“Quỹ sẽ trở thành chỗ dựa tin cậy của các nhà nghiên cứu”

Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia chính thức hoạt động từ cuối năm 2008 được giới khoa học trong nước đánh giá như là một cuộc cách mạng trong quản lý khoa học của Việt Nam. Tạp chí Tia Sáng có cuộc trao đổi với ông Phan Hồng Sơn - Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) về những kết quả đạt được trong hai năm qua và hướng hoạt động tới của Quỹ.


Xin ông cho biết bối cảnh ra đời của Quỹ?

Trong khi tại nhiều nước, Quỹ Khoa học Quốc gia đảm nhận vai trò quan trọng trong việc xét duyệt tài trợ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu thì từ nhiều năm qua, việc tài trợ và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta chủ yếu được thực hiện thông qua các Bộ, ngành. Đó là lý do lãnh đạo Bộ KH&CN vào đầu những năm 2000 đã đề nghị với Chính phủ  triển khai mô hình mới, đó là hệ thống các Quỹ để  đa dạng hóa các kênh tài trợ cho các hoạt động  khoa học và công nghệ nói chung. Đến năm 2003, Chính phủ đã quyết định thành lập NAFOSTED.

Vì sao được thành lập từ năm 2003 nhưng đến năm 2008 Quỹ mới có được những quy định về tài trợ cho nghiên cứu?

Do Quỹ Khoa học là mô hình mới ở nước ta, nên cùng với việc học tập các mô hình Quỹ ở nước ngoài, chúng tôi phải nghiên cứu, tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học về phương thức hoạt động của Quỹ cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, đồng thời đổi mới phương thức quản lý theo các chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Không dễ gì để có được sự đồng thuận của các nhà khoa học và một số nhà quản lý của các Bộ, ngành. Vì thế, phải sau gần 5 năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiên trì bàn bạc, thuyết phục, được sự ủng hộ của các nhà khoa học tâm huyết, thực sự đam mê nghiên cứu và trước nhu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chúng tôi mới ban hành được những quy định tài trợ nghiên cứu của Quỹ mang nhiều nét đổi mới như vậy.

Hội đồng khoa học ngành của NAFOSTED (gồm các thành viên là các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu tốt, hơn 20% là các tiến sĩ dưới 40 tuổi) được thành lập là một sự kiện quan trọng trong giới khoa học. NAFOSTED đã phải vượt qua những sức ép, lực cản nào để thành lập được những Hội đồng khoa học ngành như vậy?

Chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong thành lập các Hội đồng khoa học ngành. Ngay từ đầu Quỹ quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động nên chúng tôi xem chất lượng của các Hội đồng khoa học ngành, phẩm chất của các thành viên và cách thức làm việc của họ đóng vai trò quan trọng và sẽ quyết định sự thành bại của Quỹ. Vì về mặt chuyên môn, để chọn được những đề cương nghiên cứu tốt, Quỹ phải dựa vào ý kiến tư vấn của các thành viên Hội đồng khoa học ngành.

Khi lựa chọn các thành viên của các Hội đồng ngành chúng tôi đưa ra một loạt tiêu chí về năng lực khoa học (họ vẫn đang làm nghiên cứu tích cực và có thành tích xuất sắc); tính đại diện (đại diện được cho các thế hệ, giới, ngành); sự công tâm, khách quan trong việc đưa ra các ý kiến.

Xin ông cho biết tỉ lệ các nhà khoa học trẻ (dưới 40 tuổi) được tài trợ nghiên cứu? 

Sau 2 năm có khoảng 500 hồ sơ nghiên cứu được tài trợ trong đó tới hơn 60% là các nhà khoa học trẻ (dưới 45 tuổi) đang tham gia các đề tài nghiên cứu được Quỹ tài trợ. Thời gian vừa qua Quỹ thu hút được một số các nhà khoa học trẻ mới về nước tham gia. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều hơn nữa các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang ở nước ngoài, bên cạnh Quỹ tài trợ nghiên cứu, cần nhiều yếu tố khác nữa như môi trường, điều kiện làm việc tại các cơ sở nghiên cứu…

Đâu là những khó khăn thường gặp của các nhà khoa học đang thực hiện đề tài nghiên cứu được tài trợ? Quỹ giúp họ giải quyết vướng mắc như thế nào?

Theo cảm nhận của tôi, các nhà khoa học nhận được tài trợ của Quỹ không có nhiều vướng mắc. tôi có cảm tưởng họ đang miệt mài nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nghe được một số phản hồi về việc giải ngân tiền tài trợ Quỹ cấp cho họ. Có một số tổ chức chủ trì vẫn quản lý theo tư duy trước đây. (Hợp đồng tài trợ nghiên cứu theo hình thức 3 bên: Quỹ tài trợ, cơ quản chủ trì và nhà nghiên cứu). Việc giải ngân kinh phí Quỹ đã cấp ở những đơn vị này chưa được linh hoạt và thuận tiện như chủ trương của Quỹ. Cán bộ của Quỹ đã tới làm việc với các tổ chức chủ trì này để thống nhất phương thức giải ngân, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học.

