Nguồn nước thì không thể thay thế

Trong khi chờ đợi vấn đề xây dựng đập thủy điện Xayaburi được đàm phán ở cấp Bộ trưởng, cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu về tác động của đập thủy điện tới môi trường và dân sinh của các vùng hạ lưu, đặc biệt là các tác động tích lũy. Đó là ý kiến của bà Ngụy Thị Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD) trong cuộc trao đổi với Tia Sáng.

Ghi nhận của bà từ cuộc “Đối thoại mở về vấn đề đập Xayaburi và phát triển thủy điện trên dòng chính của sông Mekong” mới đây WARECOD phối hợp tổ chức?

Mục đích của Đối thoại mở là tạo ra diễn đàn trao đổi của các tổ chức xã hội dân sự, các nhà khoa học, báo giới và các bên có quan tâm tới vấn đề này. Chúng tôi muốn chia sẻ những thông tin từ các kết quả nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế về tác động của thủy điện trên dòng chính của sông Mekong tới đồng bằng sông Cửu Long và những phân tích được mất đối với vùng hạ lưu vực Mekong.

Tại cuộc Đối thoại mở, những người tham gia đã đi tới thống nhất chung: Những tổn thất mất mát sẽ vô cùng to lớn và nhiều hơn lợi ích có thể có, đề nghị hoãn quyết định xây hay không xây thủy điện Xayaburi ít nhất là 10 năm. Trong thời gian này nên tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các đập thủy điện, đặc biệt là tới đồng bằng sông Cửu Long. Trong đánh giá nghiên cứu, phải xem xét có giải pháp thay thế tốt hơn không và xem xét lựa chọn các công nghệ tối ưu.

Bà thấy thế nào về kết quả cuộc họp của Ủy hội sông Mekong (MRC) vào ngày 19/4 vừa qua?

Quyết định của MRC đưa vấn đề này lên cấp cao hơn là bước đi phù hợp, phản ánh đúng tầm quan trọng của vấn đề, đây không chỉ dừng lại ở kỹ thuật mà còn là kinh tế, an ninh của các nước trong khu vực. Năng lượng có thể thay thế và có thể được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau nhưng nước thì không thể thay thế. Trong khi chưa có giải pháp giảm thiểu tác động của đập thủy điện gây ra thì chưa thể tiến hành làm.

Báo cáo EIA của Xayaburi còn quá sơ sài, đặc biệt chưa nghiên cứu tới tác động tích lũy xuyên biên giới mà mới chỉ dừng lại khoảng 10km hạ lưu đập. Thông tin về dự án chưa được cung cấp đầy đủ và kịp thời cho công chúng trong quá trình tham vấn.

Nguồn nước của sông Mekong rất quan trọng đối với ĐBSCL: bồi đắp phù sa cho đồng bằng, đẩy lùi xâm nhập mặn, cải tạo đất bạc màu, cung cấp phù du cho thủy sản nội địa, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào tác động tới dòng sông sẽ mang lại những hệ lụy tới không chỉ nguồn nước, an ninh lương thực mà còn có sẽ xóa sổ nỗ lực của rất nhiều chương trình phát triển mà Chính phủ đã đầu tư cho ĐBSCL trong vòng 20 năm qua.

Chính phủ Việt Nam cũng có tuyên bố chính thức đề nghị Lào hoãn xây dựng đập thủy điện Xayaburi trong vòng 10 năm tới để tiến hành các nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính tới vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, chúng tôi mới yên tâm trước mắt. Vấn đề vẫn còn đó. Trong vùng Mekong, MRC được xem là một mô hình tiêu biểu về hợp tác quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Quan hệ hợp tác giữa các nước trong Ủy hội cần được tăng cường thúc đẩy đa cấp, đa chiều hơn nữa để cùng nhau chia sẻ dòng sông chung vì lợi ích của tất cả các nước và các dân tộc trong lưu vực.

Trong khi chờ đợi đàm phán ở cấp cao hơn, Việt Nam cần có những nỗ lực gì để tác động tới quyết định của các bên có liên quan? 

Các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp thay thế hoặc có lợi cho tất cả các bên, đặc biệt phải tiến hành các nghiên cứu về tác động tích lũy, giải pháp thay thế, đánh giá kỹ các rủi ro (ví dụ như động đất)… Những nghiên cứu này khi được tiến hành tốt sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý và quyết định trong quá trình thiết kế tương lai của lưu vực Mekong.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải giúp đỡ Lào phát triển bền vững, tìm những hướng phát triển mới, như phát triển thủy điện ở các chi lưu, những ưu đãi trong đầu tư thực hiện các chương trình phát triển khác, kêu gọi quốc tế cùng hỗ trợ trong các kế hoạch phát triển của vùng.

Trung Quốc đã tạo ra tiền lệ xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong bất chấp sự phản đối của các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong và dư luận thế giới. Bà có lo lắng điều tương tự sẽ xảy ra với đập thủy điện Xayaburi?

Dĩ nhiên là tôi lo lắng vì nhận thấy những tác động tiềm tàng. Nếu điều này xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thế giới đã có những bài học nhãn tiền như đồng bằng Missisipi, Mỹ sau 30 năm xây dựng thủy điện, vùng đồng bằng đã lún sụt và giảm khả năng canh tác. Theo tính toán, 50-70% phù sa bị giữ lại ở các đập thủy điện. Người ta đã đi đến quyết định buộc phải tháo dỡ đập để tạo lưu chuyển phù sa và cá có thể chảy xuống phía hạ nguồn. 

Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng Chính phủ Lào cũng sẽ cân nhắc tới sự phản đối của dư luận thế giới. Nếu chỉ vì lợi ích của một nhóm mà Lào chấp nhận thì có thể ảnh hưởng tới quan hệ với các quốc gia láng giềng. Vấn đề cơ bản là khi xây dựng đập thủy điện trong mấy chục năm đầu tiên chủ yếu lợi ích kinh tế bằng tiền mặt rơi vào túi các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, Chính phủ và  nhân dân không được hưởng lợi nhiều như các nhà đầu tư thuyết trình.

Cảm ơn bà.
Nguyệt Hà thực hiện

Các rủi ro thiệt hại đối với ĐBSCL từ 12 đập dòng chính Mekong
ở phần hạ lưu vực

Thủy sản tự nhiên nước ngọt:
– Chỉ riêng ĐBSCL, tổn thất cá trắng là khoảng 240.000 đến 480.000 tấn/năm.  Nếu tính giá 2.500 USD/tấn, mỗi năm ĐBSCL sẽ thiệt hại khoảng 500.000 đến 1 tỉ USD, chỉ riêng cá trắng.
– Trong lưu vực Mê Công, 65% là cá trắng và 35% là cá đen.  Cá đen ăn cá trắng để tồn tại, khi mất cá trắng thì cá đen sẽ mất theo.  Các loài khác như chim, cò, rùa, rắn cũng sẽ suy giảm tương tự

Phù sa: 
– Lượng phù sa hằng năm sông Mekong tải về hạ lưu là 160-165 triệu tấn.  Con số này sẽ giảm còn ¼ hay tương đương 42 triệu tấn khi toàn bộ 12 đập này được xây dựng.
– Chưa có số liệu về chi phí phân bón tăng lên để duy trì năng suất lúa.  Số liệu nghiên cứu ở An Giang cho thấy khi không có phù sa, mặc dù áp dụng phân bón tăng (131-134 kg/ha) thì năng suất lúa vẫn giảm (từ 5.86 xuống còn 5.28 tấn/ha).
– Mất phù sa đồng nghĩa với mất dinh dưỡng toàn bộ hệ thống và làm cho đất bị chai đi.  Thiếu phù sa sẽ làm suy thoái đất, nhất là trên những vùng đất xám bạc màu và đất phù sa canh tác 3 vụ lúa/năm.
– Mất phù sa sẽ gia tăng sạt lở bờ sông và bờ biển do hiện tượng “nước đói phù sa”, đồng thời sẽ làm ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng đã liên tục diễn ra trong hằng nghìn năm nay, bờ biển phía Đông của ĐBSCL và mũi Cà Mau sẽ bị sạt lở nghiêm trọng.
– Mất phù sa sẽ làm cho ĐBSCL bị sụt lún và chìm rất nhanh xuống dưới mực nước biển cùng với tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu. 
– Lượng cát hiện đang được khai thác ở các nước ở lưu vực sông Mê Công hiện là rất lớn để phục vụ cho nhu cầu xây dựng. Ngoài  bùn và chất dinh dưỡng, cát chính là thành phần chính bồi đắp và kiến tạo đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cát không thể đi qua được các đập.  Tình trạng xói mòn bờ biển đã có thể quan sát được ở mũi Cà Mau và các tỉnh cửa sông như Bến Tre, Trà Vinh do tình trạng khai thác cát … Hiện tượng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nữa khi xây đập trên dòng chính.

Thủy sản biển:
– Cả một vùng biển rộng lớn ở ĐBSCL của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng của sông Mekong đưa ra hằng năm.
– Sản lượng thủy sản biển 2009 là 606.500 tấn (chiếm 50% sản lượng khai thác thủy sản biển cả nước (1,196,300 tấn) và gấp gần 10 lần sản lượng biển vùng Đồng bằng sông Hồng (77.900 tấn).  Cần có nghiên cứu để xác định lượng thủy sản này sẽ suy giảm bao nhiêu khi phù sa giảm còn ¼ hiện nay.

Sự dịch chuyển nhanh, khó tiên đoán của ranh giới mặn
– Các đập này là các đập dâng, cho nước chảy qua trong ngày trong mùa lũ.  Vì vậy không có chức năng cắt lũ.
– Trong mùa khô, các đập này có thể tích nước đến 3 tuần (mỗi đập) và gây cạn kiệt thêm vào mùa khô gây xâm nhập mặn sâu vào đất liền; đồng thời không đủ nguồn nước để ém phèn dẫn đến sự phèn hóa một diện tích khá lớn vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, và Tây Nam Sông Hậu.
– Các đập này do các nhà đầu tư tư nhân khác nhau vận hành, nên không thể điều phối được.
– Ranh giới mặn của ĐBSCL phụ thuộc vào sự cân bằng giữa dòng chảy sông Mekong vào mùa khô và mực nước biển vì vậy ranh giới mặn có thể dịch chuyển nhanh chóng dọc theo sông tùy theo sự vận hành các đập.  Điều này làm cho hệ thống canh tác khó thích nghi.

Ô nhiễm môi trường
Khi năng lượng dòng chảy giảm, khả năng rửa trôi và tự làm sạch của dòng sông sẽ giảm trong khi đó phân bón được áp dụng tăng để bù cho sự giảm phù sa

(Một số phân tích các vấn đề chính liên quan đến dự án thủy điện Xayaburi và bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực Mekong, do nhóm công tác Mekong – VRN thực hiện)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)