Nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam

Qua việc xem xét (review) các báo cáo khoa học xã hội xuất bản trong các tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội ở Việt Nam (Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Vietnam Social Science Review, Thông tin Khoa học Xã hội, Tạp chí Khoa học Xã hội, v.v.) và trong các tạp chí chuyên ngành xuất bản ở ngoài Việt Nam, có thể nhận định rằng chưa có sự nối liền nghiên cứu xã hội học giữa Việt Nam và thế giới.

Nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam rất hiếm thấy xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế (việc năm 2013, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tổ chức đánh giá kết quả nghiên cứu của những đề tài do Quỹ tài trợ từ năm 2010, kết quả cho thấy, 10 đề tài được đánh giá đạt yêu cầu, với tỷ lệ trung bình đạt mức 1.1 sách chuyên khảo và 6.6 công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, là một ví dụ điển hình).

Nhiều nguyên nhân có thể đưa đến việc thiếu sự liên kết của xã hội học ở Việt Nam với xã hội học thế giới. Trước hết, phần lớn các nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam chưa được thực hiện trên quan điểm coi kiến thức (knowledge) là sự tích lũy các hiểu biết (understandings) được khám phá ra bằng nghiên cứu để giải đáp các câu hỏi về thực tế xã hội. Phần lớn các báo cáo khoa học xã hội xuất bản ở Việt Nam thường thiếu phần xem xét tổng quan tài liệu (literature review) vốn được dùng làm nền tảng cho các đề tài nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu thường là các vấn đề cá biệt của xã hội Việt Nam nhưng ít khi được đặt trong khung cảnh kiến thức chung của xã hội học. Các nghiên cứu xã hội ở Việt Nam cũng thường ít sử dụng lý thuyết (theory) hay các hệ qui chiếu quan điểm (research paradigm) trong quan sát và phân tích nên thường không đi xa hơn việc mô tả (description) sự kiện thực tế, nhưng chưa đi đến trình độ giải thích (explain) thực tế bằng kiểm chứng giải thuyết (hypothes is testing) hay bằng lý thuyết. Do đó, kết quả nghiên cứu thường chỉ có giá trị thông tin (information) chứ không đưa ra các hiểu biết (understandings) mới để đóng góp vào kiến thức xã hội học nói chung (trường hợp ngoại lệ là các báo cáo khoa học xã hội xuất ban trong các tập san chuyên ngành quốc tế).

Trong các bài báo cáo về nghiên cứu khoa học xuất bản ở Việt Nam, phương pháp nghiên cứu thường được trình bày rất sơ sài và không đủ để độc giả thẩm định được chất lượng (quality) của việc lấy mẫu và dữ liệu nghiên cứu, cũng như cách đo lường các khái niệm (concept measurement) và quá trình phân tích (analytical procedure). Các nghiên cứu định lượng thường sử dụng các mẫu nghiên cứu rất nhỏ (dưới 100 trường hợp) và thường không mang tính đại diện và tiêu biểu. Kỹ thuật phân tích dùng cho nghiên cứu định lượng còn đơn giản với kỹ thuật phân tích từng biến số một (univariate analysis) dùng cho hệ thống mô tả (descriptive statistics) như phần trăm (percentage) hay tỷ lệ (rate). Sự liên hệ giữa các yếu tố xã hội với hiện tượng quan sát vốn được dùng để giải thích các hiện tượng xã hội thường không được đề cập đến vì thiếu các kỹ thuật phân tích phức tạp dùng hai hay nhiều biến số một lúc (bivariate analysis và multivariate analysis).

Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, xã hội Việt Nam đã trải qua rất nhiều thay đổi, không ít vấn đề phức tạp nảy sinh trong mối liên hệ giữa xã hội và con người. Đó là cơ hội quý giá để xã hội học Việt Nam đóng góp vào kiến thức xã hội học nói chung qua việc xuất bản các nghiên cứu xã hội và các khám phá mới từ nghiên cứu trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế (tạp chí có độc giả trên thế giới). Muốn vậy trước hết hoạt động nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam cần được nâng cao với sự chú trọng đặc biệt tới phương pháp nghiên cứu.
   

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)