Quỹ NAFOSTED: Tác động đối với ngành toán học

Trong 10 năm qua (2008-2017), các hoạt động tài trợ của Quỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu toán học trên cả nước, đặc biệt trong giới cán bộ trẻ. Một trong những tác động tích cực nhất là các nhà toán học bắt đầu có thể an tâm làm nghiên cứu, đồng thời thu hút được những sinh viên trẻ tham gia nghiên cứu nhằm đảm bảo một sự phát triển toán học bền vững cho tương lai.


GS. TS Ngô Việt Trung. Nguồn: vietnammoi.vn

Đã có 267 đề tài ngành Toán được Quỹ xét duyệt hỗ trợ. Hầu hết các trường đại học có đào tạo toán học trong cả nước đều có đề tài được hỗ trợ. Các cơ sở có số đề tài được Quỹ hỗ trợ nhiều nhất là Viện Toán học (VHLKH&CN VN), trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Kết quả nghiệm thu cho thấy chỉ có 5 đề tài không hoàn thành nhiệm vụ. Tỷ lệ số đề tài hoàn thành chỉ tiêu công bố đúng thời hạn trên 80%, cao nhất trong các ngành khoa học. Các đề tài đã công bố 954 bài báo trong danh mục ISI. Như vậy, trung bình mỗi đề tài công bố khoảng 3,5 bài báo so với yêu cầu phải có tối thiểu 2 bài ISI.

Theo sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 thì ngành Toán đã công bố 1.203 bài báo ISI trong giai đoạn 2010-2014. Điều này cho thấy có một sự gia tăng rõ rệt số lượng công bố ISI trong những năm gần đây do ảnh hưởng của Quỹ. Ngành Toán cũng là ngành có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất trong giai đoạn 2010-2014, chiếm 12,06% tổng số công bố ISI của cả nước. Ở đây cũng cần nhấn mạnh một điều là ngành Toán là một trong những ngành có tỷ lệ số lượng công bố trên đầu người tham gia nghiên cứu thấp nhất trong các ngành khoa học trên thế giới. 

Chất lượng công bố của các đề tài ngành Toán chỉ đạt mức trung bình trên thế giới. Phần lớn các bài báo công bố trong các tạp chí vùng miền hay tạp chí chuyên ngành có uy tín thấp. Theo thống kê của Quỹ có 88,6% số bài báo ngành Toán đã nghiệm thu đăng trong các tạp chí được xếp hạng Q1+ Q2 + ½ Q3 trở lên của SCIMAGO (đây sẽ là giới hạn các tạp chí được Quỹ xét nghiệm thu trong thời gian tới). Chỉ có 9,8% số các bài báo được đăng trong các tạp chí được xếp hạng ½ Q1 trở lên. Tuy nhiên cũng cần phải ghi nhận là danh mục các tạp chí toán học của SCIMAGO không chính xác, trong đó có quá nhiều tạp chí liên ngành không được cộng đồng toán học thế giới coi là tạp chí toán học. Những tạp chí này thường có chỉ số trích dẫn cao hơn hẳn các tạp chí toán học thực thụ và thường được xếp hạng cao. Vì vậy, danh mục Q1 ngành Toán của SCIMAGO không thực sự phản ánh các tạp chí có uy tín trong toán học (có thể thấy điều này khi so sánh với danh mục các tạp chí toán học có uy tín của Quỹ khoa học Quốc gia Úc). Tuy nhiên, ngành Toán đã có một số công trình thu được những kết quả đột phá, điển hình như các kết quả nghiên cứu của PGS. Phạm Hoàng Hiệp, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng và GS. Nguyễn Đông Yên đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu (với tỷ lệ phiếu bầu gần tuyệt đối).  

