So sánh với mô hình của Mỹ và Singapore

Việc đối chiếu với các mô hình của Mỹ và Singapore giúp chúng ta có cái nhìn rộng hơn để đánh giá đúng những giới hạn trong chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Việt Nam.

Trên thế giới có nhiều mô hình hội đồng KH&CN quốc gia, nhưng về cơ bản thường thuộc vào một trong ba loại: hội đồng cấp Trung ương, hội đồng tầm trung, và hội đồng tư vấn.

Hội đồng cấp Trung ương đề ra các sách lược phát triển đất nước ở tầm vĩ mô cần đến sự xem xét dưới góc nhìn KH&CN – nghĩa là không nhất thiết chỉ trong phạm vi quản lý KH&CN mà trong mọi lĩnh vực quản lý, mọi vấn đề của quốc gia cần đến sự tham chiếu dưới góc nhìn mang tính chuyên môn của các ngành KH&CN. Đồng thời, hội đồng này cũng thường kiêm luôn nhiệm vụ giám sát ở tầm vĩ mô việc thực thi những quyết sách nói trên.

Loại thư hai là hội đồng tầm trung, có nhiệm vụ xây dựng những chính sách cụ thể – bao gồm cả định hướng chi tiêu Ngân sách Nhà nước cho KH&CN – căn cứ theo các quyết sách và chiến lược vĩ mô đã được hội đồng cấp Trung ương thông qua, và góp ý điều chỉnh cần thiết đối với các chiến lược vĩ mô này.

Loại thứ ba là hội đồng chuyên tư vấn về các vấn đề KH&CN cho Chính phủ hoặc người đứng đầu Chính phủ.

Để đánh giá vai trò của Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia (NCSTP) của Việt Nam, chúng ta có thể lần lượt so sánh cách tổ chức của NCSTP với từng loại hội đồng trên đây.

Sức mạnh chính trị của hội đồng cấp Trung ương

Đặc điểm cơ bản của hội đồng KH&CN quốc gia cấp Trung ương là ở sức mạnh chính trị của hội đồng. Những hội đồng như Hội đồng KH&CN Quốc gia (National Science and Technology Council, viết tắt là NSTC) của Mỹ, Hội đồng Khoa học Quốc gia (National Science Council, viết tắt là NSC) của Đài Loan, hay Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới, và Kinh doanh (Research, Innovation, and Enterprise Council, viết tắt là RIEC) của Singapore đều có người đứng đầu là nguyên thủ quốc gia (Tổng thống hoặc Thủ tướng) và thành viên là các Bộ trưởng và lãnh đạo đứng đầu các cơ quan quản lý KH&CN hàng đầu của quốc gia.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia (National Science and Technology Council) của Mỹ

Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) là một cơ quan thuộc nội các Chính phủ Mỹ, được thành lập ngày 23/11 năm 1993 nhằm điều phối các chính sách khoa học và công nghệ trong toàn bộ các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ trong chính quyền Liên bang.

NSTC có Chủ tịch là Tổng thống Mỹ, và các thành viên khác gồm Phó Tổng thống, Chủ nhiệm Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ, và đại diện các Bộ, ngành trong Chính phủ.

NSTC có nhiệm vụ vạch ra những mục tiêu quốc gia cho đầu tư của chính quyền Liên bang cho khoa học và công nghệ. NSTC xây dựng các chiến lược nghiên cứu và phát triển được phối hợp thực thi bởi các cơ quan Liên bang nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia.

Chức năng chính của NSTC:
1. Điều phối tiến trình xây dựng chính sách khoa học và công nghệ;
2. Đảm bảo các quyết định chính sách và các chương trình khoa học và công nghệ phù hợp với mục tiêu do Tổng thống đặt ra;
3. Giúp triển khai các chương trình chính sách khoa học và công nghệ của Tổng thống xuyên suốt chính quyền Liên bang;
4. Đảm bảo rằng quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình của Liên bang được xem xét dưới góc độc khoa học và công nghệ;
5. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ.

