Tăng cường kiểm tra các đối tác nghiên cứu quốc tế đang ảnh hưởng không nhỏ đến khoa học

Việc tăng cường kiểm tra về các đối tác nghiên cứu quốc tế đang ảnh hưởng không nhỏ đến khoa học, khiến nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy nhụt chí khi thực hiện các dự án với đồng nghiệp Trung Quốc và thậm chí làm thay đổi quan điểm của các nhà khoa học gốc Trung Quốc đang sống và làm việc ở Canada.

Nỗ lực tăng cường về an ninh của chính phủ Canada về các hợp tác nghiên cứu quốc tế đã dẫn đến một bầu không khí sợ hãi, qua đó khiến một số nhà khoa học quyết định dừng nộp hồ sơ đề xuất xin tài trợ còn những người khác thì lại lặng lẽ chấm dứt hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc.

Chính sách mới mà chính phủ Canada mới ban hành đòi hỏi các nhà nghiên cứu Canada có thêm một bản khai đánh giá rủi ro quốc gia với những nghiên cứu có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Ban đầu chính sách này mới chỉ được áp dụng ở quy mô nhỏ và trong khuôn khổ tài trợ của của Hội đồng nghiên cứu khoa học tự nhiên và kỹ thuật Canada (NSERC). Tuy nhiên vào tháng ba vừa qua, chính phủ đã mở rộng chính sách này ở một số tổ chức tài trợ cho nghiên cứu như Cơ quan tài trợ nghiên cứu Y sinh Canada và Cơ quan tài trợ Cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học sinh học Canada.

Trước tác động của chính sách mới, U15, một hiệp hội gồm các trường đại học top đầu của Canada, hy vọng là có thể chỉ có một số rất ít hồ sơ bị loại nhưng rút cục, chỉ có 14 trong số 48 đề xuất được mà NSERC chấp thuận, 34 hồ sơ còn lại đã bị từ chối.

Các nhà khoa học gửi đề xuất đều tránh không nói về nguyên nhân khiến hồ sơ của họ bị loại, David Robinson, giám đốc điều hành Hiệp hội Giảng viên các trường đại học Canada (CAUT), lo ngại nói. “Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu là liệu có nên kháng cáo hay tìm hiểu những thông tin giải thích vấn đề”, Robinson nói. “Tôi nghĩ hiện giờ tình hình rất căng thẳng. Chúng tôi vẫn chờ để xem chính quyền liên bang sẽ tiếp tục làm gì với quy định này”.

Trong vài năm gần đây, Canada không phải là quốc gia duy nhất tăng cường giám sát với các dự án nghiên cứu quốc tế. Sau cuộc họp của nhóm G7 vào tháng 6/2022, các quốc gia này đều tinh chỉnh lại các hướng dẫn tài trợ của mình. EU cũng phát triển chính sách an ninh với khẩu hiệu “càng mở càng tốt và càng an ninh càng cần thiết”.

Nhật Bản cũng triển khai một hệ thống để chính phủ có thể phê chuẩn các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế trước khi cho phép họ tham gia vào nghiên cứu có yếu tố dân sự, quân sự và công nghệ, theo trangUniversity World News. Mỹ mới ra bộ hướng dẫn hoàn thiện Bản ghi nhớ an ninh quốc gia để chống lại khả năng bị đánh cắp sản phẩm R&D.

Hiện tại Chính phủ Canada đang tiến từng bước tới việc đặt chính sách mới này vào các trường đại học. Trong ngân sách dành cho khoa học năm 2022 của Canada có dành một khoản tiền để xây dựng năng lực nhận diện, đánh giá và loại bỏ rủi ro khỏi các trường đại học, đồng thời thiết lập một trung tâm an ninh nghiên cứu tại Cơ quan Kiểm soát an toàn công Canada, một tổ chức có chức năng điều phối việc quản lý tình trạng khẩn cấp.

