Steven Chu – nhân tố biến đổi ngành năng lượng Mỹ

Là quan chức cao cấp của chính quyền Obama, Chu gánh trên vai trách nhiệm làm thay đổi nền kinh tế năng lượng lớn nhất thế giới, đồng thời ông cũng là người giải trình trước Nghị viện Mỹ về biến đổi khí hậu và đưa ra các kế hoạch đối phó lại vấn đề này. Kế hoạch của ông bắt đầu từ việc cố gắng thúc đẩy Bộ trưởng Năng lượng Mỹ (DOE) tài trợ cho những nghiên cứu có tính rủi ro nhưng bù lại có thể mang về nhiều lợi nhuận.

Trước khi trở thành Bộ trưởng Năng lượng (DOE) Mỹ vào năm 2008, Steven Chu đã được biết đến như một nhà khoa học đoạt giải Nobel năm 1997 cho công trình nghiên cứu về làm mát nguyên tử bằng cách dùng ánh sáng laser. Khi được bổ nhiệm, ông đang là Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Laurence Berkeley (LBNL), nơi nhà vật lý Ernest Lawrence tìm ra phương pháp làm giàu urani cho dự án Manhattan, nhà hóa học Glenn Seaborg phát hiện ra plutoni, và nhà vật lý lý thuyết Robert Oppenheimer từng nghiên cứu chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên làm việc, trước khi dời về New Mexico.
Với ngân sách 27 tỉ USD, Bộ Năng lượng có 17 phòng thí nghiệm quốc gia với nhiệm vụ quản lý nguồn năng lượng hạt nhân của Mỹ và bảo vệ môi trường sau khi dỡ bỏ các nhà máy hạt nhân. Ngay trong tháng đầu tiên nhậm chức, Nghị Viện đã đồng ý chi cho Bộ Năng lượng của ông 37 tỉ USD từ gói kích cầu, khoản tiền mà Chu dự định sẽ dành cho năng lượng tái tạo, năng lượng nguyên tử và các dự án hiện đại hoá mạng lưới điện… Tất cả sẽ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhà quản lý có kinh nghiệm
Vào những năm 1980, Chu tạo dựng tên tuổi khoa học khi dùng tia laser để thu các nguyên tử với độ chính xác cao. Hiện nay, ông cũng áp dụng sự chính xác này vào hệ thống phức tạp hơn: một cơ quan hơn 100.000 người làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới năng lượng và hạt nhân. Một vài người hỏi liệu tài năng nghiên cứu và kinh nghiệm quản lý có giúp cho Chu thành công tại DOE. Tuy đã phạm một vài lỗi lầm, nhất là khi làm việc với Nghị viện nhưng Chu đã chứng tỏ ông là một người có khả năng học nhanh sau gần một năm nhậm chức. Ông đã tạo ra tiếng nói tin cậy đối với các nhà chính trị thuộc các phe cánh khác nhau, giúp tạo cầu nối giữa Mỹ và các nước khác. Và đã thu hút được một số nhà khoa học từ các trường đại học, khu vực công nghiệp gia nhập vào DOE. Carol Browner, một trong những quan chức cấp cao của chính quyền Obama phụ trách về khí hậu, thường xuyên làm việc với Chu nói, “Tôi nghĩ ông ta sẽ trở thành Bộ trưởng Năng lượng tốt nhất”. Những lời khen ngợi cũng tới từ những nhà chính trị phe Cộng hoà. Samuel Bodman, người điều hành DOE dưới thời G.W. Bush nhận xét, “Chu có những kỹ năng của một nhà quản lý”.


