Sau khủng hoảng kinh tế 2008: Tài trợ R&D thậm chí còn cao hơn trước

Một bức tranh toàn cảnh về đầu tư cho R&D cho thấy những xu hướng trái ngược trong lĩnh vực công và tư nhân ở nhiều khu vực trên thế giới.

Biểu đồ mức đầu tư cho R&D

Vào khoảng thời gian này mười năm trước, nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng trên diện rộng- cuộc khủng hoảng gắn liền với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers, mở màn vào ngày 15/9/2008. Vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử này kéo theo một vấn đề quen thuộc: sự thắt chặt hầu bao trên toàn thế giới, trong các chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Không ai biết cuộc suy thoái sẽ kéo dài bao lâu.

Một thập kỷ sau, tạp chí Nature nhìn lại việc đầu tư cho nghiên cứu trên khắp thế giới – cả đầu tư chính phủ và đầu tư tư nhân để đánh giá xem, thực sự suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nó như thế nào.

Bức tranh tổng thể

Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy một sự thật ngạc nhiên: dù có bị ảnh hưởng ban đầu ngay sau khủng hoảng thì về tổng thể, việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn duy tri được sự tăng trưởng ổn định.

Trong số 36 quốc gia của tổ chức OECD – trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu, tài trợ cho R&D từ các doanh nghiệp chỉ giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sau đó đã phục hồi và đã tăng dần.Kinh phí của chính phủ nhìn chung đã tăng ngay hai năm sau cuộc khủng hoảng, điều đó đã phản ánh những nỗ lực kích thích nền kinh tế của chính phủ thông qua việc đầu tư cho khoa học.

Tuy nhiên, việc đầu tư này cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia: một số vẫn đang quay cuồng trong khủng hoảng kinh tế, thậm chí ngay cả những quốc gia đã phục hồi cũng buộc phải thay đổi trong cách nghiên cứu được tài trợ.

Nokia nhận khoản vay 500 triệu Euro từ Ngân hàng đầu tư Châu Âu để nghiên cứu công nghệ 5G

Châu Âu: Những mức tài trợ khác nhau 

Các xu hướng tài trợcho R&D khác nhauở châu Âu cho thấy sự chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia.

Ở các quốc gia như Đức, Đan Mạch và Vương quốc Anh, nơi có nền kinh tế mạnh và nhiều lĩnh vực phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, cả khu vực công và tưđều vẫn mạnh tay tài trợ cho R&D. Ví dụ, từ năm 2008 đến năm 2016, Đức đã tăng 46% đầu tư công, tức là  từ 23 tỷ USD lên 34 tỷ USD.

Với các nước Trung và Đông Âu, chẳng hạn như Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan, tài trợ R&D của cả chính phủ và tư nhân tăng đều đặn sau khủng hoảng.

Tuy nhiên, phần lớn sự ổn định này là nhờ vào các quỹ của Liên minh châu Âu, thường trao các khoản kinh phí thông qua các dự án nghiên cứu cho các quốc gia thành viên để giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực trên khắp châu Âu. Những khoản tiền này đã bù đắp đáng kể cho các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, theo nghiên cứu “Chính sách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo châu Âu như các nhân tố của hội tụ hay phân kỳ sau cuộc khủng hoảng 2008” (EU Research and Innovation Policies as Factors of Convergence or Divergence after the Crisis)trên tạp chí Science and Public Policy. 
Nhưng các nước Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nhất bởi suy thoái kinh tế, như Hy Lạp và Tây Ban Nha, kinh phí R&D từ chính phủ giảm mạnh và vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Tài trợ công của Tây Ban Nha giảm 25% từ năm 2009 đến năm 2016, từ 9,6 tỷ USD xuống còn 7,1 tỷ USD. Kết quả là nhiều quốc gia ở Nam Âu đã trở nên ngày càng phụ thuộc vào các quỹ của châu Âu.

Do đó, khoảng cách giữa các quốc gia trong mức đầu tư cho khoa học đang tăng lên, theo Teemu Makkonen, một nhà kinh tế học tại Đại học Đông Phần Lan ở Joensuu:“Nếu bạn có ít tiền, thì dĩ nhiên bạn phải cắt giảm chi tiêu,” ông giải thích.

Hoa Kỳ: Chính phủ làm gương tài trợ

Giống như xu hướng chung của các nước OECD, ban đầu việc chi tiêu tư nhân cho R&D ở Hoa Kỳ đã giảm khoảng 10%, từ 259 tỷ USD năm 2008 xuống 233 tỷ USD trong năm 2010.

Ngược lại, chi tiêu của chính phủ đã tăng 8%, từ 124 tỷ USD năm 2008 lên 134 tỷ USD năm 2010. Sự thay đổi này chủ yếu là do Đạo luật thu hồi và tái đầu tư Mỹ, nỗ lực lập pháp của chính phủ Mỹ để khởi động nền kinh tế bằng cách đầu tư vào đổi mới.