Các biện pháp này hướng đến mục tiêu ngăn ngừa các hoạt động tình báo nước ngoài và chuyển giao tri thức độc quyền có thể giúp tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh cũng như năng lực của các nhóm, các tổ chức có khả năng trở thành mối nguy của Canada, theo Louis-Carl Brissette-Lesage, người phát ngôn của Cơ quan Kiểm soát an toàn công Canada. Trung tâm này bắt đầu cung cấp tư vấn và truy vết nguy hiểm cho các trường đại học và sẽ phát triển các công cụ an ninh nghiên cứu, theo Justin Simard, người phát ngôn Cơ quan Đổi mới sáng tạo, Khoa học và phát triển kinh tế Canada.

Chính sách này không nêu cụ thể nguy cơ từ các quốc gia nào trên thực tế thì những nhà khoa học gốc Trung Quốc đều cảm thấy “chột dạ” khi biết chính quyền Canada sẽ cấm tất cả nghiên cứu của các nhà khoa học Canada với các tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Simard cho biết chính sách này sẽ ngăn không rót tài trợ của liên bang vào các hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu về những công nghệ nhạy cảm và có sự tham gia của các nhà nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ với một số tổ chức nghiên cứu Trung Quốc. Một danh sách các viện như vậy đang được chờ đợi nhưng nó chưa từng được công khai.

Vào tháng năm, trường đại học Waterloo đã cắt đứt mối hợp tác với Huawei, Công ty Công nghệ viễn thông Trung Quốc, và thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với công ty này vào cuối năm nay.

Có một cú chuyển lớn trong hoạt động của các nhà khoa học gốc Trung Quốc, theo lời Chen. Bà nói đã chứng kiến và nghe thấy một số dự án bị ảnh hưởng, ngay cả khi không có bằng chứng nó dẫn đến rủi ro trên thực tế. Một giáo sư nói đã nộp hồ sơ xin tài trợ của chính phủ, trong dự án này có sự tham gia của một đồng nghiệp ở Hong Kong. Nơi cấp tài trợ đề nghị loại nhà nghiên cứu này ra khỏi hồ sơ mới phê duyệt. Do không có được sự đồng thuận nên hồ sơ này đã bị loại.

Không phải vô cớ mà ở Canada xuất hiện mối lo ngại về khả năng các nhà Trung Quốc mang hiểm họa cho an ninh quốc gia. Sáng kiến Trung Quốc 2018 của Bộ Tư pháp Mỹ, soạn thảo sáng kiến dưới thời chính quyền Trump, vào tháng 2/2022, đã tạo ra một không khí sợ hãi trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, và ảnh hưởng đến chính sách hiện nay của Canada.

Nỗi sợ tương tự hiện đã bủa vây các nhà nghiên cứu Canada, nói như John Price giáo sư lịch sử hồi hưu ĐH, “dưới các tình trạng hiện thời, nghiên cứu có thể sẽ không còn diễn ra được nữa. Tự do học thuật hoàn toàn bị xói mòn”.

Qiao Sun, trưởng khoa Khoa Cơ học và kỹ thuật công nghiệp ĐH Calgary, cho là các nhà nghiên cứu đang chọn dừng hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc vì sợ hãi rủi ro có thể tới với nghiên cứu của mình. Họ đang kết thúc những gì còn lại trong hợp đồng của mình và không có ý định tiếp tục thực hiện trong tương lai. Sun đã chọn không gửi đề xuất xin tài trợ nữa.

Hiện tại, khó đánh giá được hết tác động của các chính sách này. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ các chính sách của Chính phủ Canada sẽ có tiềm năng làm tổn thương danh tiếng của các trường đại học, bà nói. “Rất mất thời gian để thiết lập được quan hệ hợp tác. Nghiên cứu đường xa đang phải chịu đựng sức ép”.

Simard biết là Canada cần mở cửa cho hợp tác nghiên cứu. “Quy mô và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc khiến cần phải hợp tác nghiên cứu để giải quyết một số vấn đề của thế giới như biến đổi khí hậu, mất mát đa dạng sinh học, sức khỏe toàn cầu”, ông chỉ ra.

Tuy nhiên theo Eric Balsam, người phát ngôn Cơ quan an ninh quốc gia Canada, thì hệ sinh thái nghiên cứu của Canada cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp của nước ngoài.

Hoàng Chúc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)