Sự thật về ‘miễn dịch’ Covid-19 ở Nam Á: Bài học mới về dữ liệu
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những vấn đề hiện hữu của Nam Á như cơ sở hạ tầng y tế không tương xứng với quy mô dân số, thiếu chuyên gia, thiếu dữ liệu hoặc nếu có thì không đủ tin cậy... Do đó những giả thiết đưa ra nhằm giải thích tại sao sự thiệt hại chính thức về Covid – 19 ở nơi này lại thấp hơn so với thực tế.
Tại một trung tâm xét nghiệm di động ở New Delhi, Ấn Độ, những người đeo khẩu trang đứng chờ được xét nghiệm xem có bị mắc coronavirrus không.
Với 1,94 tỷ người, Nam Á là mái nhà của gần một phần tư dân số thế giới. Khu vực này, bao gồm tám quốc gia – Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan, Bhutan, Maldives, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal – là nơi nghèo, mật độ dân số cao và gần gũi về địa lý với Trung Quốc, nơi SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên. Đại dịch Covid-19 bị coi là “một cơn bão kinh hoàng” cho vùng đất này: đến cuối tháng sáu, Nam Á có 765.082 ca được xác nhận nhiễm bệnh và 19.431 người chết, bằng khoảng 8,5% tổng lây nhiễm toàn cầu và 4,1% số người chết trên thế giới.
Nhiều nguyên nhân đã được đề xuất để giải thích tại sao Nam Á ít người bị nhiễm: khí hậu nhiệt đới, được bảo vệ bằng một loại vaccine chống lao Bacillus Calmette-Guérin (BCG), sự phơi nhiễm với bệnh sốt rét, và một chủng virus yếu đang có mặt ở tiểu lục địa Ấn Độ. Dẫu vậy, Quanta đã trao đổi với 15 chuyên gia y tế và bệnh truyền nhiễm trên giới, các nhà nghiên cứu và miễn dịch học, tất cả đều cảnh báo những lý giải có dựa trên rất ít bằng chứng khoa học.
Để hiểu điều gì đằng sau sự gia tăng chậm chạp số người nhiễm Covid-19 ở Nam Á, hãy xem xét Afghanistan. Bộ Y tế nước này ước tính vào ngày 24/3 là 80% dân số của quốc gia này có thể bị nhiễm Covid-19 trong vòng năm tháng – kết quả là hơn 25 triệu người có thể bị nhiễm và có thể 110.000 người chết. Với ước tính đó thì tỷ lệ tử vong khoảng 0,4%, thấp hơn một cách đáng kể với tỷ lệ 1,4% ở New York. Và đến ngày 22/6 thì chỉ có 29.143 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 598 người chết.
Các con số thấp này không miêu tả được tình trạng thực tế, các chuyên gia cho biết. Nicholas Bishop, một cán bộ phản hồi trường hợp khẩn cấp ở Kabul của Tổ chức Di cư quốc tế LHQ (IOM), cho rằng, trên cơ sở ngoại suy của dữ liệu xét nghiệm, con số thật của các trường hợp nhiêm Covid-19 ở Afghanistan là hàng triệu người, “vì việc lây truyền ở mức độ cộng đồng là khắp 34 tỉnh thành.” Các tỷ lệ xét nghiệm nghèo nàn, cơ sở hạ tầng y tế không tương xứng với quy mô dân số, xung đột bạo lực cùng với những nguyên nhân khác đã che đậy sự lan tràn thực tế của lây nhiễm.
“Afghanistan hiện mới chỉ xét nghiệm được 646 người trên một triệu người,” Bishop nhận xét. “Đây là một trong những tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất thế giới và nó giải thích tại sao tổng số các ca được xác nhận chính thức vẫn còn ở mức thấp. Việc xét nghiệm gặp nhiều trở ngại bởi sự giới hạn của các xét nghiệm với những vật liệu liên quan như các bộ kit tách chiết RNA, hóa chất, các nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm đủ kỹ năng, các nhóm lấy mẫu phản hồi nhanh, phạm vi hoạt động của họ còn bị hạn chế bởi những cuộc xung đột leo thang”.
Các giả thiết
Có lẽ lý lẽ chứng minh phổ biến nhất liên quan đến số lượng các ca nhiễm Covid-19 và lượng tử vong thấp được tường thuật ở Nam Á là khí hậu nóng ẩm của vùng này. Ví dụ vào tháng tư, chính quyền Trump loan báo những phát hiện từ một nghiên cứu mới cho rằng loài coronavirus mới mất hiệu lực với sự gia tăng của ánh nắng, nhiệt và độ ẩm. Dẫu vậy thì các chuyên gia khác đã phản đối bởi điều này không có mối tương quan nào về cơ chế tồn tại của virus. WHO cũng cảnh báo là nhiệt độ cao không ngăn ngừa được dịch Covid-19.
