Một vài suy nghĩ về đầu tư cho KHXN&NV

GS.TS Vũ Đức Nghiệu (Khoa Ngôn ngữ học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cơ quan quản lý tài chính không cố tình gây khó khăn cho nhà nghiên cứu, tuy nhiên chính sách quản lý và đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn cần được tiếp tục cải thiện để có thể đồng hành cùng những nghiên cứu thật sự có giá trị ngay từ đầu.  

Kết quả với hiệu quả không phải là một

Từ trước đến nay, nguồn tài trợ của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học nói chung, trong đó có các khoa học xã hội và nhân văn, vẫn luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh tài trợ của các tổ chức nước ngoài và tư nhân không đáng kể. Sản phẩm nghiên cứu thì mãi rất gần đây mới được nhận thức công khai là có thể “bán” và rằng có thị trường khoa học và công nghệ…, nhưng bán cho ai, ai mua… – điều này mới được thực hiện và thực hiện được còn ít lắm, hiếm lắm. Tài trợ của Nhà nước vẫn là nguồn bao chi gần như hoàn toàn, vậy thì, nói gì thì nói, giới nghiên cứu của chúng ta hiện vẫn phải dựa vào đầu tư của Nhà nước qua các kênh, các cách thức khác nhau là chính.

Nhà nước đã có những đầu tư càng ngày càng lớn hơn cho khoa học và công nghệ (trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta). Nhưng cái làm cho phần nhiều trong chúng ta (cả nhà quản lý lẫn nhà nghiên cứu) đều phải nghĩ ngợi, băn khoăn là hiệu quả đầu tư nghiên cứu chưa tương xứng, chưa được cao, thậm chí có những chỗ, những việc, hiệu quả đạt được thấp, rất thấp.

 

Tôi biết chắc chắn có người đã được xét, trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho một cụm công trình, nhưng tất cả các công trình trong một đời nghiên cứu của ông chưa bao giờ đăng ký để được tài trợ đồng nào của Nhà nước cả.

 

Nhưng thế nào được coi là một nghiên cứu có hiệu quả? Tôi nghĩ: kết quả nghiên cứu và hiệu quả nghiên cứu luôn luôn gắn bó, đi đôi với nhau, gần như lồng vào nhau, nhưng không phải là một. Kiểu gì thì cũng có kết quả cả, chẳng cao thì thấp, chẳng nhiều thì ít. Nhưng hiệu quả của nghiên cứu là vấn đề phải được thảo luận rốt ráo hơn thì mới giúp cho việc đánh giá được cụ thể và khách quan hơn. Vấn đề này rất phức tạp và nó không giống nhau giữa các ngành, chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau; mặc dù giữa các ngành, chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau đó, vẫn có mẫu số chung. Mẫu số chung đó, theo tôi, là câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như: nghiên cứu này phục vụ cho ai, cái gì; ai, cái gì cần nó và vì sao phải cần nó… Trước nay, những câu hỏi như thế vẫn được đặt ra và trả lời trong thuyết minh đề cương nghiên cứu rồi, chứ không phải là chưa có đâu; nhưng nói cho ngay, thì chưa được kiểm chứng cho thật nghiêm ngặt từ khâu đánh giá ban đầu cho đến khâu đánh giá cuối cùng.

Một điểm nữa tôi cũng muốn nói là đầu tư của chúng ta từ cấp cao đến cấp thấp, còn dàn trải. Dàn trải thì thiếu tập trung, dẫn đến hiệu quả không cao, lại gây cảm giác như là đầu tư để tạo việc làm, để “cải thiện”. Những người lo việc quản lý đầu tư cũng có cái khó của họ. Nhưng thế nào là dàn trải, thế nào là tập trung, thì phải có những thảo luận chuyên biệt.

Có phải cơ chế tài chính cố tình làm khó?

