Một tiến bộ trong quản lý và phát triển nghiên cứu cơ bản

Vào những ngày cuối cùng của năm 2008, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc Gia (Quỹ PTKH&CNQG) đã tổ chức Lễ Công bố tài trợ NCCB trong khoa học tự nhiên năm 2009, đáp ứng sự mong đợi của các nhà khoa học từ nhiều tháng nay và là một khởi đầu rất đáng lưu tâm trong các hoạt động góp phần tích cực vào quá trình tích lũy và phát triển tài nguyên chất xám trong xã hội của Quỹ PTKH&CNQG.

Hoàn cảnh và đặc thù

Việc hình thành Quỹ PTKH&CNQG là một bước đi dũng cảm và tiến bộ từ phía những người quản lý, dù rằng ý tưởng thành lập những Quỹ như vậy thực ra đã khá phổ biến trên thế giới. Điều này được thể hiện ở quy chế hoạt động và mục tiêu tài trợ nghiên cứu cơ bản của Quỹ. Thứ nhất, Quỹ được điều hành ở một mức độ độc lập nhất định với sự quản lý của Bộ. Thứ hai, nó cho phép đông đảo giới khoa học tự do hơn trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu. Người làm khoa học có thể lựa chọn đề tài phù hợp với năng lực và kiến thức sở trường của mình, cũng như lựa chọn nhóm nghiên cứu mà mình tin là có năng lực giải quyết được mục tiêu đề ra. Qua đó năng lực của các cá nhân được phát huy tối ưu. Thứ ba, thông qua cơ chế cạnh tranh để giành tiền tài trợ của Quỹ, chất lượng các dự án được kỳ vọng sẽ tăng lên. Thứ tư, hiển nhiên là nguồn tri thức khoa học của đất nước phát triển dồi dào hơn. Xã hội sẽ có thêm những kết quả nghiên cứu mà vốn không thể có được với cơ chế chỉ định hướng đi và phân công nhân sự từ trên xuống.

Mặc dù mang những đặc thù ưu việt kể trên nhưng do là một mô hình còn mới mẻ nên việc hình thành và đưa Quỹ PTKH&CNQG vào hoạt động gặp không ít trở ngại. Cùng với việc lắng nghe, xử lý những ý kiến khác nhau của các nhà khoa học trong nước, tìm hiểu học hỏi các mô hình sẵn có trên thế giới, các nhà quản lý Quỹ đã mất không ít công sức vận động để mô hình mới được chấp thuận từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Giám đốc Quỹ Phan Hồng Sơn thì “khối lượng công việc nặng nề nhất trong thời gian qua là xây dựng những quy định cho việc tài trợ nghiên cứu phù hợp với luật ngân sách của Nhà Nước và các văn bản hiện hành đã có trong quản lý nghiên cứu khoa học”. Bởi vì, khi đề ra cách quản lý mới thì không thể tránh khỏi đụng chạm với các quy định làm chuẩn cho mô hình quản lý cũ. Cũng theo ông Phan Hồng Sơn thì bước đầu, mặc dù đã có sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo Bộ Khoa Học và Công Nghệ nhưng Quỹ vẫn phải dành không ít thời gian để thuyết phục giành sự đồng thuận từ phía Bộ Tài Chính. Bởi vậy, Quỹ ra đời từ tháng 3, tới tháng 5 có dự thảo quy chế nhưng tới nay giới hạn hoạt động mới chỉ là áp dụng “thí điểm”. Chúng ta có thể hiểu được khó khăn của những người điều hành và xây dựng Quỹ cũng như các nhà chức trách có thẩm quyền. Tuy đa số chúng ta ai cũng mong muốn đóng góp vào tiến trình phát triển tiến bộ chung của xã hội, nhưng việc xây dựng một quy chế đạt được mong ước như vậy trong đặc thù Việt Nam là điều không dễ dàng. Chúng ta hãy thử cùng xem xét mô hình hiện hành Quỹ PTKH&CNQG và tìm kiếm phương hướng để nó không những hoạt động tốt mà còn liên tục cải tiến tốt hơn nữa.

 

Thử tìm hiểu sâu hơn nữa

Câu hỏi mà tất cả chúng ta tất yếu sẽ đặt ra là liệu chất lượng các nghiên cứu cơ bản mà Quỹ sẽ tài trợ có thật sự hữu ích cho công cuộc phát triển đất nước hay không?

Điều này phụ thuộc vào bốn yếu tố: cơ chế lựa chọn các đề xuất nghiên cứu; các yêu cầu mà Quỹ đặt ra cho người nhận tài trợ; cơ chế đánh giá kết quả nghiên cứu; đối sách của Quỹ đối với những người nhận tài trợ nhưng không hoàn thành được các cam kết với Quỹ.