Hoạt động:
Hoạt động của NSTC được tổ chức dưới 5 ủy ban chính: Ủy ban Môi trường, Tài nguyên, và Phát triển Bền vững; Ủy ban An ninh Quốc gia; Ủy ban Giáo dục trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học; Ủy ban Khoa học; và Ủy ban Công nghệ. Mỗi Ủy ban này có thành viên là đại diện của các Bộ, ngành. Trong Ủy ban có các đơn vị thấp hơn và các tổ công tác phụ trách những mảng khoa học công nghệ khác nhau, tham gia điều phối xuyên suốt toàn bộ chính quyền Liên bang.

http://www.whitehouse.gov/administration/eop/ostp/nstc

Với sức mạnh chính trị như vậy, hội đồng khoa học quốc gia của những nước nói trên có khả năng chủ động và kiểm soát cao trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược của đất nước.
Trình độ chuyên môn khoa học của các thành viên hội đồng cấp Trung ương có thể không cao và họ cũng không thể nắm rõ được tất cả những vấn đề quản lý cụ thể liên quan đến KH&CN, nhưng hội đồng này lại được sự giúp việc của những ủy ban gồm các thành viên là các nhà khoa học hàng đầu giúp tư vấn đề xuất, thẩm định các quyết sách và giám sát một cách chi tiết, cụ thể việc thực thi các quyết sách này. Ví dụ như ở Mỹ, NSTC được sự hỗ trợ đắc lực của 5 ủy ban giúp việc, không chỉ phụ trách mảng KH&CN mà tất cả các lĩnh vực liên quan như tài nguyên, môi trường, an ninh quốc gia, giáo dục, v.v, ngoài ra còn có sự hỗ trợ về tư vấn và điều phối công việc từ Văn phòng Chính sách KH&CN (OSTP). Ở Singapore, RIEC cũng được sự giúp việc từ NRF, một cơ quan mà chức năng và quy mô có thể coi là tương đương với một Bộ chuyên trách quản lý về KH&CN và các lĩnh vực liên quan.  

Xét những đặc điểm trên thì thấy rằng NCSTP của Việt Nam không phải là hội đồng KH&CN quốc gia cấp Trung ương. NCSTP không có sức mạnh chính trị như NSTC của Mỹ hay RIEC của Singapore. Trong các thành viên NCSTP không có những lãnh đạo ở tầm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, cũng không có những người lãnh đạo cao nhất của các Bộ, ngành. Trong chức năng nhiệm vụ của NCSTP cũng không bao gồm việc chủ động đề ra những sách lược quốc gia, mà thiên về cung cấp tư vấn khi được Thủ tướng hỏi ý kiến.

Vì vậy, có thể nói rằng Việt Nam chưa có một hội đồng KH&CN quốc gia ở cấp Trung ương.
 
Hội đồng tầm trung: xây dựng chính sách cụ thể và quản lý kinh phí cho KH&CN

Việc thực hiện các sách lược quốc gia về khoa học công nghệ được thể hiện trên hai khía cạnh: các chính sách cụ thể và hoạt động quản lý ngân sách Nhà nước cho KH&CN, bao gồm việc lập kế hoạch ngân sách trình Chính phủ và Quốc hội thông qua, và quản lý hoạt động duyệt các đề tài nghiên cứu dùng nguồn ngân sách này.   

Ở Singapore có Tổ chức Nghiên cứu Quốc gia (NRF), có thể coi là một hội đồng tầm trung. NRF có người đứng đầu là Phó Thủ tướng, các thành viên là các Bộ trưởng và người lãnh đạo các Bộ, ngành, các trường đại học hàng đầu, và các ngành công nghiệp. Như vậy, NRF chính là cơ quan giúp việc cho hội đồng cấp Trung ương là RIEC, là cơ quan giúp xây dựng những chính sách cụ thể, thực hiện chúng, và tư vấn cho RIEC trong mọi quyết sách liên quan đến KH&CN. Ngoài ra, NRF cũng đồng thời là cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí nghiên cứu KH&CN từ Ngân sách Nhà nước trình Thủ tướng và Quốc hội thông qua, và duyệt các dự án được nhận kinh phí này, căn cứ theo định hướng là các quyết sách đã được RIEC thông qua.

