Tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản ở các nước đang phát triển

Trong hai ngày 7 và 8 tháng 7 vừa qua tại Quy Nhơn, tôi có dịp dự cuộc hội nghị “Khoa học Cơ bản với Xã hội”, trong đó tôi được mời tham gia một tọa đàm bàn tròn về “Tầm quan trọng của việc theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước đang phát triển”.


Nhà vật lý đoạt giải Nobel 2004 David Gross kêu gọi ủng hộ các nỗ lực theo đuổi khoa học cơ bản.

Sự kiện được tổ chức tại một địa điểm tuyệt đẹp là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), được sáng lập bởi Trần Thanh Vân. Đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond, chuỗi hội nghị quốc tế uy tín mà ông Vân cùng vợ của ông, bà Kim, đã nỗ lực thúc đẩy suốt nửa thế kỷ qua. Ông Vân rất mát tay trong việc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chất lượng hàng đầu, bao gồm chuỗi sự kiện Gặp gỡ Blois và  Gặp gỡ Việt Nam – sự kiện lần này chính là  Gặp gỡ Việt Nam thứ 12. Hội nghị năm nay vinh hạnh có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn: những người đoạt giải Nobel gồm David Gross và Jerome Friedman (vật lý), Kurt Wüthrich (hóa học), Finn Kydland (kinh tế), nhà toán học đoạt giải Field Ngô Bảo Châu, cùng lãnh đạo và cựu lãnh đạo của nhiều tổ chức khoa học, học thuật, v.v. Về phía Việt Nam đại diện là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân. Bài diễn văn khai mạc của ngài Phó Thủ tướng ghi nhận vai trò to lớn của khoa học và các nhà khoa học trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và nêu rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, coi việc tài trợ cho khoa học là một ưu tiên hàng đầu.

 Phát biểu sau ông Vũ Đức Đam, David Gross có bài trình bày rất hay, kêu gọi ủng hộ các nỗ lực theo đuổi khoa học cơ bản, với các luận điểm khúc chiết, sinh động, và không hề bỏ sót điểm quan trọng nào. Ông nhắc nhở cử tọa – khoảng 150 nhà khoa học và nhà quản lý trên toàn thế giới – rằng tri thức khoa học là một di sản chung phụng sự lợi ích của toàn nhân loại. Cùng nhiều diễn giả uy tín khác, ông nhận định rằng nếu các nước đang phát triển không dành đủ nỗ lực và các tài nguyên đầu tư vào khoa học cơ bản thì họ sẽ không bao giờ thực sự phát triển; họ sẽ chỉ trở thành nơi tiêu thụ những công nghệ sẵn có mà chẳng thể tự sáng chế. Ông lưu ý rằng theo các số liệu mà Ngân hàng Thế giới công bố, hằng năm Việt Nam chỉ mới chi 0,21% GDP cho R&D, thấp mười lần so với Trung Quốc.

 Buổi chiều ngày đầu tiên cùng toàn bộ ngày thứ hai của hội nghị được dành cho bảy tọa đàm bàn tròn với nội dung từ khoa học cơ bản ở các nước đang phát triển, tới vai trò khoa học cơ bản với các lĩnh vực như phát triển bền vững, hòa bình, y tế, cơ chế thúc đẩy giáo dục, tri thức, công nghệ toàn cầu, và với giáo dục mở cùng hợp tác kinh tế.    

 Cuộc tọa đàm bàn tròn đầu tiên có Lars Brink, cựu chủ tịch hội đồng giải Nobel Vật lý, làm chủ tọa, Kurt Wüthrich là diễn giả chính, Ngô Bảo Châu, Yu Lu (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), K.K. Phua (Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiên tiến Singapore) và tôi cùng tham gia điều phối. Kurt Wüthrich nhấn mạnh rằng không có ranh giới rõ ràng giữa ‘nghiên cứu cơ bản’ và ‘nghiên cứu ứng dụng’, mà chỉ có khác biệt giữa ‘nghiên cứu chất lượng cao’ và nghiên cứu chất lượng thấp. Ông nêu một số ý mà tôi xin trích nguyên văn: 

 − Mỗi quốc gia, dù trong giai đoạn phát triển nào, đều phải theo đuổi nghiên cứu chất lượng cao trong điều kiện kinh tế cho phép. Cuộc thảo luận của chúng ta chỉ nên tập trung vào việc làm sao để tổ chức nghiên cứu đạt chất lượng cao, thay vì đặt câu hỏi liệu nó có mang lại lợi ích cho quốc gia này hay quốc gia khác.

