Sao không làm như Senegal ?

Hiện nay, lương của các nhà khoa học và giảng viên đại học ở Việt Nam quá thấp so với thế giới, không chỉ so với những nước hiện giàu hơn ta nhiều như Mỹ hay Thái Lan, mà ngay cả so với những nước nghèo như Senegal hay Pakistan.

Theo một thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam, Pakistan và Senegal năm 2007 tính theo PPP (purchasing power parity – điều chỉnh theo giá cả sinh hoạt từ con số GDP) lần lượt là 2589USD, 2594 USD và 1692 USD, có nghĩa là Pakistan nghèo gần như Việt Nam (và mất ổn định hơn Việt Nam) còn Senegal nghèo hơn Việt Nam. Tôi từng đi công tác tại Dakar (Thủ đô của Senegal) năm 2007 và có cảm nhận rõ ràng là Dakar chưa phát triển bằng Hà Nội hay Sài Gòn. Thế nhưng lương giảng viên đại học trung bình ở Dakar được khoảng 1500 USD một tháng (và các giảng viên đại học ở Senegal đã từng bãi công đòi tăng lương từ mức trung bình dưới 1000 USD lên mức như vậy). Pakistan còn trả lương cho các nhà khoa học cao hơn nữa, và họ mời nhiều nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy với mức lương cạnh tranh với Âu-Mỹ. Trong khi đó, lương của các giáo sư đầu ngành của Việt Nam  kể cả phụ cấp cũng không quá 500-600 USD một tháng. Gần đây TP. HCM có dự án trả “mức lương đặc biệt” cho các chuyên gia Việt kiều được mời về công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, nhưng cái mức đặc biệt đó cũng không quá 1000 USD một tháng, không bằng học bổng của một nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Lương của những người làm khoa học ở Việt Nam cũng quá thấp so với những người có trình độ tương đương làm các ngành khác. Ví dụ một chuyên viên kiểm toán làm cho một công ty kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam có mức lương một vài nghìn USD một tháng, một kỹ sư tin học lành nghề cũng dễ dàng có lương trên 10 triệu VND một tháng. Chẳng nhẽ một giáo sư lại không có hiệu quả lao động bằng họ? Nếu quả thật là hiệu quả lao động của các giáo sư kém vậy, thì cái chức danh giáo sư có nghĩa lý gì? Còn nếu như giáo sư là quan trọng, thì tại sao lại bị đối xử kém như vậy?
Các nước khác trên thế giới khác với Việt Nam ở chỗ nào? Ở chỗ họ thực sự coi trọng chất xám, coi trọng khoa học, thể hiện cụ thể bằng việc trả lương xứng đáng cho các nhà khoa học và giảng viên đại học. Đó cũng là con đường mà Hàn Quốc đã lựa chọn từ cách đây mấy chục năm khi nước này còn nghèo. Tại sao Việt Nam không làm được như họ? Theo tôi không có nguyên nhân khách quan nào (nếu Senegal còn làm được, không có cớ gì mà Việt Nam không đủ tiền để làm), mà chỉ toàn những nguyên nhân chủ quan như: mặc dù được coi là quốc sách hàng đầu, động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội, nhưng trong thực tế, từ nhiều năm nay, nhiều cấp lãnh đạo chưa thực sự coi trọng khoa học, và chúng ta chưa đủ quyết tâm chính trị hay bản lĩnh trí thức để đấu tranh và xây dựng một chế độ đãi ngộ hợp lý hơn. Chúng ta đã nhiễm thói “ăn giả làm giả” nên sẽ khó chuyển sang chế độ “ăn thật làm thật” trong khoa học.
Hồi nhỏ, tôi có hay nghe thấy một bác thợ thủ công hàng xóm hát nghêu ngao “ít tiền thì ít thù lao, ít cơm ít gạo thì tao ít làm”. Hồi đó tôi nghĩ bác này hơi “phản động”, nhưng sau mới thấy câu hát của bác là chân lý hết sức giản dị. Nếu Nhà nước trả quá ít tiền cho các nhà khoa học, thì điều tất yếu là họ cũng ít làm. Các giảng viên đại học lương không đủ nuôi vợ con, ắt hẳn sẽ phải nghĩ nhiều việc tay trái, ít có thời giờ cho sinh viên và cho khoa học. Hậu quả là một sự giảm sút hiệu quả lao động, lãng phí chất xám rất lớn trên phạm vi toàn quốc.
Nếu nói về khía cạnh kinh tế, cái tiền “tiết kiệm” được do trả lương ít không bù lại được cái sự lãng phí do hiệu quả lao động giảm đi có khi chỉ còn dưới 1/10 tiềm năng, thì việc trả lương thấp (cộng với các điều kiện làm việc kém) như hiện nay là một chính sách phản kinh tế, vô cùng lãng phí tiềm năng khoa học.
Việc thay đổi cơ chế đãi ngộ trong khoa học theo tôi sẽ rất phức tạp, sẽ không tránh khỏi nhiều tranh cãi và bất bình, nhưng đó là một việc hết sức cần thiết, và nếu chúng ta có quyết tâm chính trị thì chắc chắn sẽ thực hiện được, sẽ không thiếu gì những biện pháp thực tế và khả thi. 
———
* GS Đại học Toulouse

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)