Phát triển CNTT trong xu thế toàn cầu hóa
Phát triển ngành CNTT ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa gồm 2 trọng tâm cơ bản: Xây dựng đội ngũ chuyên gia CNTT phục vụ ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam; Tập trung khả năng ứng dụng của CNTT vào các ngành dịch vụ gây ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Cơ cấu một nền kinh tế hiện nay gồm 3 thị trường chính: lao động, KH&CN và tài chính. Thị trường thứ nhất liên quan tới nhân lực trong ngành kinh tế nói chung. Phần nhân lực này chủ yếu tiếp cận và vận hành tài sản tri thức phổ thông. Bản chất của thị trường này có thể gói gọn trong “giáo dục và đào tạo”. Thị trường KH&CN, thông qua sự đầu tư vốn của Nhà nước và thị trường tài chính, tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn, thể hiện giá trị tài sản tri thức có mức độ so sánh to lớn (Ví dụ: phát minh khoa học, bản quyền sáng chế…). Tài sản tri thức được tạo ra ở đây thông qua lực lượng lao động đầu ngành, tiếp cận và sáng tạo dựa trên mặt bằng của thế giới. Hoạt động chính của thị trường này là “nghiên cứu và phát triển” (R&D). Thị trường cuối cùng liên quan tới việc huy động vốn từ các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư của 2 thị trường đầu tiên.
Với bản chất của mình là việc thể hiện tài sản tri thức và vận dụng nó thông qua tốc độ, dung lượng, tính minh bạch và tính chia sẻ trên môi trường toàn cầu hóa thông tin hiện nay (điển hình là Internet), CNTT là một ngành ứng dụng có thể tham gia nâng cao hiệu suất lao động của mọi ngành kinh tế nói chung, kể cả 3 thị trường chính kể trên. Vì vậy một trong những bài toán đặt ra cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là cần xây dựng lực lượng đội ngũ CNTT và vận hành lực lượng đó trong xu thế toàn cầu hóa của cả 3 thị trường ở trên sao cho hiệu quả. Cụ thể:
1.Đào tạo đội ngũ chuyên gia CNTT phục vụ việc xây dựng nguồn nhân lực CNTT nói riêng. Lực lượng chuyên gia CNTT đủ về chất có thể tăng sức cạnh tranh, hiệu suất lao động của các thành phần kinh tế qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, một đội ngũ nhân lực CNTT đủ về số lượng sẽ tăng cường lực lượng chuyên gia cho các ngành kinh tế khác. Bởi đặc tính minh bạch, chia sẻ và mức độ sẵn sàng của thông tin tri thức trong môi trường thông tin phổ cập hiện nay (ubiquitous), tài sản tri thức có thể dễ dàng được nhân rộng, phổ cập tới mọi tầng lớp trong xã hội khi nền tảng hạ tầng CNTT ở Việt Nam đủ mạnh, kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin của lực lượng nhân lực phổ thông ở Việt Nam được tăng cường…
a.Trọng tâm của việc này xây dựng lực lượng chuyên gia của ngành CNTT cho Việt Nam. Ngành CNTT bao gồm 2 lĩnh vực chủ yếu: phần cứng và phần mềm. Với tiềm lực hiện có về công nghệ và vốn (tài chính) của Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghệ phần mềm là lựa chọn đúng đắn nhất. Với phần cứng, chi phí đầu tư vốn cho một nhà máy, dự án nghiên cứu rất lớn. Công nghệ nguồn cho các sản phẩm bán dẫn chỉ nằm trong tay một số nước phát triển (vài tập đoàn công nghệ hàng đầu). Khả năng cạnh tranh với thế giới trong lĩnh vực phần cứng là không khả thi. Trong lĩnh vực phần mềm, vấn đề hiện nay trên ngành công nghiệp phần mềm của thế giới là chất lượng phần mềm. Lực lượng chuyên gia CNTT của Việt Nam nên tập trung vào mảng này để tạo sự khác biệt.
b.Với việc đào tạo chuyên gia CNTT phục vụ cho các ứng dụng trong cách ngành kinh tế khác.