Mới đây, qua Tia Sáng, tôi được biết, GS Nguyễn Quang Hồng, soạn giả bộ Tự điển Chữ Nôm dẫn giải đã không xin tài trợ của các cơ quan nhà nước cho công trình mất bảy năm biên soạn này, vì ông ngại những phiền lụy hành chính đi kèm. Tôi chia sẻ sâu sắc suy nghĩ đó của GS. Nguyễn Quang Hồng. Phải nói cho công bằng, GS. Hồng cũng như các nhà nghiên cứu khác, ai mà chẳng cần tiền để thực hiện các công việc nghiên cứu của họ. Nhưng cũng có người ngại bị ràng buộc, ngại phải mất thời gian để giải trình: anh đã làm gì, tiêu bao nhiêu, có hợp lý không, có đúng định mức không, đúng kế hoạch và đúng tên việc đã đăng ký không … Mà những việc đó trong bản thuyết minh nghiên cứu chỉ là dự kiến; trong quá trình thực hiện có thể có những thay đổi, tăng giảm, thậm chí đảo lộn không thể lường hết từ đầu được. Thế là cứ như mình làm sai, có lỗi, mặc dù tất cả đều phục vụ cho mục đích nghiên cứu và kết quả cuối cùng. Thế là thôi. Tôi biết chắc chắn có người đã được xét, trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho một cụm công trình, nhưng tất cả các công trình trong một đời nghiên cứu của ông chưa bao giờ đăng ký để được tài trợ đồng nào của Nhà nước cả. Họ cầm lòng và vui sống với công việc nghiên cứu của mình. Và cứ thế, họ an nhiên làm những việc mà họ tự thẩm định được là sẽ hữu ích, hữu dụng, hữu hiệu cho các nhu cầu khoa học và thực tiễn hữu quan. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm như thế được. Một số ít người như vậy, tôi bảo là họ có niềm tin tông đồ. Không vậy, thì sao mà làm được. Ngay cả những người lãng mạn nhất, ngồi làm thơ mà còn không thể quên: “cơm áo không đùa với khách thơ” cơ mà. 

Có những nghiên cứu sâu, dài hơi, được nghiền ngẫm mãi rồi, được làm trước, gần xong hoặc thậm chí coi như xong rồi mới đăng ký. Được khen là tiến độ thực hiện nhanh. Mấy ai biết rằng họ đã phải đổ công sức vào đấy từ rất lâu rồi.

Nhân đây, tôi phải giải thích thêm thế này. Nói như vậy thì hóa ra cơ quan quản lý tài chính gây khó khăn cho nhà nghiên cứu à? Không phải vậy. Chính sách và cơ chế quản lý chi tiêu tài chính cho khoa học đã tạo nên những phức tạp về mặt tổ chức và quản lý quá trình thực hiện bởi nó chú trọng vào việc quản lý sao cho chặt chẽ, cho đúng, nhằm bảo vệ tiền của Nhà nước khỏi bị chi tiêu sai, tránh lãng phí, thất thoát. Nguyên tắc bảo đảm an toàn và cái gọi là tính kế hoạch (cũng là để phục vụ cho nguyên tắc an toàn) đã được đưa lên hàng quan tâm số một, gần như duy nhất. Vì thế, nó lấn lướt những thực tế khác. Và mọi chuyện bắt đầu nảy sinh từ đó.

Trong những năm qua, chính sách quản lý và đầu tư cho khoa học và công nghệ của Nhà nước đã thay đổi nhiều theo hướng càng ngày càng tích cực hơn, hợp lý hơn. Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Nghị định 43/2006/NĐ-CP1, Nghị định 80/2007/NĐ-CP2 là những minh chứng. Tư tưởng chỉ đạo của những nghị định này đã cởi mở dần, nhưng vẫn còn cần phải tiếp tục bổ sung, cho đến khi thực sự đạt được “tự chủ tự chịu trách nhiệm” trong các hoạt động khoa học công nghệ thì mới thôi.