Các nhân viên y tế Sri Lanka tới một điểm lấy mẫu ở Columbo.
“Tôi không thấy có một cơ chế hợp lý để giải thích mối liên hệ của việc lan truyền virus với khí hậu,” Sadie Ryan, một chuyên gia y tế toàn cầu và nhà địa y tế tại trường Đại học Florida, nói. “Theo nghĩa rộng, chúng ta có thể thấy những liên kết theo mùa trong năm khi con người quy tụ lại, có thể làm gia tăng các nguy cơ rủi ro lây nhiễm, ví dụ các điều kiện ở trường học thường chỉ dấu khả năng lây nhiễm trực tiếp dịch bệnh truyền nhiễm như cúm.” Các xu hướng lan truyền Covid-19 có thể rất đa dạng với sự “tiếp tay” của khí hậu theo nghĩa đó nhưng nó cũng có thể không phụ thuộc trực tiếp của khí hậu.
Giả thuyết khác bao gồm vaccine BCG, một phương thức tiêm chủng có tuổi đời cả trăm năm để phòng lao đã được khoác cái áo “thay đổi cuộc chơi” trước coronavirus chủng mới. Tại các quốc gia Nam Á, khi vaccine được sử dụng một cách phổ biến trong nhiều thập kỷ, nó được cho là con người ít mẫn cảm hơn với Covid-19 do BCG tạo ra sự miễn dịch.
Để tìm hiểu bằng chứng này vào tháng tư, WHO đã kiểm tra ba nghiên cứu vẫn trong quá trình bình duyệt, trong đó các tác giả đã quan sát tỷ lệ mắc Covid-19 của những quốc gia đã từng dùng vaccine BCG nhiều năm. Sau đó, WHO kết luận là “nhiều nghiên cứu về sinh thái học mang tính thiên kiến do có những yếu tố gây nhiễu,” bao gồm sự khác biệt trong những thống kê dân số quốc gia, các tỉ lệ xét nghiệm Covid-19, và giai đoạn tiến triển đại dịch ở từng quốc gia.
Lý lẽ thứ ba về vị trí của tiểu lục địa Ấn Độ như một điểm bất thường trong đại dịch là do một chủng virus yếu hơn đã lưu hành trong vùng. Trên tài khoản Twitter ngày 24/3, chính trị gia Subramanian Swamy viết là ông có nghe nói chủng Covid-19 tại Ấn Độ là “một biến dị ít độc tính nhất,” vốn có thể bị “cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chúng ta” đánh bại. Nhiều người khác cũng đưa ra nhận xét tương tự, tất cả đều bị các nhà virus học bác bỏ do thiếu căn cứ.
Con virus này đã thay đổi, và những biến thể ở từng nơi đã xuất hiện, theo Raul Rabadan, giám đốc Chương trình Hệ gene học tính toán tại trường Đại học Columbia và là tác giả cuốn sách Understanding Coronavirus (Hiểu về Coronavirus). “Câu hỏi quan trọng là liệu có bất kỳ sự khác biệt nào trong số này là chức năng hoặc chỉ là một đoạn đột biến cùng virus,” ông nêu vấn đề. “Không có bằng chứng thuyết phục nào về việc bất kỳ đột biến nào liên quan tới khả năng lây nhiễm hoặc độc tính.”
Rabadan cũng bác bỏ đề xuất là số lượng người bị lây nhiễm thấp ở Nam Á có thể do có sự ‘can dự” của việc một lượng lớn dân số bị phơi nhiễm với thuốc kháng sốt rét – cụ thể thuốc này là hydroxychloroquine. Tổng thống Trump đã coi loại thuốc này là “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến với coronavirus vào đầu tháng tư nhưng vào ngày 15/6, dựa trên những kết quả các ca điều trị lâm sàng được triển khai trên diện rộng và ngẫu nhiên tại các bệnh viện, Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm FDA tuyên bố là thuốc chống sốt rét “không làm suy giảm khả năng tử vong của bệnh nhân hoặc phục hồi nhanh”.
