Tái cơ cấu quản lý KH&CN trong nông nghiệp

 Nghiên cứu khoa học (NCKH) tác động đến phát triển xã hội qua ba con đường có liên quan mật thiết với nhau là văn hóa-dân trí, công nghệ-sản xuất và quyết định chính sách. Sẽ rất tai hại nếu nói khoa học chỉ nghiên cứu những đề tài thiết thực, nhà trường chỉ dạy những gì thiết thực, mà khái niệm “thiết thực” lại được hiểu đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế trước mắt đơn thuần. Quá nhấn mạnh mục tiêu kinh tế chính là quên đi vai trò động lực kinh tế của NCKH thông qua mặt trận giáo dục và dân trí. Tỷ lệ sản phẩm NCKH được thương mại hóa thành công và số bài báo khoa học công bố quốc tế là hai đầu ra đều hết sức quan trọng của NCKH, và là thước đo của công tác quản lý KH&CN. Chất lượng nghiên cứu càng cao, khả năng thương mại hóa sản phẩm càng lớn. 

Không thể có một nền nông nghiệp hiện đại nếu thiếu vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ KHCN.  Không một đất nước hiện đại nào mà ở đó lại có một nền nông nghiệp lạc hậu cả! Muốn vậy, không chỉ khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên, mà ngay cả khoa học kỹ thuật nông nghiệp cũng phải chấp nhận và hướng tới các chuẩn mực quốc tế, điều đó chẳng những sẽ giúp ta tiến lên mà còn gỡ bỏ các tấm bình phong dung túng cho tiêu cực và lãng phí. 

Về tư tưởng chỉ đạo, phải coi NCKH là đầu tàu cho một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại. Vì vậy, trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cơ sở nghiên cứu cần được đầu tư xứng tầm với những đóng góp KH&CN thực tế của họ, trong đó cần và phải đầu tư để xây dựng các trường đại học nghiên cứu về nông nghiệp theo các chuẩn mực của các nước có nền KH&CN phát triển, để các nhà khoa học có thể đóng góp thiết thực giúp chuyển hóa cả một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, chứ không phải kết quả NCKH chỉ là nhằm phục vụ xây dựng một vài mô hình, một vài điểm sáng để trình diễn theo kiểu trồng cây gì nuôi con gì như hiện nay. 

Để tái cơ cấu quản lý KH&CN trong nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trước hết phải có đề tài nghiên cứu toàn diện về đóng góp của KH&CN trong phát triển nông nghiệp sau 30 năm đổi mới. 