Riêng trong khuôn khổ của tổ chức/cá nhân thực hiện nghiên cứu được Nhà nước đầu tư kinh phí thì phải giao quyền tự chủ hơn nữa cho họ, sao cho họ phải được tự chủ thật sự trong việc tổ chức thực hiện và chi tiêu. Kế hoạch triển khai nghiên cứu, các nghiên cứu bộ phận trong toàn bộ quá trình, việc chi tiêu tài chính… chỉ là dự kiến và có thể bị đảo lộn bởi rất nhiều nguyên nhân. Cái mà chúng ta cần là kế hoạch thực hiện nghiên cứu, là theo dõi mức chi cao/ thấp so với dự trù, là tiến độ giải ngân, là lý do tại sao thêm việc này, bớt việc kia… hay ta cần những sản phẩm cuối cùng nghiêm túc, bảo đảm chất lượng đã được đăng ký, được xác định trước, cùng với một định mức thời gian, định mức kinh phí tổng đã được xem xét, phê duyệt, quyết định cấp, không đổi? Vậy thì hãy để người nghiên cứu hoàn toàn tự chủ trong quá trình thực hiện công việc và chi tiêu kinh phí (vì coi như đã “khoán” rồi), đồng thời phải gắn quyền tự chủ ấy với trách nhiệm nặng hơn nữa và chế tài mạnh hơn nữa trong khâu kiểm tra, đánh giá sản phẩm đầu ra.

Tự xoay xở để theo đuổi những công trình lâu năm

Nhìn danh mục các đề tài nghiên cứu, dễ có cảm giác, phần lớn các đề tài được tài trợ hiện nay đều thuộc dạng ngắn hạn, trong hai-ba năm phải nghiệm thu. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà nghiên cứu của chúng ta chỉ hướng đến những nghiên cứu ngắn hạn. Những yêu cầu nghiên cứu cấp thời đặt ra trong thời hạn bao lâu, thì tất nhiên, người nghiên cứu sẽ thực hiện trong thời gian đó. Còn những cái mà người nghiên cứu xác định rằng không thể thực hiện trong thời gian ngắn, phải làm lâu năm, rằng phải kiên trì tự làm hoặc tự tổ chức nhau cùng làm vì thấy… ham, thấy… thích mà làm, thì người ta vẫn cứ làm thôi. Cái ham mê, cái lương thức của nghề nghiệp bảo họ làm, chứ chẳng ai bắt họ cả; mà không đăng ký, không được phê duyệt… thì ai cung cấp tài chính cho họ? Có hàng loạt chuyện về vấn đề này. Có những nghiên cứu sâu, dài hơi, được nghiền ngẫm mãi rồi, được làm trước, gần xong hoặc thậm chí coi như xong rồi mới đăng ký. Được khen là tiến độ thực hiện nhanh. Mấy ai biết rằng họ đã phải đổ công sức vào đấy từ rất lâu rồi. Lại có những công trình làm xong rồi, chỉ xin tài trợ để in công bố nhưng rất khó khăn hoặc không thực hiện được. Tại sao lại phải cần tài trợ tiền in? Vì chẳng ai đầu tư. Người nghiên cứu không có khả năng tài chính. Nhà xuất bản thì không mặn mà gì với việc in những sản phẩm như thế. Chuyên sâu và quý đấy, nhưng vốn bỏ ra in thì lớn, không bán rộng rãi được thì ai bù lỗ cho. Cũng đã có một số quỹ hỗ trợ nghiên cứu tài trợ cho những công việc tương tự như vậy, nhưng còn ít lắm. Nhà nước cần để mắt đến việc này hơn. Tình trạng này cần phải được thay đổi, những nghiên cứu thật sự có giá trị cao mà không được Nhà nước đầu tư tài trợ nghiên cứu từ đầu thì ít ra trong giai đoạn cuối Nhà nước phải là “bà đỡ” giúp chúng được ra đời.  

TT ghi

Chính sách và cơ chế quản lý chi tiêu tài chính cho khoa học đã tạo nên những phức tạp về mặt tổ chức và quản lý quá trình thực hiện bởi nó chú trọng vào việc quản lý sao cho chặt chẽ, cho đúng, nhằm bảo vệ tiền của Nhà nước khỏi bị chi tiêu sai, tránh lãng phí, thất thoát. Nguyên tắc bảo đảm an toàn và cái gọi là tính kế hoạch (cũng là để phục vụ cho nguyên tắc an toàn) đã được đưa lên hàng quan tâm số một, gần như duy nhất. Vì thế, nó lấn lướt những thực tế khác. Và mọi chuyện bắt đầu nảy sinh từ đó.

Chú thích:

1. Nghị định quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2 Nghị định của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)