Nghiên cứu vật lý của Cuba
Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 28 đến 30/3/2018, Bộ KH&CN Việt Nam đã làm việc với Bộ KH, CN và Môi trường Cuba với mục tiêu mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác về KH&CN và trao đổi một số nội dung hợp tác mới: công nghệ sinh học trong nông nghiệp và y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng tái tạo, đa dạng sinh học, y học hạt nhân, hợp tác giữa các khu CNC… Nhân dịp này, Tia Sáng giới thiệu với bạn đọc 2 lĩnh vực nổi bật của KHCN Cuba, vật lý và công nghệ sinh học trong y tế.
Trường ĐH Havana là nơi đào tạo về vật lý hàng đầu Cuba.
Ý chí là sức mạnh của chúng tôi, María Sánchez Colina – chủ tịch Hội Vật lý Cuba nói. “Mặc dù gặp khó khăn nhưng các nhà khoa học vẫn xoay xở để nghiên cứu, bằng những cách hết sức sáng tạo”.
Đam mê và sáng tạo đã dẫn dắt vật lý Cuba phát triển bất chấp hoàn cảnh khó khăn. “Hãy nghĩ về khoa học như nghĩ về nghệ thuật”, Aurora Pérez Martínez – nhà vật lý lý thuyết ở Viện nghiên cứu Điều khiển học, toán học và vật lý (ICIMAF) tại Havana lo ngại rằng, trái ngược với nghệ thuật, khoa học không còn được coi trọng ở Cuba nữa. “Những nhà lãnh đạo thường cật vấn tại sao chúng tôi cứ làm những thứ không thể ứng dụng được. Họ chỉ muốn các hạt neutrinos được dọn lên đĩa. Nhưng thử xem ballet đâu cần ứng dụng”.
Việc duy trì nghiên cứu ở Cuba vô cùng khó khăn. Không chỉ vật lộn với thiếu hụt trong cuộc sống hằng ngày – lương thấp, điện cắt, đi lại khó khăn, nhu yếu phẩm thiếu hụt từ kem đánh răng, giấy bút…, các nhà khoa học còn phải đối mặt với thiếu kinh phí và trang thiết bị cho nghiên cứu, internet chập chờn, sự căng thẳng về quan hệ Mỹ – Cuba và nhiều vấn đề liên quan khác.
Bấp chấp điều đó, một đội ngũ các nhà nghiên cứu vẫn kiên trì theo đuổi khoa học. Hội Vật lý Cuba có 410 thành viên, một nửa là những nhà nghiên cứu trong các trường viện, phần còn lại là các giáo viên ở trường phổ thông. Sự cô lập với thế giới bên ngoài có thể khiến một số người trở nên lạc hậu trong các hướng nghiên cứu nhưng một số người khác vẫn cố gắng vươn lên mặt tiền. Những lĩnh vực thế mạnh của vật lý Cuba là lý thuyết các chất đậm đặc, lý thuyết trường lượng tử, vật lý thiên văn và hệ thống các hệ phức tạp. Họ cũng được chính phủ ưu tiên đầu tư về công nghệ sinh học và y học.
Những biến chuyển lịch sử
Trước cuộc cách mạng Cuba năm 1959, các trường đại học thường coi trọng giảng dạy hơn nghiên cứu nhưng chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro đã nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng năng lực KH&KT của đất nước, Carlo Trallero- một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu Cuba, cho biết.
Trong những năm đầu của cách mạng, nhiều nhà khoa học từ nhiều quốc gia đến Cuba để hỗ trợ việc hiện đại hóa giáo dục đại học và hoàn thiện cấu trúc các ngành khoa học. Những năm 1970-1980, phần lớn họ đến từ Liên bang Xô viết và khối Đông Âu. Sau đó ba thập kỷ, khi Liên bang Xô viết sụp đổ, các nhà khoa học Cuba tới các quốc gia Đông Âu làm việc. Federico García Moliner – nhà vật lý Tây Ban Nha giữ mối quan hệ thân thiết với các đồng nghiệp Cuba, nhận xét, nền tảng toán học của những nhà vật lý Cuba được học tại Nga trong thời kỳ đỉnh cao của khoa học Xô viết khiến ông phải ghen tị.
