Nhiều ý kiến trái chiều về danh sách Tạp chí ISI uy tín”

Theo PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), việc đưa một tạp chí thiếu thuyết phục (thậm chí dễ dãi) vào danh sách tạp chí uy tín của Quỹ Nafosted về lâu dài sẽ gây ra định hướng sai cho cộng đồng khoa học Việt Nam và có thể dẫn tới những khiếu nại không đáng có. 

Hai danh sách “Tạp chí quốc tế uy tín” và “Tạp chí ISI uy tín” là kết quả mà Quỹ Nafosted đưa ra sau khi đã tham khảo sơ bộ giới khoa học các ngành và chọn lọc trong danh mục gần 8.700 tạp chí SCI-E của ISI và gần 16.500 tạp chí trong danh sách SCImago được chia đều ra bốn mức Q1, Q2, Q3 và Q4.

Danh sách “Tạp chí quốc tế uy tín” (mức chuẩn) là các tạp chí trong danh mục tạp chí SCI-E, đồng thời cũng phải nằm trong danh mục Q1+Q2+1/2 Q3 của SCImago. 82% công bố từ các đề tài do Quỹ tài trợ nằm trong danh sách này. Còn danh sách “Tạp chí ISI uy tín” (mức cao) là các tạp chí của danh mục tạp chí SCI-E, đồng thời nằm trong 1/2 Q1 của SCImago. 18% công bố từ các đề tài do Quỹ tài trợ nằm trong danh sách này. Theo cách tính điểm của Quỹ, công bố thuộc danh sách “Tạp chí quốc tế uy tín” sẽ đạt chuẩn tối thiểu một điểm, còn với công bố thuộc “Tạp chí ISI uy tín” được tính hai điểm.

Các tạp chí SCI là những tạp chí khoa học được lựa chọn vào danh sách được lập bởi Viện Thông tin Khoa học (ISI) do Eugene Garfield sáng lập chính thức từ năm 1964, nay sở hữu bởi tập đoàn Thomson Reuters. Các tạp chí SCI-E là một danh sách tương tự như SCI nhưng mở rộng hơn.
Các tạp chí trong danh sách SCImago: được xếp hạng căn cứ theo ảnh hưởng của các tạp chí khoa học, trong đó tính đến số lượng trích dẫn mà mỗi tạp chí nhận được và uy tín của các tạp chí trích dẫn lại tạp chí đó.

Hầu hết các nhà khoa học khi được Quỹ tham khảo ý kiến chỉ tạm chấp nhận danh sách “Tạp chí quốc tế uy tín”. Với danh sách “Tạp chí ISI uy tín”, có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Theo các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm công bố, danh sách “Tạp chí ISI uy tín” cũng có không ít tạp chí chưa đủ tiêu chuẩn trong khi nhiều tạp chí vẫn được coi là có chất lượng cao lại ở ngoài danh sách. Cũng có nhà khoa học cho rằng, đây mới chỉ là điều kiện cần, bài báo cụ thể còn cần được đánh giá và thẩm định bởi Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành. Việc đưa một tạp chí thiếu thuyết phục (thậm chí dễ dãi) vào danh sách tạp chí uy tín của Quỹ sẽ gây ra định hướng sai cho cộng đồng khoa học Việt Nam và có thể dẫn tới những khiếu nại không đáng có. 

Có ý kiến cho rằng việc bổ sung các tạp chí chất lượng cao và loại bớt các tạp chí không xứng đáng vào danh sách nên để các HĐKH ngành chủ động thực hiện. Cách làm này chưa thật thấu đáo bởi sẽ làm mất đi tính khách quan trong đánh giá và có thể gây thêm tranh luận bởi hiện nay, cộng đồng khoa học của Việt Nam còn chưa đủ năng lực đánh giá và khả năng bao quát tạp chí các ngành.

Tuy khó tìm được những điểm tựa khách quan để chỉnh lý vấn đề này nhưng vẫn có một điểm tựa sẵn có là danh sách tạp chí SCI của ISI. Không khó để nhận thấy rằng, nếu sử dụng danh sách tạp chí uy tín nằm trong vùng giao của SCI và 1/2 Q1 thì việc đánh giá sẽ thuyết phục hơn, qua đó góp phần loại được không ít tạp chí chưa xứng đáng ra khỏi danh sách này.

