Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Triển vọng ứng dụng và phát triển IoT ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, theo quan điểm của ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, phụ trách việc quản lý Nhà nước trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.


Ông tưởng tượng viễn cảnh IoT của Việt Nam trong 10 năm tới như thế nào?

Xu hướng phát triển IoT của Việt Nam sẽ không thể chệch ra hay khác biệt với xu hướng chung trên thế giới, mặc dù phải luôn đi sau thế giới một nhịp nào đó. Thị trường IoT ở Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh. Do bất cứ thứ gì muốn điều khiển, theo dõi, giám sát từ xa qua mạng internet đều là đối tượng của IoT nên dự đoán đến năm 2020 số lượng đối tượng của IoT sẽ vào khoảng 6,4 tỷ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam từng phát triển ứng dụng công nghệ viễn thông khá nhanh. Vậy với IoT, vì sao ông cho rằng chúng ta luôn đi sau thế giới một nhịp nào đó?

Trước đây Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) quyết tâm bỏ qua công nghệ cũ, đi thẳng lên công nghệ mới nên hạ tầng viễn thông của Việt Nam hiện nay không thua kém nhiều nước phát triển trên thế giới. Nhưng đấy là về ứng dụng, còn về mặt đầu tư phát triển để sản xuất thì khó theo kịp thế giới, vì nền tảng công nghệ chế tạo không đủ năng lực đáp ứng. Chúng ta có thể có tiềm năng con người với nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng nếu không có một nền tảng công nghệ tốt thì rất nhiều ý tưởng không thể hiện thực hóa, rơi vào “lực bất tòng tâm”.

Ông có nói thị trường IoT sẽ rất phát triển, nhưng với hạn chế về nền tảng công nghệ chế tạo như đề cập trên đây, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội từ IoT?

Theo dự báo, sẽ có khoảng 10 tỉ đối tượng của IoT, vì thế cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. IoT về cơ bản mới đang là khái niệm, chưa đi vào các chuẩn cụ thể. Đối tượng của IoT quá đa dạng nên để đưa ra chuẩn là việc tương đối khó khăn, nhưng dù sao cũng sẽ phải tiến tới các chuẩn giao tiếp nào đó. IoT mở ra rất nhiều cơ hội, ví dụ như về chuẩn giao tiếp với Internet, về thiết kế điện tử trong IoT, từ lưu trữ thông tin cá nhân đến những thông tin quy mô lớn, và đòi hỏi độ bảo mật thông tin ở mức cao. Những lĩnh vực này không đòi hỏi nền tảng công nghệ chế tạo quá cao hay vốn đầu tư quá nhiều, vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội khi tham gia vào các sản phẩm IoT.

Khi chuẩn chưa phát triển thì các thiết bị sẽ không ‘nói chuyện’ được với nhau. Vì vậy, ở đây vẫn cần Nhà nước xây dựng một chuẩn chung?

Chính xác. Nhà nước nên có định hướng. Ở góc độ khoa học và công nghệ, Nhà nước nên xây dựng khung chuẩn, còn các chuẩn chi tiết chuyên ngành thì nên để cho các ngành ứng dụng xây dựng. Ví dụ, chuẩn chi tiết cho ngành y tế thì chỉ Bộ Y tế mới biết họ cần gì. Hiện nay, Bộ KH&CN đang giao cho Viện Khoa học Công nghệ thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa (VSTI) chủ trì thực hiện một nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với mục tiêu chính là nghiên cứu xây dựng khung chuẩn thông tin số quốc gia. Kết quả của Nhiệm vụ sẽ là một Khung chuẩn thông tin số quốc gia, trên cơ sở đó các Bộ, ngành sẽ triển khai xây dựng chuẩn chuyên ngành.

Theo ông thì Nhà nước sẽ đóng vai trò như thế nào trong phát triển IoT?

