Nhiều “đồng ý” và một chút “nhưng mà”
Gần đây nhất Quỹ Nghiên cứu Khoa học (DFG), cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học quan trọng nhất của CHLB Đức, đã đưa ra quy chế mới trong việc xét duyệt hồ sơ đăng ký tài trợ. Với việc này Quỹ DFG đã đưa ra tín hiệu đầu tiên chống lại xu hướng "công bố ồ ạt". 
Lời người dịch: Chương trình tài trợ cho Nghiên cứu Cơ bản của Quỹ NAFOSTED đã đi vào thực tế được một năm. Với việc sử dụng tiêu chí cứng về “số lượng công bố ISI”, Quỹ đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong quá trình quản lý và tài trợ khoa học trong nước. Mặt khác, từ vài năm nay nhiều nhà khoa học trong nước cũng đã cảnh báo về những nguy cơ của việc “đếm số công trình ăn tiền”. Trên thế giới, khuynh hướng công bố ồ ạt nhằm dùng “số lượng” để thay thế “chất lượng” đã được coi là một nguy cơ cho sự phát triển khoa học, không chỉ bởi những nhà khoa học mà còn bởi những cơ quan quản lý và tài trợ khoa học. Liên đoàn Toán học thế giới đã thành lập một ủy ban điều tra về sự lạm dụng “chỉ số trích dẫn” và tại cuộc họp Đại hội đồng Liên đoàn Toán học thế giới, Ấn Độ 2010, “chống lạm dụng chỉ số trích dẫn” cũng là một chủ đề chính. Gần đây nhất Quỹ Nghiên cứu Khoa học (DFG), cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học quan trọng nhất của CHLB Đức, đã đưa ra quy chế mới trong việc xét duyệt hồ sơ đăng ký tài trợ. Với việc này Quỹ DFG đã đưa ra tín hiệu đầu tiên chống lại xu hướng “công bố ồ ạt”.
Vào tháng 2 Quỹ DFG đã thông báo trong một cuộc họp báo tại Berlin về Quy chế mới về các công bố khoa học của mình, các đánh giá trên các phương tiện thông tin đại chúng là tích cực. Ngay cả những người quan sát khắt khe nhất cũng đồng ý rằng đây là dấu hiệu tốt.
Quy chế mới từ 1/7/2010 |
Nhắc lại rằng từ 1/7/2010, quy chế về hạn chế số công trình được phép nêu ra trong các bản đăng ký xin tài trợ đề án và tổng kết đề án gửi tới DFG sẽ có hiệu lực. Theo đó, thay vì thoải mái liệt kê các công trình khoa học, nay chỉ có một số ít công bố đặc biệt quan trọng và có giá trị được phép nhắc tới. Với quy chế mới này DFG muốn đưa ra thông điệp chống lại khuynh hướng công bố ồ ạt (Publikationsflut) và chuẩn bị cho việc đánh giá nghiên cứu khoa học với “chất lượng thay cho số lượng”.
Đây là một quyết định “có ý nghĩa đặc biệt”, dẫn tới “một tư duy hoàn toàn mới”, tờ FAZ nhận xét và bổ sung: “Đôi khi chỉ cần một tiếng nói cất lên, và DFG đã làm điều đó”. Cả thiên nhiên cũng minh chứng rằng “đôi khi ít hơn lại nhiều hơn”, tờ Sueddeutsche Zeitung bình luận: “Cuộc tổng tấn công của chất lượng”, và tờ Labourjournal sử dụng từ ngữ của chính DFG: “Sự thay đổi về luận thuyết” và diễn đạt sự đồng thuận của mình theo một cách riêng: “Vì chúng ta luôn thấy thay đổi luận thuyết là tuyệt vời, chúng ta sẽ kiên trì”.
Chỉ riêng những hưởng ứng này đã làm DFG tự tin hơn, đặc biệt là Matthias Kleiner, người đã bảo vệ Quy chế trước Hội đồng Quỹ. Nhưng điều làm ông chủ tịch Quỹ tự tin hơn chính là những phản ứng từ những người chịu tác động của Quy chế này: “Phản ứng từ giới khoa học phần lớn là tốt”, Kleiner đánh giá.
Sự ca ngợi và ủng hộ còn đến từ các hiệu trưởng và chủ tịch các trường đại học, các bộ trưởng khoa học của Liên bang và của các Tiểu bang. Cả Hiệp hội Đại học Đức cũng ủng hộ Quy chế và kiến nghị sử dụng nó vào việc tuyển dụng. Sự tán thành cũng tới từ ngoài nước, Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ.