Cân nhắc giữa các ưu điểm của SCI/SCI-E và SCImago

Ưu điểm lớn nhất của SCImago là đã phân loại tạp chí ra nhiều mức theo các chuyên ngành hẹp. Tuy nhiên việc phân loại tạp chí dựa trên hệ số trích dẫn citations và hệ số ảnh hưởng IF vẫn ẩn chứa nhiều nhược điểm. Cách phân loại có tham khảo chuyên gia theo các danh sách SCI, SCI-E của ISI, và cả A*, A,B,C của Quỹ Khoa học Úc (ARC – được biết nay đã không còn áp dụng nữa) có sức thuyết phục hơn đối với các đồng nghiệp có nhiều thành tích và kinh nghiệm công bố. Tuy ISI không đưa ra tiêu chí và giải thích cách phân loại nhưng vẫn thường xuyên bổ sung và loại bớt số tạp chí với cả hai danh sách này. Hiện nay, Quỹ ít nhất đã chấp nhận việc thay đổi  quan điểm đối với bài báo đăng trên tạp chí SCI-E, dù không có giải thích rõ ràng. Danh sách SCI và SCI-E có uy tín và được sử dụng rộng hơn trên trường quốc tế. Trung Quốc chỉ chấp nhận bài SCI là chuẩn quốc tế, còn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng nêu mức thưởng cho bài báo SCI ở mức cao hơn SCI-E.

Khi nhìn vào danh sách gần 8.700 tạp chí SCI-E, trong đó có khoảng 4.000 tạp chí SCI, ISI, đồng thời nhìn vào gần 16.500 tạp chí của SCImago, vốn được chia đều ở mức Q1, Q2, Q3, và Q4, chúng ta thấy nhiều khác biệt đáng kể:

Thứ nhất, danh sách 8.700 tạp chí SCI-E ít hơn hẳn so với danh sách hơn 12.000 tạp chí Q1+Q2+Q3 của SCImago, nhưng trong số công bố ISI của Quỹ Nafosted vẫn có tới 11% không có trong danh sách Q1+Q2+Q3 của SCImago.

Thứ hai, danh sách 8.700 tạp chí SCI-E ít hơn hẳn so với danh sách hơn 10.000 tạp chí Q1+Q2+1/2 Q3 của SCImago nhưng trong số công bố ISI của Quỹ Nafosted vẫn có tới 18% không có trong danh sách Q1+Q2+1/2 Q3 của SCImago.

Thứ ba, danh sách 4.000 tạp chí SCI gần bằng số tạp chí Q1 của SCImago nhưng 1/3 số công bố ISI ngành Cơ học của Quỹ có trong danh sách 1/2 Q1 không có trong danh sách SCI vì thuộc nhóm SCI-E.

Đề xuất một cách phân loại toàn diện hơn

Từ những thực tế nêu trên, để tăng thêm sự công bằng cho việc phân loại tạp chí, chúng tôi đề nghị phân ra các mức như sau:

Mức 1 (M1, 2 điểm): giao của SCI và 1/2 Q1

Mức 2 (M2, 1,5 điểm): giao của SCI và Q1

Mức 3 (M3, 1 điểm): giao của SCI-E và Q2+Q1 còn lại

Mức 4 (M4, 0,5 điểm): giao của SCI-E và 1/2 Q3

Mỗi ngành có thể chọn ra một đến hai tạp chí uy tín trong nước để tính 0,25 điểm nhưng tổng cộng điểm thưởng không quá 0,5 điểm cho mỗi đề tài.

Có thể thấy M1 vẫn chưa tuyệt đối thuyết phục vì trong danh sách SCI vẫn lọt vào một số tạp chí chưa thật xứng đáng – đáng tiếc là ISI không lập thêm mức cao hơn SCI để lấy giao tại điểm này. Tuy nhiên, cách phân loại mới có ưu điểm là một số tạp chí có uy tín không vào được danh sách M1, nhưng lại được vào M2 với điểm khá cao. Các đồng nghiệp cổ vũ tạp chí uy tín trong nước cũng có thể yên tâm khi hai bài tạp chí uy tín trong nước kết hợp vớp một bài trong M2 là đạt tiêu chuẩn hai điểm tối thiểu mà Quỹ yêu cầu.

Bên cạnh đó, nếu muốn nâng cao dần chất lượng công bố, Quỹ cũng có thể nâng yêu cầu mỗi đề tài tối thiểu từ 2 lên 2,5 điểm hoặc yêu cầu mỗi đề tài ít nhất cũng phải có một bài mức M3 trở lên…

Riêng với những đề tài thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, chúng tôi đề nghị xét nâng điểm các bài báo thực hiện hoàn toàn bằng nội lực lên một mức: bài M2 có thể nâng điểm lên M1, M3 lên M2, M4 lên M3 và các bài ISI còn lại có thể cho 0,5 điểm. Cách làm này cũng giải tỏa được băn khoăn của các nhà khoa học khối thực nghiệm.

Nhằm hạn chế khuynh hướng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín thấp, Quỹ Nafosted đã tham khảo sơ bộ giới khoa học để xây dựng danh sách các tạp chí quốc tế được Quỹ công nhận khi nghiệm thu, bao gồm hai danh sách “Tạp chí quốc tế uy tín” và “Tạp chí ISI uy tín”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)