Khi trở về nước, họ đều được giao những vị trí quan trọng. Trước khi hoàn thành học vị tiến sỹ, họ đã dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu và dạy trong trường đại học. José Marín Antuña, nhà vật lý tại Đại học Havana là một trường hợp như vậy. Ông tốt nghiệp thạc sỹ thủy động lực học trường đại học Quốc gia Moscow (MGU) năm 1967 và một tuần sau khi về nước đã dạy vật lý ở trường đại học, một năm sau ông phụ trách chuyên ngành vật lý lý thuyết ở trường dù năm 1986 mới tới Moscow để bảo vệ luận án tiến sỹ.
Sự sụp đổ của Xô viết đã kéo theo sự đi xuống của nền kinh tế Cuba. Việc Mỹ cấm vận Cuba kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 đã gây tác động mạnh. Cũng như những khía cạnh đời sống xã hội khác, nghiên cứu trở nên trì trệ. “Cuộc sống ở Cuba thật khó khăn”, Alejandro Bordelois Cayamo, người lấy bằng thạc sỹ ở Leningrad năm 1981 và sau đó là bằng tiến sỹ ở ĐH Santiago de Cuba năm 1999, nhớ lại. Những năm 1990 “là thời kỳ đen tối với người Cuba”, ông kể.
Để tiếp tục nghiên cứu, các nhà vật lý Cuba chuyển hướng sang khu vực Mỹ Latin và châu Âu nhưng mối quan hệ này cũng bị địa chính trị ảnh hưởng. Sánchez kể rằng do áp lực của Mỹ mà vào đầu những năm 2000, châu Âu cũng không mặn mà. “Học bổng trở nên ít ỏi và sự hợp tác giảm xuống đáng kể”. Sau khi Tổng thống Obama nới lỏng cấm vận, mọi thứ đã dễ chịu hơn, học bổng trở lại với số lượng lớn hơn. Vật lý Cuba tiếp tục phụ thuộc vào sự kết nối với toàn thế giới. Kể từ sau chiến tranh Lạnh, viện nghiên cứu duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Cuba là Trung tâm vật lý lý thuyết quốc tế Abbus Salam (ICTP) ở Trieste, Ý, Roberto Mulet, nhà vật lý lý thuyết ở trường Đại học Havana, cho biết.
Khoa học đỉnh cao, đầu tư hạn chế
Chất lượng internet là vấn đề nan giải. Cuba chỉ có duy nhất đường cáp quang với Venezuela. Sánchezcho biết không thể lắp đặt thêm vì lệnh cấm vận của Mỹ. Mạng internet quá chập chờn để tải những tập tài liệu nghiên cứu nên thông thường các nhà nghiên cứu Cuba nhờ đồng nghiệp nước ngoài gửi bản sao các công trình qua email. Alejandro Cabo, nhà vật lý lý thuyết tại ICIMAF nhận xét, “cách làm này chỉ dành cho những công trình mà bạn biết và nó không phải là cách tốt để tiếp xúc với các tài liệu gốc hiện có trên các trang mạng”.
Các giáo sư, nhà nghiên cứu và các bác sỹ chỉ có khoảng 40 giờ mỗi tháng để truy cập internet tại nhà nhưng kết nối qua đường dây điện thoại thì chậm và gián đoạn. Owen Fernández Piedra, nhà vật lý lý thuyết về lý thuyết siêu hấp dẫn, lỗ đen và lý thuyết trường lượng tử trong các không thời gian cong, không dấu thất vọng về việc truy cập internet theo “khẩu phần”: “Tìm kiếm thông tin, trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới, truy cập các trang web, tải các bài báo và sách ở mức vài megabyte là thách thức lớn”. Bên cạnh đó còn khó khăn khác là Skype và những phần mềm cho phép theo dõi video các hội nghị quốc tế không hoạt động ở Cuba.