Chính phủ cần có những đề tài hay chương trình nghiên cứu khoa học tổng kết nền nông nghiệp nước nhà sau 30 năm đổi mới, trong đó dứt khoát phải có đề tài nghiên cứu toàn diện về đóng góp của KH&CN trong phát triển nông nghiệp ở giai đoạn này. (Thực ra, chúng ta đã có những báo cáo tổng kết mang tiêu đề tương tự, nhưng rõ ràng là đa số các nhà khoa học không hài lòng về những báo cáo ấy.) Việc ‘ôn cố tri tân’ là rất cần, để có thể hiểu được tại sao chương trình giống cây trồng của chúng ta đã tạo ra hàng trăm giống lúa, nhưng không giống nào tạo ra được sự cạnh tranh hay có thương hiệu trên thị trường gạo thế giới; trong khi một thời gian dài, ‘người hàng xóm’ Thái Lan của chúng ta chỉ tập trung vào việc cải tiến các giống tiềm năng là Khao Dawk Mali,  Khao Hom Klong Luang và Khao Hom Suphanburi và Jasmine (giống nhập nội từ Hoa Kỳ); còn Ấn Độ thì nhiều năm liên tục tập trung cải tiến các tính trạng của giống Basmati 370; ngay như ‘ông nhà giàu’ Hoa Kỳ trong nhiều năm cũng chỉ tập trung nghiên cứu trên ba giống lúa thơm đặc sản là Dellrose, Della và Jasmine 85. Nhờ thế mà chúng ta sẽ hiểu được một cách có ngọn ngành bao nhiêu tiền thuế của dân thì tạo ra được một giống mới, một tiến bộ kỹ thuật mới, một sáng chế độc quyền, v.v… được nông dân thực sự đón nhận, ‘giá’ một bài báo đăng trên các tạp chí thuộc ISI là bao nhiêu; chúng ta sẽ hiểu được tại sao lại xuất hiện cụm từ ‘giống TC5’ trong giới các nhà chọn tạo giống cây trồng. Chúng ta sẽ phải trả lời tại sao lại có hiện tượng có những cơ quan NCKH ‘làm mọi thứ’, dường như các đề xuất ý tưởng NCKH mới của các nhà khoa học trẻ vừa được đào tạo bài bản từ các nước có nền KHCN tiên tiến trở về đều đã được các cơ quan/ tổ chức này ‘nghiên cứu’ cả  rồi, và tất nhiên là ý tưởng nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ này bị các cơ quan quản lý khoa học kiểu vừa ‘hành chính’ vừa ‘quan liêu’ gạt ra ngoài do ‘người ta đang làm rồi, ngày xưa làm rồi, không có gì mới…..’; và, như một hệ quả tất yếu, không ít các nhà khoa học trẻ được đào tạo tử tế, đầy hoài bão cống hiến này đành phải ngậm ngùi quay trở lại các phòng thí nghiệm nước ngoài, nơi họ vừa được đào tạo, hoặc tìm chỗ đứng mới trong các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài ở Việt Nam… Có bao nhiêu thiết bị, chế phẩm và quy trình công nghệ làm ra từ các đề tài NCKH, hoặc đem trưng bày ở các TECHMART, được thương mại hóa đại trà thành công? Mặc dù có rất nhiều chương trình như chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ dài hạn như chương trình giống, chương trình công nghệ sinh học… nhưng tại sao chúng ta chưa có cây chuyển gene made in Vietnam, chưa có gia súc nhân bản vô tính, chưa có xoài như xoài Thái, chưa có dưa thơm như dưa thơm Trung Quốc? Tại sao ngày càng thưa vắng các nhà khoa học đầu đàn, các ‘tổng công trình sư’ của nền nông nghiệp nước nhà?, v.v… Rộng hơn, chúng ta còn có thể trả lời được câu hỏi tại sao vị thế của khoa học Việt Nam nhiều năm nay vẫn không được cải thiện, mặc dù ngân sách nhà nước cứ tăng đều hằng năm theo GDP? Tại sao những ý tưởng công bằng, dân chủ và tự chủ hằng chỉ đạo thiết kế và thực thi mô hình quản lý khoa học hiện nay (từ tuyển chọn, đấu thầu, xét duyệt, nghiệm thu đề tài, cho đến Nghị định 115) lại chưa phát huy tác dụng? Tại sao khoa học công nghệ của ta chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế? Tại sao khoa học công nghệ của ta tụt hậu so với khu vực và thế giới? Vì sao chúng ta chưa có hoặc có rất ít sản phẩm quốc gia? Nguyên nhân có phải do chúng ta chưa tập trung đầu tư mà còn dàn trải quá lớn, có phải cơ chế xin – cho đã kìm chân chúng ta, có phải do chúng ta đã đầu tư chưa đúng chỗ, chưa đúng người? Chưa đúng việc? Có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? v.v…

Vì sao chương trình giống cây trồng của chúng ta đã tạo ra hàng trăm giống lúa giàu phẩm chất, nhưng chưa giống nào tạo ra được sự cạnh tranh hay có thương hiệu trên thị trường gạo thế giới ?

Hy vọng là, kết quả nghiên cứu của các đề tài, chương trình nghiên cứu như thế sẽ giúp các nhà làm chính sách về quản lý KH&CN thấy được lỗi/hạn chế của chính sách và thể chế là những gì, lỗi/hạn chế do tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ nằm ở đâu, và lỗi/hạn chế từ chính các nhà khoa học là những gì; nhờ thế, hy vọng và tin là chúng ta mới có được những thay đổi (nếu không muốn nói là đổi mới căn bản và toàn diện như cách người ta hay nói và thích nói hiện nay) trong chính sách KH&CN. Từ đó có thể giúp tìm ra một mô hình phát triển KH&CN khác với hiện nay, tạo ra sinh khí mới cho các đơn vị nghiên cứu, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực của phát triển kinh tế – xã hội.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)