Đối với DFG, ý kiến từ mỗi nhà khoa học là quan trọng nhất, vì công việc của họ – như là một người đăng ký đề án hay như là một phản biện – bị ảnh hưởng trực tiếp từ Quy chế. Lời ủng hộ của Giáo sư Ute Daniel, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa-xã hội tại trường TU Braunschweig, đại diện cho ý kiến của nhiều người: “Với việc này DFG đã đưa ra một thông điệp! Khuynh hướng công bố ồ ạt là một vấn đề rất lớn và đặc biệt có hại tới thế hệ khoa học trẻ, những người bị ép buộc thường xuyên phải công bố công trình. Khi phải làm phản biện, tôi luôn khổ sở vì những danh sách công trình dài ngoằng vô tích sự – tôi không có khả năng phân biệt trong một thời gian ngắn những kết quả quan trọng từ một đống các kết quả vô vị. Vì thế việc giới hạn vào một số những kết quả quan trọng là hết sức có ý nghĩa”.
Ngoài những lời khen ngợi từ cộng đồng khoa học, cũng có những chỉ trích và chống đối – như trong mọi sự thay đổi luận thuyết, trường hợp này cũng vậy. Hoặc như Matthias Kleiner phát biểu: “Ai muốn thay đổi mà ngại sự chống đối, tốt hơn hết giữ cả hai thứ đó cân bằng. Những người cuối cùng nhận được toàn lời khen, thế nào cũng đã làm sai điều gì đó”.
Không có lời khen nào đến từ các Hội đồng chuyên ngành của DFG thuộc các lĩnh vực Khoa học Sự sống và Tâm lý. Bản thân họ không phản đối định hướng mới này. Đối với họ, việc quan trọng nhất cũng là chất lượng, họ cũng không tôn thờ các danh mục công trình hay chỉ số ảnh hưởng.
Tranh cãi xoay quanh chủ yếu một điểm của Quy chế: hạn chế năm công trình được phép khai báo trong lý lịch khoa học. Đó là quá ít – hơn nữa lại cho tất cả những người tham gia, các hội đồng chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Sự sống đã đánh giá như vậy. Như vậy nhiều người đăng ký đề tài không thể giới thiệu toàn bộ các hoạt động nghiên cứu của họ cả về bề rộng lẫn sự đa dạng. Cả những nhà khoa học trẻ cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nghiên cứu sinh, vì khi đó sẽ có nhiều người muốn công bố các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao. Nhưng trước tiên những phản biện và các hội đồng sẽ bị ảnh hưởng bởi quy chế hạn chế số công bố. Làm thế nào để có thể đánh giá được toàn bộ công việc hoặc là phát hiện được một khuynh hướng chỉ trong năm công bố? Hậu quả là những người đăng ký sẽ phải bổ sung bản tự đánh giá tốn kém và dễ sai sót, đó chính là sự lo lắng.
Những người chỉ trích muốn thay vào đó có nhiều hơn – mười hoặc mười lăm công bố – được phép kê khai. Ngoài ra, danh sách toàn bộ công trình cũng cần được cho phép bổ sung vào; danh sách này không thể thiếu khi đánh giá toàn bộ công việc.
Quỹ DFG không coi nhẹ những chỉ trích này. Tuy vậy, Quỹ có quan điểm khác về nội dung: Ngoài bản lý lịch khoa học thì cũng có thể bổ sung các tài liệu khác, Matthias Kleiner giải thích rõ ràng. ” Những người đăng ký cần có ý thức về sự hạn chế và cả sự đặc thù của Lý lịch khoa học”. Vị chủ tịch DFG cũng không cho rằng lớp kế cận sẽ bị thiệt thòi: “Những nhà khoa học trẻ với số công trình ít hơn một chút tại các tạp chí tốt hoặc rất tốt có cơ hội ngang với những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn, những người có nhiều công trình hơn trong những tạp chí tốt nhưng từ nhiều năm trước”.
Các câu hỏi “Công bố bao nhiêu?” và “Công bố ở đâu?” không còn cần quan tâm nữa. Kleiner nhấn mạnh : “Một kết quả tạo ra nhiều nghiên cứu mới đối với chúng tôi và cho Khoa học quan trọng hơn nhiều những “đơn vị công trình khả công bố tối thiểu” – ngay cả khi kết quả này được công bố trên một tạp chí ít uy tín hơn. Chúng ta cần loại bỏ thói quen “băm nhỏ” kết quả ra để công bố. Đó chính là thay Số lượng bởi Chất lượng”.
Nhưng ngay cả khi không đồng tình với những chỉ trích, DFG vẫn muốn theo dõi chặt chẽ những tác động của quy chế mới. Matthias Kleiner tham dự thảo luận tại một số Hội đồng ngành và cam đoan với những người chỉ trích rằng: “Nếu trong vòng hai năm tới chúng ta có nhu cầu thảo luận hoặc thậm chí thay đổi, chúng tôi sẽ sẵn sàng đi thẳng vào vấn đề”. Tuy nhiên định hướng với nhiều đồng thuận như vậy chắc sẽ không bị thay đổi.
Phùng Hồ Hải dịch