Sự suy thoái đạo đức trong khoa học
Trong một thế giới như hiện nay, người ta nghĩ rằng các nhà khoa học sẽ ở tuyến đầu đấu tranh cho lý trí và đạo đức chống lại sự thiếu hiểu biết và mê tín. Nhưng không phải vậy.
Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn tin rằng việc áp dụng và tôn vinh nguyên lý của khoa học là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Một minh chứng rõ ràng đó là Thời kỳ Khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII. Tôi tin rằng di sản quý giá nhất của thời kỳ này là đạo đức khoa học và tôi tin rằng sự chính trực trong trí tuệ và đạo đức là nền tảng của phẩm giá con người. Tuy nhiên, giờ đây, ở những năm tháng cuối đời, tôi lại chứng kiến mọi người càng trở nên xa rời những giá trị đó.
Sự bất lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách
Trong thế kỷ XIX, có nhiều tiếng nói, trong đó có Marx và Engels, kêu gọi sự đoàn kết và thống nhất để đối mặt với những nguy cơ đe dọa sự tồn tại của hành tinh. Nhưng những lời kêu gọi đó không được lắng nghe. Ngày nay, không còn chỗ cho những giấc mơ, thế giới đang thay đổi như vũ bão khiến ta không thể theo kịp. Không còn chỗ cho lý thuyết suông, không còn chỗ cho những tranh luận vô bổ và những lời sáo rỗng. Còn rất ít chân giá trị để ta có thể bám lấy, một điều chắc chắn là chúng ta đã không học những bài học của lịch sử, dẫn đến chung sống hòa bình và hòa hợp trở nên không tưởng.
Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng những giấc mơ về một thế giới tốt đẹp hơn chỉ là ảo tưởng. Chúng ta cần tránh xa những kẻ biến những giấc mơ ấy thành giáo điều và áp đặt chúng lên người khác. Chúng ta đã học được rằng không phải những tư tưởng đầy cảm hứng mà chính là những phẩm chất của người cầm quyền mới tạo ra một nền quản trị tốt. Sự hào phóng, chính trực, đoàn kết, công lý, và sự nghiêm ngặt về tri thức và đạo đức của cộng đồng. Nhưng những biến cố gần đây đã làm lay động niềm tin của mình và tôi thấy nhiều người đang đồ về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của văn minh loài người.
Nửa thế kỷ qua đã chứng minh rõ ràng sự bất lực của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của hành tinh một cách hợp lý và có trách nhiệm. Sự phi lý và cảm xúc, sự thiếu hiểu biết và mê tín đã chi phối hành động của chúng ta, chia rẽ chúng ta thành những phe phái thù địch, đổ lỗi cho nhau về sự xuống cấp nhanh chóng của thế giới.
Lịch sử nhận thức của công chúng về lợi ích và nguy cơ của năng lượng hạt nhân đã chứng minh rằng thảo luận về vấn đề này một cách hợp lý là không thể.
Dân số thế giới đã tăng gấp sáu lần so với thời điểm Marx và Engels viết Tuyên ngôn của họ; trong 50 năm, tài nguyên mà hành tinh cần để sử dụng trong một năm đã chuyển từ cuối tháng 12 sang cuối tháng bảy. 40 triệu người đang chết đói. Toàn cầu hóa đã phơi bày những bất công sâu sắc chi phối thế giới. Ở một số quốc gia châu Phi, hơn 1/10 trẻ em sinh ra chết trước 5 tuổi, so với 1/250 ở châu Âu và Đông Á. Thu nhập bình quân đầu người ở Qatar cao hơn 150 lần so với Cộng hòa Trung Phi. Hơn 2000 tỷ phú trên thế giới sở hữu khối tài sản tương đương với 60% dân số thế giới. Mối đe dọa thường trực của chiến tranh hạt nhân trên quy mô toàn cầu vẫn ám ảnh chúng ta và khủng bố vẫn đang gieo rắc nỗi sợ hãi khắp thế giới.
Nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt, biến đổi khí hậu, và nhu cầu năng lượng tăng nhanh đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa biết khi nào mới có lời giải. Sự chậm trễ trong chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và gió và sự bất bình đẳng trên thế giới không đem lại hy vọng cho một sự thay đổi trong tương lai gần. Hoa Kỳ và Canada có mức tiêu thụ điện bình quân đầu người hằng ngày cao hơn gấp ba lần Trung Quốc và gấp 50 lần Bangladesh. Lịch sử nhận thức của công chúng về lợi ích và nguy cơ của năng lượng hạt nhân đã chứng minh rằng thảo luận về vấn đề này một cách hợp lý là không thể. Thái độ của chúng ta đối với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu cũng hết sức thiếu trách nhiệm. Những hành động phù hợp đòi hỏi phải phân biệt rõ những gì có thể biết, những gì có thể dự đoán, và những việc nên làm dựa trên phân tích về tình hình thế giới. Nhưng phản ứng của thế giới đối với biến đổi khí hậu lại hết sức phi lý và đầy cảm xúc, thiếu tầm nhìn dài hạn, và chỉ phục vụ cho lợi ích chính trị và tài chính.
Ô nhiễm đại dương và khí quyển ngày càng gia tăng gây ra 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là vấn đề chung, do đó cần có một cách tiếp cận toàn cầu, tuy nhiên đó là điều mà hiện nay vẫn đang thiếu. Trong vòng 50 năm qua, tỷ lệ dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị đã tăng từ 1/3 lên 1/2, và dự kiến sẽ đạt 2/3 vào năm 2050. Các thành phố đang phát triển quá nhanh, tạo ra những vấn đề mới khó kiểm soát, từ cung cấp nước sạch, lương thực, năng lượng, đến giao thông công cộng, ùn tắc giao thông và xử lý chất thải. Theo dự đoán vào năm 2050, 3 tỷ cư dân thành thị sẽ sống trong cảnh nghèo đói.
Máy tính đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Robot đang chiếm lĩnh thế giới, người ta chế tạo xe tự hành và phát triển du lịch vũ trụ thay vì cố gắng giải quyết những vấn đề sát sườn của con người. Máy tính được cho là sẽ giải phóng con người khỏi những công việc nhàm chán nhất và cho phép chúng ta phát triển trí tuệ. Nhưng chúng ta đã không trở nên khôn ngoan hơn. Cái mà chúng ta lạm dụng gọi là trí tuệ nhân tạo đã robot hóa cuộc sống xã hội, chiếm lấy đầu óc và trái tim chúng ta, vùi mặt vào điện thoại thông minh, đưa chúng ta vào một thế giới ảo nơi chỉ những câu hỏi “thường được hỏi” mới có cơ hội được trả lời. Mạng xã hội lan truyền sự dối trá và xúc phạm, thúc đẩy sự tầm thường và thô tục, cho phép các chính trị thu thập lượng “người theo dõi” (followers) và “lượt thích” (likes) đằng sau những tư tưởng chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của mình và cuối cùng cản trở các cuộc tranh luận thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta.
Để đối mặt với những thách thức này, chúng ta cần một nền quản trị mạnh và có tầm nhìn xa. Sự thiếu vắng nền quản trị như vậy ngày càng rõ ràng và khiến ta đau đớn khi chứng kiến. Sự suy thoái của nền dân chủ, như Pericles và Thucydides hình dung cách đây 25 thế kỷ, đã đạt đến đỉnh điểm tại Hoa Kỳ với nhiệm kỳ Tổng thống gần đây của Donald Trump, một hình mẫu của sự thô tục, bất lương và coi thường các giá trị mà chúng ta coi đó là nền tảng đạo đức của mình. Sự bất lực của chế độ hiện nay trong việc bảo vệ Hoa Kỳ khỏi những hành vi sai trái đã bộc lộ sự mong manh của các nền dân chủ phương Tây trước chủ nghĩa cực đoan. Trên toàn thế giới, ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy trong quản trị quốc gia đã liên tục gia tăng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thiển cận của người dân để phục vụ lợi ích và tham vọng của những chính trị gia.
Nhưng phản ứng của thế giới đối với biến đổi khí hậu lại hết sức phi lý và đầy cảm xúc, thiếu tầm nhìn dài hạn, và chỉ phục vụ cho lợi ích chính trị và tài chính.