Ở Mỹ, hội đồng tầm trung là Hội đồng Khoa học Quốc gia (NSB) – khác với NRF của Singapore, NSB chỉ có sự tham gia của các nhà KH&CN, trong đó có các lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, nhưng không có lãnh đạo của Chính phủ hoặc các Bộ, ngành – có nhiệm vụ xây dựng đề xuất các chính sách cụ thể trên cơ sở các quyết sách đã được Tổng thống và Quốc hội đề ra, và lập định hướng, phê duyệt dự thảo Ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu KH&CN trình Tổng thống và Quốc hội thông qua.

Hội đồng Khoa học Quốc gia (National Science Board) thuộc Tổ chức Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) của Mỹ

Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ (NSB) được thành lập căn cứ theo Luật Tổ chức Khoa học Quốc gia năm 1950 (gọi tắt là Luật NSF 1950). Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) là cơ quan liên bang quản lý về KH&CN của Mỹ do Quốc hội thành lập, có vai trò độc lập trong Chính phủ Mỹ.

Chức năng và nhiệm vụ Hội đồng
Theo Luật NSF 1950, NSB là một cơ quan của NSF, có nhiệm vụ giúp NSF thực hiện chức năng “đề xuất và hỗ trợ việc thực hiện các chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật”. Bên cạnh đó, NSB còn có hai vai trò quan trọng khác:
Một là xây dựng các chính sách của NSF trên cơ sở các chính sách của quốc gia do Tổng thống và Quốc hội chỉ đạo. Để thực hiện nhiệm vụ này, NSB xác định ra những vấn đề trọng yếu đối với tương lai của NSF, phê duyệt định hướng ngân sách chiến lược của NSF và dự thảo ngân sách hằng năm trình Văn phòng Quản lý và Ngân sách (cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ), và phê duyệt các chương trình quan trọng mới, các giải thưởng mới.
Hai là đóng vai trò một cơ quan độc lập, tư vấn cho Tổng thống và Quốc hội về các vấn đề chính sách liên quan tới KH&CN, cũng như giáo dục trong lĩnh vực KH&CN. Ngoài công bố các báo cáo quan trọng, NSB còn công bố các nghiên cứu về chính sách, hoặc các phát ngôn về những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực KH&CN của Mỹ.
NSB họp mỗi năm 5 lần, mỗi lần đều mở cửa cho công chúng tham gia.

Thành phần
NSB có 25 thành viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống và phê chuẩn bởi Thượng Viện. Giám đốc của NSF nghiễm nhiên là một trong các thành viên của NSB. Các thành viên NSB có nhiệm kỳ dài 6 năm. Ngoại trừ Giám đốc NSF, cứ 2 năm lại có một phần ba số thành viên NSB mãn nhiệm kỳ. Thành viên NSB nào phục vụ trong 12 năm liên tục sẽ bắt buộc phải dừng phục vụ trong NSB trong khoảng 2 năm. NSB tự bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch NSB. Chủ tịch NSB có quyền tự bổ nhiệm đội ngũ giúp việc NSB.
Các thành viên NSB có xuất xứ từ các ngành công nghiệp, các trường đại học, đại diện cho nhiều ngành KH&CN, và các địa phương khác nhau. Theo Luật NSF 1950 sửa đổi, các thành viên NSB phải là những người xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, y tế, hoặc khoa học xã hội, công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, quản lý nghiên cứu, hoặc hành chính công; được lựa chọn hoàn toàn căn cứ trên các thành tích xuất sắc cụ thể có lưu trong hồ sơ; và được lựa chọn nhằm xây dựng NSB có tính đại diện cho mọi lĩnh vực KH&CN của quốc gia.
http://www.nsf.gov/nsb/about/

So với NCSTP của Việt Nam, có thể thấy xét về thành phần các thành viên thì NCSTP ít nhiều có sự tương đồng với NRF do có sự góp mặt của các Thứ trưởng và lãnh đạo của các tổ chức KH&CN, và họ có năng lực chủ động tiến hành xây dựng trình Thủ tướng các chính sách trong các lĩnh vực liên quan đến KH&CN. Nhưng trong chức năng được quy định thì NCSTP không chuyên trách nhiệm vụ này, và cũng không được giao bộ máy giúp việc cần thiết để thực hiện. Ngoài ra, NCSTP cũng không có chức năng quản lý ngân sách Nhà nước cho KH&CN.

