Nâng cao vai trò của KH&CN trong việc hình thành các quyết sách

Tái cơ cấu nền KH&CN về bản chất là sắp xếp lại các nguồn lực của một quốc gia dành cho KH&CN để tạo ra những đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực. Điều này không chỉ đòi hỏi Nhà nước xây dựng một vài chính sách ưu đãi đơn lẻ nào đó cho các cá nhân, tổ chức khoa học, mà trước hết cần quyết tâm chính trị rất lớn từ các nhà lãnh đạo đất nước để KH&CN được đặt vào đúng vị trí của nó, đó là một mặt gắn bó khăng khít và soi sáng các quyết sách từ lớn tới nhỏ của Nhà nước, mặt khác tăng cường tiếng nói phản biện độc lập, khách quan của các nhà khoa học có uy tín, để KH&CN không bị cô lập, đứng ngoài, cũng không mang tính hình thức, phụ họa xuôi chiều cho các quyết sách này.

Để đảm bảo tính gắn bó khăng khít giữa KH&CN với các quyết sách chính trị – kinh tế – xã hội thì đầu tiên chiến lược và các chính sách KH&CN phải lồng ghép chặt chẽ với các chiến lược, chính sách trong những lĩnh vực liên quan khác của quốc gia, và phải do toàn thể khối hành pháp cùng chủ động phối hợp thực hiện, bắt đầu từ người đứng đầu Chính phủ. Nếu không làm như vậy mà chỉ phân cấp cho một đầu mối chủ trì là Bộ KH&CN thì trong thực tiễn xây dựng và triển khai, đa số các chính sách KH&CN luôn bị giới hạn ít nhiều trong khuôn khổ tầm nhìn và thẩm quyền, trách nhiệm của một ngành, vấp phải nhiều rào cản khi triển khai vào đời sống, đặc biệt là sự trói buộc từ những cơ chế, chính sách hiện hành của các ngành, lĩnh vực khác.

Sự chậm trễ trong việc xây dựng, triển khai những chính sách KH&CN quan trọng ở Việt Nam trong thời gian qua, như chính sách về tự chủ hóa các tổ chức KH&CN công lập, chính sách về ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN, hay các nỗ lực đổi mới cơ chế tài chính dành cho hoạt động KH&CN, là minh chứng rõ nét cho sự đơn độc, kém hiệu lực, hiệu quả của các chính sách KH&CN khi chúng được triển khai mà thiếu sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, ngành. Chính bởi những khó khăn, hạn chế này mà lâu nay đã có luồng ý kiến đề nghị thay đổi về cơ chế, làm sao để Bộ trưởng Bộ KH&CN thực sự được làm ‘tổng tư lệnh’ cho ngành của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là ước mơ phi thực tế, bởi trong cơ chế nào mà thiếu sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của người đứng đầu Chính phủ thì tiếng nói của một Bộ, ngành riêng lẻ vẫn mang tính cục bộ, không dễ dàng thúc đẩy sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ, ngành khác để có thể nhanh chóng thay đổi những cơ chế, chính sách đã trở thành thông lệ, ăn sâu vào tư duy, thói quen của các nhà quản lý hành chính, cho dù chúng đã lạc hậu so với thế giới và không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn trong nước.  

Để tìm giải pháp cho vấn đề này, nhìn vào kinh nghiệm của Mỹ và Singapore, chúng ta thấy chiến lược và chính sách KH&CN tầm quốc gia của họ đều do một hội đồng chủ trì xây dựng và điều phối thực hiện, trong đó đứng đầu hội đồng là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Ví dụ RIEC1 (Hội đồng Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp) của Singapore có 23 người, với 10 thành viên từ Chính phủ Singapore, bao gồm Thủ tướng và đại diện các Bộ, trong đó đại diện các Bộ có mối liên quan trực tiếp đến KH&CN như Giáo dục, Quốc phòng, Thông tin – truyền thông, Y tế, Môi trường – tài nguyên nước, và Phát triển quốc gia đều là Bộ trưởng. Hoặc như mô hình NSTC2 (Hội đồng KH&CN Quốc gia của Mỹ có thành viên đứng đầu là Tổng thống, còn lại đều là những Bộ trưởng và người đứng đầu các ban, ngành hành pháp. Hiển nhiên dưới sự tham gia chủ trì trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ tại hội đồng, đại diện các Bộ, ngành ở RIEC cũng như NSTC đều phải tích cực, chủ động nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng, triển khai các chiến lược, chính sách KH&CN của quốc gia.