2.Đối với thị trường KH&CN, CNTT có thể hỗ trợ việc nắm bắt xu hướng phát triển của các ngành KH&CN trên thế giới. Việc này rất quan trọng đối với những nước hạn chế về vốn đầu tư, thị trường tài chính chưa đủ mạnh, như Việt Nam. Dù tổng lượng vốn đầu tư có hạn, chúng ta vẫn có thể có những quyết sách đầu tư hiệu quả, đúng hướng vào những ngành mũi nhọn tạo ra giá trị tài sản tri thức cao nếu có được những thông tin chính xác về xu hướng phát triển, nhu cầu của thế giới trong tương lai. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của CNTT, chi phí cho các dự án R&D cũng giảm đang kể. Theo quan điểm của người viết, mức độ ảnh hưởng của CNTT đối với thị trường KH&CN không rõ rệt như hai lĩnh vực kia. Đây là vấn đề mở, cần nhiều nghiên cứu thảo luận hơn trong tương lai.
3.Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Đây là lĩnh vực rất sôi động diễn ra hằng ngày trên thế giới liên quan tới việc luân chuyển dòng vốn tư bản toàn cầu giữa các thị trường tài chính. Vì tính toàn cầu của nó, mức độ ảnh hưởng của mỗi làn sóng đầu tư gián tiếp vào hoặc rút ra tại các quốc gia có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của nền kinh tế đó. Tiềm năng trong ngành dịch vụ tài chính là rất to lớn, giá trị gia tăng dựa trên các công cụ, dịch vụ tài chính rất đa dạng và tạo sự đột phá trong tính cạnh tranh tương đối giữa các tổ chức tài chính và các quốc gia trong việc thu hút vốn đầu tư. Hiệu quả đầu tư và thời cơ thực hiện là 2 yếu tố quan trọng sống còn. Bằng sự cộng tác giữa giới CNTT và chuyên gia tài chính trong nước, khả năng cạnh tranh của các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể được cải thiện đáng kể bằng sự hỗ trợ của ngành CNTT. Tập trung vào khả năng gia công một phần qui trình dịch vụ cho đối tác nước ngoài và qua đó nâng cao kỹ năng, tiếp cận mặt bằng tri thức và công nghệ trong lĩnh vực tài chính của nhân lực trong nước.
a.Giảm thời gian đưa ra quyết định do khả năng tính toán của các hệ thống thông tin và băng thông của hạ tầng viễn thông hiện nay.
b.Tăng cường tính chính xác và khả năng đánh giá rủi ro trong các quyết định tài chính… Điều này có thể thực hiện được bằng việc chuyển hóa các tri thức, bí quyết, kinh nghiệm trong việc đầu tư tài chính thành các phần mềm chuyên dụng, phân tích, đánh giá các dữ liệu và rủi ro tài chính.
c.Vì lợi thế của hệ thống hạ tầng viễn thông hiện nay cũng như bản chất của thị trường luân chuyển vốn hoạt động liên tục 24/24 giờ, việc phân tán/gia công qui trình các dịch vụ của các tập đoàn tài chính trên thế giới ra nhiều địa điểm có múi giờ khác nhau trên thế giới là điều không tránh khỏi. Với qui trình xử lý thông tin tài chính, lực lượng CNTT của Việt Nam có thể tham gia các qui trình cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tài chính trên thế giới bằng việc đảm nhận một khâu trong qui trình phân bố nhân lực dựa theo dòng luân chuyển vốn tài chính, tiền tệ… giữa các quốc gia. Thông thường, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… trên thế giới có quan hệ hết sức mật thiết với yếu tố công nghệ (phần mềm, dịch vụ CNTT). Do vậy, nếu chúng ta chuẩn bị tốt nhân lực về CNTT (phần mềm và dịch vụ), khả năng nhân lực về tài chính, ngân hàng… sẽ được lợi nhiều khi các tập đoàn tài chính đa quốc gia gia công một khâu trong qui trình dịch vụ của họ tại Việt Nam.
Như vậy việc phát triển ngành CNTT ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa trên thế giới bao gồm 2 trọng tâm cơ bản: Xây dựng đội ngũ chuyên gia CNTT phục vụ cho ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam. Một nền công nghiệp phần mềm mạnh sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho các ngành kinh tế khác; Tập trung khả năng ứng dụng của CNTT vào các ngành dịch vụ quan trọng, đang gây ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia. Ưu tiên là dịch vụ tài chính. Khả năng ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính có thể gồm 2 dạng: tăng cường công nghệ, kỹ năng quản trị tài chính cho các tổ chức tài chính trong nước; tham gia từng khâu trong các qui trình dịch vụ tài chính toàn cầu để nâng cao kỹ năng cho nhân lực CNTT và tài chính trong nước.
————-
* Viện Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản