Những “tù mù” trong xét duyệt tài trợ nghiên cứu của Trung Quốc
Ngân sách nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc đã tăng hơn mức thường niên 20%, vượt xa sự kỳ vọng của những nhà khoa học Trung Quốc lạc quan nhất. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp Trung Quốc có được bước tiến ngoạn mục trong khoa học và nghiên cứu và góp phần giúp quốc gia này đạt được những thành tựu kinh tế. Nhưng trên thực tế, hàng loạt chuyện “tù mù” trong tài trợ nghiên cứu – một phần là do khuyết tật của hệ thống, một phần là do văn hóa khoa học – đã cản trở tiềm năng phát triển của khoa học Trung Quốc.
Đối với các nhà quản lý từ Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia, thành tích khoa học vẫn là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi xin các khoản tài trợ nghiên cứu. Nhưng điều này không đúng với các dự án tài trợ lớn khoảng từ chục tới hàng trăm triệu Nhân dân tệ (7 nhân dân tệ = 1 USD) từ nhiều cơ quan tài trợ nghiên cứu khác nhau của Chính phủ. Đối với những dự án lớn này, “chìa khóa” để mở được cửa “kho bạc” là dựa vào bản hướng dẫn xin tài trợ được đưa ra hàng năm, trong đó chỉ rõ những lĩnh vực nghiên cứu và các dự án được cho là các “nhu cầu quốc gia” (national needs). Tuy nhiên, những hướng dẫn này làm cho người ta có cảm tưởng “nhu cầu” có thể là bất cứ cái gì miễn là được xếp lên tầm “quốc gia”. Và theo đó, đối tượng có thể nhận được tài trợ rất khó xác định bởi những người trong Ủy ban xét duyệt, do cán bộ của các cơ quan tài trợ bầu ra, có trách nhiệm vạch ra bản hướng dẫn hàng năm. Lẽ dĩ nhiên, chủ tịch các ủy ban thường lắng nghe hoặc hợp tác với các cán bộ này. “Ý kiến chuyên gia”, trong các trường hợp này, thường chỉ phản ánh sự đồng tình giữa một nhóm nhỏ cán bộ và các nhà khoa học được họ ưu ái. Cách tiếp cận từ trên xuống như vậy đã kìm hãm sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu và tạo cơ hội cho những tiêu cực của quan chức và một số ít các nhà khoa học có tiếng nói quan trọng trong quá trình chuẩn bị bản hướng dẫn. Và hệ quả là họ đánh giá người xin tài trợ thông qua các mối quan hệ và hạ thấp thành tích khoa học.
Yi Rao rời trường Đại học Northwestern, Mỹ, trở về Trung Quốc năm 2007. Ông hiện làm chủ nhiệm khoa Khoa học sự sống tại Đại học Bắc Kinh. |
Yigong Shi rời Đại học Princeton, từ chối khoản tài trợ nghiên cứu 10 triệu USD, trở về Trung Quốc năm 2008. Ông hiện làm chủ nhiệm khoa Khoa học sự sống tại Đại học Thanh Hoa. |
Để xin được những khoản tài trợ lớn ở Trung Quốc, có một “bí mật”(mà ai cũng biết) đó là làm nghiên cứu tốt không quan trọng bằng việc “thì thụt” với những quan chức có tiếng nói và các chuyên gia được họ tin tưởng. Rất nhiều nhà nghiên cứu ở Trung Quốc phải tốn nhiều thời gian để xây dựng các mối quan hệ và không có đủ thì giờ để tham dự các buổi hội thảo, tranh luận khoa học, làm nghiên cứu hoặc hướng dẫn sinh viên.
Cơ chế tài trợ có vấn đề này thường bị phần lớn giới nghiên cứu Trung Quốc phê phán. Tuy nhiên, thật nghịch lý là nó lại được nhiều người trong số này chấp nhận do không có lựa chọn nào khác. Những người mới trở về từ nước ngoài nhanh chóng thích nghi môi trường trong nước và duy trì cơ chế không lành mạnh này.
Ai cũng hiểu quy tắc đạo đức về nghiên cứu khoa học và quản lý quỹ tài trợ nhưng chỉnh đốn hệ thống này là nhiệm vụ không dễ dàng. Những người được ưu ái bởi hệ thống đang tồn tại chống lại những thay đổi tích cực. Một vài người chống lại văn hóa nghiên cứu không lành mạnh chọn cách im lặng vì sợ sẽ mất cơ hội nhận được tài trợ nghiên cứu trong tương lai. Một số khác muốn thay đổi thì chọn thái độ “chờ đợi và quan sát” hơn là đương đầu với cuộc chiến có nguy cơ thất bại cao.
Tuy nhiên, dù có những trở ngại, những người hoạch định chính sách khoa học và những người nghiên cứu nhận thức rõ văn hóa nghiên cứu hiện nay của Trung Quốc đang: Lãng phí nguồn lực; Băng hoại tinh thần; Cản trở sáng tạo. Đã đến lúc Trung Quốc cần phải xây dựng văn hóa nghiên cứu lành mạnh dựa vào đà của nguồn tài trợ nghiên cứu đang được tăng lên và mong muốn xóa bỏ những quy ước gây tổn hại tới những người làm khoa học chân chính. Biện pháp đơn giản nhưng quan trọng để bắt đầu là phân bổ tất cả nguồn tài trợ nghiên cứu dựa trên thành tích khoa học, bỏ qua các mối quan hệ. Cùng với thời gian, văn hóa mới này có thể trở thành trụ cột của hệ thống nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo của Trung Quốc chứ không phải lãng phí tài năng như hiện nay.
Ngọc Tú dịch (Science, Vol 329, 3/9/2010)