Nói thêm về cơ chế tài chính, trước đây nghiên cứu cơ bản được tài trợ rất ít, nhiều nhà khoa học gọi vui là tiền “xóa đói giảm nghèo”, và thường dàn trải cho nên không đem lại nhiều hiệu quả. Hiện nay chúng tôi thực hiện cơ chế tài chính mới: áp dụng quy định mới về lập dự toán đề tài nghiên cứu cơ bản, thông qua đó các nhà khoa học được trả công một cách xứng đáng hơn. Chủ nhiệm đề tài có thể nhận tiền công tới 13 triệu đồng/tháng. Tiền tài trợ cho các đề tài có thể là 400-500 triệu, không phải 100 triệu như trước. Cách quản lý cũng khoa học hơn: chúng tôi không tính công lao động của các nhà khoa học theo các chuyên đề như trước mà căn cứ vào kết quả cuối cùng. Chúng tôi tài trợ nhiều hơn và cũng đòi hỏi nhiều hơn: các kết quả nghiên cứu phải được công bố quốc tế.

Các giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu có than phiền về việc không có đủ thời gian dành cho nghiên cứu?

Các giảng viên không than phiền về việc thiếu thời gian dành cho nghiên cứu với Quỹ. Tuy nhiên trong cộng đồng thì có nhiều ý kiến xung quanh việc các nhà nghiên cứu ở các trường đại học thì có ít thời gian dành cho nghiên cứu hơn các nhà nghiên cứu tại các Viện do phải đảm nhận công tác giảng dạy. Chúng tôi thấy đây là vấn đề mang tính hệ thống: các Viện nghiên cứu của chúng ta chuyên về nghiên cứu, các trường đại học thì giảng dạy. Hệ thống này theo mô hình của Liên Xô trước đây, hoàn toàn khác hệ thống đại học nghiên cứu của một số nước phương Tây.

Theo thống kê năm 2009, các đề tài nghiên cứu được Quỹ tài trợ từ các Viện chiếm 60%, còn các trường đại học là 40%. Quỹ rất khuyến khích các giảng viên, giáo sư ở các trường đại học tham gia nghiên cứu và mong muốn số lượng các giảng viên nhận được tài trợ nghiên cứu sẽ còn tăng lên. Điều này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học. Các trường đại học cũng đang điều chỉnh cơ chế tạo thuận lợi cho các giảng viên: tham gia đề tài nghiên cứu sẽ được giảm bớt gánh nặng  từ các công việc khác.

Một số nhà nghiên cứu nhận được tài trợ của Quỹ có thông báo về việc Quỹ sẽ đi kiểm tra tài chính giữa năm. Điều này có đúng không? Tại sao Quỹ lại có quyết định này? 

Theo tôi, có sự hiểu lầm ở đây. Xin nhắc lại là chúng tôi không tiến hành kiểm tra giữa năm. Theo quy định về quản lý ngân sách Nhà nước, Quỹ chỉ kiểm tra việc chi tiêu kinh phí đã cấp để căn cứ vào đó báo cáo quyết toán hàng năm với Bộ Tài chính và chỉ thực hiện mỗi năm một lần. Theo đó, Bộ phận kế toán của Quỹ tới làm việc với bộ phận kế toán của tổ chức chủ trì đề tài, không làm việc trực tiếp với chủ nhiệm đề tài. Các nhà khoa học trước đây vẫn than phiền về các thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với điều này. Do vậy, khi đề ra các quy chế quản lý tài chính Quỹ, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, tránh gây phiền hà cho họ.

Với những nhóm nghiên cứu không hoàn thành các mục tiêu đề ra, Quỹ sẽ giải quyết như thế nào?

Trong nghiên cứu tất yếu có rủi ro. Có những nhóm nghiên cứu đạt được mục tiêu đề ra, có những nhóm không thành công ngay. Nhưng theo kinh nghiệm quản lý Quỹ ở một số nước mà tôi biết, khi các nhà khoa học không đạt được mục tiêu đặt ra thì người quản lý Quỹ thông qua đó đánh giá năng lực của họ và không ưu tiên tài trợ cho những người này ở những lần xin tài trợ sau đó.

Ngoài cấp kinh phí cho các nhóm nghiên cứu thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản, NAFOSTED còn tài trợ cho doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Tính tới thời điểm hiện nay, đã có bao nhiêu doanh nghiệp được quỹ tài trợ?

