Niềm tự hào và cơ hội cho khoa học Việt Nam

Tôi được nghe về Ngô Bảo Châu lần đầu tiên vào hồi tháng Ba năm 2009, vào thời điểm tôi được mời làm việc tại Orsay một tháng. Khi đến thăm một người bạn, Annick Suzor-Weiner, người phụ trách phòng hợp tác quan hệ quốc tế trường Đại học Paris-Sud (Đại học Nam Paris), đồng thời là chủ tịch Hội đồng Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam, bà nói với tôi về công việc của Châu. Lúc đó, khả năng anh được trao giải thưởng Fields cũng đã rõ ràng. Và cách đây khoảng vài tuần, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với anh, tức là ngay trước khi Ủy ban bầu chọn giải Fields chính thức công bố giải thưởng.

Anh Châu đã biết về nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi từ trước và vì thế, chúng tôi mời anh đến thăm, cùng ăn trưa. Quả thực đây là một cơ hội và niềm vinh dự cho những sinh viên trẻ của chúng tôi khi được gặp, và lắng nghe anh nói chuyện. Chúng tôi đã có buổi trao đổi cởi mở với anh về khoa học và đào tạo ở Việt Nam cũng như cách làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển trong những lĩnh vực này. Chúng tôi rất ấn tượng về sự hiểu biết sâu sắc của anh trước những vấn đề của khoa học và đào tạo, cũng như sự đồng cảm của anh trước đối với những thông điệp của chúng tôi. Chỉ sau vài phút nói chuyện, chúng tôi nhận ra rằng mình đang nói chuyện với một người có đầy đủ phẩm chất cao quý của một nhà trí thức. Cuộc nói chuyện này thật là một món quà tuyệt vời mà anh đã dành cho chúng tôi.

Tôi đã không ở Việt Nam vào ngày anh nhận giải nhưng tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc và tự hào lớn lao mà giải thưởng đã đem lại cho anh và Việt Nam qua những bức thư tràn ngập trong hòm thư điện tử của mình và trên các phương tiện truyền thông.

Chúng ta, cộng đồng khoa học của Việt Nam, nên nắm lấy cơ hội này để hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu khoa học và đào tạo trong nước. Chúng ta không có nhiều Ngô Bảo Châu nhưng có nhiều sinh viên trẻ xuất sắc, những người xứng đáng được tạo cơ hội để đạt được thành tựu như Ngô Bảo Châu, hoặc chí ít cũng vươn tới các giải thưởng ở mức độ thấp hơn, nhưng vẫn làm rạng danh cho đất nước.

Kế thừa những giá trị đạo đức và trách nhiệm của những trí thức nổi tiếng, GS Ngô Bảo Châu có thể tác động hiệu quả nhất trong việc phục vụ nền khoa học Việt Nam, ở cái thời mà tiền bạc thường được quí trọng hơn tri thức như hiện nay.

Trường hợp đặc biệt của Ngô Bảo Châu không nên được coi như một dịp để chúng ta tự huyễn hoặc mình, quên đi sự bất lực của chúng ta trong việc ngăn chặn chảy máu chất xám. Chúng ta cần nói với những tài năng trẻ rằng đất nước cần họ, rằng họ là tương lai của đất nước, rằng gần đây có nhiều kế hoạch đang được Nhà nước xây dựng để chào đón họ trong các lĩnh vực trọng yếu cho tương lai dài lâu của đất nước như vật lý hạt nhân, không gian vũ trụ và môi trường, vật lý chất rắn, hóa học và nhiều ngành khác nhau của khoa học sự sống hiện đại. Chính sách khoa học của đất nước cần được phổ biến càng rõ ràng càng tốt. Định hướng và mục tiêu của mỗi ngành khoa học cần được xác định để những nhà khoa học tương lai biết họ phải làm gì và đất nước đã chuẩn bị những gì cho họ.
Đã đến lúc khẩn thiết phải ngăn chặn tình trạng các phụ huynh Việt Nam tiêu tốn cả gia tài để gửi con cái đi du học ở nước ngoài với tâm lý các trường đại học ở Việt Nam chỉ là phòng đợi cho những trường đại học nước ngoài. Cần phải chấm dứt việc hờ hững, kém đãi ngộ các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài, những người đã nhận các tấm bằng tiến sĩ ở các trường đại học uy tín trên thế giới khi họ trở về nước làm việc. Những người này cần được làm việc với những điều kiện và với mức độ trân trọng mà họ đáng được hưởng, và chúng ta cũng cần hạn chế những điều không khuyến khích họ trở về Việt Nam.

Không thể mong đợi Ngô Bảo Châu một mình giải quyết tất cả các vấn đề của khoa học và giáo dục ở Việt Nam. Các nhà khoa học uy tín khác của Việt Nam, bất kể đang làm việc trong hay ngoài nước, và thậm chí kể cả các nhà khoa học nước ngoài, cần cùng với ông tham gia vào một “nhóm hoạt động đặc biệt” (task force) nhằm đưa ra những lời khuyên cho Chính phủ Việt Nam trong những hành động cụ thể giúp khoa học Việt Nam tiến lên phía trước. Những thành viên của “nhóm hoạt động đặc biệt” này cần được lựa chọn dựa trên tiêu chí của những người có đóng góp lớn cho khoa học và được quốc tế công nhận. Những vấn đề cần được giải quyết hiện nay khá nhiều, nhưng một số trong đó lại khá rõ ràng nên tôi tin rằng một nhóm hoạt động đặc biệt như vậy có thể nhanh chóng đưa ra những định hướng lớn giúp Chính phủ Việt Nam ban hành các chính sách thích hợp. Bất kỳ ai yêu khoa học và yêu Việt Nam, theo đúng nghĩa của nó, đều có thể là thành viên của nhóm và họ sẽ có cái nhìn rõ ràng về những việc cần phải làm, song hành với đó là việc áp dụng nghiêm túc những tiêu chuẩn về đạo đức, đạo lý và tri thức.

Sau mười một năm làm việc ở đất nước này, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp sinh viên sau tiến sĩ trở về Việt Nam mà không nhận được cơ hội để bắt đầu các nghiên cứu riêng của mình hoặc xây dựng được một nhóm nghiên cứu. Tài năng của họ đang bị lãng phí, nhất là khi đất nước đã bỏ nhiều tiền của đầu tư cho họ học hành.

Khi Ngô Bảo Châu lần đầu tiên đến Pháp, anh là khách của một trí thức, một nhà khoa học lớn: Henri Van Regemorter, một trong những người đầu tiên khởi xướng việc tái lập hợp tác khoa học giữa Pháp và Việt Nam. Ông Regemorter đã gặp Tướng Giáp và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều lần. Ông mất năm 2002 và người ta đã xuất bản một cuốn sách tri ân  những đóng góp của ông. Ngô Bảo Châu cũng đã viết vài dòng xúc động cho cuốn sách tưởng nhớ này. Được sống trong môi trường như vậy, noi theo những gương mặt tri thức nổi tiếng giai đoạn sau thế chiến như Jean-Paul Sartre, Bertrand Russel, Laurent Schwartz, Alexander Grothendieck và Jean-Pierre Kahane, Ngô Bảo Châu kế thừa những giá trị đạo đức và trách nhiệm tri thức mà anh có thể tác động hiệu quả nhất trong việc phục vụ nền khoa học Việt Nam, ở cái thời mà tiền bạc thường được quí trọng hơn tri thức như hiện nay.
Phạm Ngọc Diệp dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)