Những nguyên tắc cơ bản của khoa học bị xâm phạm
Trong một thế giới như vậy, người ta nghĩ rằng các nhà khoa học sẽ ở tuyến đầu đấu tranh cho lý trí và đạo đức chống lại sự thiếu hiểu biết và mê tín. Nhưng không phải vậy.
Các nhà quản lý khoa học che giấu sự thiếu năng lực của mình bằng cách phát minh ra đủ loại tiêu chí, mà họ cho rằng có thể dùng để đánh giá chất lượng những công trình khoa học; xếp hạng đại học và xếp hạng tạp chí sử dụng nhiều chỉ số khác nhau mà họ đã tạo ra, được cho là để định lượng giá trị của công việc nghiên cứu. Những người được gọi là phụ trách nhân sự đo lường chất lượng công việc của các nhà khoa học bằng số lượng bài báo đăng tải hằng năm và bằng chất lượng giả định của các tạp chí. Như tôi đã viết trong một bài viết trước, Peter Higgs [giải thưởng Nobel 2013] sẽ là một nhà vật lý có trình độ rất thấp theo những tiêu chí của họ. Các nhà khoa học đã không phản đối những xu hướng này và thay vào đó đã cúi đầu trước các nhà quản lý.
Những người kém nghiêm túc nhất đã tự biến mình thành tội phạm không thể chấp nhận được của đạo đức khoa học, chẳng hạn như để tên mình là tác giả của những bài báo mà họ không đóng góp gì. Vài năm trước, NAFOSTED đã ban hành một tuyên bố về liêm chính khoa học1, được thúc đẩy bởi những cuộc tranh luận trong cộng đồng, sau những hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng được phanh phui ở Việt Nam2. Nhân dịp này, một mạng lưới Facebook gọi là Liêm chính khoa học3 đã được thành lập; về phần mình, tôi đã viết các bài báo trên Tia Sáng4 và Thanh Niên5. Tuyên bố của NAFOSTED được lấy cảm hứng từ Tuyên bố Singapore6 nêu lên các nguyên tắc cơ bản chung về đạo đức khoa học nhưng cần được tuân thủ trong nước7. Vào thời điểm đó, tôi nhận xét rằng cuộc tranh luận ở Việt Nam không có dấu hiệu đi đến hồi kết8 và hình ảnh của đất nước ở góc độ này khá kém. Tôi tuyên bố rằng “những người có thể cải thiện tình hình là những người có trách nhiệm đưa đất nước tiến bộ về năng lực và liêm chính, những người có trách nhiệm chèo lái đất nước theo di sản của Hồ Chí Minh9; những người có thể giải phóng các hội học thuật khỏi những điều cấm kỵ hiện đang làm tê liệt hoạt động của họ và khuyến khích các cuộc tranh luận nhằm tìm ra những cách hiệu quả nhất để có năng lực và liêm chính hơn; những người có thể khôi phục lại sự tôn trọng hơn đối với các giá trị tri thức trong nước, khuyến khích thế hệ trẻ suy nghĩ với tư duy phản biện”. Tôi cũng nhận xét rằng việc công bố Tuyên bố của NAFOSTED là một cơ hội tuyệt vời để VUSTA tuyên bố công khai tuân thủ vô điều kiện với tuyên bố này và khuyến khích các hội thành viên tổ chức các cuộc tranh luận cởi mở trong cộng đồng về các vấn đề về liêm chính khoa học. Hành động như vậy sẽ mang đến cho các hội học thuật Việt Nam cơ hội thể hiện thái độ tích cực và có trách nhiệm của mình trong vai trò là tiếng nói của các nhà khoa học mà họ đại diện. Tôi cũng bày tỏ hy vọng được thấy các tổ chức hàng đầu như VAST, MOST, MOET và các trường đại học công lập và tư thục lớn tuyên bố công khai ủng hộ hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của Tuyên bố Singapore. Nhưng điều đó không xảy ra. Thật vậy, cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục diễn ra10. Như Nguyễn Tấn Đại đã nhận xét trong một bài báo gần đây trên Thanh Niên11, những hành vi vi phạm liêm chính khoa học cơ bản như vậy đang gây tổn hại đến khoa học và giáo dục và cuối cùng là người nộp thuế: ông viết rằng chính phủ đầu tư để phát triển tiềm năng nghiên cứu và đào tạo của các trường đại học và viện nghiên cứu, nhưng khoản đầu tư này lại hướng sai mục tiêu.
