Rác công nghệ, vì sao vẫn lọt?
Báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường cho thấy, hàng năm có tới hàng triệu tấn hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua các cảng biển, cửa khẩu biên giới phía Bắc và Tây nam, trong số đó, khá nhiều các mặt hàng là máy móc thiết bị lạc hậu cũ hỏng hoặc có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
Chỉ trong 7-8 năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc, để rồi chẳng bao lâu sau, đến năm 2004, nhiều nhà máy phải khai tử vì công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là không có hiệu quả kinh tế.
Bài học đó chưa kịp lắng xuống thì ngành xi măng đã lại mắc ngay vào một sai lầm mới là phong trào làm xi măng lò quay, cũng với TBCN lạc hậu của Trung Quốc. Vì hàng của Trung Quốc quá rẻ, lại mua được ngay, cộng với thị trường trong những năm 2004-2005 trở về trước luôn trong tình trạng thiếu nên đã thúc đẩy phong trào đầu tư làm xi măng bằng mọi giá. Bài học của sự nóng vội này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu TBCN của nước ta từ thị trường Trung Quốc gần đây liên tục tăng. Cụ thể là nửa đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng lên gần 1,6 tỷ USD so với hơn 1 tỷ USD nửa đầu năm 2010. Trong đó, chiếm số lượng lớn là thiết bị trong ngành dệt may, da giày, các loại máy đóng gói, thiết bị điện, máy công cụ…
Trong khi đó, báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường cho thấy, hàng năm có tới hàng triệu tấn hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua các cảng biển, cửa khẩu biên giới phía Bắc và Tây nam, trong số đó, khá nhiều các mặt hàng là máy móc thiết bị lạc hậu cũ hỏng hoặc có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
Tháng 9-2011, Bộ KH&CN đã chính thức vào cuộc khi ban hành công văn số 2035/BKHCN-KHTC cảnh báo về danh mục 2.255 DN bị loại bỏ do sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường của Trung Quốc. Trước đó, bảng danh mục này đã được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nước này vào ngày 11-7-2011. Các DN này thuộc 18 ngành nghề, trong đó có 154 DN sản xuất sắt, thép, 87 DN than luyện, 171 DN sản xuất hợp kim, 782 DN sản xuất xi măng, 599 DN sản xuất giấy, 4 DN sản xuất bột ngọt, 144 DN nhuộm và in…
Bộ KH&CN đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn DN khi ký hợp đồng, mua sắm thiết bị cần tìm hiểu kỹ để tránh nhập khẩu nhầm các dây chuyền, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ chính những DN mà Trung Quốc đã thông báo loại bỏ.
Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao lại có tình trạng nhập khẩu công nghệ cũ? Có thể thấy ngay đó là do giá mua quá rẻ và trình độ KHCN của nước ta còn thấp, nên dễ bị đối tác nước ngoài “qua mặt”. Nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ là có thật. Bằng chứng là đã có không ít lo ngại từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được giới khoa học lên tiếng vì có trình độ công nghệ chỉ tương đương những năm tám mươi của thế kỷ trước.
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ “kẽ hở” trong chính sách nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ. Khi DN nhập khẩu dây chuyền cũ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác, thì thuế suất chỉ bằng 0%; trong khi đó, nếu DN đặt hàng chi tiết ở nước ngoài thì phải đóng thuế từ 10 đến 15%. Vậy là, để “tiết kiệm” 10-15%, không ít đơn vị nhắm mắt đưa công nghệ cũ về mà không tính tới hiệu quả kinh tế – môi trường về lâu dài. Việc áp thuế xuất nhập khẩu vô lý như trên vô tình tạo sức ép cạnh tranh không lành mạnh cho các DN cơ khí trong nước đang chịu thuế xuất nhập khẩu các linh kiện lắp ráp từ 15% đến 20%.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cho rằng, “biệt dược” cần đưa ra để ngăn chặn tình trạng này là “gác” thật chặt việc chuyển giao, tiếp nhận công nghệ, trang thiết bị của các dự án đầu tư. Thực tế, đề xuất này của ông Tân có thể thực hiện không mấy khó khăn bởi hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về công nghệ nhập khẩu rất dễ dàng, nhất là tại các quốc gia có nền công nghệ phát triển. Cơ sở dữ liệu về công nghệ được cập nhật thường xuyên và công khai, nên có thể kiểm tra lúc nào cũng được.
Có một thực tế khác, là nếu các dự án không thuộc những lĩnh vực “nhạy cảm” thì không bắt buộc thẩm định công nghệ. Chính vì vậy, cần có quy định chi tiết, đầy đủ hơn nữa đối với các dự án đầu tư mức độ nào, vốn bao nhiêu, hoạt động trong lĩnh vực gì… sẽ phải tiến hành thủ tục nêu trên. Quy định chi tiết sẽ giúp đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư có cơ sở chặn luồng rác công nghệ đang ồ ạt nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng phải nâng chế tài xử phạt đối với hành vi cố tình nhập công nghệ cũ.