Quảng Ninh cần tăng đầu tư cho KHCN

Sáng ngày 5/10, Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng các lãnh đạo khác của Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về các vấn đề liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và tham gia kí kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh giai đoạn 2011-2015

Bộ trưởng đã nghe ông Đặng Huy Hậu – Phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt những chỉ số kinh tế xã hội của Quảng Ninh năm 2010 và định hướng phát triển năm 2011. Hiện nay, tỉnh đang là trung tâm sản xuất than (chiếm 96% sản lượng than của cả nước), trung tâm sản xuất điện với 5 nhà máy điện đang hoạt động, trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch ngói, gạch nung), trung tâm cảng biển với 5 cảng biển và 4 nhà máy đóng tàu cỡ lớn; đồng thời cũng là trung tâm du lịch với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Tuy vậy, theo ông Phạm Minh Chính – Bí thư tỉnh ủy, thách thức đặt ra đối với tỉnh hiện nay là việc phát triển du lịch đang bị đe doạ do ô nhiễm môi trường từ các ngành công nghiệp chủ lực (khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng) gây ra. Ngoài ra, những ngành công nghiệp đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế (khai khoáng, đóng tàu, điện, xi măng) lại là những ngành công nghiệp trung ương, trong khi công nghiệp địa phương chiếm tỉ trọng không đáng kể. Quảng Ninh cũng đối diện với nguy cơ phát triển không bền vững do quá phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên tự nhiên: trong 10.000 tỉ đồng nguồn thu 6 tháng đầu năm thì 67% đến từ than và 9% là từ đất. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu kém, với 55% dân số của tỉnh làm nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp 5% vào GDP và chỉ số ICOR khá cao (8,5 so với 6,5 trung bình của toàn quốc).

Trước thực tế này, ông Phạm Minh Chính cho biết trong những năm tới, Quảng Ninh có kế hoạch tập trung phát triển dịch vụ du lịch, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến. Đây là hai loại hình phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng. Để tiến hành đổi mới toàn diện và tạo động lực cho những ngành kinh tế trên thì ngoài vấn đề vốn, nhân lực, đóng góp của khoa học công nghệ là rất cần thiết. Theo ông Phạm Minh Chính, vướng măc chủ yếu hiện nay của tỉnh là ở khâu quản lý, xây dựng thương hiệu. Nhiều đặc sản của Quảng Ninh hiện nay vẫn chưa có chỗ đứng ngay trên tỉnh nhà do không tạo dựng được thương hiệu đạt chuẩn. Việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu dùng cũng đặc biệt được nhấn mạnh để đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa giữa các ngành công nghiệp. 

Qua những ý kiến và  đề xuất của lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Bộ Khoa học Công nghệ sẽ hết sức hợp tác hỗ trợ Quảng Ninh về nguồn lực, trong đó có đào tạo con người và tham mưu chính sách cụ thể trong định hướng phát triển liên quan tới KHCN của tỉnh. Bộ trưởng đề nghị địa phương tăng đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ bằng cách đa dạng hóa nguồn thu xã hội, đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Việc lồng ghép các chương trình phát triển khoa học công nghệ trọng điểm của địa phương với chương trình quốc gia cũng được đưa ra như một giải pháp tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước và đảm bảo sự nhất quán trong chính sách giữa quốc gia và địa phương.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh và đến thăm nhà máy gạch Viglacera Hạ Long.

Tác giả