Phát triển điện hạt nhân: Ủng hộ hay phản đối?
Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima Dai-ichi, nhà máy điện hạt nhân với 6 tổ máy nằm ở phía Bắc thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đã làm dấy lên những quan ngại về vấn đề ứng phó sự cố hạt nhân và an toàn hạt nhân trong trường hợp thiên tai có mức độ tàn phá vượt quá dự tính của con người; nhiều vấn đề lớn của điện hạt nhân hiện chưa có lời giải đáp: chi phí ban đầu, công nghệ chôn cất chất thải lâu dài và ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhưng ngay cả khi những vấn đề này còn tồn tại, thì cũng không thể phủ nhận những ưu điểm khác của điện hạt nhân. Điện hạt nhân vẫn đang tiếp tục chứng tỏ khả năng của nó – vốn được đánh giá rất cao ở nhiều quốc gia trong việc cung cấp một nguồn điện liên tục, ổn định mà không phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Và tất cả những ai hy vọng rằng xu hướng nóng lên của Trái đất sẽ được chặn đứng, cần nhớ một điều rằng nếu chúng ta ngừng sử dụng điện hạt nhân ngay ngày hôm nay để thay thế bằng các hình thức sản xuất điện khác, thì mỗi năm sẽ có thêm 2 tỷ tấn CO2 được thải vào môi trường.
Trên tờ The Economist, Ian Hore-Lacy đến từ Hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association), một hiệp hội xúc tiến phát triển điện hạt nhân, và Tom Burke đến từ E3G, một tổ chức môi trường, đại diện cho hai quan điểm đối lập về điện hạt nhân, đưa ra những lập luận cho họ để ủng hộ hay phản đối việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân trên thế giới.
Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có điện hạt nhân
Tom Burke, Tổ chức E3G
Lý do chính của điều này không phải vì ta sẽ tránh được những nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân ở trạng thái hoạt động bình thường hay trong các thảm họa hạt nhân, mà là vì tất cả những nước mới có vũ khí hạt nhân đều ngụy trang chúng dưới vỏ bọc của việc phát triển chương trình điện hạt nhân cho mục đích dân sự. Hiện nay số lượng quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân từ 5 đã tăng lên 9 và sắp tới sẽ là 10.
Cho tới nay, Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân chỉ hạn chế, chứ không thể ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân. Những công nghệ và nguyên liệu được sử dụng trong chương trình điện hạt nhân không hề khác biệt so với những công nghệ và nguyên liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Một phần ba số quốc gia có chương trình điện hạt nhân dân sự đã từng thử phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngay cả khi đặt nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân sang một bên, vẫn còn rất nhiều lý do khác cho việc ngừng sử dụng điện hạt nhân. Một trong số đó là sự giảm thiểu thiệt hại nặng nề về kinh tế do các tai nạn hạt nhân có thể gây ra. Ví dụ thảm họa tại Fukushima vẫn chưa chấm dứt nhưng đã có thể thấy rõ rằng thiệt hại cuối cùng của thảm họa này sẽ vượt quá 100 tỷ USD.
Những người ủng hộ việc sử dụng điện hạt nhân thường dựa vào hai lập luận chính: Điện hạt nhân là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng; và điện hạt nhân góp phần vào việc giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu, vốn là mối đe dọa lớn nhất mà con người từng phải đối mặt. Tuy nhiên thật ngạc nhiên nếu biết rằng hiện nay điện hạt nhân chỉ đóng góp một phần nhỏ vào an ninh năng lượng – tính đến năm 2009 là khoảng 13%. Hơn nữa, tỉ lệ này đang giảm vì trong những năm gần đây, số lượng lò bị đóng cửa là lớn hơn số lượng lò được xây mới. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính rằng các dự án xây mới lò phản ứng trong thời gian tới sẽ chỉ tương đương với số lượng lò phải ngừng hoạt động. Trong khi đó chỉ tính riêng trong năm 2010, năng lượng tái tạo đã đóng góp thêm 50 GW, tương đương với khoảng 40 lò phản ứng hạt nhân.
Như vậy, thực tế cho thấy rằng ngay cả trong trường hợp thế giới ngày càng phụ thuộc vào điện năng, thì đóng góp của điện hạt nhân vào tổng sản lượng điện cũng nhỏ tới mức chúng đang bị thay thế bởi năng lượng tái tạo, năng lượng hóa thạch và việc tăng hiệu quả sử dụng điện.
