Nghiên cứu y học ở Việt Nam

So với các nước đang phát triển có cùng mức độ phát triển kinh tế, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu y tế đáng kể. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh giảm thấp hơn cả những nước trong vùng. Tuổi thọ trung bình hiện nay tương đương hay cao hơn các nước trong vùng, và tiếp tục gia tăng. Thành tựu này được giới quan sát quốc tế ghi nhận và có khi ngưỡng phục. Tuy nhiên, bức tranh y tế nước ta nếu nhìn kĩ vẫn còn nhiều vấn đề vĩ mô chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế hiện nay.

Thống kê chính thức của Bộ Y tế cho thấy các bệnh sau đây nằm trong hàng “top 10” ở nước ta: các bệnh viêm phổi, viêm họng và viêm Amidan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét, tai nạn giao thông, và  các bệnh đường hô hấp. Vẫn theo thống kê của Bộ Y tế, những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta (theo thứ tự) là: các bệnh viêm phổi, các bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp (kể cả lao), thai chậm phát triển, tai nạn giao thông, suy dinh dưỡng, rối loạn gắn liền với thai nghén và cân nặng không đủ khi sinh, và các tổn thương hô hấp đặc hiệu khác của thời kì chu sinh. Bức tranh sức khỏe trên cho chúng ta thấy rằng các bệnh viêm và nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, và tai nạn giao thông là những bệnh dân ta thường hay mắc và cũng chính là những “tử thần” nguy hiểm nhất hiện nay. 

Một đặc điểm chung của những bệnh hàng đầu hiện nay ở nước ta là chúng rất phổ biến. Chẳng hạn như suy dinh dưỡng, có báo cáo cho thấy cứ 5 trẻ em ở nước ta thì có 1 em suy dinh dưỡng (theo một thống kê trong hội nghị tổng kết đánh giá các hoạt động dinh dưỡng năm 2007 do Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức vào đầu năm nay). Hay như bệnh viêm phổi (là nguyên nhân tử vong số 1), mỗi năm có đến khoảng 360.000 người mắc. Hay như hút thuốc lá, có nghiên cứu cho thấy khoảng 73% đàn ông và thanh niên (tuổi từ 18 trở lên) hút thuốc lá. Đây là một tỉ lệ cao nhất thế giới mà các nhà nghiên cứu Việt-Mỹ đã ghi nhận. Cao hơn cả Trung Quốc và Nhật!  Nếu tính theo dân số hiện hành, nước ta có 18,24 triệu thanh niên và đàn ông trên 20 tuổi hút thuốc lá!

 

Nhu cầu cho nghiên cứu

 

Gần đây có ý kiến cho rằng trong ngành y tế, nhất là dịch tễ học, ở nước ta mạnh và các chuyên gia dịch tễ học nước ta tài giỏi so với các nước trong vùng. Nước ta đã thành công khống chế các đợt dịch bệnh, không có bệnh nhân mắc bệnh tả nào bị tử vong, làm cho Tổ chức Y tế Thế giới kinh ngạc và khen ngợi.

 

Căn cứ vào chất lượng và số lượng các bài báo công bố trên các tập san y  học quốc tế chúng ta có thể đánh giá được năng suất và chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam và các nước trong vùng.

Cần nói thêm rằng cụm từ “tập san quốc tế” ở đây là chỉ những tập san khoa học có ban biên tập mà thành phần là các chuyên gia từ nhiều quốc gia, có hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh (peer review system), và được công nhận trong danh sách của Viện thông tin khoa học (Institute of Scientific Information). Theo cách hiểu và các tiêu chuẩn này, tất cả các tạp chí y học của nước ta chưa được xem là tập san quốc tế. Cũng cần nói thêm rằng “bài báo khoa học” ở đây chỉ tính những bài báo nguyên thủy (original paper) chứ không phải những bản tóm lược (abstract) nghiên cứu hay trình bày trong các hội nghị khoa học.

 

Trong một phân tích trước đây, tôi đã so sánh năng suất khoa học và chất lượng nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam với các nước như Thái Lan, Malaysia, Inđônêsia, Philippines, và Singapore. Xin nhắc lại vài điểm chính trong phân tích đó như sau:

 

1. Về số lượng

 

·    Trong thời gian 10 năm (1996–2005), có 3.456 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế xuất phát từ Việt Nam. Con số sản lượng khoa học từ Việt Nam, khi so sánh với các nước trong vùng, cho thấy công suất khoa học ở nước ta thuộc vào hàng thấp nhất: chỉ bằng khoảng 1/5 số bài báo từ Thái Lan (n = 14.594), 1/3 Malaysia (n = 9742), 1/14 Singapore (n = 45.633), và thấp hơn Indonesia (n = 4.389) và Philippines (n = 3901).