 − Thực trạng giáo dục bậc cao và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang đòi hỏi chính phủ đưa ra một “Sách Trắng” trong đó xác định một chiến lược khả thi hướng tới tương lai. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của chính phủ, trong đó phải chỉ ra phương hướng và giải pháp đào tạo đội ngũ bác sỹ và kỹ sư chất lượng cao, nhằm đảm bảo chất lượng y tế cộng đồng và kết cấu hạ tầng của đất nước. Song song với đó, cần thành lập một số ít các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Việc lựa chọn hướng nghiên cứu của chúng một mặt dựa trên tác động nhắm tới trong công tác đào tạo bác sỹ và kỹ sư, mặt khác dựa trên đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc sẵn có để dẫn dắt các trung tâm này.

 − Số lượng các trung tâm xuất sắc phải rất hạn chế, đảm bảo nguồn tài chính dành cho chúng đủ để xây dựng và vận hành tốt cơ sở hạ tầng. Trong đó bao gồm chi phí để thiết lập các vị trí nhân sự kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng cao trong lắp đặt và vận hành các thiết bị quan trọng. Hơn nữa, cần thấy rằng nghiên cứu chất lượng cao ở các nước phát triển đòi hỏi thuê khoán toàn thời gian đối với nghiên cứu sinh và đội ngũ làm postdoc. Các trung tâm nghiên cứu xuất sắc cần có nguồn kinh phí tài trợ cho việc thuê khoán này. 

 − Theo đuổi nghiên cứu chất lượng cao ở mỗi quốc gia sẽ tạo nền tảng cho sự hợp tác thiết thực với các quốc gia khác.

 − Việc thông thạo một ngôn ngữ phổ biến trong khoa học (có thể thấy đó là tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai tới đây) là một lợi thế quan trọng cho các nhà khoa học thế hệ tương lai. Vì vậy, đào tạo ngoại ngữ là rất cần đối với các bậc giáo dục chuẩn bị cho nghiên cứu ở bậc đại học. 

 − Để đảm bảo chất lượng nghiên cứu cao, cần có một hệ thống đánh giá các dự án nghiên cứu cũng như các kết quả của những nghiên cứu được tài trợ. Đặc biệt trong các lĩnh vực mới, rất cần một hệ thống đánh giá bình duyệt, trong đó có sự tham vấn ý kiến từ các nhà khoa học quốc tế giàu uy tín trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu được cân nhắc.

 Yu Lu và K.K. Phua dẫn chiếu kinh nghiệm của Trung Quốc và Singapore – các trường hợp được một số diễn giả khác coi là ví dụ điển hình – và chỉ rõ tầm quan trọng của tài trợ từ chính phủ cho khoa học cơ bản. 

Ngô Bảo Châu nhấn mạnh yêu cầu về thu nhập cho giảng viên và nhà nghiên cứu phải ở mức đảm bảo họ có thể dành toàn thời gian và tâm sức cho khoa học; khi nhà khoa học phải đi làm thêm công việc thứ hai để nuôi gia đình thì chất lượng giảng dạy, nghiên cứu không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể. Châu cho rằng các bậc phụ huynh ở Việt Nam ngày nay tin rằng con cái họ nếu theo học các ngành kinh tế hay tài chính thì sẽ có tương lai tốt hơn so với theo đuổi các ngành khoa học. Chúng ta cần thay đổi quan niệm lệch lạc này, cho họ thấy rằng các nhà khoa học và kỹ sư trẻ cũng có thể sống một cách tương đối sung túc, và quan trọng hơn, có một cuộc sống giàu ý nghĩa. Châu còn đưa ra một nhận xét rất lý thú và khá thuyết phục: “ở các nước phương Tây, trên nhiều phương diện khoa học đã chiến thắng sự mê tín. Chiến thắng này có tác động to lớn trong việc giải phóng con người khỏi tình trạng dân trí lạc hậu. Nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, cuộc chiến này vẫn đang tiếp diễn. Như vậy, công việc làm khoa học ở một nước phát triển cũng đồng thời phục vụ cho một sứ mệnh cao cả, đó là theo đuổi nỗ lực khai sáng mà Isaac Newton từng khởi xướng trước đây.”