Quan trọng nhất đối với việc phát triển IoT là Nhà nước cần xây dựng và phát triển một hệ sinh thái cho IoT, đó là các chính sách về thuế, sử dụng và khuyến khích sử dụng, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Hiện nay trong các lĩnh vực công nghệ cao, các doanh nghiệp được hưởng chính sách thuế ưu đãi cao nhất. Đối với IoT, Nhà nước chỉ nên tham gia vào những lĩnh vực mang tính phục vụ cộng đồng, số đông người dân, đặc biệt định hướng tới những lĩnh vực mang tính chất an sinh xã hội, chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, v.v.. Nhà nước nên xây dựng khung chuẩn nhưng không nên quá áp đặt, theo đó [Nhà nước] chỉ nên ban hành khung chuẩn, tạo cơ hội, khuôn khổ cho các doanh nghiệp tự sáng tạo. Dù sao kết quả cuối cùng vẫn phải là mang lợi ích lớn nhất cho người dân.

Quy định công nhận doanh nghiệp công nghệ cao khá ngặt nghèo, và chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Vì thế dường như không có nhiều doanh nghiệp startup làm IoT được hưởng ưu đãi?

Tôi không nghĩ là tiêu chuẩn doanh nghiệp công nghệ cao là ngặt nghèo. Theo Luật Đầu tư mới, tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao được chia làm hai loại, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng và tổng số lao động trên 300 người, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải đạt ít nhất 70% tổng doanh thuần hằng năm. Bên cạnh các tiêu chí nêu trên, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về % doanh thu dành cho R&D, quy định về môi trường, về kiểm soát chất lượng sản phẩm theo ISO.  Tuy nhiên, do ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ thông tin là gần như nhau, nên nhiều doanh nghiệp CNTT không cần xin giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ IoT, gồm cả sản phẩm điện tử và Internet, về cơ bản có thể hiểu là nằm trong lĩnh vực CNTT.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng IoT vào quản trị quốc gia, ví dụ như giao thông thông minh, ông nhận định về tiềm năng áp dụng ở Việt Nam như thế nào?

Có thể thấy IoT được hình thành và phát triển từ những công nghệ nền tảng ban đầu. IoT không phải công nghệ được sáng tác mới, mà là khái niệm mới. Giao thông thông minh đã có từ lâu bao gồm mạng lưới đường cao tốc thông minh, hệ thống tính tiền tự động, mạng lưới camera trong đô thị, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông có thể dựa trên phân tích luồng giao thông. Y tế thông minh, giáo dục từ xa cũng đã được triển khai nhiều nhưng ở quy mô nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ nếu muốn có xã hội thông minh, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng. Có thể về hạ tầng mạng Internet, với các nhà mạng hiện nay đã có thể đáp ứng được, nhưng vấn đề là cơ sở dữ liệu lớn, quản lý và khai thác như thế nào. Ngoài ra, nếu không chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng mạng băng thông rộng thì đến một ngày không xa, dung lượng đáp ứng của mạng không đủ để truyền dẫn thông tin phục vụ IoT, tốc độ xử lý không đủ thì rất phức tạp.

Ông có thể miêu tả bức tranh tình trạng hiện thời của IoT Việt Nam như thế nào?

Về bức tranh hiện thời, nói một cách chung nhất là đang rất sơ khai, gần như chưa có gì. Giao thông thông minh, y tế thông minh chưa phát triển ở quy mô lớn. Giáo dục từ xa e-learning đâu đó đã triển khai nhưng chưa mang tính quy mô lớn. Tôi nghĩ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam vẫn là khả thi nhất vì phù hợp về quy mô và nguồn vốn đầu tư.

Qua tìm hiểu của Tia Sáng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam còn dè dặt khi triển khai IoT, ông có thấy như vậy không?

Thực ra không có sự dè dặt khi áp triển khai IoT. Sự dè dặt ở đây nếu có là thị trường trong nước có quy mô nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam  không đi theo hướng đầu tư chiều sâu, tạo dựng năng lực công nghệ phục vụ sản xuất mà chủ yếu ở hình thức lắp ráp để bán, phải đợi công nghệ nước ngoài phát triển để đi theo. Ngoài ra, khi triển khai IoT thì mặt bằng trình độ người sử dụng Việt Nam cũng phải tương ứng thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên, theo tôi thì doanh nghiệp không nên chờ.

Xin cảm ơn ông.

Hảo Linh – T.L.T

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)