 

·    Tính trung bình hằng năm, số bài báo có liên quan đến ngành y sinh học chiếm khoảng 24% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế. Tỉ lệ này ở Thái Lan là 43%.

 

·     Trong thời gian 5 năm 2002-2006, Việt Nam công bố được 830 bài báo y sinh học, và con số này bằng 16% Thái Lan (n=5018 bài), 13% Singapore (n=6340 bài), chỉ hơn phân nửa so với Malaysia (n=1507 bài). Con số bài báo y sinh học từ Việt Nam cũng thấp hơn Indonesia nhưng tương đương với Philippines.

 

·    Gần 1/3 các bài báo y sinh học từ Việt Nam liên quan đến y tế công cộng, môi trường, và bệnh truyền nhiễm. Tỉ lệ này ở Thái Lan là 22%, Indonesia 38%, Philippines 26%. Nhưng các lĩnh vực nghiên cứu trên không có mặt trong hàng “top 10” của Singapore và Malaysia.

 

·     Hai trong số 10 trung tâm “sản xuất” các bài báo y sinh học từ Việt Nam lại có địa chỉ nước ngoài (Đại học Oxford chiếm gần 8% các bài báo, và Viện Pasteur chiếm 5%). Thật ra, Đại học Oxford và Viện Pasteur hợp tác với Việt Nam, nhưng qua hợp tác này họ mới chính là 2 đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam!  Ở Thái Lan và Singapore, tất cả “top 10” trung tâm nghiên cứu đều có địa chỉ địa phương.

 

·    Chỉ có 2% trong số 830 bài báo từ Việt Nam là do nội lực (tức tất cả là tác giả trong nước). Nói cách khác, đại đa số – nếu không muốn nói tất cả 811 bài báo y sinh học từ Việt Nam từ nguồn hợp tác – các tác giả Việt Nam chỉ là “lính đánh bộ”.


 

2. Về chất lượng ?

 
 
 
A
 
B
 
C

Tôi tìm câu trả lời cho câu hỏi này bằng cách chỉ phân tích chỉ số trích dẫn và chỉ số H của các công trình nghiên cứu dịch tễ học, y tế công cộng, và bệnh truyền nhiễm trong thời gian từ 2000 đến 2008. Cơ sở dữ liệu là Viện thông tin khoa học (ISI). Kết quả có thể tóm lược trong các biểu đồ dưới đây.  (A) Số công trình nghiên cứu liên quan đến dịch tễ học, y tế công cộng, và bệnh truyền nhiễm  trong thời gian 2000-2008; (B) Chỉ số trích dẫn trung bình cho mỗi công trình nghiên cứu ; và (C) Chỉ số H giữa các nước.

 

 Trung bình mỗi công trình nghiên cứu từ Việt Nam được trích dẫn 6,8 lần; con số này thấp hơn Thái Lan (8,3) nhưng tương đương hay cao hơn Singapore (6,8) và các nước như Malaysia (4,7), Indonesia (7,9) và Philippines (5,8). Điều này có thể hiểu được, vì phần lớn (99%) các công trình từ Việt Nam được công bố trên các tập san có IF thấp hơn 3. Trong suốt gần 8 năm, Việt Nam chỉ có 25 công trình nghiên cứu liên quan đến dịch tễ học, y tế công cộng, và bệnh truyền nhiễm, và mỗi công trình được trích dẫn trên 25 lần; nhưng con số này của Thái Lan là 39, tức 56% cao hơn ta! 

 

Nói tóm lại, năng suất khoa học về dịch tễ học của nước ta vẫn còn thấp, kém chất lượng, và còn lệ thuộc quá nhiều vào người nước ngoài.

 

Một điều rất đáng quan tâm là các nghiên cứu y học được công bố ở Việt Nam có quá nhiều sai sót về phương pháp và lặp lại ý tưởng của người khác, hoàn toàn không có một phát kiến gì mới. (Xin nói thêm, đó chỉ là một nhận xét thực tế, chứ không phải một phê phán).

