năng kết nối với thế giới của các nhà khoa học Việt Nam yếu, do chênh lệch về trình độ, về ngoại ngữ, về động cơ làm việc v.v.

Tinh thần khoa học đại chúng chưa hình thành rõ ràng, cộng hưởng với nền công nghiệp nhỏ, nên nguồn cung nhân lực khoa học kỹ thuật trình độ cao bị hạn chế.
Ngoài những khó khăn đã nêu trên, thì có một khó khăn không dễ giải quyết. Đó là đặt các Trung tâm Xuất sắc này ở đâu? Trong hệ thống Trường, Viện đã có, hay xây mới hoàn toàn? Nếu đặt trong các Trường, Viện đã có thì sẽ có mâu thuẫn với cơ sở cũ về đủ mọi mặt: cơ chế vận hành, chế độ ưu đãi… nên sẽ rất khó phát huy tác dụng. Còn nếu đặt bên ngoài hệ thống Trường, Viện đã có thì điều này giống như việc xây dựng một hệ thống mới song hành với hệ thống cũ, nên tất yếu xảy ra va chạm giữa hai hệ thống.

Như vậy, rõ ràng rằng, để trả lời câu hỏi “Đặt ở đâu?” tưởng chừng rất đơn giản này, Việt Nam cần phải rà lại toàn bộ hệ thống tổ chức các hoạt động khoa học của mình.

Thay lời kết

Vấn đề lớn nhất của khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục… Việt Nam hiện giờ là sự trung thực và hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là trở lại sự bình thường từ trạng thái bất thường. Điều này cũng có nghĩa, trước khi xuất sắc, thì ít nhất cần phải đạt mức chuẩn mực bình thường như của thế giới. Trong quan niệm đó, trước hết cần tập trung nguồn lực vào việc cải tạo hệ thống các Trường, Viện hiện có theo chuẩn mực của thế giới; đồng thời nếu quyết tâm xây dựng các Trung tâm Xuất sắc thì chỉ trong giai đoạn 2010-2020 nên xây dựng bốn trung tâm tại một số trung tâm học thuật lớn, như Hà Nội, TP. HCM, Huế, Cần Thơ. Và để đảm bảo các Trung tâm này thực sự là Trung tâm Xuất sắc, bên cạnh việc xác định lĩnh vực nghiên cứu đúng thế mạnh của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu về tất cả các mặt, như con người, cơ sở vật chất, cơ chế làm việc, khả năng kết nối… ở mức xuất sắc, thì cũng nên đặt các trung tâm này ra ngoài hệ thống Trường, Viện hiện hành để nó có thể tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Tác giả

(Visited 99 times, 1 visits today)