Chúng ta cần thể hiện rõ ràng sự tuân thủ tuyệt đối và vô điều kiện của cộng đồng chúng ta đối với các nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học nếu chúng ta hy vọng công việc của mình được tôn trọng.
Một nghiên cứu gần đây12 đã đưa ra bằng chứng về sự gia tăng đáng kể hành vi xuất bản cực đoan (được định nghĩa là đăng hơn 60 bài báo mỗi năm) đặc biệt mạnh trong lĩnh vực vật lý. Nó đang trở nên phổ biến một cách đáng lo ngại trong các lĩnh vực khoa học với tỷ lệ tăng nhanh ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Những hành vi như vậy đang báo hiệu sự suy giảm nhanh chóng các tiêu chuẩn về tác giả và cần phải bị lên án nghiêm khắc thay vì tiếp tục tranh luận như hiện nay.
Một minh chứng khác, tinh vi hơn nhưng cũng có hại hơn về sự vô trách nhiệm trong cộng đồng khoa học đã được Ulf Büntgen thảo luận gần đây trên tạp chí Nature13. Tác giả bày tỏ mối quan ngại về các nhà khoa học khí hậu lại trở thành nhà hoạt động khí hậu và về các nhà hoạt động khí hậu mạo nhận là nhà khoa học. Ông lưu ý đến hiện tượng đan xen giữa khoa học và chính sách, trong đó các quyết định chính trị được cho là không có giải pháp thay thế nào (vì chúng được xác định trước về mặt khoa học) và phần lớn cộng đồng khoa học chấp nhận vai trò phụ thuộc vào xã hội (vì có nghĩa vụ đạo đức rõ ràng). Ông lập luận rằng niềm tin bán tôn giáo vào (thay vì hiểu biết về) các nguyên nhân và hậu quả phức tạp của biến đổi khí hậu và môi trường làm suy yếu các nguyên tắc học thuật. Tất nhiên, không có gì sai khi các nhà khoa học đưa ra quan điểm công khai về các vấn đề khí hậu; họ nên được khen ngợi vì đã làm như vậy. Nhưng trong vai trò như vậy, họ phải lên án các hành vi xấu thường được các nhà hoạt động sử dụng, chẳng hạn như sử dụng thông tin một cách có chọn lọc hoặc quy kết quá mức các vấn đề cho sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, và do đó chính trị hóa biến đổi khí hậu và môi trường. Họ thường không làm như vậy, gây tổn hại đến uy tín của nghiên cứu của họ và gây ra phản ứng dữ dội của công chúng, chính trị và kinh tế.
Các nhà hoạt động khí hậu tuyên bố cái mà họ gọi là sự đồng thuận khoa học về tính cấp thiết của quá trình phi carbon hóa “Phát thải ròng bằng 0 (net-zero)”. Như Richard Lindzen14 đã tuyên bố, “Sự đồng thuận như vậy cũng được Hitler tuyên bố là để thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái và hệ tư tưởng chủng tộc hoặc được Stalin tuyên bố là để thúc đẩy chủ nghĩa Lysenko; nó cho phép những công dân có trình độ học vấn cao, những người không biết gì về khoa học, có thể xoa dịu nỗi lo lắng vốn có do sự thiếu hiểu biết của họ: vì tất cả các nhà khoa học được cho là đều đồng ý, nên họ không cần phải hiểu khoa học”.