Chúng ta sẽ xem xét lần lượt từng yếu tố một.

Cơ chế lựa chọn các đề xuất nghiên cứu. Cơ sở nào để Quỹ xây dựng các hướng nghiên cứu và phân phối tí lệ lượng tài trợ giữa các hướng nghiên cứu này? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Nó cũng chính là một phần nguyên nhân của việc các tổ chức tài trợ mang tính hoạch định trung ương từ trên xuống khó đạt được hiệu quả cao. Vả lại, việc định hướng đề tài nghiên cứu và định lượng nguồn tài trợ của một cơ quan nhà nước thì lệ thuộc chặt chẽ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ấy. Trong khi đó, với đặc thù tự do và hoạt động độc lập của mình, Quỹ PTKH&CNQG tự nó phải đề ra cơ chế xây dựng hướng nghiên cứu và xác định tỉ lệ phân phối vốn tài trợ cho phù hợp. Đây là thách thức mà những người điều hành Quỹ sẽ phải đề ra lộ trình và từng bước giải quyết.

Sự ra đời của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia thể hiện một hướng đi mới, bổ sung cho phương thức quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học đã có trước đây từ phía Nhà Nước. Việc tài trợ phát triển cho khoa học từ phía nhà nước đi theo phương thức top-down, nghĩa là NN sẽ lựa chọn hướng nghiên cứu và chỉ định nhân sự thực hiện. Cả hai công việc này đều tiềm tàng tính quan liêu. Việc lựa chọn hướng nghiên cứu dễ ít nhiều chịu giới hạn từ sự hoạch định chiến lược của những người quản lý không am hiểu sâu về các chuyên ngành khoa học cũng như các đòi hỏi từ thực tiễn. Còn việc lựa chọn nhân sự lại càng dễ bị chi phối bởi những yếu tố phi khoa học như quyền lợi và quan hệ cá nhân. Vướng mắc này tồn tại ở nhiều quốc gia, kể cả ở những nước đã phát triển.

Những yêu cầu mà Quỹ đặt ra cho người được nhận tài trợ: Hiện nay Quỹ có những quy định khá cụ thể về giới hạn thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. Đối với các đề tài nghiên cứu thực nghiệm thì còn có thể được công nhận thông qua các bằng phát minh, sáng chế. Đây là những quy định có thể coi là hợp lý nếu được làm rõ và chặt hơn về mặt khái niệm (chẳng hạn như tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín). Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng cái khó của Quỹ là trong môi trường thiếu dữ liệu thống kê như hiện nay thì rất khó nắm được hồ sơ năng lực của các tất cả các nhà khoa học Việt Nam. Như thế thì khó biết quy định thế nào chặt quá, thế nào là dễ quá. Tuy nhiên, hi vọng rằng sau khoảng thời gian thử nghiệm đầu tiên, Quỹ sẽ tích lũy được tạm đủ những dữ liệu mang tính thăm dó để từ đó có những phân tích xác đáng làm căn cứ đề ra được các định mức hợp lý.

Cơ chế đánh giá kết quả nghiên cứu: Cơ chế này rõ ràng lệ thuộc vào yếu tố thứ nhất (cơ chế lựa chọn đề tài) và yếu tố thứ hai (các yêu cầu đối với người nhận tài trợ để nghiên cứu). Nếu yếu tố thứ nhất hay thứ hai mập mờ thì việc đánh giá kết quả nghiên cứu sẽ mập mờ. Đây là điều cần lưu ý sớm giải quyết nếu Quỹ muốn thật sự hoạt động hiệu quả.

Các đối sách dành cho các vi phạm thỏa thuận giữa Quỹ và người nhận tài trợ: Hiện nay theo quy định thì các chủ nhiệm của đề tài bị đánh giá không đạt hoặc bị đình chỉ hợp đồng nghiên cứu thì không được đăng ký chủ trì đề tài nghiên cứu trong vòng 2 năm. Nếu hợp đồng nghiên cứu bị vi phạm nghiêm trọng thì những người liên quan bị xử lý theo quy định pháp luật và không được chủ trì đề tài do Quỹ tài trợ trong thời gian 5 năm. Với quy chế này thì thứ nhất, cần làm rõ như thế nào là vi phạm nghiêm trọng; thứ hai, vẫn chưa tạo ra cơ chế sàng ngăn chặn hiện tượng mang những bài nghiên cứu chất lượng nhàng nhàng đi đánh quả. Rõ ràng là với một nhà khoa học trình độ trung bình thì, việc mang một dự án chất lượng tồi đi đấu thầu vẫn là một lựa chọn tối ưu hơn so với không làm gì, nếu như cơ may thắng thầu là đủ cao. Mà khi mặt bằng trình độ các nhà khoa học càng thấp thì cơ may này lại càng lớn và số lượng những dự án kiểu đánh quả này sẽ càng đông.

