Nhiều kỳ vọng trong năm 2014

Qua Hội nghị Cán bộ chủ chốt năm 2013 của Bộ KH&CN được tổ chức cuối tháng 12,  có thể điểm qua một số những công việc Bộ đã làm được trong năm 2013, những tồn tại vướng mắc, và những mục tiêu đáng chú ý trong năm 2014.

Điểm nhấn quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế và cơ chế, chính sách phát triển KH&CN của quốc gia là sự ra đời của Luật KH&CN sửa đổi, trong đó Bộ KH&CN là cơ quan đóng góp phần nỗ lực quan trọng. Đồng thời, để Luật đi vào thực tiễn đời sống, Bộ đã xây dựng 5 dự thảo Nghị định, và 27 Thông tư (bao gồm cả Thông tư liên tịch), và xây dựng quy trình để thống nhất trong hoạt động quản lý các nhiệm vụ cấp quốc gia. Theo đó, các nhiệm vụ KH&CN đều được giao theo phương thức đặt hàng và có địa chỉ áp dụng kết quả nghiên cứu.

Cụ thể là Bộ đã phê duyệt các đề án khung của 3 sản phẩm quốc gia “vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi”, “thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn”, và “an ninh mạng”, ngoài ra còn phê duyệt 6 dự án thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, 8 nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Tổng cộng, đã có 83 nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước được triển khai thực hiện với số kinh phí 124,3 tỷ đồng trong năm 2013; đồng thời có 91 nhiệm vụ cho năm 2014 được lựa chọn trên cơ sở 360 đề xuất từ các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt qua Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi, từ năm 2011 đến nay Bộ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành liên quan phê duyệt 278 dự án triển khai tại 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí gần 1300 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực tại các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tiến trình đổi mới công nghệ và các hoạt động sản xuất, thương mại của các doanh nghiệp, như thử nghiệm hơn 364 nghìn mẫu sản phẩm hàng hóa, chứng nhận phù hợp cho hơn 6000 sản phẩm, và giám định 40 nghìn lô hàng. Đã xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 34.671 đơn đăng ký, và cấp 122 bằng sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam. Ngoài ra, Bộ tổ chức điều tra, khảo sát xác định nhu cầu tiếp nhận công nghệ của hơn 1000 tổ chức, doanh nghiệp; xác định được danh mục 123 loại nhu cầu tiếp nhận công nghệ, đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ. Qua đó, đã khảo sát và xác định 300 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước; hỗ trợ ký kết được 25 hợp đồng và thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Một số tồn tại, vướng mắc

Mặc dù đã nỗ lực nhưng việc xây dựng các thông tư quan trọng chưa đáp ứng tiến độ, đặc biệt một số thông tư liên tịch với Bộ Tài chính kéo dài 2-3 năm vẫn chưa đi tới thống nhất để ban hành. Đơn cử như Thông tư về định mức và phương thức cấp tiền lương, tiền công và tiền chi hoạt động bộ máy trong dự toán nhiệm vụ của tổ chức KH&CN công lập đến nay vẫn chưa được Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính nhất trí, gây thêm chậm trễ cho tiến trình chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, và khiến trong năm 2014 Thủ tướng vẫn phải cho phép cấp kinh phí hoạt động thường xuyên năm cho các tổ chức KH&CN công lập theo phương thức và định mức như năm 2013.

Mặt khác, nguồn kinh phí cấp cho các nhiệm vụ KH&CN còn chưa hợp lý – trong đó có phần nguyên nhân khách quan là công tác phân bổ kinh phí KH&CN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không sát với đề xuất của Bộ KH&CN – như vẫn còn tình trạng các nhiệm vụ KH&CN chồng chéo, trùng lặp, theo phản ánh từ lãnh đạo một Phòng thí nghiệm trọng điểm. Kinh phí đầu tư cho nhân lực quản lý và khai thác sử dụng các phòng thí nghiệm còn thấp so với kinh phí đầu tư cho trang thiết bị – tính đến nay 16 phòng thí nghiệm trọng điểm đã được đầu tư hơn 965 tỷ đồng (trung bình hơn 60 tỷ đồng/phòng). Đặc biệt, thiếu kinh phí và nguồn nhân lực cũng là nguyên nhân khiến hoạt động thẩm định, thẩm tra chất lượng các sản phẩm hàng hóa bị hạn chế, chưa kịp thời, như phản ánh của đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trong khi đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Tiêu điểm chính sách trong năm 2014

Nằm trong số những vấn đề lớn mà cộng đồng KH&CN và dư luận hiện đang trông chờ nhiều ở Bộ KH&CN là việc tiếp tục triển khai Luật KH&CN sửa đổi, và thúc đẩy tiến trình đổi mới công nghệ trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là tại các doanh nghiệp. Giới khoa học sẽ quan tâm nhiều tới hoạt động hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, như xây dựng cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách phù hợp với đặc thù lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là việc ban hành và áp dụng cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và cơ chế mua sản phẩm KH&CN. Cơ chế quỹ trong cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cũng cần được tiếp tục mở rộng và hoàn thiện, để chất lượng nghiên cứu cơ bản và tính thực tiễn của các nghiên cứu ứng dụng được nâng cao, tránh tình trạng chạy theo số lượng thành tích.

Đối với đại chúng, vấn đề được quan tâm nhiều hơn sẽ là mối liên kết viện/trường và doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, và môi trường để hình thành doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp. Đây là lĩnh vực đòi hỏi nhiều nỗ lực của Bộ KH&CN, trong bối cảnh thị trường KH&CN Việt Nam còn rất sơ khai. Trước mắt, dự kiến Bộ sẽ tập trung vào giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước. Các chương trình quốc gia sẽ tiếp tục được triển khai với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ, đổi mới công nghệ.

Cuối cùng, một vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm là việc triển khai đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó đặc biệt quan trọng là vấn đề năng lực quản lý về an ninh, thanh sát hạt nhân, hoạt động đào tạo chuyên gia, cán bộ quản lý, và công tác thẩm định báo cáo phân tích an toàn cho các dự án điện hạt nhân. Vì vậy, dự kiến trong năm 2014, Bộ KH&CN đặt nhiệm vụ trọng tâm là triển khai công tác đào tạo chuyên gia và cán bộ quản lý trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân, và tăng cường năng lực quản lý với việc xây dựng Kế hoạch chi tiết phát triển cơ sở hạ tầng an ninh hạt nhân quốc gia, trong đó quy định phân công trách nhiệm triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh hạt nhân. Bộ cũng sẽ chuẩn bị và tổ chức thẩm định báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt địa điểm và hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Đây là trọng trách lớn mà nhân dân trông đợi Bộ KH&CN sẽ thực thi với tinh thần nghiêm túc chuyên nghiệp, trung thực, và đầy đủ sự sáng suốt cần thiết.

Bên cạnh đó, dư luận cũng mong chờ Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 sẽ được xây dựng không theo mô hình tuyên truyền kiểu độc thoại một chiều, mà đảm bảo các tiêu chí về tính công khai minh bạch trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là đảm bảo tính đối thoại thẳng thắn, đa chiều, và kịp thời giải đáp những vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng được xã hội quan tâm.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)