Ernesto Altshuler là một trong số những nhà nghiên cứu Cuba nỗ lực “bắt kịp” quốc tế. Nguồn: Science
Cuba không có máy gia tốc synchrotron, lò phản ứng nghiên cứu hay các thiết bị nghiên cứu vật lý cỡ lớn khác. Để nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân cần nguồn xung tia X hoặc neutrons hay những thiết bị lớn thì các nhà khoa học phải ra nước ngoài. Có một số nhà nghiên cứu vật lý hạt Cuba đang làm việc tại CERN. Thông thường vì không đủ điều kiện thực nghiệm mà các nhà vật lý Cuba chọn vật lý lý thuyết. “Chúng tôi phải cố gắng nghiên cứu khoa học đỉnh cao với những nguồn lực đầu tư hạn chế”, Calos Cabal Mirabal – nhà nghiên cứu về quang phổ cộng hưởng từ, nói, “[vì vậy] đây không phải là việc dễ dàng”.
Được mở từ năm 1985 tại trường Đại học Havana, Viện KH&CN vật liệu là nơi chia sẻ các thiết bị chế tạo và phân tích đặc điểm của nhiều loại vật liệu. Họ cũng là người sở hữu kính hiển vi điện tử nguyên tử lực đầu tiên của Cuba. Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục đã đầu tư cho viện thiết bị mới, bao gồm máy sắc ký lỏng hiệu năng cao, kính hiển vi điện tử quét, và ba máy quang phổ huỳnh quang tia X, quang phổ tử ngoại và quang phổ hấp thụ nguyên tử. “Đây là tín hiệu tốt nhưng vẫn chưa đủ”, María Sánchez – Chủ tịch Hội Vật lý Cuba nhận xét và nói thêm, thiết bị mới phù hợp với nghiên cứu hóa học hơn là vật lý. Và dẫu cho Khoa Vật lý và Viện KH&CN vật liệu mở cửa cho các nhà vật lý trên khắp đất nước tới làm việc nhưng thiếu kinh phí đi lại và điều kiện giao thông kém khiến chỉ có các nhà vật lý ở Havana là có thể tới.
Để có thiết bị nghiên cứu, những nhà vật lý thực nghiệm phải nâng niu các thiết bị có tuổi đời hàng chục năm do Liên Xô tài trợ để chúng vẫn có thể hoạt động được. Tất nhiên họ cũng có một số thiết bị do nhiều nhà nghiên cứu hoặc các viện nghiên cứu ở nước ngoài gửi tặng. “Tôi mang thiết bị về từ Tây Ban Nha và Mexico, có lần tôi mang về cả máy bơm chân không”, Sánchez nói. Sự cấm vận của Mỹ khiến việc mua thiết bị trở nên khó khăn, “khâu trung gian làm giá đội lên gấp đôi”.
Giải pháp của Sánchez là từ một nhà thực nghiệm, bà chuyển sang “làm mô hình và mô phỏng”. Bà nghiên cứu các trạng thái nhiệt của thiết bị bán dẫn vì nhiệt lượng là thách thức của thiết bị bán dẫn. Với giá khoảng hàng chục nghìn USD, việc mua thiết bị nằm ngoài tầm với của bà. “Chúng tôi sử dụng một máy quang phổ từ thời Liên Xô và dùng thêm các thành phần của thiết bị hiện đại để lắp đặt hệ thống máy móc của mình với giá cả rẻ hơn nhiều”, bà kể.
Một đồng nghiệp khác của bà, Ernesto Altshuler – nghiên cứu về siêu dẫn và cơ chế truyền tin của kiến và vật liệu dạng hạt. Họ lắp đặt thiết bị thực nghiệm bằng việc dùng các bộ phận máy tính, các viên Styrofoam, các chi tiết được làm bằng in 3D do một cựu sinh viên đang ở Pháp cung cấp, băng siêu dẫn từ các đồng nghiệp Mỹ, kiến địa phương và cát. Họ nghiên cứu nguồn dị hướng trong mặt phẳng tại các băng siêu dẫn nhiệt độ siêu cao, các ảnh hưởng của lực hấp dẫn sao Hỏa lên hiệu suất của bánh xe, các vật liệu dạng hạt xâm nhập vào vật thể như thế nào và loài kiến có thể truyền tin thông qua vật cản mà chúng không thể vượt qua hay không và nếu có thì như thế nào. “Chúng tôi đặt ra vấn đề mà chúng tôi có thể giải quyết được [trong điều kiện của mình]”, Altshuler nói.
