Nguyên khí ngoài biên chế

Ở Việt Nam tuyệt đại đa số những người nghiên cứu khoa học đều làm trong cơ quan nhà nước, quyền lợi lương bổng hưu trí đương nhiên là chuyện không cần bàn, lại được giáo dục tư tưởng, hướng dẫn chuyên môn, nâng cao trình độ, giao lưu quốc tế, cung cấp kinh phí vân vân, tóm lại có rất nhiều cái hay. Cho nên một số người chẳng nghiên cứu khoa học được nhưng may mắn chuột sa chĩnh gạo trở thành công chức, một số người nghiên cứu được nhưng cứ nghe tới đề tài công trình là hỏi ngay kinh phí bao nhiêu rất giống doanh nhân. Nhưng thôi cứ biết thế, ở đây chỉ nói tới những người làm khoa học (chủ yếu là khoa học xã hội) ngoài biên chế nhà nước.

Cần nói ngay rằng làm khoa học tất nhiên phải nghiên cứu, nhưng nghiên cứu chưa chắc đã là làm khoa học. Trong cuộc sống có rất nhiều điều cần nghiên cứu, cũng có rất nhiều người có thể dùng các thao tác nghiên cứu để tìm hiểu những điều ấy, nhưng đó chưa hẳn là khoa học. Khoa học chính qui chia thành những ngành ổn định, có đối tượng nghiên cứu xác định, có hệ thống phương pháp và thao tác nhất định. Một người làm khoa học chuyên nghiệp có thể hoạt động trong một hay vài ngành tùy theo năng lực, nhưng phải nắm vững phương pháp và thao tác nghiên cứu đồng thời theo đuổi một số đề tài có hệ thống và ở mức độ chuyên sâu với những kết quả sáng tạo đủ để có thể trở thành chuyên gia ít nhất trong một ngành. 

Từ cách hiểu nói trên mà nhìn thì những người làm khoa học ngoài biên chế nhà nước ở Việt Nam hiện nay không có nhiều, nhưng nếu đã được thừa nhận là người làm khoa học thì chắc chắn họ đã làm được một số công trình có tính hệ thống với phương pháp chuyên nghiệp, hàm lượng sáng tạo và chất lượng khoa học ít nhất không thua kém gì so với người nhà nước. Nhưng tính năng động, sự nhẫn nại, lòng tự trọng, đức liêm khiết, ý thức trách nhiệm và nhất là phẩm chất độc lập trong tư duy khoa học ở họ chắc chắn cao hơn rất nhiều người nghiên cứu khoa học trong biên chế, bằng chứng là họ không có những công trình, bài viết minh họa chủ trương, tô màu nghị quyết thường thấy trong giới khoa học quan phương. Chỉ là họ không có được những điều kiện làm việc mà những người kia có, cũng không có được sự khích lệ vật chất và tinh thần tương xứng, không lao động tiên tiến, không học hàm học vị, còn thu nhập thì dù có thâm niên làm khoa học ba bốn mươi năm cũng không thể đến hẹn lại lên để được tăng theo năm tháng, mà nếu không có chút ít tài sản thì còn phải phân tâm chia sức lo chuyện áo cơm. Và khác với nhiều công trình trong khu vực khoa học quốc doanh, công trình của họ chỉ có một người nghiệm thu duy nhất là người đọc tức người mua, nếu nó được xuất bản, và chúng phải chịu sự thẩm định của dư luận theo cách nếu có công thì thiên hạ có quyền lờ lớ lơ, nếu có tội hay bị coi là có tội thì thiên hạ tha hồ chê bai, vì ngoài việc tự bảo vệ của từng cá nhân thì không có cơ quan nghiên cứu và ngôn luận nào có trách nhiệm giữ công đạo cho họ cả. Chuyện tác quyền cũng thế, sách bị luộc ném lên mạng cũng đành bó tay. Mà danh gì lợi gì khi số người biết tới họ còn ít hơn số người biết tới một ca sĩ, một người mẫu loại trung bình, khi công trình làm cả năm nếu được xuất bản thì nhuận bút chỉ đủ sống vài tháng, mà vẫn phải đóng thuế thu nhập nữa? Có thể một số nhà khoa học nước ngoài quen biết họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể mời họ cộng tác. Có thể có một số quan chức trong chính quyền tin tưởng họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể giao cho họ những trách nhiệm khoa học tương xứng. Có thể một số người quen biết ủng hộ họ, nhưng trước nay chưa có ai trong số họ được cho phép lập một cái hội nghiên cứu nào đó. Vì họ không phải là người nhà nước, vậy thôi. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, sở dĩ Thân Nhân Trung vắn tắt được như thế vì thời bấy giờ quốc gia Đại Việt không chia hiền tài làm hai loại trong và ngoài biên chế. 

