Suy nghĩ về điện hạt nhân sau sự cố Fukushima

 Nhân dân Nhật Bản cùng bạn bè quốc tế vừa tưởng niệm 1 năm kể từ ngày đồng xảy ra ba thảm họa (động đất – sóng thần – hạt nhân)  ở đông bắc Nhật Bản, gây ra những tàn phá thiệt hại rất lớn cho đất nước và người dân, với tai nạn kinh hoàng tại nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Fukushima Dai-ichi. Những phóng sự nóng hổi cùng nhiều thông tin tổng kết chi tiết sự cố Fukushima chắc chắn đã và đang làm rất nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ và trăn trở về quá trình phát triển ĐHN với tất cả những mặt phải và trái của công nghệ phức tạp bậc nhất thế giới này.

Cùng với sự phát triển liên tục của công nghệ ĐHN kết hợp với những thành tựu tiên tiến của công nghệ tin học trong kỹ thuật điều khiển, kiểm tra tự động… ĐHN cho đến trước ngày 11/3/2011 đã được đa số chuyên gia khoa học hạt nhân khẳng định là có độ an toàn cao nhất có thể. Tuy nhiên, sự cố kinh hoàng tại nhà máy ĐHN Fukushima Dai-ichi với mức độ vượt qua các chỉ tiêu tới hạn của lò phản ứng hạt nhân được tính toán, dự trù phòng ngừa từ trước thực sự là một cú sốc đối với cộng đồng ĐHN quốc tế. Sau nhiều tháng điều tra khảo sát kỹ lưỡng, một bản báo cáo độc lập hơn 500 trang cùng rất nhiều phụ lục chi tiết đã được công bố trong tháng 12/2011 và một lần nữa lỗi lầm tắc trách đáng tiếc của con người (trước và sau sự cố) được khẳng định là khá nghiêm trọng và góp phần đưa sự cố Fukushima đến mức độ thảm họa hạt nhân như vậy. Sự cố hạt nhân Fukushima cũng đã được khẳng định là có ảnh hưởng trầm trọng nhất đến quá trình phát triển ĐHN trên thế giới, hơn cả hai sự cố ở Three-Mile Island và Chernobyl [1].

Sau sự cố Fukushima, nhiều quốc gia có ĐHN phát triển đã lập tức trì hoãn lại kế hoạch xây dựng mới các lò phản ứng ĐHN, còn CHLB Đức và Thụy Sỹ thì chính thức quyết định từ bỏ công nghệ ĐHN mặc dù ĐHN hiện vẫn đang cung cấp một sản lượng điện khá lớn ở 2 quốc gia này. Ngay tại Nhật Bản, trong số 54 lò phản ứng ĐHN với công suất ~ 47500 MW chỉ có 2 lò đang hoạt động, số còn lại đang được kiểm định an toàn khắt khe nhất và chắc chắn nhiều lò phản ứng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn như 6 lò phản ứng ĐHN ở Fukushima.

Rất đáng lo là hiện nay chúng ta gần như ở trong tình thế bị động phải tin vào những cam kết an toàn của nhà thầu nước ngoài cho lò phản ứng nhà máy ĐHN Ninh Thuận mà không có cơ sở phản biện quốc tế độc lập nào cũng như thiếu trình độ tri thức hạt nhân nội lực đủ mạnh để có thể hiểu và nắm được các chi tiết kỹ thuật của lò phản ứng do nhà thầu đưa ra, đánh giá được độ an toàn của nó. 

Trước thảm họa 11/3/2011, Nhật Bản đã được cộng đồng quốc tế xếp hạng là quốc gia duy trì được khả năng ứng phó sự cố, tai nạn ĐHN của các cơ quan chức năng (quốc phòng, giáo dục, y tế…) ở mức cao nhất, cùng ý thức kỷ luật cộng đồng và hiểu biết an toàn hạt nhân trong xã hội Nhật rất cao. Thực tế cho thấy là cả công ty quản lý vận hành nhà máy ĐHN Fukushima (TEPCO) cùng một số cơ quan trách nhiệm của Nhà nước đã để xảy ra khá nhiều sai sót và nếu không có tinh thần ngoan cường, ý thức tự giác, kỷ luật trật tự đến mức kính phục của người dân Nhật thì mức độ thảm họa 11/3 có thể còn ghê gớm hơn rất nhiều [1]. Vì thế mà tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA gần đây đã có khuyến cáo cần rà soát lại toàn bộ các bộ quy tắc ứng phó sự cố ĐHN, với cập nhật những bài học từ Fukushima.

