NAFOSTED còn có thể tốt hơn?
Qua 5 năm theo dõi sự trưởng thành của Quỹ (trong đó có 3 năm trực tiếp nhận tài trợ từ Quỹ để thực hiện đề tài nghiên cứu), tôi có một số suy nghĩ mang tính cá nhân đối với lĩnh vực tài trợ cho khoa học xã hội của Quỹ như sau:
PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (ĐH KHXH&NV (ĐHQG HN). Ảnh: Hoàng Nam.
Các điều kiện đối với người đăng ký chủ nhiệm đề tài, nên chăng, cần có lộ trình thích hợp hơn nữa? Như đã đề cập ở trên, việc Quỹ yêu cầu sản phẩm khoa học quốc tế đối với các đề tài nhận tài trợ từ năm 2015 (trừ một số đề tài quá đặc thù) là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc Quỹ yêu cầu người nộp hồ sơ phải có bài báo khoa học quốc tế trong 5 năm qua, theo tôi, dường như có phần đường đột, hạn chế khả năng tiếp cận tài trợ của một bộ phận không nhỏ các nhà khoa học có thâm niên trong ngành. Có một thực tế là, rất nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội ở Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu chất lượng, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận và trích dẫn. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau (ngoại ngữ, bối cảnh đất nước những năm hậu chiến, không chịu “áp lực” công bố quốc tế thời kỳ trước đây…) nên họ không chú tâm công bố kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí quốc tế. Vì vậy, trong lĩnh vực KHXH và NV, tôi cho rằng Quỹ nên có thêm lộ trình đối với yêu cầu công bố quốc tế của người đăng ký chủ nhiệm đề tài như cách Quỹ đã duy trì lộ trình đối với yêu cầu sản phẩm khoa học của đề tài trong giai đoạn 2010 – 2014, song có thời hạn ngắn hơn (2 – 3 năm) để nhiều nhà nghiên cứu kịp chuẩn bị điều kiện “đủ” cho việc nộp hồ sơ xin tài trợ.
Công bố quốc tế vẫn nên là tiêu chuẩn cứng trong việc đánh giá kết quả thực hiện đề tài, song không nên xem bài báo khoa học công bố ở nước ngoài là tiêu chuẩn duy nhất trong việc thẩm định. Trong thời gian qua, đã có những ý kiến phản biện về việc các cơ quan quản lý khoa học quá chú trọng đến số lượng công bố quốc tế trong hoạt động đánh giá kết quả nghiên cứu: tiêu chí số lượng có thể đưa đến việc “xé lẻ” công trình để công bố trên các tạp chí quốc tế; Việt Nam đã qua giai đoạn cần sự kích thích số lượng công bố quốc tế nên Quỹ NAFOSTED nên chú trọng theo hướng tăng chất lượng; thậm chí có ý kiến phủ nhận sự cần thiết của công bố quốc tế… Xuất phát từ đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nguy cơ “xé lẻ” công trình thực sự không đáng quan ngại bởi xu hướng chung (cả trong nước và quốc tế) chấp nhận việc một nhà nghiên cứu tiến hành công bố bộ phận (các bài trên tạp chí, các chương trong sách chuyên khảo…) trước khi tập hợp và xuất bản thành tập công trình mang tính đại thành. Hơn nữa, nếu có “xé lẻ” thì bài báo vẫn phải đảm bảo nội dung khoa học, một thực thể nghiên cứu hoàn chỉnh về mặt kết cấu mới được các tạp chí uy tín chấp nhận đăng tải. Cuối cùng, từ thực tiễn công bố quốc tế còn hết sức khiêm tốn của các ngành khoa học xã hội Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng số lượng công bố quốc tế nói chung vẫn nên được Quỹ quan tâm đầu tư trong những năm tới.