Ở Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng các chính sách KH&CN cũng như quản lý về Ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN được giao cho Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ liên quan. Sự phối hợp này chắc chắn là rời rạc và hạn chế hơn so với mô hình Hội đồng của NRF của Singapore, do bản thân trong Hội đồng này đã có mặt Phó Thủ tướng chuyên trách và tất cả những người đứng đầu các Bộ, ngành, giúp cho quá trình tương tác, bàn thảo diễn ra một cách trực tiếp và nhanh chóng.

Đồng thời, Bộ KH&CN Việt Nam cũng không có được vai trò độc lập và chủ động như NSB của Mỹ. Trong khi NSB của Mỹ và NRF của Singapore đều được gửi dự thảo chi Ngân sách Nhà nước cho KH&CN trực tiếp lên người đứng đầu Chính phủ trình Quốc hội thông qua, và được toàn quyền phân bổ kinh phí, thì ở Việt Nam các quy trình này đòi hỏi Bộ KH&CN phải được sự nhất trí của Bộ Tài chính, tạo ra những bất cập trong cơ chế tài chính do không thật sự phù hợp với những nhu cầu đặc thù của các hoạt động KH&CN.

Vai trò độc lập của hội đồng tư vấn

Với danh sách thành viên có mặt các Thứ trưởng, ngay cả trong chức năng tư vấn, khả năng chủ động của NCSTP cũng bị hạn chế ít nhiều, vì không tránh khỏi những trường hợp khi bản thân ủy viên hội đồng là Thứ trưởng một Bộ nào đó không dám đưa ra quyết trực tiếp, mà phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng cấp trên, nếu như nội dung mà Hội đồng cần đưa ra ý kiến tư vấn trùng với phạm vi quản lý của vị Bộ trưởng nọ. Và đó là với những vấn đề mà hội đồng có nghĩa vụ trả lời khi Thủ tướng yêu cầu cho ý kiến tư vấn, còn với những vấn đề mà Thủ tướng không hỏi thì tính chủ động trong đề xuất ý kiến của hội đồng sẽ càng bị giới hạn hơn.

Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Mỹ (President’s Council of Advisors on Science and Technology)

Bắt đầu từ năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã lập ra Hội đồng Tư vấn Khoa học. Kể từ đó, mỗi Tổng thống Mỹ lập ra một hội đồng tư vấn cho mình trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, và y tế. Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống (PCAST) là một nhóm các nhà tư vấn do Tổng thống Obama lập ra năm 2009. Họ là những nhà khoa học và công nghệ hàng đầu được giao nhiệm vụ tư vấn trực tiếp cho Tổng thống và Văn phòng Chính phủ của Tổng thống. PCAST đưa ra các đề xuất chính sách trong nhiều lĩnh vực cần đến tri thức về khoa học và công nghệ.
PCAST có 21 thành viên, tất cả đều là những nhà nghiên cứu khoa học (tự nhiên hoặc xã hội) và công nghệ có uy tín.

http://www.whitehouse.gov/administration/eop/ostp/pcast

So sánh về thành phần của NCSTP với các hội đồng tư vấn như NSB – NSB có chức năng xây dựng và đề xuất chính sách, nhưng đồng thời cũng là một cơ quan tư vấn độc lập – hoặc Hội đồng Tư vấn KH&CN của Tổng thống (PCAST) ở Mỹ, hay Ban Tư vấn Khoa học (SAB) của Singapore thì thấy rằng thành viên của NSB và PCAST đều là các nhà KH&CN hàng đầu của Mỹ, còn các thành viên của SAB cũng đa số là các nhà khoa học, ngoài ra có một vài đại diện của các tổ chức công nghiệp, và hoàn toàn không có mặt các nhà quản lý trong bộ máy của Chính phủ.