Những thách thức rất lớn đang đứng trước cộng đồng ĐHN quốc tế, với những trăn trở nên hay không nên theo đuổi việc phát triển ĐHN đang ám ảnh giới lãnh đạo của nhiều quốc gia.     

Ngay sau khi xảy ra sự cố Fukushima lãnh đạo cao cấp của tất cả các quốc gia có ĐHN đã có ngay những chỉ đạo khẩn cấp rà soát chi tiết lại các công trình, dự án ĐHN của mình. Tất nhiên, đây cũng là dịp để các quốc gia đang có kế hoạch phát triển ĐHN như Việt Nam kiểm tra, thẩm định lại một cách nghiêm túc nhất các dự án ĐHN (kể cả dự án còn đang nằm trên giấy tờ) làm sao cho việc phát triển ĐHN được triển khai với mức cẩn trọng cao nhất, đảm bảo một tương lai phát triển an toàn và bền vững cho dân tộc.

Trong tình hình thực tế như vậy, những nỗi băn khoăn, thậm chí là hoang mang của không ít người trong chúng ta về dự án ĐHN của Việt Nam là không tránh khỏi và các cơ quan có trách nhiệm quản lý, quy hoạch và xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam phải có những hoạt động thiết thực để có được niềm tin và sự ủng hộ của xã hội trong việc phát triển ĐHN. Ông Yanko Yanev, giám đốc chương trình tri thức hạt nhân của IAEA[2], đã khẳng định trong một hội thảo tổ chức gần đây tại Hà Nội rằng ĐHN phải được đặt chắc chắn trên một kiềng 3 chân: Lòng tin của cộng đồng vào ĐHN – Trách nhiệm cao nhất trong sử dụng và vận hành ĐHN – Tri thức hạt nhân luôn được duy trì và phát triển. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng và củng cố được chân kiềng đầu tiên, chân kiềng 2 cũng chỉ tồn tại hình thức trong giấy tờ, công văn liên quan tới ĐHN, còn chân kiềng 3 thì vô cùng yếu kém. Với mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển trong những năm sau 2020, việc phát triển ĐHN ở Việt Nam đã được Chính phủ lựa chọn như một giải pháp cần thiết cho phát triển kinh tế bền vững, với việc nhà máy ĐHN đầu tiên được quyết định xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, việc rất cần được làm ngay là khảo sát, thẩm định lại một cách nghiêm túc nhất dự án ĐHN của Việt Nam với cập nhật những bài học từ Fukushima, trên cơ sở tư vấn, phản biện quốc tế độc lập (công ty phản biện phải không được có bất kỳ liên quan quyền lợi nào với nhà thầu tương lai của dự án) và từ đó xác định được thời điểm và các điều kiện tối ưu cho việc khởi công xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Việc phản biện quốc tế độc lập cho dự án ĐHN nước ta là việc đã được khuyến cáo từ trước [3], và đây là việc cần phải làm, ngay cả khi nhà thầu nước ngoài cho dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam đã được chọn. Rất đáng lo là hiện nay chúng ta gần như ở trong tình thế bị động phải tin vào những cam kết an toàn của nhà thầu nước ngoài cho lò phản ứng nhà máy ĐHN Ninh Thuận mà không có cơ sở phản biện quốc tế độc lập nào cũng như thiếu trình độ tri thức hạt nhân nội lực đủ mạnh để có thể hiểu và nắm được các chi tiết kỹ thuật của lò phản ứng do nhà thầu đưa ra, đánh giá được độ an toàn của nó.  

