NAFOSTED đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh

Với kỳ vọng sẽ có được những tập thể nghiên cứu xuất sắc và những sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao, kể từ năm 2017, NAFOSTED chính thức áp dụng chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh. Vậy làm thế nào để chính sách này triển khai có hiệu quả và đạt được mục tiêu như kỳ vọng? Phóng viên Tia Sáng đã trao đổi với TS. Phạm Đình Nguyên, Phó giám đốc NAFOSTED về vấn đề này.


TS. Phạm Đình Nguyên, phó giám đốc NAFOSTED. Nguồn: Dân Trí.

Khi đề ra chủ trương và chiến lược đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh,  NAFOSTED hướng đến mục tiêu gì? Đâu là căn cứ để Quỹ đưa ra những mục tiêu này?

Có hai mục tiêu quan trọng trong việc đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh của NAFOSTED là thúc đẩy sự phát triển nhân lực KH&CN trình độ cao và nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Những năm qua, thông qua việc thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ, một lượng lớn các nhà khoa học Việt Nam đã khẳng định được năng lực nghiên cứu và tự tin hội nhập quốc tế với số lượng công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế ngày càng tăng. Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta hướng đến những mục tiêu cao hơn như có nhiều công bố chất lượng hơn và xa hơn nữa là có kết quả nghiên cứu đột phá trong khoa học. Mặt khác, từ việc thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, chúng ta sẽ có được những nhà khoa học đủ khả năng và tầm vóc để sẵn sàng chủ trì, giải quyết được những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia cũng như khu vực khi đất nước cần đến. Việc đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của Quỹ không hướng trực tiếp đến việc giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm cấp quốc gia cụ thể mà chủ yếu vẫn là hướng đến xây dựng nền tảng, phát triển nghiên cứu cơ bản, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Căn cứ để xây dựng chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh của NAFOSTED xuất phát từ mục tiêu Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/4/2012; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt ngày 05/6/2015; mục tiêu hoạt động của Quỹ và trực tiếp là mục tiêu tài trợ đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014.

Việc NAFOSTED đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh liên quan gì đến việc đầu tư cho các trung tâm xuất sắc như Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đề ra?

Xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc là ý tưởng  không mới, các quốc gia có nền KH&CN phát triển đã xây dựng và phát triển mô hình này rất thành công. Do vậy, việc chúng ta học hỏi và phát triển các trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam là hợp lý. Việc xác định và tài trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh của Quỹ có thể góp phần xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Quỹ và các Hội đồng khoa học ngành của Quỹ đều mong muốn là mỗi nhóm nghiên cứu mạnh do Quỹ đầu tư hiện nay sẽ là hạt nhân để  sau này trở thành một trung tâm nghiên cứu xuất sắc.

Để thúc đẩy phát triển các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc bên cạnh việc có được tài trợ kinh phí nghiên cứu còn cần tới nguồn kinh phí duy trì và phát triển nhân lực, mua sắm, vận hành cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu… Điều này cần sự đầu tư không chỉ của Quỹ, của Bộ KH&CN mà còn từ nhiều bộ, ngành, địa phương nữa.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học có hạn và các lĩnh vực chuyên ngành rất đa dạng, nhu cầu đầu tư cho cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đều rất lớn thì cơ sở nào để Quỹ lựa chọn đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh?

Như trên đã nói, việc định hướng ưu tiên tài trợ của Quỹ bám sát định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020, các chương trình phát triển ngành khoa học (chương trình phát triển toán học giai đoạn 2010-2020, chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2015-2020, chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025…). Việc đánh giá,  lựa chọn, tài trợ đề xuất của các nhóm nghiên cứu mạnh không nằm ngoài các định hướng quan trọng này.

Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014  đã quy định rõ điều kiện “đầu vào” (điều kiện đối với chủ nhiệm đề tài và các thành viên chủ chốt), điều kiện “đầu ra” (yêu cầu với sản phẩm) của nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là các tiêu chuẩn “cứng” đầu tiên để Quỹ sàng lọc, lựa chọn ra những đề xuất tiềm năng.

