Nhà khoa học rất sợ những phiền lụy hành chính

Cuối năm 2014, GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học) đã cho ra mắt bộ Tự điển Chữ Nôm dẫn giải (NXB Khoa học Xã hội). Nhân dịp này, TS Trần Trọng Dương (TTD) đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Quang Hồng (NQH) về quá trình nghiên cứu và biên soạn bộ tự điển chữ Nôm được giới chuyên môn đánh giá là đồ sộ nhất, khoa học nhất cho đến nay.

TTD: Điều gì thôi thúc Giáo sư biên soạn bộ tự điển mới này, mặc dù trước đây cuốn Tự điển Chữ Nôm (NXB Giáo dục, 2006) do Giáo sư chủ biên cũng đã được xuất bản và được độc giả hoan nghênh?

NQH: Có lẽ ở thời điểm ra mắt Tự điển Chữ Nôm (2006) thì đó là bộ tự điển chữ Nôm vào loại tốt nhất rồi. Nhưng không lâu sau, tôi lại thấy chưa thật sự yên tâm với những gì đã có, nhất là sau khi viết xong cuốn Khái luận văn tự học Chữ Nôm (NXB Giáo dục, 2008). Có nhiều điểm mới mẻ trong bộ Tự điển Chữ Nôm dẫn giải vừa ra mắt, từ dung lượng đến chất lượng và cả cách trình bày. GS Huệ Chi ở cạnh nhà tôi đã thử kiểm tra xem về mục chữ, thấy: để ghi một tiếng RA chẳng hạn, thì ở bộ tự điển năm 2006 chỉ có sáu chữ Nôm, còn ở bộ tự điển mới này có đến 17 chữ Nôm khác nhau. Nhưng điều quan trọng liên quan đến quan điểm soạn tự điển là ở chỗ: Thông thường người ta cho rằng làm tự điển / từ điển là soạn giả phải đưa ra một cách xử lý duy nhất mà mình cho là đúng, là “điển phạm”. Tôi thì không dám làm như vậy. Đành rằng tự điển là phải lựa chọn, phải chắt lọc, phải xiển dương cái đúng. Tuy nhiên, trong khá nhiều trường hợp, nhất là những đối tượng cổ truyền, không phải bao giờ cũng ngay một lúc có thể xác định đúng sai, mà có khi phải chấp nhận tình trạng “lưỡng khả”. Tôi đã xử lý như vậy đối với không ít trượng hợp về cấu trúc của chữ, về giải nghĩa và phiên âm chữ Nôm, ngõ hầu độc giả có chút “dư địa” để ngẫm nghĩ và tự lựa chọn.

Tự điển Chữ Nôm dẫn giải gồm hai tập, dày 2.323 trang, sưu tầm 9.450 chữ Nôm, trên vốn tư liệu gồm 124 tác phẩm và văn bản khác nhau. Theo giới chuyên môn, đây là bộ tự điển chữ Nôm đồ sộ nhất, khoa học nhất cho đến nay. Trước khi biên soạn bộ tự điển này, tác giả đã nghiên cứu toàn diện về chữ Nôm, trình bày trong Khái luận văn tự học Chữ Nôm (NXB Giáo dục, 2008); và bộ Tự điển Chữ Nôm dẫn giải là sự ứng dụng lý thuyết của chuyên luận đó vào việc sưu tầm, khảo sát, phân loại và phân tích cụ thể cho từng chữ Nôm được ghi nhận.

TTD: Được biết Giáo sư đã thực hiện công trình này một mình, và không nhận được khoản tài trợ nào cả?

NQH: Đơn giản thôi, vì tôi không dám làm phiền người khác và cũng không muốn ai làm phiền mình trong công việc này.

TTD: Xin Giáo sư nói cụ thể hơn được không?

NQH: Chẳng qua là tôi muốn tự do làm việc. Làm nghiên cứu khoa học mà thoát khỏi những sự phiền lụy, ràng buộc, được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Với công trình biên soạn này, tôi không xin tài trợ của các cơ quan nhà nước, vì tôi sợ đang loay hoay tra cứu, mải mê suy ngẫm, hý hoáy gõ chữ, thì bộ phận hành chính tài vụ kêu phải kê khai này tờ này tờ nọ, rồi xét duyệt từ dưới lên trên, kiểm tra giữa kỳ, rồi giải trình kinh phí, hội đồng nghiệm thu các cấp, và đánh giá, xếp loại, v.v.

Còn nói “làm một mình” là có ý trỏ đây không phải là công trình tập thể, bày ra cho nhiều người làm, chứ không có nghĩa tôi không cần ai giúp đỡ, như trong việc sưu tầm tư liệu hay trong khâu chế bản điện tử bản thảo chẳng hạn, không nhờ vả không được. Không biết các công trình khác thế nào, chứ làm tự điển như tôi mà bày vẽ ra làm tập thể, nhiều khi cũng oải lắm. Tôi đã “ngấm” rồi. Huống hồ đã không có tài trợ, thì lấy tiền đâu để “chia sẻ” với anh em trong nhóm.

TTD: Dẫu sao thì làm khoa học vẫn phải cần đến kinh phí lớn mới có được tác phẩm lớn chứ, thưa Giáo sư.

NQH: Đúng vậy. Có được kinh phí từ đâu đó “rót” xuống cho mình để làm khoa học thì tốt quá. Nhưng làm sao bớt bớt đi những thủ tục giấy tờ hành chính, giảm bớt đi cho học giả những căng thẳng ngoài chuyên môn của họ, thì hiệu quả công việc sẽ khả quan hơn. Giá có cơ quan nào hoặc doanh nghiệp hay đại gia nào, một khi đã tín nhiệm học giả nào đó rồi, thì mở hầu bao tài trợ “không hoàn lại” cho học giả đó làm một công trình ra tấm ra món, và đứng ra in cho nữa, thì hay biết mấy. Thì cũng như các vị ấy bỏ tiền ra làm giải thưởng cho hoa hậu thôi mà. Nghiên cứu cần tiền đã đành, nhưng đến khâu in ấn công trình cũng đòi hỏi kinh phí bất ngờ: Nếu Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (Hoa Kỳ) không tài trợ 15.000 USD và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không chi hơn 3.600 USD nữa cho việc xuất bản thì bộ Tự điển Chữ Nôm dẫn giải của tôi làm sao có thể ra mắt độc giả được. Tại đây, cho tôi xin ngỏ lời cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi thực hiện được công trình nghiên cứu và biên soạn của mình.

TTD: Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Cơ chế nào cho công trình khoa học cả đời?

Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế nào của nhà nước để một cá nhân có thể làm việc cả đời cho một công trình, như trường hợp của GS Nguyễn Quang Hồng với các bộ tự điển chữ Nôm của ông. Chúng ta thích những dự án ngắn hạn có kế hoạch, với hệ thống người làm việc có ban bệ, lớp lang, theo những nguyên tắc giải ngân nhất định. Trong khi đó, việc ấp ủ và thực hiện những công trình lớn lại cần sự tự do về tư duy, tự do về thời gian, tự do về tiến độ, tự do về… ngân sách. Làm khoa học có đặc thù riêng. Chỉ cần Nhà nước tin nhà khoa học, quản lý đầu ra sản phẩm, chứ đừng quản lý quá trình làm việc. Có như vậy mới giải phóng được sức lao động và năng lực sáng tạo. (Trần Trọng Dương)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)