Steven Chu cho rằng văn hóa e ngại rủi ro cần phải thay đổi. Trong ảnh là lễ khởi công một dự án thí nghiệm mới, Steven Chu là người đeo kính, đứng giữa

Lớn lên ở ngoại ô New York vào những năm 1950, Chu và hai anh em trai nhanh chóng hiểu rằng thành tích học tập tốt và sự cạnh tranh là truyền thống của gia đình. Họ thường xem chương trình CollegeBowl (trò chơi truyền hình của năm 1960), và “cả ba chúng tôi đều đưa ra câu trả lời và đều cố gắng đánh bại những người tham gia”, Morgan Chu, em út trong gia đình, hiện là một luật sư có tiếng tại California nhớ lại.
Bố và mẹ của Chu rời Trung Quốc trong thời gian thế chiến thứ hai, cả hai đều tốt nghiệp MIT. Cậu con trai cả, Gilbert cũng theo con đường vinh quang này: ông có bằng đại học của Princeton, MIT và Harvard. Còn Morgan có bằng luật tại Harvard Law School. Trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, Chu bắt đầu con đường học thuật khiêm nhường hơn. Ông chọn Đại học Rochester để học toán và vật lý. Sức ép của gia đình nhiều khi đã làm ông ức chế, nhưng sau đó tại Đại học Rochester, thiên hướng về khoa học đã nảy nở. “Đột nhiên, tôi thấy những điều gia đình bắt tôi làm thật tự nhiên”.
Sau khi vào trường Berkeley những năm 1970, Chu bắt đầu say mê nghiên cứu laser. “Tôi chưa bao giờ giỏi trong việc phân bổ thời gian. Khi tôi thực sự say mê một cái gì đó, tôi như chìm đắm vào nó. Nhưng đó lại là một trong những phẩm chất của những nhà nghiên cứu xuất sắc”. Luận văn tốt nghiệp về sử dụng ánh sáng phân cực để phát hiện sự chuyển đổi của nguyên tử đủ tốt để Chu được nhận vào Viện nghiên cứu Bell – cơ sở nghiên cứu cơ bản hàng đầu của Mỹ. Chu đã có cơ hội phát triển sự nghiệp khoa học ở đây nhưng cũng phải chấp nhận những hy sinh. Khi công việc tiến triển, ông phải dành nhiều thời gian cho công việc. Người vợ cũ của ông nhiều khi phải đưa con đầu của họ vào phòng thí nghiệm để cho cha con có thời gian với nhau. “Bố trước tiên là nhà khoa học, sau đó mới là người cha”, con trai thứ hai của ông nói. “Tất cả ham muốn của ông đều liên quan tới khoa học và tri thức. Ông không bao giờ quan tâm tới tiền bạc. Và cũng không quan tâm tới thăng tiến”, Chu-Thielbar, vợ cũ của ông nhận xét.
Sau 7 năm làm tại các phòng thí nghiệm của Bell, Chu đã hiểu rõ làm thế nào để tóm các nguyên tử. Ông gộp 6 tia laser tạo thành cái gọi là dịch nhầy của photon có tác dụng làm giảm tốc độ của các nguyên tử tới mức gần như đứng yên để có thể bắt được bằng các lực điện từ của một tia laser. Công trình nghiên cứu của ông đã tạo ra những ứng dụng trong một số lĩnh vực. Nó cung cấp cho các nhà sinh học nhíp quang học để điều khiển các cá thể phân tử sinh học, ví dụ như ADN. Và cung cấp cho các nhà khoa học nguyên tử công cụ để làm lạnh các nguyên tử bằng cách dùng tia laser. Năm 1987, Chu đã sẵn sàng quay lại nghiên cứu tại trường đại học. Ông nhận được lời mời từ Harvard và Berkeley nhưng ưu tiên cho kế hoạch giúp gây dựng một khoa vật lý còn ít nổi tiếng hơn của trường Đại học Stanford. Stanford nhanh chóng trở thành ngôi trường nổi tiếng, chỉ tính từ năm 1995, các nhà vật lý của trường đã giành 4 giải Nobel, trong đó có giải Nobel của Chu vào năm 1997. Cũng tại Stanford, Chu bắt đầu những hướng đi mới cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống riêng tư. Ông ly dị với Chu-Thielbar và cưới Jean Fretter, một nhà vật lý và giám đốc tuyển sinh của Stanford. Ông nhận sinh viên có sở thích về sinh vật và thuyết phục lãnh đạo trường chi 150 triệu USD để xây trung tâm vật lý sinh học.
Nhưng năm 2004, sau khi trung tâm hoàn thành, Chu nhận lời mời của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley sang điều hành phòng thí nghiệm, nơi hiện nay có tới 4.000 nhân viên và ngân sách hoạt động 650 triệu USD. Trên cương vị quản lý, ông đã thành công khi thuyết phục các hiệu trưởng của Đại học California, Berkeley tài trợ cho những toà nhà mới của phòng thí nghiệm, duy trì các khoản trợ cấp cho nhân viên. 