Với thành phần như vậy, các thành viên của NSB, PCAST của Mỹ và SAB của Singapore không bị ràng buộc trách nhiệm với các cơ quan quản lý khác ngoài đối tượng mà họ chịu trách nhiệm tư vấn. Điều này không chỉ tăng khả năng chủ động, linh hoạt, mà còn đảm bảo vai trò độc lập của nhà tư vấn.

So sánh tổng thể

Chức năng của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Việt Nam được căn cứ theo quy định hiện hành tại quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng (ngày 25/07/2011) trong đó tại Điều 1 quy định rằng Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia (Hội đồng) là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam với hai hình thức: tư vấn theo yêu cầu và tư vấn độc lập.

Khác với Mỹ và Singapore, NCSTP không phải là một hội đồng KH&CN quốc gia ở cấp Trung ương, và có thể nói Việt Nam chưa có một hội đồng như vậy. Do đó, các quyết sách của quốc gia cần xem xét ý kiến trong lĩnh vực KH&CN sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc hỏi và đáp bằng văn bản giữa Thủ tướng và các Bộ, ngành, và bản thân NCSTP. Các hoạt động này không tránh khỏi bị rời rạc, vướng vào nhiều quy trình thủ tục hành chính, mà không được điều phối bởi một hội đồng chuyên trách, và điều này sẽ khiến hiệu quả trao đổi, tương tác thông tin giữa các bên bị hạn chế.

NCSTP cũng không thực hiện được các chức năng của một hội đồng tầm trung như NRF ở Singapore, hay NSB ở Mỹ, gồm chức năng chuyên trách xây dựng các chính sách KH&CN, hoặc quản lý Ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN, do NCSTP không được phân công, và cũng không có bộ máy để thực hiện. Việc không có những hội đồng như vậy ở Việt Nam khiến các hoạt động xây dựng chính sách KH&CN cũng như quản lý Ngân sách Nhà nước trở thành quá trình hỏi đáp bằng văn bản giữa các cơ quan liên quan, và đặc biệt bất cập trong cơ chế tài chính dành cho KH&CN. 

Cuối cùng, NCSTP cũng không có được sự độc lập như NSB hay PCAST của Mỹ hay SAB của Singapore, những hội đồng mà hầu hết các thành viên là những nhà KH&CN hàng đầu và hoàn toàn không có các nhà quản lý trong bộ máy của Chính phủ. Có thể có ý kiến cho rằng sự góp mặt của các nhà quản lý các Bộ, ngành giúp hoạt động của hội đồng này có sự gắn kết cao hơn với những kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý hành chính tại các cơ quan này. Tuy nhiên, những tư vấn về quản lý hành chính hoàn toàn có thể được bổ sung cho hội đồng nhờ vào một bộ phận giúp việc giàu kinh nghiệm. Còn đối với những vấn đề trọng yếu của quốc gia, hay những vấn đề cấp thiết của đời sống (ví dụ như an toàn bức xạ năng lượng hạt nhân, hay an toàn thủy điện Sông Tranh 2) thì rõ ràng là yêu cầu về chuyên môn khoa học của các thành viên hội đồng phải được đặt lên cao nhất, thậm chí còn thường xuyên cần đến những chuyên gia quốc tế hàng đầu.
Hiện nay, các thành viên của NCSTP chưa có sự tham gia của những nhà khoa học và chuyên gia uy tín trên thế giới, trong khi Singapore, quốc gia cùng trong khu vực của chúng ta lại rất mạnh dạn trong việc mời các chuyên gia hàng đầu vào các hội đồng của họ, kể cả trong hội đồng cấp Trung ương là RIEC cũng có tới gần một nửa là chuyên gia từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu, và các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, ví dụ như Đại học Harvard, Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia của Cơ quan Vũ trụ Israel, Quỹ Volkswagen, v.v.