Có thể một số nhà khoa học nước ngoài quen biết họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể mời họ cộng tác. Có thể có một số quan chức trong chính quyền tin tưởng họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể giao cho họ những trách nhiệm khoa học tương xứng. Có thể một số người quen biết ủng hộ họ, nhưng trước nay chưa có ai trong số họ được cho phép lập một cái hội nghiên cứu nào đó. Vì họ không phải là người nhà nước, vậy thôi.

Vậy họ chịu thiệt thòi và chấp nhận sự thiệt thòi vì cái gì? Chỉ vì sự khát khao hiểu biết và lòng mong muốn được chủ động chia sẻ tri thức với cộng đồng. Nhưng xã hội đã làm gì cho họ trong trách nhiệm là xã hội, chính quyền đã làm gì cho họ trên cương vị là chính quyền, đồng nghiệp trong biên chế nhà nước đã làm gì cho họ với tư cách là đồng nghiệp? Theo chỗ họ và rất nhiều người khác biết, mấy vụ đó cho đến nay cơ bản vẫn chưa có gì. Cũng có thể có một số cá nhân hay tổ chức muốn giúp đỡ tạo điều kiện này khác, nhưng trong rất nhiều trường hợp, họ lại không thể nhận lãnh những nghĩa cử ân tình ấy. Được giải thưởng thường mang tiếng thị phi, nhận tiền giúp dễ nếm mùi tủi nhục chỉ là một mặt, mặt kia của vấn đề là sau khi tiếp nhận nghĩa cử, thụ hưởng ân tình thì họ còn có thể tiếp tục độc lập trong tư duy và hoạt động khoa học hay không.

Cho nên trước mắt, họ cứ việc tự sinh tự diệt, còn nếu muốn tự sướng lúc chịu thiệt thòi, họ có thể tìm một tên gọi khác cho sự khát khao và lòng mong mỏi của mình, đừng nói mình muốn cống hiến, vì khoa học, cho tương lai gì gì. Những động cơ sang trọng ấy trong thực tế chủ yếu không phải dành cho họ.

Cứ gọi là Kiếm cơm.

Năm 1990, Cao Tự Thanh xin nghỉ việc nhà nước lúc đang là quyền Giám đốc Bảo tàng Long An, trở thành một người nghiên cứu ngoài biên chế. Hướng nghiên cứu chính của ông là lịch sử văn hóa Việt Nam và lịch sử xã hội – chính trị Trung Quốc. Các công trình nghiên cứu chính gồm: Văn học Hán Nôm ở Gia Định (1988 và 1998), Quốc triều Hương khoa lục (1993), Thơ Trần Thiện Chánh (1995), Đại Nam Liệt truyện Tiền biên (1995), Nho giáo ở Gia Định (1996 và 2010), Văn học Đàng Trong (2007), Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (2011 và 2012), Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ (2013), Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca Chú thích (2014), I và Y trong chính tả tiếng Việt (2014). Ông còn là tổng chủ biên bộ 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (đã xuất bản hơn 20 quyển), chủ biên công trình Những thay đổi trong đời sống văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh từ 1985 đến nay (2012), tổng chủ biên bộ Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (đã xuất bản 2 tập).

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)