Tại nhánh ứng dụng của ICIMAF ở Havana, Educardo Mereno xây dựng những hướng dẫn về phương pháp tia tử ngoại cho các thử nghiệm đánh giá không phá hủy đường ống dẫn dầu trong ngành công nghiệp dầu khí. Công việc này ông đã thực hiện khi làm tiến sỹ ở Ba Lan và trong một dự án hợp tác sau đó nhưng đã dừng khi Liên Xô tan rã. “Sự hợp tác đã mất đi như một hệ quả của lịch sử”, ông nhận xét. Hiện ông vẫn nghiên cứu về việc dò tìm khuyết tật trong ống dẫn dầu bằng tia tử ngoại nhưng mở thêm hướng ứng dụng kỹ thuật tia tử ngoại trong y tế và hợp tác với các đồng nghiệp Tây Ban Nha và Mỹ Latin.
Vào cuối những năm 1980, Cuba thiếu thiết bị y tế. Cabal Bordelois – phụ trách PTN Cộng hưởng từ ở ĐH Santiago de Cuba, đã hướng dẫn một nhóm nghiên cứu thiết kế và chế tạo nhiều máy quét cộng hưởng từ. Ông nói, dự án đã “được khởi động vì sự cấm vận của Mỹ”. Không thể mua máy vì dẫu được sản xuất ở Đức hay Nhật Bản thì có trên 10% chi tiết của nó vượt quá giới hạn cho phép là 10%”.
Với kinh nghiệm có được từ thời học ở Liên Xô, ông đã thiết kế và xây dựng một hệ thống có thể phát ra từ trường xung siêu cao. Toàn bộ nam châm được làm ở xưởng chế biến sắt và phần dây cuộn từ nhà máy đường mía. Do [năng lực tính toán] của máy tính ở Cuba yếu nên họ phải thiết kế một chương trình xung với một máy tính có thể kiểm soát được phần cứng và cài đặt lên một máy tính khác để tải dữ liệu và tái dựng hình ảnh. Cuối cùng, thiết bị đã được sử dụng ở một bệnh viện ở Santiago de Cuba.
Nhóm nghiên cứu đã tiếp tục thiết kế những cỗ máy cộng hưởng từ nhỏ gọn và nhiều tính năng phức tạp hơn, ví dụ phát triển các thiết bị cộng hưởng từ để nghiên cứu bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm (4% dân số Cuba mắc bệnh này). Bordelois coi việc thiết kế và chế tạo máy cộng hưởng từ là “thành tựu quan trọng bậc nhất của Cuba trong ba thập kỷ qua”.
Năm 2005, ông đã đề nghị với Fidel Castro về thành lập một nhóm chuyên gia đảm trách việc xây dựng 35 trung tâm y tế công nghệ cao ở Venezuela, lắp đặt các máy quét cộng hưởng từ, máy siêu âm 3 D, máy quét CT, máy chụp X quang tuyến vú, máy ghi điện tim. Và Cuba đã nhận được rất nhiều tiền từ việc thiết kế và tập huấn kỹ thuật cho Venezuela, Cabal kể.
Nói gì với thế hệ sau?
Lương mỗi giảng viên đại học vào khoảng 40 peso Cuba, người làm việc trong các viện nghiên cứu của chính phủ thành lập được khoảng gấp đôi. “Để so sánh, có thể thấy khách du lịch thường thuê một phòng với giá 30 peso/đêm, di chuyển một cuốc xe trong thành phố với giá 5 peso. Một bồi bàn hoặc rửa bát trong một hiệu ăn tư nhân nhận được nhiều tiền lương cao hơn các nhà vật lý”, Alshuler nói. Các giảng viên, như nhiều công dân khác, thường có một số tem phiếu – dầu, gạo, cà phê…, và được trợ giá về y tế, giáo dục, giao thông.
