Nỗi lo của nhiều viện nghiên cứu trước yêu cầu tự chủ

Vướng mắc cơ bản khi thực hiện chuyển đổi theo Dự thảo Nghị định mới là nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất ở địa phương không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu mới.

Theo dự thảo nghị định mới, việc phân loại tổ chức KH&CN công lập được thực hiện trên cơ sở khả năng tự chủ về tài chính theo bốn mức: tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; tự đảm bảo chi thường xuyên; tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; ngân sách nhà nước chi thường xuyên. Nếu tổ chức nào càng tự chủ về mặt tài chính thì càng có khả năng tự chủ về xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức bộ máy, nhân lực…

Tuy nhiên, tại Hội nghị về cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN do Bộ KH&CN tổ chức hôm 29/10, theo nhiều đại biểu, vướng mắc cơ bản khi thực hiện chuyển đổi theo Dự thảo Nghị định mới là nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất ở địa phương không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu mới, dẫn đến “không tự chủ nổi”. Nguồn nhân lực ở địa phương, vốn không thể so sánh với các tổ chức cấp trung ương nay lại đứng trước nguy cơ “mất người” mà theo lý giải của đại diện Sở KH&CN Hải Dương, việc “mất hết biên chế trong danh sách [biên chế] của tỉnh” khi áp dụng cơ chế tự chủ đã khiến nhiều người khá giỏi trong các tổ chức này chuyển việc.

Nỗi lo về kinh phí đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất cũng là điều ám ảnh các địa phương như giãi bày của đại diện Sở KH&CN Thanh Hóa: “Các tổ chức KH&CN công lập sẽ được đầu tư như thế nào khi áp dụng nghị định mới?”

Theo Dự thảo Nghị định thay thế nghị định 115, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập sẽ được ổn định trong thời gian ba năm.


Không riêng các tổ chức KH&CN công lập địa phương mà các tổ chức KH&CN ở Trung ương như đại diện Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam, Viện KH Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)… đều cho rằng, do tính không ổn định trong việc ứng dụng đề tài nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm nên các tổ chức mà họ quản lý đều chỉ đủ sức tự trang trải một phần kinh phí.

Với các tổ chức KH&CN công lập ở Trung ương vận hành theo mô hình viện nghiên cứu dạng “mẹ con” (trong một viện lớn có nhiều viện và trung tâm), câu hỏi đặt ra được đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện KH Nông nghiệp Việt Nam cùng chia sẻ là cơ chế quản lý giữa “viện mẹ” và “viện con” sẽ như thế nào nếu “viện con” chuyển đổi tự chủ trước. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, với trường hợp “viện con” chuyển đổi chế độ tự chủ trước thì vai trò quản lý của “viện mẹ” sẽ chỉ là khâu trung gian.

Dự kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 115 sẽ được trình Chính phủ vào cuối năm nay và có hiệu lực thi hành từ năm 2016.

Xem thêm:

Để quyết tâm tự chủ không thành kêu gọi suông
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=9155

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)