Những sai sót này bao gồm ứng dụng sai phương pháp, vi phạm và bất chấp giả định, quá tùy thuộc vào máy tính, vi phạm và bất chấp giả định khoa học… Ngoài ra, nhiều bài báo khoa học liên quan đến ngành y ở trong nước cũng quá sơ sài, hời hợt, thậm chí có vấn đề về y đức. Có thể nói không ngoa rằng hầu như bài báo y học nào công bố ở trong nước cũng đều có vấn đề cần xem lại về ý tưởng, phương pháp, hay thậm chí phải phân tích lại.

Định hướng tương lai?

Tại sao số lượng ấn phẩm y học (và khoa học nói chung) từ Việt Nam còn quá khiêm tốn trên trường quốc tế?  Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng theo tôi, vấn đề chủ yếu là văn hóa khoa học, đầu tư cho khoa học ứng dụng, và vấn đề tiếng Anh.

Thứ nhất, có thể nói không ngoa rằng chúng ta chưa có một văn hóa khoa học, bởi vì từ xưa, nước ta không có một truyền thống khảo cứu khoa học. Hiện nay, các đại học hàng đầu ở nước ta vẫn chỉ là những trung tâm huấn luyện và giảng dạy, chứ chưa là những trung tâm nghiên cứu như các nước trong vùng. Các tiêu chuẩn đề bạt giáo sư đại học chưa đặt nặng và các tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học và bài báo khoa học. Chính vì thế mà hiện nay, chúng ta thiếu hẳn một lực lượng giáo sư có khả năng và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế. Sinh viên đáng lẽ là những “mầm non” khoa học, nhưng rất tiếc họ chưa được hướng dẫn nghiên cứu khoa học có hệ thống, cho nên khi ra ngoài học họ cảm thấy bị thua thiệt so với đồng môn người nước ngoài.

Thứ hai, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học ở nước ta còn quá khiêm tốn. Theo thống kê hiện hành, đầu tư cho khoa học và công nghệ ở nước ta chỉ trên dưới 2% ngân sách Nhà nước. Có công trình nghiên cứu dịch tễ học qui mô trên hàng ngàn đối tượng mà kinh phí cũng chỉ 50 ngàn USD!  Với một kinh phí như thế, không ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp trong nước phải hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài để tìm thêm nguồn kinh phí.

Nghiên cứu khoa học ứng dụng tầm quốc tế đòi hỏi các phương tiện khoa học tương đối đắt tiền. Vì hoàn cảnh kinh tế, nước ta còn thiếu những phương tiện như thế, và có lẽ đó cũng chính là lời giải thích tại sao các nhà khoa học trong nước phải hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Thật ra, hợp tác trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của Việt Nam vẫn là của người Việt Nam thì mới là vấn đề mà tôi đã nêu ra gần đây (xem bài “Làm khoa học theo kiểu nhảy dù” trên Tia Sáng số tháng 6/2007).

Vì vậy để có thể nâng cao sự có mặt của y học Việt Nam trên trường quốc tế  chúng ta cần phải khắc phục ba vấn đề vừa nêu trên. Cụ thể là:

·       các đại học cần phải đặt tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học thành một ưu tiên hàng đầu (bên cạnh giảng dạy);

·        đưa các tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế vào hệ thống tiêu chuẩn để đề bạt các chức danh giáo sư;

·         có những hình thức tưởng thưởng (bằng tài chính, nếu cần) cho những công trình khoa học được công bố trên các tập san quốc tế có uy tín;

·         từng bước tăng cường ngân sách khoa học và công nghệ lên con số 4% hay 5% tổng ngân sách quốc gia;

·         thiết lập và tài trợ một số nhóm nghiên cứu hay phòng thí nghiệm trong các đại học và viện nghiên cứu để nuôi dưỡng các tài năng trẻ và làm đòn bẩy cho phát triển nghiên cứu khoa học;

·         hợp tác với các nhóm nghiên cứu hàng đầu ở nước ngoài, kể cả các nhóm nghiên cứu của người Việt ở nước ngoài, để đào tạo các chuyên gia khoa học có trình độ quốc tế.

Nhiều nhà khoa học nước ta đã từng lên tiếng báo động rằng nền khoa học của nước ta đang xuống cấp nghiêm trọng, một phần là do mất cân đối trong đầu tư. Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cũng cần xem xét lại định hướng hoạt động khoa học để có những đầu tư tương xứng. Theo tôi, nên dành ưu tiên cho các công trình nghiên cứu ứng dụng như y sinh học, công nghệ sinh học (kể cả nông nghiệp và thủy sản), công nghệ thông tin, khoa học vật liệu, y học lâm sàng, môi trường học, v.v… để phục vụ cho sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế.

 

Nguyễn Văn Tuấn 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)