Singapore: Đánh cược vào khoa học công nghệ

Hơn một thập kỷ trước, Chính phủ Singapore đã tuyên bố khoa học và công nghệ là trụ cột chính của nền kinh tế của quốc đảo này. Không có tài nguyên thiên nhiên và phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng về đầu tư nước ngoài, Chính phủ Singapore đã đưa ra kế hoạch tập trung vào tài sản giá trị nhất của đất nước: tri thức. Cả hai khu nghiên cứu Fusionopolis và Biopolis dưới sự quản lý của Cơ quan khoa học công nghệ và nghiên cứu của Singapore (A*STAR) là hiện thân của cam kết này.

Mục tiêu trở thành nền kinh tế tri thức không phải là của riêng Singapore. Liên minh Châu Âu cũng đề ra mục tiêu tương tự trong chiến lược Lisbon năm 2000. Tuy nhiên,  A*STAR với 2250 nhà khoa học đã tạo ra tiếng vang toàn cầu. Các nhà khoa học nổi tiếng thỉnh thoảng ghé thăm để quan sát khu nghiên cứu và đưa bài giảng. Một trong những chỉ số của sự thành công, số lượng các bài báo khoa học do Viện Sinh học phân tử và tế bào công bố, tăng từ 82 vào năm 2000 lên 165 vào năm 2006, theo thống kê của Thomson Scientific. Và tỷ lệ trích dẫn có thể ngang bằng với những cơ sở nghiên cứu có truyền thống lâu hơn.
Tại sao Singapore có thể thành công trong thời gian ngắn như vậy? “Đó là khả năng tập trung và lên kế hoạch cho tương lai”, Zukoski, người đứng đầu SERC, nói. Singapore đưa ra cơ chế nhằm khuyến khích tài năng từ khắp nơi trên thế giới tới làm việc và gửi những đại diện ưu tú đi học tập ở các nước. Những người Singapore trở về bị cuốn hút bởi cơ sở vật chất hiện đại, có cơ hội nhận tài trợ và làm việc với những nhà khoa học nổi tiếng. Singapore đã chi 12 tỷ đô Sing (SGD) và cam kết sẽ chi khoảng 13.55 tỷ SGD cho giai đoạn 2006-2010 nhằm biến quốc đảo này thành trung tâm nghiên cứu và phát triển có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân. Nếu tính tới sự phát triển kinh tế dài hạn thì điều này không chắc chắn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng ý rằng, nếu cho rằng các chỉ số hiện tại là thước đo cho thành công dài hạn thì Singapore đang đi đúng hướng.

A*STAR, cầu nối giữa trường đại học và khu vực công nghiệp
7 năm trước, Singapore đưa các phòng thí nghiệm quốc gia hiện có vào dự án mới gọi là A*STAR. Cơ quan mới này bao gồm 2 tổ chức nghiên cứu: Hội đồng nghiên cứu y sinh (BMRC) và Hội đồng nghiên cứu khoa học, kỹ sư (SERC), mỗi tổ chức bao gồm 7 viện. Mặc dù thường được so sánh với Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ về mặt tổ chức, A*STAR nghiêng về hiệu quả kinh tế hơn. Bên cạnh các cơ sở nghiên cứu, A*STAR cũng có hai thành viên khác là bộ phận học thuật (Graduate Academy) và một bộ phận khai thác công nghệ (Exploit Technologies). Bộ phận học thuật quản lý và quảng bá các học bổng khoa học nhằm giúp sinh viên quốc tế tới Singapore và gửi sinh viên của nước này đi du học còn bộ phận công nghệ quản lý bằng sáng chế do các viện thành viên tạo ra và khuyến khích chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu tới khu vực công nghiệp.