Ủng hộ những dự án táo bạo
Chu nói chưa bao giờ ông quyết định dành toàn thời gian cho các vấn đề về khí hậu và năng lượng nhưng ông đã nghiên cứu nhiều năm, đọc các báo cáo về biến đổi khí hậu. Khi tới LBNL, ông quyết định đây là thời điểm để khởi động lại chương trình nghiên cứu năng lượng gần như bị bỏ quên sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1970. Phòng thí nghiệm đã sẵn sàng để thúc đẩy những nỗ lực này nhưng cần có nguồn năng lượng và tầm nhìn của Chu, Paul Alivisatos người kế nhiệm Chu tại LBNL nói. Alivisatos nhớ lại sở thích của Chu ngắm hệ thống xe buýt nối nhau chạy vòng quanh quả đồi của Berkeley. Chu đứng ở balcon của văn phòng và nhìn những người đang chờ đợi ở bến xe buýt. “Ông quan sát ở tầm cao nhưng ông cũng có thể đi sâu vào chi tiết”. Và một trong những khả năng của ông là tìm thấy những chi tiết nổi bật hợp với bức tranh lớn và chỉ ra chúng liên kết với nhau như thế nào.

Chu muốn quay trở lại tinh thần độc đáo của các phòng thí nghiệm: Nhà nước sở hữu nhưng các nhân viên thực hiện. Ông nói rằng văn hóa e ngại rủi ro tại Bộ Năng lượng (DOE) và các phòng thí nghiệm trực thuộc sẽ phải thay đổi.
Tuy đã phạm một vài lỗi lầm, nhất là khi làm việc với Nghị viện nhưng Chu đã chứng tỏ ông là một người có khả năng học nhanh sau gần một năm nhậm chức.
“Đó chỉ là một sự tình cờ. Tôi làm khoa học và quan tâm tới một vài vấn đề tác động tới tất cả chúng ta”, Steven Chu.