Cuộc chiến vì dữ liệu đáng tin cậy
Dẫu Covid-19 đã đặt nghiên cứu dịch tễ học vào trung tâm, vấn đề lớn nhất là tìm được dữ iệu đáng tin cậy, theo đánh giá của các nhà khoa học. Thật khó cho các nhà dịch tễ học thu thập dữ liệu trong suốt thời kỳ đại dịch, cụ thể là khi thông tin được phát sinh từ vô số những nguồn tạp nham. Các nhà khoa học hiện đang thực hiện những xét nghiệm khác nhau, sử dụng những cách định nghĩa khác khau hoặc các phương pháp khác nhau, và sử dụng những khoảng cách thời gian khác nhau trên khắp những khu vực địa lý khác nhau. Những điều thiếu nhất quán này khiến cho khó để tập hợp hoặc so sánh dữ liệu, Abbate nói, ngay cả khi có đủ các nguồn đầu tư và cơ sở hạ tầng tại chỗ phục vụ nghiên cứu. Mặt khác, cũng cần thời gian và nỗ lực để phát triển các cơ chế chia sẻ dữ liệu thành các hệ thống có thể lưu trữ các kết quả xét nghiệm ẩn danh mà không cản trở đến khả năng truy cập dữ liệu.
“Phần lớn các hệ thống y tế không được thiết lập để bảo vệ quyền riêng tư của các kết quả và số lượng xét nghiệm trên quy mô lớn và nhanh chóng, điều đó dẫn đến việc thiếu nhất quán giữa các nghiên cứu khác nhau,” Abbate nói. “Ngay cả cách tính số liệu tử vong cũng khác nhau giữa địa điểm, với cùng số người chết trong bệnh viên hoặc chỉ những người được xác nhận là đã chết vì virus. Dĩ nhiên đó là điều không mới nhưng nó nhấn mạnh vào sự cần thiết có những tiêu chuẩn quốc tế về mặt đạo đức và các cơ chế báo cáo phù hợp.”
Vấn đề khác là sự phụ thuộc vào những nghiên cứu cũ về các loài coronavirus khác, để một số nhà khoa học đưa ra nhanh câu trả lời và so sánh tương quan giữa các loài. Ví dụ, tuyên bố về thời tiết nhiệt đới làm giảm tỷ lệ tử vong SARS-CoV-2 là dựa trên cơ sở nghiên cứu về loài coronavirus khác – đạt đỉnh lây nhiễm vào mùa đông và biến mất vào mùa xuân. Dẫu vậy nhưng quan sát đó có thể không đúng với mầm bệnh mới.
Hơn 29.400 bài báo về SARS-CoV-2 và bệnh dịch Covid- 19 xuất hiện kể từ tháng Giêng năm 2020. Nhiều bài báo đã được tải lên các kho dữ liệu mở dưới dạng tiền ấn phẩm, chưa được bình duyệt. Các tiền ấn phẩm có thể tăng cường việc chia sẻ dữ liệu nhanh hơn giữa các nhà khoa học nhưng chúng cũng cho phép các tài liệu còn nghi ngờ nhảy vào những diễn đàn công cộng mà không được khảo sát kỹ lưỡng.
Các nhà khoa học cảnh báo, kết luận dựa trên dữ liệu không hoàn thiện hoặc sai lệch cho rằng Nam Á là kẻ ngoài lề đại dịch có thể gây tai hại. “Nó khuyến khích các nhà khoa học đi vào tìm hiểu những con đường khác nhau”, Genco nói. “Nhưng đến khi các nghiên cứu được chứng minh, các chính phủ có thể sẽ dựa vào đó để không có biện pháp bảo vệ dân chúng nào. Có thể là thiếu trách nhiệm khi hành động theo những lý thuyết kiểu như vậy”, bởi vì hậu quả có thể là thảm họa.
Những giải thích hợp lẽ hơn
Theo một bài báo gần đây do Patel là đồng tác giả trên The Lancet, cho đến đầu tháng 5/2020, những quốc gia giàu nhất thế giới chiếm hơn 90% các trường hợp tử vong vì Covid -19. Dữ liệu nhân khẩu số từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh thiết lộ, độ tuổi là một trong những rủi ro lớn nhất của dịch bệnh. Tại Mỹ, bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm tới 80% số người chết vì coronavirus mới. Tiểu lục địa Ấn Độ có dân số trẻ hơn với độ tuổi trung bình 27,6 và các chuyên gia cho rằng đây là một trong những giải thích hợp lý hơn về sự tương quan giữa trường hợp lây nhiễm và tử vong vì Covid -19 ở Nam Á.