Các bài báo đăng trên tạp chí thuộc hệ thống ISI – Scopus đương nhiên nên được Quỹ khuyến khích. Có ý kiến cho rằng một số tạp chí trong các hệ thống này chưa hẳn đã có chất lượng thực sự đối với những chuyên ngành cụ thể. Xác suất đó là khó tránh khỏi, song không vì thế mà phủ nhận uy tín của vài nghìn tạp chí nằm trong hệ thống này. Tuy nhiên, Quỹ cũng nên “cởi mở” hơn với những tạp chí chuyên ngành rất có uy tín trong giới nhưng vì những lý do khác nhau, không/chưa nằm trong danh mục ISI – Scopus. Ví dụ, Journal of Vietnamese Studies của Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) đến nay vẫn chưa vào danh mục ISI – Scopus, song giới Việt Nam học trong và ngoài nước đều tôn vinh giá trị các bài báo đăng tải ở đây. Tạp chí World History Connected (online journal) của ba trung tâm khoa học uy tín là World History Association, University of Illinois, University of Hawaii Pacific không nằm trong danh mục ISI – Scopus nhưng rất nhiều nhà sử học nổi tiếng thế giới vẫn lựa chọn đăng tải các nghiên cứu mới của họ ở đây… Việc thẩm định và quyết định chấp nhận hay không các công trình đăng tải trên những tạp chí ngoài hệ thống ISI – Scopus đòi hỏi sự linh hoạt của Quỹ, năng lực cũng như trách nhiệm cao của các thành viên hội đồng ngành/liên ngành do Quỹ bổ nhiệm.
Quy chế về thành viên hội đồng quốc tế nên được mở rộng, bước đầu nên triển khai thực hiện với những đề xuất đề tài cụ thể. Tôi cho rằng việc mời các nhà khoa học quốc tế tham gia phản biện là cần thiết (như việc mời chuyên gia quốc tế tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sỹ xưa nay), nhất là trong việc xét duyệt các trường hợp cụ thể: đề tài liên kết thực hiện với đối tác nước ngoài, đề tài nghiên cứu so sánh với (hoặc nghiên cứu về) quốc gia khác… Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, Quỹ đã triển khai hoạt động này (dù có ý kiến cho rằng có những phản biện của các chuyên gia nước ngoài chưa thật sâu sắc, chưa thực sự trách nhiệm do những lý do khác nhau: thời gian để phản biện không đủ dài; kinh phí phản biện chưa phù hợp; độ “chênh” trong tiêu chí về sản phẩm khoa học ở mỗi quốc gia…). Đối với lĩnh vực khoa học xã hội, việc mời thêm chuyên gia phản biện quốc tế là hoàn toàn cần thiết. Chủ tịch Hội đồng ngành/liên ngành có trách nhiệm tư vấn cho Quỹ về việc cần hoặc không cần mời chuyên gia nước ngoài cho mỗi hồ sơ. Chẳng hạn, nếu có một hồ sơ đề xuất nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học rất chuyên sâu mà ở Việt Nam chưa thực sự có chuyên gia về mảng đề tài đó, Hội đồng ngành/liên ngành có thể lắng nghe ý kiến phản biện độc lập từ chuyên gia quốc tế, từ đó thống nhất và kiến nghị lên Quỹ nên hay không nên tài trợ cho đề tài. Về lâu dài, việc mời chuyên gia quốc tế tham gia thẩm định hồ sơ nên được tiến hành ở quy mô rộng hơn.
Cuối cùng, qua 10 năm tài trợ, Quỹ NAFOSTED được giới nghiên cứu đánh giá cao về những cải cách mang tính đột phá về quy trình, theo hướng tăng mạnh quyền chủ động cho chủ nhiệm đề tài và giảm thiểu thủ tục hành chính. Trong thời gian tới, Quỹ nên tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy chế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà khoa học trong quá trình triển khai thực hiện đề tài. Chẳng hạn, đối với những đề tài nghiên cứu thực sự cần khai thác tư liệu (lưu trữ) ngoại quốc, Quỹ có thể xem xét đồng ý cho chủ nhiệm đề tài sử dụng một phần kinh phí trong việc lưu trú để khai thác tư liệu tại nước ngoài. Ngoài ra, kết hợp với chuyến công tác ở lưu trữ ngoại quốc, chủ nhiệm đề tài có thể liên hệ để làm việc/nghiên cứu tại một cơ sở khoa học quốc tế nhằm tranh thủ hệ thống thư viện tại đơn vị đó cũng như có điều kiện tập trung hoàn thiện các bài viết phục vụ công bố quốc tế… Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng những đợt công tác nước ngoài (dù ngắn hạn) đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều (nếu không muốn nói là mang tính quyết định) trong hoạt động công bố quốc tế. Vì vậy, nếu chấp nhận tài trợ (có giới hạn) cho hoạt động nghiên cứu ngoài Việt Nam của chủ nhiệm đề tài, Quỹ nên thể chế hóa các quy định để các nhà khoa học có thể triển khai dự toán và lập quy trình hoạt động khi chuẩn bị hồ sơ xin tài trợ. ¨