Mặc dù Chính phủ đã có quyết định cụ thể triển khai và khởi công dự án ĐHN Ninh Thuận trong vòng 2 năm nữa, Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa sẵn sàng cho việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của mình. Cho đến nay chúng ta vẫn chỉ đang ở trong quá trình hoàn thiện chương trình tổng thể phát triển ĐHN ở Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA và các đối tác quốc tế có ĐHN phát triển như LB Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… Một yêu cầu cấp thiết của chương trình này là xây dựng và quy tụ đủ được một đội ngũ nhân lực trình độ cao đủ khả năng tiếp thu công nghệ phức tạp của ĐHN và trực tiếp vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên của đất nước. Đây cũng là một trong những khuyến cáo của ông Yanko Yanev tại hội thảo về tri thức hạt nhân ở Hà Nội. Sự thật rất đáng lo hiện nay là Việt Nam hoàn toàn vẫn khuyết một đội ngũ nhân lực như vậy mặc dù đã có nhiều quyết sách quan trọng được Nhà nước đưa ra trong những năm gần đây. Khác với đầu tư kinh doanh thông thường, đầu tư xây dựng nhân lực khoa học & công nghệ (KH&CN) trình độ cao là một quá trình lâu dài bền bỉ, đòi hỏi chi phí lớn kèm những chính sách đãi ngộ cạnh tranh nhất trên thị trường. Vấn đề này đã được các cấp lãnh đạo KHCN nước nhà nêu ra từ nhiều năm nay nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đang xoay xở trong những ràng buộc của cơ chế cứng nhắc và quản lý chồng chéo, chưa triển khai đồng bộ được một chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân tầm quốc gia, cùng chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút tài năng trẻ vào các lĩnh vực khoa học hạt nhân. Trong  hoàn cảnh khó khăn như vậy, để kịp theo tiến độ đã lựa chọn, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đặt hoàn toàn hi vọng và tin cậy của mình vào nhà thầu nước ngoài: LB Nga cho nhà máy ĐHN thứ nhất và Nhật Bản cho nhà máy ĐHN thứ hai của Việt Nam (2 quốc gia đã phải chịu 2 thảm họa ĐHN lớn nhất cho đến nay). Về vấn đề này GS Phạm Duy Hiển, một chuyên gia lâu năm trong ngành hạt nhân của nước nhà, đã khẳng định “chạy theo tiến độ là điều tối kỵ trong xây dựng nhà máy ĐHN, nó sẽ chôn vùi bao nhiêu sai sót và khuyết tật trong núi hồ sơ do các công ty nước ngoài cung cấp”[4]. Rõ ràng là với đội ngũ nhân lực yếu kém cùng các điều kiện hạ tầng cơ sở kinh tế & kỹ thuật khác của Việt Nam còn chưa được phát triển tương ứng (chưa nói đến tiền vốn đầu tư xây dựng ĐHN phải vay gần như toàn bộ từ chính nhà thầu nước ngoài), việc khởi công xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận vào năm 2014 là quá sớm so với khả năng của chúng ta, nhất là trong hoàn cảnh các quốc gia khác đều đang tập trung rà soát lại các dự án ĐHN của mình để có được những quyết định đúng đắn cho giai đoạn phát triển ĐHN sau thảm họa Fukushima. Việc Việt Nam theo đuổi “vội vã” một chương trình ĐHN đầy tham vọng (xây dựng 12 lò phản ứng trong 10 năm) thực sự đã gây kinh ngạc trong cộng đồng quốc tế[5]. Với những yếu kém cố hữu đã phân tích ở trên thì đây là hiện tượng đáng lo ngại.

Việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên phải là một khâu hợp lý trong một chương trình phát triển năng lượng tổng thể bền vững, tiết kiệm và an toàn của đất nước.

Một lộ trình “nước rút” xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta đã được lựa chọn dựa trên quy hoạch điện năng quốc gia. Tuy nhiên, chiến lược phát triển điện của Việt Nam dường như vẫn tập trung chủ yếu vào các chỉ số tăng trưởng sản lượng điện, với các kịch bản khác nhau về độ tăng nhu cầu điện được đưa vào trong quy hoạch xây dựng các nhà máy điện mới. Chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể bao nhiêu phần trăm nhu cầu điện trong tương lai phải được bù trừ từ thành quả của các chương trình và dự án tiết kiệm điện, chống phung phí trong phân phối và sử dụng điện. Theo những thống kê, phân tích gần đây thì hiện nay bình quân GDP/đầu người của Việt Nam là khoảng 1000 USD kèm với bình quân tiêu thụ điện/đầu người khoảng 1000 kWh/năm. Nếu so sánh với những con số này của Philippines và Indonesia cách đây 10 năm khi họ cũng đã có mức GDP/đầu người khoảng 1000 USD nhưng chỉ tiêu thụ bình quân khoảng 500 kWh/năm, thì thấy ngay là Việt Nam xài điện quá lãng phí. Đây là hệ quả tất yếu của một hệ thống mạng lưới cung cấp điện còn lạc hậu, của một nền công nghiệp còn tràn lan sử dụng nhiều hệ máy móc cũ cùng dây chuyền sản xuất chưa được tối ưu cho tiết kiệm điện… thêm vào đó là không ít lượng điện bị lãng phí bởi tác phong kém ý thức của người dân. Tình trạng báo động này đang thực sự đòi hỏi một tư duy đổi mới trong quy hoạch điện của Việt Nam. Nếu một dự án tiết kiệm điện và năng lượng tầm quốc gia giúp chúng ta giảm bình quân tiêu thụ điện năng trên đầu người khoảng 30 – 40% thì hiệu ứng kinh tế sẽ còn hơn rất nhiều so với nhà máy ĐHN đầu tiên dự kiến xây dựng ở Ninh Thuận, với công suất tổng của 2 tổ lò phản ứng hạt nhân là 2000 MW, chỉ tương đương khoảng 10% tổng công suất điện của Việt Nam (tính theo quy hoạch cho năm 2010 mà đã chưa thực hiện được). Rõ ràng là còn rất nhiều điều phải suy nghĩ, cân nhắc và cần làm ngay đối với giới quản lý công nghiệp điện của Việt Nam và việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên phải là một khâu hợp lý trong một chương trình phát triển năng lượng tổng thể bền vững, tiết kiệm và an toàn của đất nước.