“Nếu xem xét châu Âu, phần lớn trường hợp tử vong là người già, nhiều người trong số họ sống ở nhà dưỡng lão,” Adnan Khan, một nhà nghiên cứu y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm ở Islamabad, chỉ ra. Tương phản, có rất ít người lớn tuổi ở Ấn Độ ở nhà dưỡng lão, họ thường sống cùng gia đình nên ít bị rủi ro hơn. Theo một phân tích trên The Wall Street Journal, lượng tử vong giữa các nhân viên và người ở các viện dưỡng lão lên tới 40% tổng số tử vong vì Covid -19 tại Mỹ.
Vào trung tuần tháng ba, khi đại dịch tiếp tục lan tràn khắp thế giới, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường năng lực xét nghiệm như một cách để phá vỡ chuỗi lây nhiễm Covid -19. “Anh không thể chiến đấu với cặp mắt bị bịt kín,” Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng thư ký WHO nói trong một buổi họp báo. “và chúng ta không thể chặn đại dịch nếu chúng ta không biết ai bị lây nhiễm. Vì vậy chúng tôi gửi một thông điệp đơn giản tới các quốc gia: xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm.”
Phần lớn các quốc gia Nam Á vẫn còn có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất thế giới. Vào ngày 21/6, Ấn Độ mới đạt 4,9 xét nghiệm trên 1.000 người, khác biệt so với 75,7 xét nghiệm trên 1.000 dân ở Mỹ, 70,4 ở Tây Ban Nha, 62,5 ở Anh và 116,5 ở Nga. Các quốc gia khác ở Nam Á cũng có những con số ảm đạm: 4,9 xét nghiệm trên 1.000 người ở Pakistan, 4,6 ở Nepal và 3,4 ở Bangladesh.
Tại Afghanistan, việc thiếu xét nghiệm đẩy quốc gia này tới một thảm họa nhân đạo. Theo Bishop, bởi vì lượng dân số sống ở các khu vực bị các nhóm vũ trang vô chính phủ kiểm soát không thể được xét nghiệm nên việc khớp các thông tin thống kê về sự lan tràn của dịch bệnh không thể thực hiện được.
Với tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất Nam Á, Bangladesh đã nâng năng lực xét nghiệm vào tháng năm nhưng điều đó vẫn còn chưa đủ, Salim Uzzaman, một nhà miễn dịch học về bệnh truyền nhiễm ở Viện nghiên cứu Dịch tễ học, Kiểm soát và nghiên cứu bệnh dịch tại Dhakam cho biết. “Năng lực xét nghiệm đúng là yếu tố chính để nắm được toàn bộ số liệu các ca nhiễm bệnh”. Nhưng bởi vì các nhà dịch tễ học còn thiếu các bộ kit kháng thể đủ nhạy một cách thích đáng nên họ không thể thực hiện được “một sự giám sát cộng đồng” giúp họ hiểu hơn về sự lan truyền bệnh dịch.
Bhutan và Maldives dường như ngoại lệ với hồ sơ xét nghiệm nghèo nàn của các quốc gia Nam Á. Bhutan với 30,29 xét nghiệm trên 1.000 dân và Maldives 69,36 xét nghiệm trên 1.000 dân ở vị thế tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác trong vùng. Dẫu vậy thì theo Mathur, chiến lược giám sát và truy dấu có thể phát huy kết quả ở quốc đảo, việc xét nghiệm tìm ra trường hợp dương tính có thể dẫn đến việc có thể xét nghiệm tất cả những người tiếp xúc với người bệnh. Do đó, Bhutan và Maldives, với dân số lần lượt là 771.600 và 540.500 người, chỉ chiếm 0,068% tổng dân số Nam Á.
Các chuyên gia cho rằng, một nguyên nhân khác liên quan đến tổng số các ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Nam Á có thể là do thiếu hồ sơ tài liệu về trường hợp tử vong.
Các chuyên gia tin rằng số liệu Covid-19 ở Nam Á ở mức thấp bởi vì việc đóng cửa sớm và nghiêm ngặt đã làm chậm lại việc đạt đỉnh dịch. Ví dụ Pratik Khanal, một nhà nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Nepal, nói, một bệnh đóng cửa toàn quốc gia đã được ấn định vào ngày 24/3 tại Nepal, một ngày sau trường hợp thứ hai được phát hiện và chỉ kết thúc vào ngày 14/6.