Hội thảo: Điều gì đã khiến tôi trở thành nhà khoa học do A*STAR tổ chức

A*STAR do Bộ Thương mại và Công nghiệp tài trợ và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển. “Chúng tôi đứng giữa trường đại học và khu vực công nghiệp”, Zukoski giải thích. “Chúng tôi phát hiện ra vấn đề cần giải quyết hoặc chúng tôi lấy lại kết quả nghiên cứu từ các trường đại học. Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh nghiên cứu để đạt tới kết quả cuối cùng, chuyển giao nó hoặc thành lập một công ty mới để phát triển”. Ví dụ, các nhà khoa học của Fusionopolis đã phát triển thiết bị theo dõi hoạt động của tim có thể tương tác với điện thoại di động. Điện thoại di động có thể ghi lại các tín hiệu từ thiết bị theo dõi và cảnh báo cho người đeo hoặc các bác sĩ. Những dự án như vậy đã liên kết các nhà khoa học thiết kế ra chương trình phần mềm, xây dựng các thuật toán và hiểu về công nghệ không dây và các kỹ sư thiết kế thiết bị. Các nhà khoa học cũng phối hợp với các bác sĩ tại các bệnh viện của các trường đại học. Những nghiên cứu kiểu này trước đây thường bị phân tán tại nhiều bộ phận của các viện nghiên cứu, nay Fusionopolis góp phần nối kết các nhà nghiên cứu lại với nhau.
Để đảm bảo sự nghiên cứu liên ngành này có thể diễn ra, một nhóm cộng sự cùng làm việc với nhau để giải quyết một vấn đề đặc biệt thay vì theo đuổi những dự án nghiên cứu đơn lẻ. Những nghiên cứu tại đây tập trung vào 4 lĩnh vực chính: công nghệ năng lượng, hàng không, y tế và điều kiện sống trong tương lai. Khu vực công cộng tại Fusionopolis được tận dụng làm nơi thí nghiệm cho các ý tưởng sáng tạo mới. Ví dụ như, khu vực bán lẻ được dùng làm nơi thử nghiệm cho xe chở hàng thông minh đầu tiên ở châu Á, xe này có thể tự động sắp sếp các hàng hóa trong cửa hàng.
Năm ngoái, A*STAR đã khai trương khu vực dành cho chương trình nghiên cứu hàng không có sự tham gia của các nhà khoa học của các công ty như Boeing, EADS, Pratt & Whitney, Rolls-Royce. Những nhà công nghiệp lớn này ký thỏa thuận hợp tác với các nhà khoa học của A*STAR các nghiên cứu bao gồm kiểm tra, chế tạo, vật liệu tiên tiến, thiết kế máy như dự án hợp tác phát triển những kỹ thuật thử nghiệm, kiểm tra không cần tới tháo rỡ các bộ phận của máy bay. Các kỹ thuật này cho phép tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Thu hút tài năng
Fusionopolis là mô hình mới tạo thuận lợi tối đa cho các nghiên cứu, phát triển. Theo Zukoski, không có những mô hình giống như thế này ở Mỹ. Nhà khoa học này từng là trưởng Khoa Hoá và phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu tại Đại học Illinois cho tới tháng 10/2008. Sau đó, ông chuyển sang Singapore và đảm nhận vị trí lãnh đạo SERC.


Sinh viên A*STAR

Những nhà khoa học khác cũng bị A*STAR hút hồn vì những lý do tương tự. “Vì bản chất của nghiên cứu đang thay đổi, nhu cầu các nhà khoa học làm việc cùng nhau vì một mục đích chung ngày càng lớn”, George Radda, phó chủ nhiệm Hiệp hội hình ảnh sinh học tại BMRC nói. Radda là người tiên phong trong việc sử dụng NMR quang phổ để nghiên cứu các các mô trao đổi chất trong giai đoạn 1970 và 1980. Ông cũng là chủ nghiệm của Hội đồng nghiên cứu Y học của Anh trong giai đoạn 1996-2004, và đứng đầu Khoa Sinh lý, giải phẫu và di truyền tại Đại học Oxford. Ông luôn cố gắng giúp các nhà khoa học vật lý làm việc cùng các nhà nghiên cứu y sinh. Và Singapore là nơi thuận lợi tạo ra sự cộng năng này. “Tạo ra sức mạnh và sự gắn kết cho SERC và BMRC cũng như các trường đại học và bệnh viện, đó là điều tôi mong muốn”.
Các nhà khoa học đã thành danh không phải là những người duy nhất bị cuốn hút, A*STAR còn thu hút được những tài năng trẻ. Vài năm trước, Leonid Krivisky đã nộp đơn xin học bổng cho nghiên cứu trẻ của A*STAR. Nhà khoa học trẻ 29 tuổi này đã viết một đề cương nghiên cứu các tế bào tiếp nhận kích thích ánh sáng của mắt trước ánh sáng lượng tử như thế nào, những ứng dụng của nghiên cứu này giúp thiết kế ra các hệ thống thích ứng nhân tạo. Anh đã nhận được học bổng và bắt đầu thành lập phòng thí nghiệm của mình vào mùa thu năm ngoái.