Để được phê duyệt tài trợ, các đề xuất của nhóm nghiên cứu mạnh phải qua quá trình đánh giá cạnh tranh rất khắt khe. Hãy hình dung chỉ khoảng 50% số hồ sơ đề xuất trong chương trình nghiên cứu cơ bản được NAFOSTED tài trợ và chỉ khoảng 5% trong số này là đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh. Như vậy, nếu Quỹ thu hẹp lựa chọn, chỉ tập trung vào một số ít lĩnh vực ưu tiên cụ thể, với quy trình đánh giá, lựa chọn đề tài như đã nêu có thể có những đề xuất tốt sẽ bị bỏ qua.

Vậy quy trình và tiêu chí tuyển chọn các nhóm nghiên cứu mạnh của NAFOSTED như thế nào?

Quy trình và tiêu chí xét duyệt đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh tương tự như quy trình và tiêu chí xét duyệt đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ, nhưng điểm khác là các điều kiện “đầu vào” và “đầu ra” ở mức cao hơn. Nguyên tắc xét chọn là thông qua đánh giá của Hội đồng khoa học ngành và phản biện quốc tế. Các Hội đồng khoa học ngành vẫn là yếu tố quan trọng và sự đánh giá ở Hội đồng khoa học ngành vẫn mang tính quyết định.

Các nhà khoa học đánh giá thế nào về quy trình và tiêu chí tuyển chọn này?

Trong suốt quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN, trong đó có nội dung tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học là những đối tượng quan trọng để Quỹ, Bộ KH&CN tham vấn ý kiến. Ý kiến phản hồi của các nhà khoa học và hội đồng khoa học ngành đã giúp cho Quỹ điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Thông tư rất nhiều. Với góp ý của các nhà khoa học, mục tiêu đặt ra khi tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh đã được điều chỉnh hướng đến đích cao nhưng điều kiện cứng “đầu ra” vừa phải, khả thi, không gây áp lực quá lớn cho các nhà khoa học nhưng vẫn tạo động lực, khuyến khích các nhà khoa học dấn thân. 

Tiêu chí đầu vào và đầu ra mà Quỹ đặt ra cho nhóm nghiên cứu mạnh đều ở mức cao, vậy việc thực hiện đầu tư cho họ có ở mức tương đương?

Hiện nay, kinh phí đầu tư cho đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh có thể lớn hơn nhiều lần kinh phí dành cho một đề tài nghiên cứu cơ bản thông thường với khoảng thời gian thực hiện có thể kéo dài tới năm năm tùy theo đánh giá và đề xuất của hội đồng khoa học ngành.

Việc xác định cụ thể mức đầu tư, thời gian thực hiện đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh sẽ do Quỹ cùng các hội đồng khoa học ngành cân nhắc chặt chẽ, dựa trên một số yếu tố chính gồm chất lượng và số lượng thành viên nhóm nghiên cứu, chất lượng và số lượng sản phẩm đăng ký, thời gian thực hiện…

Một số nhà khoa học trẻ cho rằng, nhiều đề tài do Quỹ tài trợ thường mang tính chất nhỏ lẻ và không có tính kế thừa. Vậy việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh có góp phần giải quyết được tình trạng đó?

Ý kiến của nhà khoa học trẻ nêu ra không phản ánh đặc thù chung chương trình nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ mà có thể từ một số ít cá biệt. Thực tế đã có nhiều nhóm nghiên cứu nhận được tài trợ của Quỹ, trong đó có những nhóm nhận được tài trợ liên tục, có sự kế thừa qua những giai đoạn khác nhau. Với chính sách tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh, tuy vậy Quỹ  cũng nhằm đến giải quyết những tồn tại đã nêu (mặc dù đây không phải là đích chính). Với chính sách tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học có cơ hội thiết lập được nhóm nghiên cứu có chất lượng, hướng đến giải quyết các vấn đề khoa học dài hơi, xuyên suốt, hướng đến chất lượng cao. Lưu ý rằng các nhóm nghiên cứu thuần túy chỉ được lắp ghép từ các nhóm nhỏ một cách cơ học để chạy theo số lượng công bố sẽ không được khuyến khích ở đây.

Trong chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, Quỹ khuyến khích các nhóm mở rộng hợp tác quốc tế. Vậy hợp tác quốc tế tác động như thế nào đến việc phát huy nội lực?