Mô hình Singapore

Cơ quan có chức năng tư vấn cho Chính phủ Singapore về chính sách và chiến lược nghiên cứu, đổi mới quốc gia là Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới, và Kinh doanh (RIEC). Hội đồng này có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ Singapore về chính sách, chiến lược nghiên cứu và đổi mới quốc gia, nhằm đưa Singapore thành một nền kinh tế tri thức, có năng lực mạnh về R&D; dẫn dắt quốc gia thúc đẩy những động lực sáng tạo mới bằng những giải pháp KH&CN, và xúc tác cho những lĩnh vực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

RIEC có 22 thành viên, đứng đầu là Thủ tướng Singapore. 9 thành viên khác gồm 2 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng các Bộ của Singapore. 2 thành viên tiếp theo là đại diện 2 trường đại học hàng đầu của Singapore là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang. 10 thành viên còn lại là đại diện các tổ chức giáo dục, nghiên cứu, và các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, ví dụ như Đại học Harvard, Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia của Cơ quan Vũ trụ Israel, Quỹ Volkswagen, v.v. 

Tổ chức Nghiên cứu Quốc gia (NRF) của Singapore
Cơ quan giúp việc cho RIEC là Tổ chức Nghiên cứu Quốc gia (NRF), được thành lập năm 2006, là một cơ quan thuộc Chính phủ có những nhiệm vụ:
Cơ quan giúp việc cho Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới, và Kinh doanh (RIEC);
Điều phối các hoạt động nghiên cứu của các cơ quan và tổ chức trên cả nước, theo một định hướng chiến lược tổng thể rõ ràng;
Xây dựng các chính sách và kế hoạch nhằm thực hiện năm động lực chương trình nghiên cứu và phát triển quốc gia;
Thực hiện các chiến lược nghiên cứu, đổi mới, và kinh doanh do RIEC phê duyệt, và phân bổ kinh phí cho các chương trình đáp ứng những mục tiêu chiến lược của NRF
NRF có quan hệ mật thiết các Bộ, đặc biệt là 4 Bộ là Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, và bộ Môi trường & Tài nguyên nước. NRF có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu ở cấp quản lý thấp hơn, bao gồm Ban Phát triển Kinh tế, Cơ quan Khoa học-Công nghệ-Nghiên cứu, Hội đồng Nghiên cứu Hàn lâm, và Hội đồng Nghiên cứu Y tế Quốc gia. NRF cũng là cơ quan đầu mối cấp kinh phí nghiên cứu cho các viện, các trường đại học, các trường bách khoa công nghệ, các bệnh viện, các phòng thí nghiệm công và tư, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp.

Ban Điều hành NRF
Ban điều hành của NRF có 24 người, đứng đầu là Phó Thủ tướng Teo Chee Hean. Trong số 24 thành viên ban điều hành, 17 người là các lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, với một Phó Thủ tướng và 7 Bộ trưởng. Trong số 7 người còn lại, 4 người là hiệu trưởng các trường đại học hàng đầu Singapore, và 3 người là đại diện các ngành công nghiệp của Singapore.
Ban Tư vấn Khoa học (SAB)

Ban tư vấn Khoa học của NRF có nhiệm vụ:
Làm rõ những vấn đề thiết yếu, những xu hướng toàn cầu mới trong khoa học cơ bản mà Singapore cần và có khả năng nghiên cứu;
Cùng NRF xác định những lĩnh vực nghiên cứu mới có thể đem lại lợi ích cho Singapore, tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp;
Hỗ trợ và tư vấn cho NRF về quản lý R&D, bao gồm phân bổ kinh phí và thẩm định kết quả nghiên cứu;
Đề xuất cho NRF những lĩnh vực R&D mà Singapore cần tập trung để phát triển những tiềm lực tăng trưởng mới.
Các thành viên SAB được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ban điều hành NRF. SAB hiện nay có 10 thành viên, chủ tịch là Richard Friend, Giáo sư Vật lý của Đại học Cambridge. Các thành viên khác của SAB cũng đều là các nhà khoa học có uy tín trên thế giới, và đại diện các tổ chức nghiên cứu và tư vấn quốc tế có tên tuổi, như Graeme Pearman Consulting, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu IBM tại Trung Quốc, hay Tổ chức Đổi mới Quốc gia Ấn Độ. Nhiệm kỳ hiện nay của SAB từ 1/10/2011 tới 30/09/2014.

        http://www.nrf.gov.sg/nrf/default.aspx

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)