Đầu tư cho Y sinh
Rõ ràng, những nghiên cứu của Krivisky phải mất nhiều năm để có thể trở thành một công nghệ bán trên thị trường, những người tài trợ cho anh hiểu rõ rủi ro này. Tuy nhiên, các chỉ số kinh kế cho thấy ngành công nghiệp y sinh đang phát triển rất mạnh. Sản phẩm của ngành khoa học y sinh đã tăng 4 lần từ 6.3 tỷ SGD vào năm 2000 lên 24 tỷ SGD vào năm 2007, với mức tăng trưởng hằng năm là 21% vượt xa mức tăng tưởng của ngành công nghiệp toàn cầu. Chi tiêu tư nhân cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y sinh năm 2005 chiếm khoảng 35% tổng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển. Chỉ riêng năm 2007, lĩnh vực y sinh đã tuyển hơn 12500 người, chiếm 5% GDP của Singapore, theo thống kê của Ủy ban Kinh tế phát triển Singapore (EDB).
Việc các công ty hoạt động trong lĩnh vực y sinh thấy Singapore là nơi lý tưởng để đặt cơ sở không có gì mới. Công nghiệp y sinh thịnh vượng từ giữa những năm 1980 khi EDB đưa ra một số giải pháp để thu hút ngành công nghiệp. Ví dụ, các công ty đầu tiên chế tạo ra loại thuốc hoặc các dụng cụ y tế mới ở Singapore có thể nhận được danh hiệu “người tiên phong” và không phải trả thuế trên khoản tiền thu được từ việc thương mại hóa sản phẩm. EDB cũng đưa ra những khoản tiền tài trợ nghiên cứu phát triển có thể lên tới 50% ngân sách chi tiêu của công ty, tùy thuộc vào kỹ năng, kiến thức mà các công ty mang tới cho quốc đảo này.
Những sáng kiến này đã rất thành công. Không phải tất cả các công ty dược phẩm lớn hiện diện ở Singapore, nhưng trong vòng 3 năm qua, Genentech, GlaxoSmithKline, Lonza, Novartis đã quyết định xây dựng các cơ sở sản xuất lên tới 1.5 tỷ SGD. Những cơ sở vật chất này nằm trong khu công viên y sinh Tuas nơi các công ty dược phẩm như Merck, Pfizer, Wyeth đã đầu tư vào.
Ngay cả không có những sáng kiến về kinh tế này, một số người vẫn cho rằng, Singapore sẽ tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài. “Ban đầu, những sáng kiến kinh tế là lực hút chính. Sau này khi chúng tôi có tiềm lực KH&CN mạnh, chất lượng của con người sẽ thu hút các nhà đầu tư”, Jiu Lim, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Merlin MD nói.
Lim cũng chỉ ra rằng có một làn sóng đầu tư mới trong ngành công nghiệp y sinh. Các công ty không chỉ được đầu tư vào các cơ sở sản xuất mà còn vào các trung tâm nghiên cứu phát triển. Một vài con số được đưa ra: năm 2007, GlaxoSmithKline mở văn phòng trị giá 13 triệu SGD tại Biopolis và tăng gấp đôi nhân viên nghiên cứu tại Singapore. Eli Lilly cũng dự định thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực khám phá ra các loại thuốc mới bằng cách tăng gấp 3 lần nhân viên nghiên cứu và phát triển.

Liệu có giữ được đà phát triển?
Singapore nhanh chóng trở thành trung tâm y sinh quan trọng. Nhưng liệu quốc gia này có giữ được đà phát triển?
Thách thức đầu tiên phải kể đến là Singapore dựa quá nhiều vào tài năng khoa học đến từ nơi khác. Hiện nay, khoảng 75% trong tổng số 500 nghiên cứu viên trình độ tiến sĩ của Biopolis là người nước ngoài. Mục tiêu của A*STAR là đạt được sự cân bằng 50-50 giữa nhà khoa học nước ngoài và Singapore. Bộ phận học thuật của cơ quan này dự tính gửi ra nước ngoài khoảng 1000 sinh viên theo học các bậc đại học và sau đại học tại các trường hàng đầu từ nay tới 2015. Sự hiện diện của các nhà khoa học nổi tiếng tại Singapore sẽ là một trong những động cơ để họ quay trở về.
Bên cạnh đó, ngay cả những bộ não ưu việt tại A*STAR cũng cảm thấy việc khiến cho các nhà khoa học của họ hợp tác ăn ý vì một mục tiêu chung không đơn giản. “Chúng tôi thực sự là hạn chế về ý tưởng chứ không phải về tiền bạc”, Zukoski nói. Ở đây bạn có khả năng làm những điều lớn lao. Thách thức của bộ máy quản lý là làm cho các nhân viên tài năng của họ nghĩ theo cách này. Một trong những giải pháp là tổ chức lại cơ cấu quản lý. Hiện tại các nhà lãnh đạo của SERC dành nhiều thời gian để nghĩ về việc làm thế nào để các Viện nghiên cứu có thể đưa vào các chương trình nghiên cứu tăng cường sự hợp tác và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu đa ngành hiện đang là mối quan tâm của nhiều trường đại học. Nhưng mô hình của SERC sẽ hiệu quả hơn. “Trong học thuật, chúng ta phàn nàn về sự thiếu khả năng làm những nghiên cứu liên ngành. Nhưng chắc chắn là chúng ta chưa cân nhắc tới việc thay đổi cấu trúc quản lý của các trường đại học để đáp ứng việc nghiên cứu liên ngành. Tại SERC, chúng tôi đang thay đổi cấu trúc để phù hợp với nhiệm vụ mới. A*STAR không phải là trường đại học. Chúng tôi mời các nhà nghiên cứu tại các trường đại học cùng làm việc, công bố kết quả nghiên cứu trên những tạp chí uy tín nhưng chúng tôi không làm nhiệm vụ giáo dục. Điều này mang lại kinh nghiệm thú vị. Nhiều người không muốn đánh cược vào thành công của chúng tôi. Tuy nhiên, hãy cứ chờ xem”, Zukoski nói.

    Lan Anh (theo Science)  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)