Các nhà khoa học nên là những người đầu tiên tuyên bố quyết tâm tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học. Họ có trách nhiệm tuân thủ quy tắc ứng xử ngụ ý trong một hoạt động nghiên cứu khoa học tốt. Diễn đàn tự nhiên mà họ có thể bày tỏ sự tuân thủ của mình đối với những quy tắc như vậy là các hiệp hội học thuật. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội là không đủ. Chúng ta cần thể hiện rõ ràng sự tuân thủ tuyệt đối và vô điều kiện của cộng đồng chúng ta đối với các nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học nếu chúng ta hy vọng công việc của mình được tôn trọng.□
Phạm Ngọc Điệp dịch
1 https://nafosted.gov.vn/ban-hanh-quy-dinh-ve-liem-chinh-nghien-cuu-ap-dung-doi-voi-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-do-quy-phat-trien-khcn-quoc-gia-tai-tro/
2 https://thanhnien.vn/ngay-cang-nhieu-nha-khoa-hoc-dang-bai-bao-quoc-te-khong-ghi-noi-minh-lam-viec-post1405954.html?fbclid=IwAR36-OQKOHAMrMLszrU4YPto1eUkN_AGe9RuWJ1iHnNnIzcO8ySkkpxJ7oE
FgQGAzw0oWlMfoQZKg4Y7xIz-dSsxplIuWFazlnamaasdCZCRdj0
3 https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/
4 Scientific integrity: NAFOSTED shows us the way
5 https://thanhnien.vn/thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-khong-nen-tang-thu-hang-mot-cach-gia-tao-post992125.html
6 www.singaporestatement.org
7 When it comes to good practice in science, we need to think global but act local, Editorial,Nature 576, 181 (2019)
Resnik, D. and Shamoo, A., 2011, The Singapore Statement on Research Integrity, Accountability in Research, 18, 71.
8 https://thanhnien.vn/ro-thong-tin-ung-vien-xet-gs-pgs-2021-dang-bai-tren-tap-chi-gia-mao-post1430453.html
https://thanhnien.vn/can-xu-ly-nghiem-ung-vien-gs-pgs-gui-bai-dang-o-tap-chi-mao-danh-post1430948.html
https://thanhnien.vn/sieu-nhan-lam-dich-vu-dang-bai-bao-de-tinh-diem-xet-gs-pgs-post1432083.html
https://thanhnien.vn/khach-hang-cua-sieu-nhan-lam-dich-vu-dang-bai-tinh-diem-xet-gs-pgs-la-ai-post1432260.html
https://thanhnien.vn/vi-sao-ton-tai-thi-truong-soi-dong-mua-ban-bai-bao-khoa-hoc-post1432800.html
https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/can-huy-vinh-vien-ho-so-ung-vien-gs-pgs-dang-bai-o-tap-chi-mao-danh-post224542.gd?fbclid=IwAR3aP2dmXp3tPR66BEq8M33uEPTGrcKO8Zm_DBmfCa3TOWHd8M1-EHbrxyo
9 These statements are from Hô Chi Minh, Against Corruption, Wastage and Bureaucraty (1952), On Revolutionary Morality (1958), Elevating our Revolutionary Morality and Fighting Individualism (3 February 1969).
10 Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế : https://thanhnien.vn/chieu-tro-de-truong-dai-hoc-duoc-xep-hang-quoc-te-post985588.html
Thị trường ngày càng sôi động : https://thanhnien.vn/mua-ban-bai-bao-khoa-hoc-thi-truong-ngay-cang-soi-dong-post985589.html
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Sẽ có quy định về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu : https://thanhnien.vn/se-co-quy-dinh-ve-liem-chinh-hoc-thuat-va-dao-duc-nghien-cuu-post987753.html
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Chất lượng bài báo quốc tế đến đâu? https://thanhnien.vn/thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-chat-luong-bai-bao-quoc-te-den-dau-post988084.html
Ứng viên đăng bài với địa chỉ cơ quan khác cần được làm rõ khi xét GS, PGS : https://thanhnien.vn/xet-gs-pgs-lam-ro-viec-khi-ung-vien-dang-bai-voi-dia-chi-co-quan-khac-post996379.html
11 https://thanhnien.vn/ban-bai-khoa-hoc-ai-duoc-ai-mat-185231113230843295.ht
12 Ioannidis, J.P.A., Collins, T.A. & baas, J., 2024, https://doi.org/10.1101/2023.11.23.568476
13 Büntgen, U. The importance of distinguishing climate science from climate activism. npj Clim. Action 3, 36 (2024). https://doi.org/10.1038/s44168-024-00126-0
14 https://clintel.org/net-zero-will-be-a-disaster/