Trong chiến dịch bầu cử, Tổng thống Obama cam kết xem xét lại hệ thống năng lượng của Mỹ. Điều này đã tạo ra cơ hội mới cho Chu. Một vài tuần sau bầu cử, ông bay tới Chicago để gặp Tổng thống mới. Theo Chu, Obama đã nói “Nhiều người nói với tôi rằng anh là người thích hợp để lãnh đạo DOE”. Chu đồng ý nhận trách nhiệm, nhưng cũng đưa ra yêu cầu của riêng mình. Ông đã thấy Bộ Năng lượng trong quá khứ bị làm cho què cụt đi vì nhiều cán bộ được bố trí ở những vị trí chỉ để làm hoàn thành các mệnh lệnh chính trị, do vậy ông muốn kiểm soát việc bổ nhiệm những vị trí quan trọng. “Đây là một quyết định cần thiết để tôi có thể tuyển được người có năng lực”, ông nói. Obama đồng ý và Chu tuyển những người tài năng hàng đầu của Mỹ như Steven Koonin, nhà khoa học thuộc tập đoàn BP, hiệu trưởng của Viện Công nghệ California tại Pasadena, người hiện nay là phụ trách về khoa học tại DOE.
Trong phòng khách của ông có vài bài báo vật lý sinh vật mới mà Chu là đồng tác giả. Ông như muốn chỉ cho các vị khách và chính ông rằng ông vẫn đang làm khoa học. Trong thời gian tại LBNL, ông vẫn làm việc với nhóm nghiên cứu nhỏ của Stanford và các sinh viên của Berkeley, tổ chức các cuộc gặp gỡ vào buổi tối thứ 6 và các ngày cuối tuần. Ngay cả hiện nay, ông cho biết vẫn dành chút thời gian hiếm hoi trên các chuyến bay cho công việc nghiên cứu.
Chu vẫn giữ sự thật thà của một nhà khoa học – điều này nhiều khi gây rắc rối cho ông. Ví dụ như nói quá thẳng trong tuyên thệ nhậm chức, Chu nói rằng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ không dễ quay lưng lại với trữ lượng than khổng lồ, và điều này hạn chế nhu cầu tìm kiếm những nguồn nhiên liệu sạch. Một tháng sau khi nhận chức, Chu lại mắc lỗi khi nói với phóng viên rằng việc OPEC có cắt sản lượng dầu hay không chẳng liên quan gì tới ông. Tính nói thẳng của Chu, tuy nhiên, có thể lại là một lợi thế cho DOE. Các phòng thí nghiệm của DOE trước đây hoạt động thiếu hiệu quả một phần là do văn hóa quá thận trọng trước những nghiên cứu táo bạo. Ông muốn quay trở lại tinh thần độc đáo của các phòng thí nghiệm: Nhà nước sở hữu nhưng các nhân viên thực hiện. Chu nói rằng văn hóa e ngại rủi ro tại DOE và các phòng thí nghiệm sẽ phải thay đổi. Ông đã nỗ lực tạo ra thay đổi tại Bộ của mình. Khi nhận thấy hàng tỉ USD tín dụng cho các dự án năng lượng đã được thông qua năm 2005 nhưng công việc không được tiến hành, ông đã nhấn mạnh tiền sẽ phải được giải ngân trong những tháng tới, trước hết là cho các công ty năng lượng Mặt trời.
Để khuyến khích những dự án nghiên cứu mạo hiểm, ông phát triển Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu năng lượng ARPA-E theo mô hình của DARPA – một chương trình nghiên cứu nổi tiếng của Bộ Quốc phòng, nơi từng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra Internet. ARPA-E được thiết kế để theo đuổi những nghiên cứu có tính rủi ro cao, nhưng mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực năng lượng mới. Để ARPA-E hoạt động theo tinh thần táo bạo mới, cần nhà xét duyệt thông minh chọn ra được những ý tưởng sáng tạo nhất. Chu đã viết thư cho hiệu trưởng các trường đại học hàng đầu và nhờ họ bổ nhiệm các nhà nghiên cứu tốt nhất cho việc xét duyệt của ARPA-E. Năm trăm người đã trả lời. Chu dành hai giờ cho các đề tài nghiên cứu. Fleming, một đồng nghiệp cũ của Chu ở LBNL nói công việc này rất hợp với sếp cũ của ông. “Tôi chưa từng thấy ai có thể đi ra ngoài, và quay lại 10 phút sau đó mà biết rõ về chủ đề mới như vậy. Chu thông báo 37 đề tài được xét duyệt sẽ sử dụng 151 triệu USD trên tổng số 400 triệu USD cho chương trình.
Dự định tham vọng nhất của Chu là thành lập 8 phòng thí nghiệm độc lập nghiên cứu về năng lượng, theo mô hình Manhattan, để phát triển các công nghệ như pin thế hệ mới, năng lượng hạt nhân mới. Nhưng đây cũng là vấn đề khiến ông gặp trở ngại nhiều nhất, nó liên quan tới những kỹ năng làm việc với Nghị viện. Khi Nghị viện tranh luận có nên tài trợ các phòng thí nghiệm của Chu vào năm 2010,  thì các thành viên lại nhận thấy họ không biết chính xác DOE muốn gì. Đó là những phòng thí nghiệm ảo, hay là những cơ sở vật chất thường xuyên? Chúng sẽ được tài trợ trong bao nhiêu năm? Họ muốn tài trợ cho khoa học cơ bản hay ứng dụng? Một thành viên của Nghị viện cho rằng văn phòng của Chu đã không đưa ra những thông tin chắc chắn và cụ thể. Cuối cùng, Nghị viện chỉ đồng ý phát tiền nhỏ giọt cho DOE. Nhiều người chỉ trích Chu đã không quan tâm tới vấn đề truyền thông với Nghị viện. Gần 1 năm tại chức, ông không chỉ định thư ký chịu trách nhiệm liên lạc với Nghị viện. Nhưng Chu cho rằng thất bại này là lỗi do ông.