Tất nhiên, nếu so sánh với năng lượng hóa thạch thì điện hạt nhân là một lựa chọn tốt để giảm bớt lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Nhưng qua việc Trung Quốc, vốn là quốc gia đang phải đối mặt với cả hai vấn đề đảm bảo năng lượng và hạn chế sự biến đổi khí hậu hiện đang có chương trình điện hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới (dự tính tới năm 2020 nước này sẽ có sản lượng điện hạt nhân khoảng 70GW) thì điện hạt nhân cũng mới chỉ đóng góp khoảng 4% nhu cầu điện năng của Trung Quốc, khoảng 25% điện năng sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào 70% còn lại là từ than và khí đốt. Như vậy, đóng góp của điện hạt nhân vào việc giảm khí thải nhà kính cũng là rất nhỏ nếu so với lượng khí thải từ điện than mà Trung Quốc đang sản xuất. Tất nhiên đây không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc, nhưng rõ ràng rằng điện hạt nhân không thể giải quyết vấn đề giảm thiểu khí thải cho thế giới.
Cần tăng tính an toàn
Ian Hore-Lacy, Giám đốc truyền thông, World Nuclear Association
Sự phát tán chất phóng xạ trong tai nạn hạt nhân tại Fukushima là lớn ở mức chưa từng có, vì vậy việc truyền thông thổi phồng và đưa ra những thông tin không rõ ràng về tai nạn tại Fukushima là điều dễ hiểu. Tuy nhiên sự tập trung quá mức của báo chí đối với sự kiện Fukushima cho đến nay không có ai chết hay bị thương nặng vì nhiễm xạ, và chỉ có 3 nhân viên của TEPCO thiệt mạng trực tiếp vì động đất và sóng thần đã làm lu mờ cả những tin tức về hơn 20.000 người đã chết trong thảm họa thiên nhiên khủng khiếp này.
Tất nhiên việc đó không có nghĩa là chúng ta không rút ra những bài học từ sự kiện tại Fukushima. Chúng ta sẽ phải xem xét lại thiết kế của tất cả các lò phản ứng và đảm bảo chắc chắn việc làm mát sau khi lò phản ứng ngừng hoạt động, kể cả trong trường hợp thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất. Rất may là việc này đã được tính tới trong những thiết kế lò phản ứng hiện đại, vốn sử dụng chính các định luật vật lý tự nhiên như đối lưu để tự động làm mát lò phản ứng sau khi ngừng hoạt động. Điều đó có nghĩa là lò phản ứng không cần sử dụng tới điện năng hay thậm chí là sự can thiệp của con người trong vài ngày để hoàn tất việc làm nguội lò phản ứng.
Điện hạt nhân vẫn là cần thiết bởi một số nhân tố không thay đổi: Nhu cầu về một nguồn cung cấp điện năng liên tục và đáng tin cậy, tầm quan trọng về an ninh năng lượng sao cho nhiên liệu cho việc sản xuất điện không trở thành sự bất ổn hay những nguy cơ về địa chính trị, và sự cần thiết của việc giảm thiểu phát thải CO2 trong sản xuất điện. Điện hạt nhân đáp ứng rất tốt những nhân tố kể trên. Chỉ có than và khí tự nhiên có thể cạnh tranh với điện hạt nhân về giá thành sản xuất trên một kWh và về sự tin cậy và tính liên tục. Tuy nhiên việc sản xuất điện bằng than đã phát thải một lượng khí CO2 khổng lồ vào môi trường.
Vì vậy mục tiêu chủ yếu hiện nay là tăng tính an toàn của điện hạt nhân. Nhiều quốc gia đã đề cập đến việc xem xét lại các tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân sau tai nạn tại Fukushima. Đây là điều rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại tuy nhiên chúng cũng sẽ không thể khác nhiều so với những tiêu chuẩn hiện tại trong thiết kế lò phản ứng và kiểm soát an toàn hạt nhân, vốn khắt khe hơn nhiều so với những năm 1960 khi nhà máy Fukushima Dai-ichi được thiết kế.
Việt Phương lược thuật (The Economist)