Một vụ lừa đảo khoa học lớn ở Châu Âu

Các nhà chức trách Italy và Văn phòng Chống lừa đảo châu Âu (OLAF) tại Brussel, Bỉ, đã xác nhận rằng họ đang tiến hành khởi tố các thành viên của một mạng lưới lớn bị buộc tội biển thủ hơn 50 triệu Euro (72 triệu USD) tiền kinh phí của EC cho những dự án nghiên cứu rởm.  

Cơ chế quan liêu ngặt nghèo vẫn bị chê trách là làm giảm nhiệt tình của các nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia vào các chương trình nghiên cứu tài trợ bởi Ủy ban châu Âu (EC). Nhưng quy trình nổi tiếng là cồng kềnh và cơ chế kiểm soát cứng rắn của ủy ban này rõ ràng đã không ngăn chặn được một nhóm tội phạm tiến hành một vụ lừa đảo trâng tráo làm thất thoát hàng triệu Euro tiền kinh phí tài trợ của EC.

Các nhà chức trách Italy và Văn phòng Chống lừa đảo châu Âu (OLAF) tại Brussel, Bỉ, đã xác nhận rằng họ đang tiến hành khởi tố các thành viên của một mạng lưới lớn bị buộc tội biển thủ hơn 50 triệu Euro (72 triệu USD) tiền kinh phí của EC cho những dự án nghiên cứu rởm. Ở Milan, Italy, Cảnh sát tài chính tháng trước đã buộc tội vài cá nhân liên quan tới vụ lừa đảo này. Trong khi đó, ở Brussels, EC đã cho hủy bốn dự án hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và loại bỏ 30 người trước đây từng được cấp kinh phí trong hơn 20 dự án đang được triển khai. Các cuộc điều tra sẽ còn tiếp tục ở Vương Quốc Anh, Pháp, Hy Lạp, Áo, Thụy Điển, Slovenia, và Ba Lan.

“Chúng tôi chưa từng có hồ sơ của vụ lừa đảo nào lớn tới cỡ này”, cho biết từ David Boublil, người phát ngôn của Ủy ban trong lĩnh vực thuế, hải quan, chống lừa đảo, và kiểm toán. Trong khi các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, các công tố viên Italy và OLAF sẽ không tiết lộ danh tính những người bị nghi vấn, hoặc tên các dự án nghiên cứu mà họ có liên quan.

Vụ lừa đảo đã được tiến hành theo một “cách thức vô cùng tinh vi, và có dấu hiệu rửa tiền”, bởi một mạng lưới xuyên quốc gia các công ty ma và các nhà thầu phụ, khẳng định từ Pavel Bořkovec, một phát ngôn viên của OLAF. Vài điều phối viên dự án đã bị buộc tội làm thổi phồng chi phí, cho những hoạt động và dịch vụ nghiên cứu không có thật, ông nói.

“Các dự án nghiên cứu rõ ràng đã được tổ chức với mục tiêu duy nhất là lừa dối Ủy ban và cơ chế kiểm soát của nó,” Boublil nói. Để tạo lớp vỏ hợp lệ cho chúng, những đơn đăng kí cấp kinh phí đưa vào tên của những nhà khoa học có thật, những tổ chức nghiên cứu có thật, những công ty đã được thành lập, ông cho biết. Nhưng trong đa số các trường hợp, những đối tượng này bị đưa tên vào danh sách đồng đối tác của dự án mà không hề được hay biết.

Nguồn tin giấu tên ở Bỉ cho biết rằng đối với các dự án hợp tác cỡ lớn, thường thì người ta không hoàn toàn loại trừ được những sự lừa dối tài chính ở mức độ thấp, ví dụ như ghi khống hóa đơn, hay biển thủ ở quy mô nhỏ. Nhưng Ủy ban thường kiểm tra rất kỹ các đồng đối tác của dự án, kể cả các công ty, qua đó đáng lẽ không thể bỏ sót những sự lừa dối ở quy mô lớn. Như vụ lừa đảo vừa rồi đã thành công, chứng tỏ các thủ phạm phải rất rành rẽ về các điểm yếu trong quy trình kiểm soát của EC, và thành thạo trong việc làm giả văn bản.

Boublil khẳng định rằng Ủy ban đã rút ra được bài học từ vụ này. Tất cả các bộ phận chịu trách nhiệm về kinh phí dự án – bao gồm Tổng Ban Điều hành Truyền thông và Thông tin Xã hội (Information Society and Media Directorate General) của EC vốn phụ trách việc hủy bỏ các dự án– nay được đào tạo để kiểm tra các thủ đoạn mà mạng lưới lừa đảo đã sử dụng. Các hướng dẫn đánh giá dự án và kiểm tra đối tác nay sẽ được cập nhật. EC tới nay đã thu hồi được 10 triệu Euro, và sẽ nỗ lực thu hồi phần còn lại qua tòa án, Boublil cho biết.

Ủy ban hiện nay đang phát triển một Cơ chế Chiến lược chung, tốn nhiều tỉ USD, dự kiến từ năm 2014 sẽ giúp hợp nhất tất cả mọi kênh kinh phí vào một kênh duy nhất cho tất cả mọi kinh phí nghiên cứu và kinh phí đổi mới.  Lo ngại về sự quan liêu của tổ chức, vài nghìn nhà khoa học châu Âu đã ký vào đơn thỉnh nguyện trong năm nay (www.trust-researchers.eu) đề nghị cơ chế này được thoáng hơn, căn cứ trên “lòng tin tưởng lẫn nhau và hợp tác có trách nhiệm”. Nhưng nay người ta sợ rằng vụ lừa đảo sẽ làm tăng thêm sự cẩn trọng của các nhà quản lý, và làm thất bại những nỗ lực tìm cách đơn giản hóa thủ tục.

“Tôi e rằng vụ việc vừa rồi sẽ khiến người ta cho rằng cần phải tăng thêm kiểm soát chứ không phải giảm đi”, nhận định từ Herbert Reul, Chủ tịch Ủy ban công nghiệp, nghiên cứu, và năng lượng của Nghị viện châu Âu. Ủy ban này ủng hộ việc đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp kinh phí của EC.
(Quirin Schiermeier, Nature News, online ngày 14/06/2011)

Tác giả