Đại sứ năng lượng
Vào một ngày đông tháng 12, Chu chuẩn bị cho chuyến bay tới dự Hội nghị Biến đổi khí hậu tại Copenhagen. Trước chuyến đi, một trong những sự kiện trong chương trình làm việc của ông là cùng với Bộ trưởng Thương mại Gary Locke họp báo về việc đẩy nhanh quá trình tài trợ cho các bằng sáng chế về công nghệ sạch. Vào tháng 7, hai Bộ trưởng đã cùng nhau tới Bắc Kinh để gặp gỡ Bộ trưởng Năng lượng Trung Quốc. Chu quan tâm đặc biệt tới Trung Quốc không phải vì đây là nơi tổ tiên chôn rau cắt rốn mà vì quốc gia này thải nhiều CO2 nhất và cũng là quốc gia chi hàng tỉ USD cho các nghiên cứu năng lượng sạch. Trong chuyến thăm, Chu và Locke thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả năng lượng, xử lý khí CO2 từ các nhà máy sử dụng than đá.


Một trong những ý tưởng và cũng là trách nhiệm chính của Chu là đẩy nhanh việc nghiên cứu và ứng dụng các loại hình năng lượng mới thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vốn là tác nhân gây biến đổi khí hậu

Trong chuyến đi tới Đan Mạch, Chu đảm nhiệm vai trò Đại sứ Năng lượng. Ông đưa ra các kế hoạch tổ chức hội thảo vào năm tới với các Bộ trưởng Năng lượng và cam kết tài trợ 85 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo ở các quốc gia phát triển. Theo Chu, Hội nghị Thượng đỉnh chỉ như khúc dạo đầu cho “cuộc chiến”, ông cũng sẽ sử dụng những vũ khí của mình như tri thức và tài hùng biện để thuyết phục các thành viên của Thượng viện thông qua Luật Biến đổi khí hậu. Chu nói khi ông kết thúc vai trò là Bộ trưởng Năng lượng, ông sẽ ước tính thành công của mình bằng hai tiêu chí: liệu ông có thể tác động để thông qua Luật Biến đổi khí hậu, và ông đóng góp như thế nào để thay đổi cách DOE tài trợ cho khoa học.
Lối suy nghĩ này có vẻ xa lạ với nhà khoa học trẻ của Viện Bell những năm 1980, người đã ngồi hằng ngày dài trong phòng thí nghiệm để lo lắng về sự chính xác của các chùm laser. Chu không có dự định vươn tới nấc thang cao hơn trong Chính phủ, nơi ông là nhà khoa học đầu tiên sau chiến tranh lạnh đảm nhận một chức vụ cao đến như vậy. “Đó chỉ là một sự tình cờ. Tôi làm khoa học và quan tâm tới một vài vấn đề tác động tới tất cả chúng ta. Tôi làm bước chuyển về nghề nghiệp vì điều này là cần thiết”.     
    NGỌC TÚ dịch từ Nature

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)