Về phần mình, tôi bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng phát triển văn hóa và giáo dục là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ, và lý do tốt nhất để chúng ta tài trợ khoa học và giáo dục chính là thực tế rằng khoa học là nơi giáo dưỡng những phẩm chất thiết yếu để có được sự tiến bộ ở mỗi quốc gia: đạo đức và sự nghiêm khắc trong học thuật, thái độ tôn trọng dành cho tri thức, tính chuyên nghiệp, sự chính trực không lay chuyển trước can thiệp của cường quyền. Tôi nhấn mạnh rằng, để thành công chúng ta cần tin tưởng thế hệ trẻ nhiều hơn so với hiện nay, về điểm quan trọng này tôi đã trình bày khá chi tiết trong hội thảo. Tôi kết luận bằng việc khẳng định vai trò của các nhà khoa học trong việc phục hồi đạo đức và sự nghiêm khắc học thuật, thái độ tôn trọng tri thức, sự chính trực, và lý tưởng đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân:

 “Chúng ta nên có tham vọng học hỏi từ các nền văn hóa khác, thay vì luôn coi mình là hình mẫu cho thế giới. Ham muốn khám phá, sự nghiêm túc, quảng đại, và nhìn xa trông rộng là các phẩm chất của một thái độ đúng đắn cố hữu gắn với khoa học, điều mà chúng ta, các nhà khoa học, phải tận tâm cam kết. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm thúc đẩy một nền khoa học phi biên giới; và có trách nhiệm phục hồi những giá trị trí tuệ và đạo đức phục vụ cho sự đề cao nhân phẩm con người. Tài sản chân chính của một đất nước là ở trí não và trái tim của nhân dân, chứ không phải trong các két sắt ngân hàng”. 

 Trước khi kết thúc báo cáo ngắn ngủi này, cho phép tôi nói vài điều về ICISE, nơi đã bắt đầu có hình hài của một trung tâm hội nghị quốc tế chất lượng hàng đầu. Đó là một thành công đáng biểu dương. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tỉnh Bình Định, trung tâm được khánh thành từ ba năm trước. Nằm ở một địa điểm rất đẹp giữa những quả đồi và bãi biển, cơ sở này có một hội trường lớn với 350 ghế, hai phòng họp mỗi phòng 40 ghế, một căng tin và các phòng làm việc. Một trung tâm khoa học, bao gồm khán đài khám phá thiên văn, đang được xây dựng bên cạnh sẽ sớm thu hút đông đảo công chúng tham quan. Chúng ta có thể đi máy bay tới Quy Nhơn từ Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, mất chừng một tiếng tới tiếng rưỡi. Từ tháng Sáu tới tháng Mười hai năm nay sẽ có không dưới mười lăm cuộc hội thảo và khóa đào tạo nối tiếp nhau gần như không ngừng. Kế hoạch năm 2017 dự kiến sẽ còn nhiều sự kiện hơn nữa. Mong ước hiện nay của ông Vân là xây dựng tại ICISE một nhóm nghiên cứu cố định, trong đó một nửa là các nhà khoa học Việt Nam, một nửa là các nhà khoa học nước ngoài. Điều này rất tham vọng, nhưng Vân đã cho thấy ông có thể làm nên những phép lạ. Các nhà khoa học Việt Nam nên được khuyến khích cùng tham gia để khai thác Trung tâm một cách tốt nhất thông qua tổ chức các hội thảo và khóa đào tạo tại đây.  

Thanh Xuân dịch

Tác giả