Cách làm chung của các nhà nghiên cứu là đi công tác một vài tuần hoặc vài tháng ở nước ngoài, nhưng thường không có chi phí sinh hoạt mà chỉ được chi trả vé máy bay. Với họ, quãng thời gian ở nước ngoài là vô giá cả về kinh tế lẫn nghề nghiệp. Ví dụ Sánchez mỗi lần ra nước ngoài là mang theo mẫu vật liệu của mình và của các đồng nghiệp khác gửi vì ở nhà “không có cái gì để đo tính chất vật liệu”. Trong 8 tuần ở Tây Ban Nha mùa thu trước, bà “làm thí nghiệm như điên” và “không quên tiết kiệm tiền lương”.
Fernández của ĐH Cienfuegos khi ra nước ngoài cũng sống một cách tiết kiệm vì cần tranh thủ mua quần áo, giày dép và đồ gia dụng khi trở về. Năm vừa rồi anh nhận được phần thưởng của Viện Hàn lâm KH Cuba. Anh phải làm thêm việc để kiếm tiền, “tôi vẽ, làm xây dựng, phụ việc thợ mộc và dạy kèm môn Lý. Bất cứ việc gì có thể kiếm thêm tiền để sống nhưng những việc đó choán hết thời giờ nên tôi cũng ít thời gian nghiên cứu”, anh thừa nhận.
Nhiều nhà vật lý khác cũng kể về việc “kiếm thêm” – lái taxi, phiên dịch, cho thuê phòng, nhận tiền gửi từ nước ngoài, tư vấn… Ví dụ hằng năm, Moreno đi châu Âu tư vấn về dò tìm khuyết tật trong ống dẫn dầu bằng sóng âm hay mô hình phân tích phần tử hữu hạn. Tiền công của chuyên gia Cuba thấp hơn những quốc gia châu Âu và đó cũng là lý do ông được họ thuê.
Thông thường, người Cuba sẽ ra nước ngoài để học tập, cả về lý do tài chính lẫn cơ hội tham gia một trung tâm nghiên cứu vật lý quốc tế. ICTP thường có những học bổng dành cho các quốc gia đang phát triển, nơi nhận 15 người từ Cuba mỗi năm, cụ thể hằng năm ICTP dành 200.000 euro cho Cuba. Tuy nhiên, việc học ở nước ngoài cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và là sự giằng xé giữa yêu và ghét. “Các nhà khoa học ngoài Cuba chỉ muốn giúp đỡ nhưng họ lại mang những sinh viên giỏi của chúng tôi đi. Nếu sinh viên có tới 4 năm ở nước ngoài thì họ không trở về nữa”, Mulet nhận xét.
Để đảo ngược tình thế, họ đề xuất một dạng học bổng cho phép nghiên cứu sinh làm việc cả trong nước và nước ngoài, hay còn được gọi là “sandwich PhD”. “Nếu có ‘sandwich PhD’, họ có thể trở về”, Mulet nêu.
Mulet thừa nhận rằng ai đó làm nghiên cứu ở nước ngoài sẽ dễ dàng hơn ở Cuba nhưng những người chọn cách ở lại Cuba đều mong muốn đóng góp gì đó cho đất nước. “Quyết định ở lại của tôi trên cơ sở cam kết với lịch sử của đất nước và với nhiều người khác. Nếu chúng tôi cũng rời đi thì sau này chúng tôi biết nói gì với thế hệ sau?”
Khoa học và ngành công nghiệp
Khoa học đã trở thành ngành được Cuba ưu tiên hàng đầu sau cuộc cách mạng 1959. Trong một bài diễn văn vào tháng 1/1960, Fidel Castro đã nêu rõ, “Tương lai của đất nước chúng ta nhất thiết phải là tương lai của người làm khoa học, của người có tư tưởng”. Ngày nay, Cuba đầu tư gần 1% GDP vào KHCN, theo Castro Díaz-Balart – nhà vật lý hạt nhân và cố vấn khoa học của chính phủ mới tự sát vào ngày 1/2/2018 vì bệnh trầm cảm. Cách đầu tư này đã đưa Cuba lên vị trí dẫn đầu các quốc gia Mỹ Latin và ở lằn ranh tương đương với các quốc gia nghèo nhất châu Âu. Trong những lá thư gửi Physics Today, ông cho biết Cuba đã đào tạo ra một đội ngũ lớn các giáo sư, nhà nghiên cứu, kỹ sư, kỹ thuật viên, “những cột trụ và tài sản quý báu của hệ thống khoa học quốc gia”.