Ngay từ khi Quỹ bắt đầu hoạt động đã có hiện tượng đăng bài ở các tạp chí phải trả tiền mới được đăng. Chất lượng các tạp chí này rất thấp và quy trình phản biện thường có những điểm đáng ngờ như báo chí quốc tế đã phân tích. Không có lý gì lại trả tiền để đăng bài ở các tạp chí này trong lúc có nhiều tạp chí nghiêm túc nhận đăng bài cùng chuyên ngành mà không phải trả tiền. Vì vậy, Hội đồng ngành Toán đã nhất trí biểu quyết không chấp nhận nghiệm thu các bài báo đăng theo hình thức này để đảm bảo chất lượng nghiên cứu.

Hội đồng ngành Toán luôn luôn coi trọng “đầu vào”, lấy khả năng hoàn thành chỉ tiêu công bố làm tiêu chuẩn tối cao để xét duyệt đề tài, không phân biệt chức danh, học vị, độ tuổi hay vùng miền. Chính nguyên tắc này đã giúp cho ngành Toán đạt tỷ lệ hoàn thành đề tài rất cao. Để đảm bảo tính công bằng, Hội đồng ngành Toán đánh giá năng lực và chất lượng nghiên cứu của từng thành viên đề tài để có những đề xuất hợp lý về hỗ trợ kinh phí cho Quỹ, trong đó ưu tiên các đề tài ở các địa phương và đề tài của các cán bộ trẻ. Trong toán học không có kỹ thuật viên, nhưng Hội đồng ngành Toán vẫn chấp nhận mỗi đề tài có thể có nhiều nhất một kỹ thuật viên không phải là nghiên cứu sinh có độ tuổi dưới 30 với mục đích đào tạo cán bộ trẻ. Việc giới hạn độ tuổi cũng như số lượng một kỹ thuật viên nhằm tránh hiện tượng cho người ăn theo đề tài như đã từng xảy ra trong đợt xét duyệt đề tài đầu tiên.

Do mới hoạt động nên phương thức hoạt động của Quỹ còn có một số hạn chế. Trước đây kinh phí cho đề tài phụ thuộc chủ yếu vào số lượng đăng ký công bố. Điều này đã dẫn đến việc các nhà khoa học chạy theo số lượng công bố mà không quan tâm đến chất lượng công bố. Chất lượng công bố được phản ánh qua uy tín của tạp chí đăng bài. Quỹ đã có chủ trương nâng cao chất lượng công bố thông qua việc tính gấp đôi các bài báo đăng trong các tạp chí ISI có uy tín. Tuy nhiên, việc phân chia này còn quá cứng nhắc do chỉ có hai mức 1 và 2. Nên có thêm mức 1,5 công trình để có một sự phân chia phản ánh đúng hơn chất lượng giữa các tạp chí (có thể lấy Q1 của SCIMAGO làm giới hạn). Đồng thời cũng cho phép tính 0,5 công trình cho các công trình đăng trong các tạp chí có uy tín và hạn chế số “điểm” công trình quốc gia không vượt quá 1/4 tổng số công trình công bố. Đây là cách làm mà Hội đồng chức danh đã được khẳng định là tương đối hợp lý trong những năm gần đây.

Hiện nay, kinh phí đề tài giảm đi nhiều dẫn đến kinh phí nhân công lao động trung bình chỉ đủ khoảng 10 tháng/2 năm cho mỗi thành viên so với định mức 17 tháng/2 năm trong quy chế. Điều này làm giảm tầm quan trọng của các quy định trong quy chế, đồng thời cũng không hỗ trợ đầy đủ cho các nhà khoa học. Cuối cùng, không nên bắt các đề tài không hoàn thành phải xuất toán. Đầu tư cho khoa học cơ bản thực ra là một loại đầu tư mạo hiểm. Không có gì đảm bảo các nhà khoa học giải quyết được các vấn đề đặt ra. Có thể phạt các chủ nhiệm đề tài không hoàn thành nhiệm vụ không được Quỹ hỗ trợ 2 năm tiếp theo. Trách nhiệm để cho một đề tài không hoàn thành còn thuộc vào công đoạn xét duyệt của hội đồng ngành. Như thế mới giữ được kỷ cương xét duyệt đầu vào cho tất cả các hội đồng ngành.¨

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)