Thúc đẩy đầu tư cho R&D của chính phủ đã dẫn đến chuyển biến trong lĩnh vực tư nhân. Sau năm 2010, đầu tư tư nhân bắt đầu tăng và đến năm 2016, đầu tư tư nhân đã đạt 319 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể từ đó đầu tư của chính phủ đã giữ nguyên, thậm chí giảm tỷ lệ phần trăm trong GDP, từ 0,88% năm 2009 xuống còn 0,62% vào năm 2015.

Theo đánh giá của Julia Lane, một nhà kinh tế tại Đại học New York,các nhà khoa học Mỹ hiện nay còn phải chứng minh tác động rộng hơn, đặc biệt là lợi ích kinh tế, của nghiên cứu khi nộp đơn xin tài trợ của chính phủ. Các trường đại học cũng phải tự chứng minh cả  những liên kết nghiên cứu – kinh tế xã hội đó, Lane nói. Tuy vậy, “họ đã rất thành công trong việc xin tài trợ từ cơ quan lập pháp tiểu bang”, bà cho biết thêm.

Nhưng các nguồn kinh phí khác cũng đã xuất hiện để rót tiền đầu tư vài R&D. Lane nói: “Các quỹ từ thiện đã thực sự đảm trách nhiệm vụ này”. Các tổ chức như Quỹ Alfred P. Sloan, Quỹ Bill và Melinda Gates đã đóng góp hàng triệu đô la cho các ngành khoa học trong vài năm qua.

Đông Á: Sự tăng trưởng chậm chạp

Ngoại trừ trường hợp Nhật Bản, việc đầu tư cho R&D trong lĩnh vực tư từ năm 2008 đến 2009giảm 11%, nghĩa là từ 116 tỷ USD xuống 103 tỷ USD, các nước thuộc tổ chức OECD ở Đông Á, chính phủ và doanh nghiệp đều duy trì tăng trưởng mức tài trợ nghiên cứu.

Tuy nhiên có hiện tượng mới xảy ra: khi tổng số tiền tài trợ đã tăng lên hàng năm thì tốc độ tăng trưởng đã chậm lại ở một số nơi.

Ở Hàn Quốc, một trong những nhà đầu tư hàng đầu thế giới về nghiên cứu, tài trợ công cho R&D tăng 11% từ năm 2008 đến năm 2009, nhưng chỉ tăng 1% từ năm 2017 đến năm 2018. Theo đánh giả của So Young Kim – một nhà nghiên cứu chính sách tại Viện KH&CN tiên tiến (KAIST) Daejeon, Hàn Quốc, sự thay đổi đó khiến kinh phí của các quỹ cũng hạn chế và các nhà nghiên cứu trẻ rất khó cạnh tranh với các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm.

Khoảng cách giữa tài trợ chính phủ và tư nhân cho R&D của họ cũng ngày càng tăng. Năm 2009, đầu tư tư nhân cao hơn đầu tư công 20 tỷ USD, khoảng cách này tăng lên mức 42 tỷ USD trong năm 2016.

Điều đó là dấu hiệu tốt bởi các nhà đầu tư tư nhân đã đánh giá đúng vai trò của R&D trong việc góp phần tăng sức cạnh tranh của họ trên toàn cầu. Nhưng điều đó dẫn đến một thực tế: “Hiện tại thì việc R&D chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sẽ mang lại những kết quả thiết thực nhất”- nghĩa là những lĩnh vực dễ đem lại  cho họ khả năng thu hồi vốn, Kim nói. “Vì thế các nhà khoa học Hàn Quốc đang kêu gọi tài trợ cho khoa học cơ bản, có thể từ chính phủ và tư nhân”. 

R&D trong 10 năm tới

Không ai biết chắc chắn về tương lai của tài trợ cho nghiên cứu.Makkonen nói, nếu châu Âu muốn thúc đẩy sự gắn kết và tinh thần bình đẳng trên khắp lục địa thì cần rót thêm kinh phí để các nước vẫn còn trong vòng ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tếlàm bàn đạp phát triển.

Đối với Hoa Kỳ, Lane nói, mức tài trợ của chính phủ còn phụ thuộc vào việc có thay đổi trong chính sách của tổng thống hay không. Hiện tại thì chính quyền đã “làm hết sức mình để… giết chết khoa học”, cô nói.

Còn ở Hàn Quốc, Kim cho biết, kể từ sau cuộc khủng hoảng, nhận thức của công chúng về khoa học đã thay đổi rất nhiều, phần lớn là do hậu quả tàn phá môi trường của các dự án do chính phủ tiền nhiệm thông qua. Sự thay đổi nhận thức đó có thể đã góp phần vào sự gia tăng (mặc dù chậm) trong chi tiêu cho nghiên cứu của chính phủ.

“Bây giờ, công chúng có xu hướng ngày càng chỉ trích những gì các nhà khoa học đang làm”, cô nói. “Vậy ai sẽ lên tiếng chúng ta cần thêm tài trợ cho khoa học? Không chỉ là những nhà khoa học có thể đem lại cơ hội đảo ngược xu hướng tài trợ mà cần phải có sự hỗ trợ từ công chúng. Tuy nhiên chúng ta chưa chắc có được cơ hội này”.

Hoàng Nam dịch từ https://www.nature.com/articles/d41586-018-06634-4
Nguồn: Báo KH&PT

Tác giả

(Visited 45 times, 1 visits today)