Hiện nay cũng có một số nhà khoa học băn khoăn đến yếu tố nội lực trong các công bố của các nhóm nghiên cứu Việt Nam có hợp tác quốc tế và có nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu cùng. Thực tế, hợp tác quốc tế và phát huy nội lực của các nhóm nghiên cứu không hề mâu thuẫn, hợp tác quốc tế trái lại thúc đẩy các nhóm nghiên cứu của chúng ta phát huy nội lực tốt hơn. Hiện nay năng lực KH&CN Việt Nam còn yếu so với đa số các quốc gia phát triển, cho nên nếu có cơ hội để hợp tác, qua đó học hỏi, nâng cao năng lực và hội nhập là điều nên làm. Theo số liệu công bố trên Web of Science, số lượng bài báo có tác giả người Việt Nam là sản phẩm của các nhiệm vụ KHCN được tài trợ từ ngân sách nhà nước ít hơn số bài báo có tác giả người Việt Nam công bố từ nhiệm vụ hợp tác quốc tế. Các tạp chí đăng tải những bài báo thuộc nhóm sau (từ nhiệm vụ hợp tác quốc tế) vẫn có chất lượng tốt hơn. Vì vậy cần khuyến khích và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh do Quỹ tài trợ, đặc biệt là hợp tác với các nhà khoa học xuất sắc và giàu kinh nghiệm từ các nước phát triển.  

Tiến độ triển khai đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh như vậy nhanh hay chậm so với kế hoạch đề ra?

Sau hơn hai năm thông tư 37/2014/TT-BKHCN ra đời và có hiệu lực, đến nay Quỹ đã phê duyệt tài trợ cho ba đề xuất của nhóm nghiên cứu mạnh, đó là các nhóm nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Văn Hiếu (Viện ITIMS, Đại học Bách khoa HN), GS. TS Phan Quốc Khánh (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) và TS. Hoàng Văn Tổng (Trung tâm nghiên cứu Sinh Y Dược học, Học viện Quân y). Số lượng như vậy là phù hợp với kế hoạch mà Quỹ đã đề ra. Qua trao đổi với một số nhà khoa học về việc đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh, tôi thấy họ rất thận trọng vì muốn chuẩn bị kỹ trước khi đưa ra các đề xuất mới để tăng khả năng thành công sau này, đây là điều đáng trân trọng.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học thường gắn với rủi ro, với nhóm nghiên cứu mạnh cũng không phải ngoại lệ. Vậy Quỹ có biện pháp nào để hạn chế rủi ro?

Chúng ta hiểu rằng muốn có đột phá thì phải chấp nhận có rủi ro. Cái khó ở đây là làm cách nào để giảm thiểu rủi ro và thay đổi cách nhìn đối với rủi ro khách quan trong khoa học. Việc quy định điều kiện “đầu vào” phù hợp với kỳ vọng “đầu ra” đối với đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh, đề xuất hồ sơ và xét chọn cạnh tranh, đánh giá thông qua hội đồng khoa học ngành cùng hệ thống phản biện quốc tế chính là các giải pháp giảm thiểu rủi ro mà Quỹ đang thực hiện. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học dấn thân vào những vấn đề khó khăn và mang tính tiên phong thì việc chưa thu được kết quả như mong muốn (dù đã nỗ lực hết mình) trong khoảng thời gian thực hiện đề tài cần được các nhà quản lý, cộng đồng khoa học đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan, khoa học và tích cực.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nhàn thực hiện

Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học xây dựng được hướng nghiên cứu chung, dài hạn; có mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu cho từng giai đoạn cụ thể; nội dung nghiên cứu có tính đột phá và cần nhiều thành viên tham gia thực hiện. Các thành viên chủ chốt của nhóm có kết quả nghiên cứu nổi bật. Các yêu cầu đối với nhóm nghiên cứu mạnh: Chủ nhiệm đề tài có kết quả công bố trên các tạp chí ISI có uy tín phù hợp trong thời gian năm năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có khả năng tập hợp được nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao tham gia thực hiện đề tài, duy trì được hợp tác nghiên cứu khoa học thường xuyên với các nhóm nghiên cứu quốc tế cùng ngành, liên ngành; Có ít nhất hai thành viên nghiên cứu chủ chốt của đề tài đáp ứng yêu cầu của chủ nhiệm đề tài; Tổ chức chủ trì đề tài có đủ điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, năng lực nghiên cứu và cam kết hỗ trợ trong thời gian thực hiện nghiên cứu. Yêu cầu về thời gian thực hiện và kết quả nghiên cứu của đề tài: Đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất hai bài báo công bố trên tạp chí ISI có uy tín và một bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín. (Theo thông tư 37/2014/TT-BKHCN).

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)