“Lệnh đóng cửa đã hạn chế người dân đi lại, dẫn đến việc hoãn các chuyến bay nội địa và quốc tế cũng như các dịch vụ không thiết yếu”, Khanal nhấn mạnh. Điều này giúp chính phủ có thêm thời gian để mở rộng thêm các cơ sở xét nghiệm từ 1 đến con số 19 trên khắp đất nước, để dò theo những tiếp xúc của những người bị lây nhiễm, và chuẩn bị các cơ sở y tế để kiểm kê các trường hợp. Tuy vậy, Nepal vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để kiểm soát đại dịch và chính phủ phải “điều động cả bệnh viện tư vào xét nghiệm.”
Tại Ấn Độ và những quốc gia Nam Á khác, nơi những hạn chế của lệnh đóng cửa đang được nới lỏng thì số lượng người nhiễm và chết lại tăng nhanh. “Ấn Độ đã đóng của toàn bộ đất nước, vì vậy rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc dừng tỷ lệ lây nhiễm của virus,” Thomas Abraham, một chuyên gia về truyền thông rủi ro bệnh tật tại trường Đại học Hong Kong và cựu cố vấn WHO. Uzzaman đồng ý với quan điểm này và cho rằng lệnh đóng cửa quốc gia sớm của Bangladesh vào ngày 26/3 đã làm giảm bớt số ca nhiễm nhưng “thách thức vẫn còn cho bất kỳ quốc gia nào muốn kiểm soát đại dịch.”
Con đường phía trước
Mathur nhấn mạnh là không quốc gia Nam Á nào ngoại lệ với đại dịch. Hơn 200 quốc gia có người chết vì Covid-19, bất luận ở điều kiện nóng, lạnh, độ ẩm cao và những điều kiện thời tiết khác. “Tôi có thể tự tin nói rằng một người ở bất kỳ độ tuổi nào, di truyền nào, chủng tộc và tôn giáo nào cũng có thể nhiễm virus này. Đây là điều quan trọng để hiểu rằng ai cũng có thể dễ bị nhiễm,” ông nói.
Tiềm năng tăng tốc độ lây nhiễm ở phần lớn các quốc gia Nam Á đặc biệt đáng lo ngại bởi việc đầu tư cho y tế công cộng vẫn còn ở mức rất thấp. Theo dữ liệu từ Ngân hàng thế giới, Bangladesh đầu tư 2,27% GDP cho y tế công cộng vào năm 2017, trong khi ở Mỹ là 17,06% và Áo là 10,4%, 8.84% ở Italy và 9,47% ở Brazil. Số liệu ở các quốc gia khác trong vùng cũng đáng báo động: 2.9% ở Pakistan, 3.19% ở Bhutan và 3,53% ở Ấn Độ. Còn Maldives và Afghanistan thậm chí khá hơn, lần lượt là 9,03% và 11,78%.
Các số liệu đó đều khiến họ gặp vấn đề trước khủng hoảng y tế này. Vào năm 2018, GDP trên đầu người cho toàn bộ Nam Á chỉ là 1.900 USD, trong khi EU là 35.600 USD và 62.900 của Mỹ. Do đó những gì dành cho y tế của Nam Á chỉ là một phần rất nhỏ với những gì các quốc gia giàu có thể làm với mỗi người bệnh.
Do giới hạn đầu tư cho y tế nên phần lớn các cơ sở hạ tầng y tế ở những quốc gia Nam Á đều tơi tả vì chống đỡ đại dịch. Bangladesh, India, Pakistan, Nepal và Afghanistan thậm chí còn không có bệnh viện cho cả nghìn người bệnh. Số liệu về các bác sĩ còn vô vọng hơn: Pakistan và Sri Lanka chỉ có một chuyên gia cho 1.000 người và Maldives là bốn. Năm quốc gia còn lại thậm chí còn chỉ một chuyên gia trên 1.000 người.
Các chuyên gia lo ngại ở Nam Á, đại dịch có xu hướng phát triển theo quỹ đạo tương tự với những gì đã thấy ở các quốc gia bị ảnh hưởng khác. Abraham nói có thể ảnh hưởng của nó sẽ là ba hoặc bốn năm. Với những gì đang diễn ra “Nam Á phải tập trung vào sự sẵn sàng ngăn ngừa kiểm soát và quản lý Covid-19 của hệ thống y tế, và cả hậu quả kinh tế xã hội của bệnh dịch”, Khanal cho biết.
Và để kết thúc, cần phải có một dữ liệu dịch tễ học tốt hơn. Jha mượn tên cuốn tiểu thuyết của Márquez để nhấn mạnh, “chúng ta không chỉ yêu trong thời thổ tả mà còn yêu cả dữ liệu”. □
Thanh Phương dịch
Nguồn: https://www.quantamagazine.org/why-south-asias-covid-19-numbers-are-so-low-for-now-20200623/