Từ khía cạnh kinh tế, với những giải pháp công nghệ phức tạp mới được phát triển trong những năm tới nhằm đảm bảo nhà máy ĐHN tương lai có thể đứng vững được trước những thảm họa thiên tai tương tự như Fukushima, giá thành của ĐHN chắc chắn sẽ leo thang lên những kỷ lục mới. Những đánh giá mới nhất cho thấy giá thành ĐHN sắp tới sẽ trở nên tương đương với giá thành điện sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch như điện gió và điện Mặt trời… Bức tranh triển vọng toàn cầu là ĐHN trong tương lai sẽ được phát triển với nhịp độ chậm và chỉ được triển khai sau khi các khả năng sản xuất điện từ thủy điện và các nguồn năng lượng sạch khác đã được sử dụng triệt để [6]. Chắc không phải ai cũng biết là sản lượng điện gió trên thế giới đang là một lĩnh vực tăng trưởng luôn ở mức 2 con số (xấp xỉ 30% trong những năm gần đây). Ngoài ra, các cơ sở điện Mặt trời quy mô ngày càng lớn đang được xây dựng khắp nơi, đáng kể nhất là dự án điện Mặt trời đang được các tập đoàn năng lượng châu Âu triển khai tại vùng Tây xa mạc Sahara ở Bắc Phi, với vốn đầu tư nhiều chục tỷ Euro. Là một nước đi đầu châu Âu trong lĩnh vực này, CHLB Đức đã chọn một lộ trình cụ thể đưa sản lượng điện gió và điện Mặt trời lên tới ~ 15% tổng sản lượng điện ở quốc gia ôn đới này. Trung Quốc thì ngay từ năm 2004 đã có quyết tâm đưa sản lượng điện từ các nguồn năng lượng sạch lên tới 16% trong năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2007, quốc gia có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất hành tinh đã chi 82 tỷ Nhân dân tệ cho phát triển các nguồn điện sạch. Việt Nam, một đất nước nhiệt đới gió mùa có tổng lượng ánh nắng Mặt trời trên đơn vị diện tích không kém gì Bắc Phi, lại có vẻ khá thờ ơ với việc phát triển các nguồn điện sạch không hạt nhân. Đã đến lúc Nhà nước phải có quyết sách mạnh mẽ đầu tư lớn vào lĩnh vực này, cho dù nhu cầu vốn có thể nhiều hơn các dự án điện truyền thống nhưng đây là những nguồn điện sạch, không phát tán khí CO2, rất thân thiện môi trường và chúng xứng đáng có vị trí ngang với (hoặc cao hơn) ĐHN trong quy hoạch điện tổng thể của Việt Nam.
——-
*Viện Khoa học & Kỹ thuật hạt nhân

1.    “Nuclear energy – The dream that failed”, The Economist, issue March 13 – 16, 2012; http://www.economist.com/node/21549098
2.    http://www.iaea.org/inisnkm/nkm/index.html
3.    Đào Tiến Khoa, “Lộ trình 5 bước cho nhà máy điện hạt nhân”, Tia Sáng, số 07, tháng  4/2009.
4.    Phạm Duy Hiển, “Bài học Fukushima – một năm nhìn lại”, Tuổi trẻ cuối tuần, số ngày 10/03/2012.
5.   http://www.nytimes.com/2012/03/02/world/asia/vietnams-nuclear-dreams-blossom-despite-doubts.html?
6.    “Nuclear energy – The prospects over the rainbow”, The Economist, issue March 13 – 16, 2012; http://www.economist.com/node/21549096

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)