Hiện nay, căn cứ vào Nghị định 119 về hỗ trợ hoạt động nghiên cứu trong các doanh nghiệp, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể nộp hồ sơ yêu cầu tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong những lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, như: phát triển hoặc ứng dụng công nghệ cao, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch bảo vệ môi trường, năng lượng mới… Quyết định tài trợ của Quỹ dựa vào tư vấn của hội đồng khoa học bao gồm các nhà khoa học và các chuyên gia bên công nghiệp. Kinh phí tài trợ không quá 30% tổng giá trị dự án của doanh nghiệp đề xuất. Trong vòng hai năm qua, Quỹ hỗ trợ cho khoảng 50 doanh nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam chưa có năng lực nghiên cứu công nghệ và họ cũng chưa thiết tha với việc này. Chúng tôi mong muốn có nhiều doanh nghiệp tham gia và cũng muốn nhận được các đề tài của doanh nghiệp có giá trị thực tiễn hơn nữa.

Năm 2010, ngoài tài trợ cho các nghiên cứu trong ngành khoa học tự nhiên, NAFOSTED bắt đầu xét duyệt đề tài nghiên cứu của ngành khoa học xã hội. Đâu là những khó khăn trong xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học xã hội?

Nếu trong khoa học tự nhiên các nhà khoa học tiếp cận gần với chuẩn mực quốc tế nên khi đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế họ dễ dàng chấp nhận và ủng hộ thì trong khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu chưa tiếp cận gần với các chuẩn mực quốc tế như bên tự nhiên, cho nên khi đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học còn nhiều bàn cãi.

Khó khăn của Quỹ là thiết lập các chuẩn mực cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội được cộng đồng chấp nhận nhưng đồng thời phải hướng tới việc nâng cao chất lượng nghiên cứu. Vừa qua, chúng tôi đã đề ra quy chế quản lý tài trợ nghiên cứu khoa học xã hội nêu rõ mong muốn của Quỹ và yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, nếu trong khoa học tự nhiên các nhà khoa học tiếp cận gần với chuẩn mực quốc tế nên khi đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế họ dễ dàng chấp nhận và ủng hộ thì trong khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu chưa tiếp cận gần với các chuẩn mực quốc tế như bên tự nhiên, cho nên khi đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học còn nhiều bàn cãi. Mục đích hoạt động của Quỹ là phục vụ cộng đồng các nhà khoa học, do vậy chúng tôi phải lắng nghe nguyện vọng của họ. Chúng tôi thấy rằng các yêu cầu về chất lượng nghiên cứu trong khoa học xã hội phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, và vì vậy  đánh giá theo các chuẩn mực quốc tế chưa được áp dụng như trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, hiện mới chỉ yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí trong nước hoặc dưới hình thức sách chuyên khảo, đồng thời khuyến khích công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Quỹ có những chính sách ưu đãi nào với những hướng, đề tài nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao?

Không có ranh giới rõ ràng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Khái niệm này chủ yếu phục vụ công tác thống kê để biết quốc gia này đầu tư ở mức nào cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trong khoa học rất khó để nói nghiên cứu này có giá trị ứng dụng ngay hay chưa. Việc công bố các kết quả nghiên cứu là việc của các nhà nghiên cứu cơ bản. Còn ứng dụng được các nghiên cứu cơ bản này hay không cần phải có nhiều bước tiếp theo, không  phải chỉ là việc của các nhà nghiên cứu cơ bản. Cần phải có sự phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm…

Sau hai năm hoạt động, theo đánh giá của ông, những thành công mà NAFOSTED đạt được là gì?

Thành công thứ nhất đó là chúng tôi đã bước đầu xây dựng được phương thức quản lý hoạt động khoa học theo chuẩn mực quốc tế góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam. Thứ hai, việc NAFOSTED hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế đã góp phần tạo dựng được môi trường học thuật lành mạnh, các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, có điều kiện thuận lợi theo đuổi nghiên cứu.

Ông mong muốn NAFOSTED sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

Chúng tôi mong muốn trong tương lai Quỹ sẽ trở thành biểu tượng về chất lượng trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, có uy tín trong cộng đồng nhờ vào tính khách quan, trở thành chỗ dựa tin cậy của các nhà nghiên cứu trên cả nước. Về lâu dài, Quỹ mong muốn đóng góp trong việc xây dựng nền tảng cho nền khoa học Việt Nam; duy trì chất lượng và năng lực khoa học của quốc gia. Khi đánh giá năng lực khoa học của một quốc gia người ta thường căn cứ vào chỉ số công bố quốc tế. Vừa rồi một số nhà khoa học dựa vào tiêu chí này làm phép so sánh cho thấy Việt Nam thua xa các nước trong khu vực. Điều này cũng làm chúng ta phải suy nghĩ, “Vì sao các nhà khoa học Việt Nam đạt được thành tích tốt ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam họ không phát huy được năng lực của mình”.

Cảm ơn ông.
         
Ngọc Tú   thực hiện

Tác giả