Mặt khác, để thường xuyên tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học, hạn chế sự quan liêu, chủ quan của các nhà chính trị trong xây dựng các chiến lược, chính sách KH&CN cùng các quyết sách khác của quốc gia, cơ cấu tổ chức của NSTC có các ủy ban tham mưu về khoa học và giáo dục, mà đứng đầu là các nhà khoa học từ các tổ chức KH&CN danh tiếng của Mỹ, đặc biệt là những người từ NSF (Quỹ Khoa học Quốc gia) – các thành viên của NSF đều là những nhà khoa học tên tuổi do giới KH&CN Mỹ đề cử, được Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn, có nhiệm kỳ sáu năm3. RIEC của Singapore thì đi một bước xa hơn khi các nhà khoa học không chỉ đóng vai trò tham mưu mà còn trực tiếp là thành viên của hội đồng này. 13 trong tổng số 23 thành viên của RIEC là các chuyên gia trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, các ngành công nghiệp, trong đó, đáng lưu ý là đa số họ không phải người Singapore, mà gồm những nhà khoa học tên tuổi hoặc lãnh đạo các tập đoàn, các tổ chức tư vấn chiến lược giàu uy tín trên thế giới. Điều này thể hiện tinh thần thực dụng, cởi mở, và hội nhập quốc tế sâu rộng trong tư duy, tầm nhìn chiến lược của Singapore, không chỉ giúp cho Chính phủ của họ khỏi lạc hậu so với bước tiến thời đại, mà còn luôn đảm bảo tính gắn kết trong chiến lược phát triển KH&CN của Singapore với nhu cầu các ngành kinh tế của thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc hiện nay.

Cần quyết tâm chính trị rất lớn từ các nhà lãnh đạo đất nước để KH&CN được đặt vào đúng vị trí của nó, đó là một mặt gắn bó khăng khít và soi sáng các quyết sách từ lớn tới nhỏ của Nhà nước, mặt khác tăng cường tiếng nói phản biện độc lập, khách quan của các nhà khoa học có uy tín, để KH&CN không bị cô lập, đứng ngoài, cũng không mang tính hình thức, phụ họa xuôi chiều.

Tóm lại, việc áp dụng theo mô hình NSTC hoặc RIEC đều có khả năng đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, triển khai các chiến lược, chính sách KH&CN bằng sự tham gia và chịu trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành, kết hợp với sự tham gia độc lập, khách quan, chủ động của giới khoa học. Ngoài ra, trong điều kiện của Việt Nam, việc áp dụng theo một trong hai mô hình này sẽ giúp Bộ KH&CN tập trung một cách hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ quan trọng khác như cung cấp các dịch vụ hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN; kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực KH&CN, các chiến lược, chính sách KH&CN của quốc gia; quản lý nguồn kinh phí Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN – chúng ta cũng nên nghiên cứu tham khảo mô hình quản lý KH&CN của Mỹ, nơi nguồn kinh phí của Liên bang dành cho hoạt động KH&CN do sự quản lý của NSF, một cơ quan nhà nước song có tính độc lập rất cao khi các vị trí lãnh đạo do quyết định bổ nhiệm, phê chuẩn của Nhà nước nhưng hoàn toàn theo sự đề cử của giới khoa học. 

—————-———-

Chú thích:

1. http://www.nrf.gov.sg/about-nrf/governance

2. http://www.whitehouse.gov/administration/eop/ostp/nstc3 http://www.nsf.gov/about/

 

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)