 

Một số đề xuất

Điều kỳ vọng ở những người quản lý Quỹ PTKH&CNQG không chỉ là có thêm nhiều nhà khoa học VN làm nghiên cứu khoa học, mà còn khuyến khích họ làm nghiên cứu khoa học với chất lượng cao, từ đó hình thành những cá nhân và những tập thể khoa học mạnh. Một trong những giải pháp để thực hiện kỳ vọng này là lập một giải thưởng hàng năm cho những cá nhân và nhóm nhà khoa học có những công bố quốc tế xuất sắc (kể cả những công trình nghiên cứu không được Quỹ tài trợ). Ông Phan Hồng Sơn cho biết Quỹ đã cố gắng vận động thực hiện điều này nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Tiêu chí hàng đầu để Hội đồng xét duyệt Quỹ dựa vào để xét duyệt được  những dự án nghiên cứu cơ bản tốt là những bài báo khoa học công bố ở những tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín, nơi hội tụ của những peer reviews hàng đầu thế giới. Nếu có thể dựa vào số lượng trích dẫn cũng trên các tạp chí này thì mức độ chính xác lại càng khả tín. Bởi vậy, không những chỉ nên thưởng cho những tác giả có bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín mà còn phải thưởng gia tăng hàng năm theo số lượng trích dẫn dùng bởi những bài báo cũng đăng trên các tạp chí hàng đầu này. Điều quan trọng không hẳn là thưởng ít hay nhiều mà cần thể hiện được rằng Quỹ là một tổ chức có khả năng phân biệt một cách xác đáng chất lượng của các bài nghiên cứu khoa học.

Các nghiên cứu công nghệ hữu ích sẽ liên tục là đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước trong trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, cái mà nhà nghiên cứu công nghệ cần không hẳn là tài trợ chi phí. Thậm chí tài trợ chi phí 100% còn gây hại, vì nó triệt tiêu rủi ro, làm cho người nghiên cứu mất đi động lực để tối ưu hóa chất lượng sản phẩm. Điều mà người nghiên cứu công nghệ cần là sự kết nối với thị trường. Cho nên một khi chất lượng của kết quả nghiên cứu đã được khẳng định thuyết phục thì Quỹ nên có trách nhiệm giúp quảng bá giá trị kết quả nghiên cứu tới các đối tượng khách hàng tiềm năng. Ngược lại, thông qua việc khảo sát thường niên về nhu cầu công nghệ từ các doanh nghiệp và tổ chức liên quan mà Quỹ có được định hướng thiết thực cho các đề tài nghiên cứu công nghệ. Vai trò cổng thông tin của Quỹ sẽ có giá trị đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội.

Quỹ PTKH&CNQG là đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, được thành lập để hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học trong phạm vi cả nước. Vậy thì hoạt động điều hành của nó cần được thể hiện rõ tính khoa học. Nghĩa là tự tạo được cơ chế để luôn làm cho chính nó trở nên tốt hơn. Như vậy thì cần ba yếu tố. Thứ nhất là luôn tích lũy một cách có hệ thống hồ sơ dữ liệu công việc, bao gồm các kết quả nghiên cứu, hồ sơ các nhà nghiên cứu được nhận tài trợ và không được nhận tài trợ, và hồ sơ nhận xét, đánh giá liên quan của các chuyên gia. Thứ hai là luôn lắng nghe ý kiến và đề xuất từ nhiều phía, bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, và thậm chí cả các doanh nghiệp, những người thực sự có nhu cầu về công nghệ. Cần tích lũy các ý kiến có giá trị thành kho dữ liệu vì đó chính là nền tảng để Quỹ tự định hướng và tự cải thiện. Mô hình quản lý và kết nối thông tin điện tử là công cụ lý tưởng phục vụ cho các chức năng này. Thứ ba là cần những nhà điều hành giỏi có khả năng khai thác hiệu quả những kho dữ liệu nói trên. Nhân đây có thể nói thêm về chính sách đãi ngộ nhân sự làm việc tại Quỹ. Theo ông Phan Hồng Sơn thì mức đãi ngộ nhân sự của Quỹ bị ràng buộc bởi chính sách đãi ngộ chung dành cho các cơ quan Nhà nước, do vậy việc thu hút nhân sự chất lượng cao để kiện toàn bộ máy tổ chức của Quỹ gặp nhiều khó khăn.

Hi vọng rằng sau những bước khởi đầu đáng khích lệ, Quỹ PTKH&CNQG sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy chế, tiêu chuẩn định mức, và đặt ra các mục tiêu khả thi, góp phần tạo ra một hình mẫu nền tảng cho việc đổi mới quản lý khoa học và công nghệ của đất nước..

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)