Các nhà khoa học Cuba đang không ngừng mở rộng thêm chuyên môn của mình. Trong một cuộc hội thảo của Hội Vật lý Mỹ vào tháng 3/2016, Castro Díaz-Balart đã cho biết: “Cuba đã nhận thấy công nghệ nano là lĩnh vực mới nổi nhưng liên hệ chặt chẽ với sức cạnh tranh của nền kinh tế tương lai và sự phát triển của đất nước”. Do đó trung tâm về công nghệ nano mang tên Trung tâm nghiên cứu tiên tiến Cuba (CEAC) ra đời như “một viện nghiên cứu mở, một phần trong mạng lưới khoa học quốc gia và hợp tác quốc tế”, ông Castro Díaz-Balart nhấn mạnh.
Nghiên cứu về công nghệ nano hiện thời của Cuba đã có bước tiến nhảy vọt và gắn liền với nền sản xuất dược phẩm sinh học, họ sản xuất các vaccine và hơn 700 loại thuốc đủ để đáp ứng nhu cầu của ¾ dân số, bao gồm các nanovaccine phòng chống từ ung thư đến sốt xuất huyết, sử dụng công nghệ nano để tăng cường khả năng hấp thụ thuốc và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu những tác động của các hạt nano để ứng dụng trong các vấn đề khác của ngành y và lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì vậy, ông Castro Díaz-Balart coi những thành tựu trong công nghệ nano là kết quả của “một tầm nhìn và việc thực thi kế hoạch mang tính chiến lược”. Việc đầu tư phát triển công nghệ sinh học nano đã giúp hỗ trợ ngành dược phát triển và góp phần đưa nó trở thành thế mạnh của đất nước.
Thời gian gần đây, một số mối hợp tác giữa Cuba và Mỹ đã được thiết lập. Thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực như khí tượng, địa chấn, bảo vệ động vật hoang dã đã được ký kết năm 2015, 2016. Ở cấp độ phi chính phủ, những thay đổi trong quan hệ Cuba-Mỹ đến một cách vừa lặng lẽ, vừa phô trương. Năm 2018, lần thứ ba, lãnh đạo Hội Vật lý Mỹ (APS) tham gia cuộc họp thường niên của Hội Vật lý Cuba. Kể từ năm 2012, APS đã “mở cửa” tạp chí online của mình để các đồng nghiệp Cuba có thể tự do truy cập. Các nhà vật lý Cuba lạc quan về việc bình thường hóa quan hệ với các đồng nghiệp Mỹ. Điều đó sẽ đi kèm với việc có thể sử dụng thiết bị nghiên cứu tốt hơn, trao đổi học viên, tự do tham gia các hội nghị, quyền truy cập tạp chí chuyên ngành…
Trong phiên họp của Hội Vật lý Mỹ, David Gross – nhà vật lý được trao giải Nobel năm 2004, nhận xét: “Theo kinh nghiệm của tôi, trước những rào cản do thói quan liêu và các chính phủ dựng lên, các nhà khoa học cần tìm cách vượt qua với niềm khao khát lớn lao là được tương tác với những nhà khoa học khác”. Ông cũng cho rằng, “Cuba có một cộng đồng khoa học nhiệt huyết với những người hết sức tài tình trong việc tạo ra được những thành công lớn trong điều kiện vô cùng khó khăn”.
Niềm tin của ông quả là có cơ sở. Bất chấp những khó khăn và thách thức, Pérez khẳng định, “chúng tôi vẫn ở đây và chúng tôi đang làm khoa học!”
Thanh Nhàn tổng hợp
TS. Trần Chí Thành (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) hiệu đính
Nguồn: https://physicstoday.scitation.org/doi/10.1063/PT.3.3871
https://www.aps.org/publications/apsnews/updates/cuba.cfm
http://www.sciencemag.org/news/2015/05/feature-cuban-science-comes-cold